5.09.2012

Về miền biên viễn

Đi thực tế các đồn biên giới về, da mình đen sạm, tóc xơ, môi khô nẻ, mệt mất đôi ngày nhưng ngày thứ ba mình ngồi vào bàn và viết, để có một chút này như món quà nhỏ tặng những người bạn mình yêu quý nơi vừa trở về trong lưu luyến và thân ái. Bài này mình gửi Văn nghệ trẻ và BBT đã cắt gọt gọn gàng in trên số Chủ nhật ngày 29-4-2012 và 6-5 -2012. Xin "khoe" cùng bạn đọc.

Về miền biên viễn

Bút ký



Lâu lắm không đi thực tế tuyến biên giới nên nghe nhà văn Thu Loan – Phó chủ tịch Hội VHNT Gia Lai alô báo có một “tour” 3 đêm 4 ngày đi thực tế sáng tác và giao lưu văn nghệ với các đồn biên phòng 731,729, 727 thuộc khu vực biên giới huyện Chư Prông là tôi nhận lời ngay, cùng đi còn có đội văn hóa tuyên truyền của Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai với một chương trình ca nhạc chuyên về lính biên phòng. Xe ngược hướng thị trấn Chư Prông, chỉ khoảng non nửa đoạn đường là đường nhựa còn hơn 70 cây số còn lại là đường đất, đường rừng xóc nảy và ngoằn ngoèo. Hai bên đường đi sâu vào rừng xác xơ, rừng cháy nham nhở, rừng tàn tạ trong những cơn nắng hắt gắt gỏng cuối chiều. Gần 140 cây số mà đi từ 13h đến 18h kém xe ca nhà binh mới thả chúng tôi xuống sân đồn 731 – đồn xa nhất và là “em út” trong hệ thống các đồn biên phòng của tỉnh.

Đồn 731 nằm lọt thỏm giữa rừng, cách xa trung tâm dân cư và mới thành lập năm 2003 nên thuộc vào diện khó khăn nhất. Đồn có 2 chốt Suối Đen và Ngầm N1. Chốt Suối Đen nằm đối diện đồn 703 thuộc lực lượng cảnh sát và chốt 43 lực lượng quân đội của Campuchia. Ngầm N1 sát xã Ia Lốp huyện Ea Sup tỉnh Đăk Lăk, cách giữa hai tỉnh là sông Ia Lốp tuyệt đẹp. Nhưng nó chỉ đẹp, thơ mộng và hiền hoà vào mùa này thôi chứ mùa mưa sông trở nên vô cùng hung dữ và nguy hiểm, nước dâng cao, cuốn trôi tất cả những gì nó đi qua, làm hư hại nặng nề các tuyến đường tuần tra biên giới để rồi khi tan lũ cán bộ chiến sĩ đơn vị lại phải gồng mình sửa chữa gia cố lại những đoạn đường bị phá hỏng nặng nề. Đồn thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ 10,5 km đường, đoạn biên giới đang trong quá trình phân giới cắm mốc và còn quản lý địa bàn 2 làng: Làng Thanh Niên lập nghiệp với gần 100 hộ và làng Suối Khôn chủ yếu là đồng bào Jrai, với 58 hộ Đồng bào chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống rất khó khăn, quanh năm suốt mùa chỉ trông vào một vụ lúa và ngô lúc mùa mưa. Mỗi mùa mưa đến việc đi lại không kể hết vất vả, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mùa khô nắng nóng kéo dài hoa màu không phát triển nổi, chăn nuôi cũng không hiệu quả, rồi y tế, giáo dục, văn hoá… cái gì cái khó cũng thiếu. Với bà con nhân dân nơi đây các anh bộ đội biên phòng thực sự nơi để gắn bó chia xẻ vui buồn gian khó.

Năm 2009 tôi đã có chuyến công tác lên đồn cùng đoàn CBNV Siêu thị Co.opmart Xa lộ Hà Nội từ Sài Gòn về thăm đơn vị ngày truyền thống bộ đội Biên phòng 3/3, đây là đơn vị kết nghĩa của đồn nhiều năm nay và cứ ngày tháng này hàng năm họ đều tổ chức mang quà về thăm và giao lưu văn nghệ, thể thao với anh em đơn vị. Những tình cảm kết nghĩa như vậy động viên người lính biên phòng rất nhiều, giúp họ thêm vững tay súng dẻo tay cuốc bảo vệ biên cương, tăng gia sản xuất cải thiện cuộc sống nơi heo hút núi rừng. Chị Dương Ngọc Cẩm – PGĐ Siêu thị còn thường xuyên gọi điện về thăm hỏi anh em đơn vị và nồng nhiệt đón tiếp họ khi anh em có việc vào Sài Gòn. Năm nay trở lại, đồn khang trang hơn với khuôn viên xanh - sạch - đẹp, mới nhất là một ngôi nhà gỗ có kiến trúc mái Tây Nguyên cao thoáng dùng làm nơi tiếp khách và sinh hoạt giải trí cho anh em đơn vị với 2 bàn bida. Tấm gương điển hình tiên tiến trung úy H’Win Nhơn tôi viết và thi kể chuyện năm kia giờ đã thăng quân hàm thượng úy, lên chức đồn phó quân sự. Anh đang sốt nhưng vẫn cố gắng ra ngồi tiếp đoàn. Tôi chỉ cho các anh chị em văn nghệ sĩ lần đầu lên đồn những hàng cây xoài và cây cảnh xanh tốt, đang mùa quả sai trĩu trịt quanh khuôn viên đơn vị. Vườn rau ao cá bài bản. Heo gà loanh quanh khắp sân. Rau xanh của đồn còn được các anh cắt đem cho các hộ dân gần đồn cùng ăn. Các chị em cứ tấm tắc xuýt xoa những cây xoài trái to cầm không hết tay, su su lúc nhúc trên giàn, còn các chú lính trẻ cười cười khi các chị em cứ mời nài ăn cùng: “Các chị ăn đi, tụi em ăn hoài à!”.

Chúng tôi tranh thủ đến thăm CBCS đang giữ chốt Suối Đen, sắp giờ cơm trưa, tôi vào bếp “lục nồi”, một nồi cá suối nhỏ kho mục với ớt xanh giã nát rải lớp, bí xanh xếp một hàng nơi góc bếp, siêu nước đang sôi. Vẫn biết đội nào trong đơn vị cũng tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn nhưng vào mùa khô này trên biên giới để có được luống rau, hàng ớt, hom bí... nhọc nhằn biết bao. Sông Ia Lốp cách đó độ cây số nhưng nước sông chỉ dùng để tắm rửa và dẫn về tưới tiêu chứ nước uống vẫn phải dùng nước mưa hứng bể một cách thật tiết kiệm mới đủ và các nhu yếu phẩm đều chờ vào từng chuyến xe đơn vị về phố chở lên. Thích nhất vẫn là báo chí sách các loại để “bồi bổ trí não” nói như lính trẻ biên phòng sau mỗi giờ xong nhiệm vụ. Điện thoại sóng chập chờn nhưng dù sao cũng là phương tiện kết nối hữu ích nhất cho người nơi biên cương xa xôi với những người nơi hậu phương. Vẫn có những tình yêu lãng mạn qua điện thoại và thư của những anh lính biên phòng với các cô gái ở các trường học, nông lâm trường, nhà máy khắp tỉnh. Thiếu thốn nhiều về vật chất và tinh thần nhưng các anh vẫn ngày đêm bám chốt làm nhiệm vụ tất cả vì bình yên biên giới. Trung tá Nguyễn Trung Đạt người 15 năm công tác ở đồn 729 vừa mới chuyển về 731 làm chính trị viên được hơn 3 tháng nói rằng dù còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ chiến sĩ đồn 731 quyết tâm khắc phục những khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất hiện tại để cùng nhau triển khai thực hiện đồng bộ các công tác biên phòng và sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết tốt mọi vụ việc xảy ra, ổn định giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Người lính luôn sẵn sàng sống, chiến đấu, lao động và bảo vệ Tổ quốc. Vì với bộ đội biên phòng bao giờ và trên hết “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Khi ngồi viết những dòng này tôi vẫn còn vướng vất cảm giác bàn tay anh bắt chặt lắc lắc, người của thế hệ các anh là vậy chất lính như thép tôi trong lửa, càng già càng đanh. Với riêng tôi anh còn là một “chiến binh già” yêu thơ đắm đuối.

Tôi đã có một bữa ăn trưa bên dòng sông Ia Lốp nhớ đời, lần đầu tiên và cũng đặc biệt giữa những người lính quân hàm xanh trên đồn biêp phòng 731, chúng tôi nhóm củi bắc đá làm bếp nấu cơm, cá bằng hai ngón tay vừa vớt lên từ sông, nhặt lên vỉ, than cời đều, quạt nhẹ, lật giở vài phút đã có ngay món cá suối nướng, cá nóng hổi cuốn với lá lộc vừng non chấm muối ớt ăn ngon không thể tả. Chị Phan Lan Hương – nguyên PTV, BTV đài Phát thanh truyền hình Gia Lai, giọng ngâm thơ truyền cảm của Hội VHNT tỉnh xúc động vừa ngồi quạt lửa vừa ngâm luôn bài thơ “Quê hương” của Giang Nam bên bờ sông chang chang nắng, nghe chị ngâm thơ nhiều rồi nhưng hôm ấy bên bờ sông chẳng sáo đàn dìu dặt đệm kèm mà tôi thấy hay lắm, đọng lắm. Từ cán bộ đến chiến sĩ ngưng lặng nghe và ngắm say sưa, ngày trẻ chị từng đẹp nổi tiếng, giờ 53 tuổi mà nét còn rất mặn mà. Mỗi người một tay bữa cơm dã chiến ngon lành dọn lên có đủ món mặn gà kho, canh rau cải và mắm tiêu, ớt xanh của vườn đồn. Một nồi cơm quân dụng bốc khói, rượu gạo trong vắt chuyền tay nhau, bao chuyện nhà chuyện việc, bao tâm tư tình cảm đồng đội vợ con quê hương phơi bày tâm tình, chính trị viên Đạt xung phong đọc một bài thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật – tôi không nhớ trọn vẹn tên của nó, chỉ biết đó là một bài thơ anh cắt từ tờ báo nào đó đã ố màu, cất trong ví và lâu lâu lôi ra đọc. Bài thơ viết về tình yêu lính, trong đó người con gái là cô giáo và giữa những giờ nghỉ tiết cô ấy lại nhớ về người tình nơi biên cương xa xôi. Trong cái vòm cây xanh mát rượi, dưới kia sông trôi chảy rầm rì, chúng tôi vừa ăn uống, đọc thơ, hàn huyên và đàn hát. Lưu luyến mãi cũng phải chia tay, xe ngược đường tuần tra biên giới bon bon, nắng táp vào mặt rát rạt, mồ hôi rịm lưng, nóng đến nỗi rất mệt và buồn ngủ mà không thể chợp mắt. Gần tiếng đồng hồ chúng tôi tới đồn 729. Đêm nay đoàn ngủ lại đồn này và có một chương trình thơ nhạc đặc biệt tặng những người lính đồn Ia Mơr ngày đêm bám núi rừng, canh giữ đường biên, cột mốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bằng mọi giá gìn giữ bình yên địa bàn. Riêng tôi đây là lần đầu tiên lên đồn này.

Chúng tôi đến đồn 729 gần cuối giờ chiều, nắng nóng hầm hập, từ xa thấy cổng đồn phấp phới lá cờ đỏ sao vàng, mấy anh chị em đội văn hóa tuyên truyền bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đi cùng bỗng reo lên: Về nhà rồi! Chúng tôi ngước nhìn lá cờ Tổ quốc reo vù vù trong gió lòng dâng lên một niềm khó tả. Trung tá Lê Xuân Kế - phó đồn trưởng quân sự đón chúng tôi nồng nhiệt. Trong khuôn viên đồn từng nhóm CBCS đang chơi bóng chuyền, tưới nước cho cây cảnh, hoa cỏ và dọn dẹp sân bãi. Thấy đoàn đến các anh em ríu rít hỏi chào, chạy đến phụ giúp mang đàn, loa, hành lý xuống. Tôi quê đất Tổ vua Hùng, đến đồn nào cũng lân la hỏi có đồng hương Phú Thọ không. Ở 729 có một sĩ quan trẻ dân quê tôi, tranh thủ trước khi ăn tối, tôi tìm gặp Nguyễn Quang Công, thượng úy - phó đồn trưởng nghiệp vụ, Công sinh 1980, 13 năm quân ngũ, mới về nhận công tác tại đồn một tháng sáu ngày. Đồng hương gặp nhau rất quý, giọng quê không đổi, mến thương như bạn cũ. Biết chúng tôi quan tâm nhiều đến tình hình ANCT và TTATXH trên địa bàn đồn quản lý em chậm rãi chia xẻ công việc của những người lính biên phòng đồn 729.

Đồn đứng chân trên địa bàn xã Ia Mơr gồm 4 làng H’Náp, Khôi, Krông, K’Lả. Hơn 70% dân cư ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, thời gia gần đây có một vài doanh nghiệp lên khai hoang trồng cao su và có thêm công trình thủy điện Ia Mơr nên dân số gia tăng và nhiều thành phần hơn. Việc chính của em và Ban chỉ huy đồn là chỉ đạo đội trinh sát phòng chống các loại tội phạm xâm phạm ANQG và đội phòng chống tội phạm về trật tự ATXH khu vực biên giới. Có thể nói địa bàn đồn phụ trách là địa bàn ổn định vì Ia Mơr là xã anh hùng, nhân dân luôn tin Đảng, Nhà nước, yêu qúy‎ tôn trọng bộ đội biên phòng nên tinh thần phối hợp bảo vệ giữ gìn an ninh biên cương rất tốt. Chỉ cần có người lạ vào làng là đồng bào lập tức đi báo với đội công tác địa bàn ngay, trong năm cũng có vài vụ trộm cắp vặt, gây gổ tranh chấp nhỏ giữa người dân trong xã xảy ra nhưng đều được bộ đội đồn 729 xuống tận nơi giải quyết ổn thỏa khiến dân hiểu và nghe theo. Tình cảm nhân dân dành cho lính biên phòng thắm thiết ân tình. Đồn có 1 đội công tác địa bàn ở làng K’ Lả, từ đội về đồn 16 cây số đường đất, mùa khô gập ghềnh mù mịt bụi, mùa mưa trơn lầy ngập ngụa, nhiều đoạn xe máy không đi được phải để xe lại chống gậy lội bộ là chuyện bình thường. Đội là địa chỉ thân quen của nhân dân các làng trên địa bàn, hễ làng nào có lễ hội, gia đình bà con đồng bào nào có chuyện vui, buồn hiếu hỉ đều cử người đến đội, lên đồn mời bằng được các anh bộ đội biên phòng đến chung vui hoặc chia xẻ. Ngày lễ tết bà con đều tổ chức đem quà “của nhà làm được” lên thăm giao lưu văn nghệ, thể thao với CBCS đồn. Sĩ quan của đồn có 3 người đã về làm con rể các làng đó là thiếu úy Ksor Liễu, Kpă Giá và trung úy Lê ô Win. Trong đó 2 anh Ksor Liễu và Lê ô Win làm công tác vận động quần chúng nên đây là điều vô cùng thuận lợi cho việc các anh tuyên truyền vận động bà con nhất là các hộ đồng bào dân tộc Jrai trên địa bàn không tham gia vận chuyển gỗ lậu, thành lập các tổ dân tự quản để giữ gìn an ninh trật tự làng bản. Các chiến sĩ trong đội vũ trang còn giúp lực lượng dân quân luyện tập quân sự, triển khai các phương án bảo vệ biên giới, phối hợp với Bộ đội Biên phòng truy quét tội phạm. Trung úy Lê ô Win người dân tộc Jrai, anh là tay bóng chuyền cừ khôi của đơn vị và của Bộ đội biên phòng tỉnh, anh cũng là một cán bộ rất xông xáo trong nhiệm vụ vận động bà con cùng phối hợp với bộ đội biên phòng bảo vệ biên cương bình yên. Anh thường cùng đồng đội đến các gia đình phân tích, giảng giải cho người dân hiểu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói rõ những tác hại của việc chặt phá rừng, vận chuyển buôn bán gỗ trái phép... Từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng 729 tịch thu được gần 100m3 gỗ các loại. Như thượng úy Nguyễn Quang Công tâm sự lính biên phòng hạnh phúc và thành công nhất là làm dân tin mình, muốn thế thì chỉ có cách làm tốt công tác vận động quần chúng, phải gần dân, nghe dân nói, nói cho dân hiểu để dân tin mà nghe và làm theo mình để cùng giữ vững an ninh biên cương.

Giỏi công tác nghiệp vụ, lính đồn Ia Mơr còn giỏi giang trong việc tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn bằng cách trồng 1,8ha các loại rau, củ, thuốc nam và hoa quả như đu đủ, cam, mít, xoài. Trung tá Lê Xuân Kế kể rằng, vùng này hồi giờ bề mặt đá sỏi cằn cỗi cộng khí hậu nắng hạn mùa khô khắc nghiệt nên việc tăng gia sản xuất rất vất vả, để trồng được rau củ và cây ăn quả CBCS phải xúc đất thịt trộn ủ phân bò cho hoải rồi san phẳng tạo độ dày 20 phân rồi mới trồng rau lên và dẫn nước từ suối về tưới tắm mỗi chiều mỗi sớm mới mới có kết quả. Nhìn khu vườn trên nền đá sỏi cằn cỗi đang vươn xanh, đơm bông kết trái mới thấy thấm thía câu thơ của Hoàng Trung Thông “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” mà thêm nể thêm qúy những người lính biên cương. Anh Kế còn khoe 3,8 ha cao su đã được 2 tuổi, 4 ha mì cho củ khá sai mỗi mùa. Năm nay đồn dự định mở rộng diện tích cao su thêm 2ha, đã vỡ xong đất, đào hố ép xanh, giờ chỉ đợi mưa xuống là đặt cây. Riêng bò, lợn lên đến gần 100 con, đàn gà gần 80, chiều xuống ăn tối ở nhà sàn heo mẹ heo con, gà, chó chạy loang quăng, dụi cả vào chân người. Khói củi ngút lên từ mái tôn thấp, những luống hồng tỉ muội nở hoa chùm đỏ bậm rạp nghiêng vì gió. Khung cảnh thanh bình yên ả như thế cũng khiến người lính bớt nỗi nhớ nhà mà thực sự coi đồn là nhà, biên giới là quê hương. Anh Nguyễn Xuân - người Huế đã gắn bó với đồn hơn 10 năm, vừa làm công tác tài chính vừa làm đầu bếp chính của đơn vị mỗi lúc có khách về chu đáo với mọi người vô cùng. Thời gian ở lại một ngày đêm với các anh không đủ để tâm sự chia xẻ hết mọi nỗi niềm nhưng tôi thêm hiểu rằng để vững tâm ở đây làm nhiệm vụ giữ vững lãnh thổ quê hương các anh đã không ít người đã phải chịu những thiệt thòi lớn về tình cảm lứa đôi gia đình. Làm người yêu lính, vợ lính biền biệt xa chồng, một mình gồng gánh mọi chuyện, một năm đôi lần phép chưa kịp ấm hơi đã lại phải đi. Thế nên anh Kế bảo: Vợ chồng lính biên phòng yêu đương như tân hôn. Thích không? Thích mà ngẫm kỹ thấy thương và phục các anh thật. Xa ngái là quê nhà, là vợ con mong ngóng, xa kia là phố phường tiện nghi rực rỡ, là các cô gái da trắng má hồng... Còn ở đây chỉ rừng với hai mùa nắng mưa khắc nghiệt, với từng ấy mặt người đàn ông với nhau và bao nhiêu là nỗi nhớ khi đêm về.

Đêm xuống trời mát dần, không khí dễ thở hơn so với những cơn nắng hầm hập lúc chiều, đội văn hóa tuyên truyền Bộ đội biên phòng tỉnh và các nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hội VHNT tỉnh chuẩn bị chương trình thơ - nhạc phục vụ CBCS của đồn. Đây là lần đầu tiên những người lính nghe chính các tác giả đọc tặng mình những bài thơ về lính biên phòng và bồi hồi xúc động, các em lính trẻ xin chép vào sổ tay những bài thơ yêu thích và cũng đọc tặng lại các văn nghệ sĩ những câu thơ mộc mạc các em tự sáng tác. Thiếu úy Rơ Chăm Vắt hôm sau còn đọc tặng riêng tôi một đoạn thơ đối lại bài thơ “Biên giới yêu thương” của nhà văn Thu Loan mà chúng tôi trình diễn 3 người tối qua. Vắt cứ nhất định mời tôi một ly rượu gạo giữa trưa nóng như rang. Thì uống cho cạn tình trọn nghĩa, mấy khi đem thơ lên biên giới và được nhiều “fan” hôm mộ thế này. Ở phố đọc thơ được tặng 1 bông hoa hồng gói giấy bóng, hoa bị ép thuốc hãm nở đơ ngắc và vô mùi. Ở đồn biên giới hoa cúc, hồng trồng trong vườn đồn, hoa rừng. Cứ vừa đọc vừa nhận hoa tới tấp, hoa thơm ngào ngạt và pháo tay đều, to hơn đội hình “Chúng tôi là chiến sỹ”. Những mến thương hâm mộ ấy làm mỗi nhà văn nhà thơ, nhà báo trong đoàn tràn đầy cảm xúc và cảm thấy mắc nợ ân tình hơn khi mai chia tay về lại phố.

Từ 729 xã Ia Mơr qua đồn 727 xã Ia Púch đi non tiếng là đến dù đường đất xóc ngả nghiêng. Trung úy Đinh Tú Quyên nói: “ Mùa này đi thế này là tốt rồi đấy, chứ mùa mưa chỉ có quay và trượt thôi”. Đêm nay giao lưu với CBCS của đồn xong chúng tôi sẽ về luôn và dự kiến 1-2 giờ sáng mới đến nhà. Tôi đã từng nghe chuyện những người lính biên phòng Đồn 727 luôn hết lòng giúp dân các làng ở đây vượt qua đói nghèo, xóa bỏ những tập tục lạc hậu. Ia Púch có hơn 70% là đồng bào DTTS người Jrai, mỗi năm đồng bào chỉ trồng trỉa được một vụ lúa rẫy, số lương thực này chỉ đủ ăn chừng ba tháng. Thời gian còn lại của năm là sống nhờ rừng. Đào củ mài, hái quả, đặt bẫy, săn thú rừng... để sống qua ngày. Thu nhập bấp bênh, không thường xuyên, phong tục tập quán lạc hậu nên cuộc sống đồng bào ở đây luôn nghèo đói, thiếu thốn.

Để tháo gỡ những khó khăn trong canh tác lạc hậu, từ năm 2001, UBND huyện Chư Prông đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp phối hợp cùng xã Ia Púch triển khai mô hình trồng lúa nước tại cánh đồng làng Goòng, nhưng hồi giờ đồng bào không biết và ít tin lúa nước sẽ cho nhiều thóc, gạo nên nhiều hộ dân tại xã vẫn giữ cách trồng tỉa lúa rẫy do vậy quanh năm vẫn thiếu đói. Trước thực trạng này, đồn đã nghĩ cách giúp dân chuyển đổi từ trồng tỉa lúa rẫy sang canh tác lúa nước 2 vụ. Bắt đầu từ gia đình một lính nghĩa vụ của đồn trước đây Rơ Mah Hun. Hun hớn hở đồng ý và cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng bắt tay vào việc. Rồi nhân rộng ra các hộ của các làng. Đến giờ toàn xã có trên 2ha ruộng lúa nước hai vụ được đồng bào khai phá, cộng với 20 ha ruộng lúa một vụ do xã Ia Púch quản lý. Chuyện giải quyết cái ăn cho đồng bào đã tạm ổn… Tất cả những việc làm trên là công tác giúp dân ổn định đời sống, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu tồn tại từ lâu trong cộng đồng được nhân dân tin yêu.

Trong 3 đồn chúng tôi về thực tế sáng tác đợt tháng 3 này chỉ duy nhất 727 có đồn trưởng ở nhà vì dịp này Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đang cho các đồn trưởng đi học tập kinh nghiệm tại các đồn biên phòng khu vực phía Bắc. Có việc đột xuất nên Trung tá Nguyễn Thanh Quảng - đồn trưởng về trước. Anh tiếp chúng tôi thịnh soạn với thịt heo sọc dưa đồn nuôi và chuẩn bị ché rượu cần Krông Pa ngon đệ nhất để tối giao lưu. Tôi tranh thủ trước giờ ăn tối chạy xuống suối lội chút cho đã thèm, quê mẹ tôi cũng có con suối đẹp và rộng chừng 2 sải taynhưng lâu lắm tôi chẳng về quê ngoại, nghe kể giờ cũng đã cạn. 727 vườn tược chuồng trại quy mô, đơn vị đang xây sửa lại một số phòng, khu làm việc nên sân bãi ngổn ngang gạch tôn, xi măng. Quay về gặp thiếu tá Nguyễn Đức Hùng – CTV đơn vị, anh cũng vừa chuyển về đồn mấy tháng, chúng tôi tranh thủ nói chuyện. Đây là một đồn “khá giả” và yên ổn, tôi khen. Anh cười tâm sự: “Tình hình an ninh trên địa bàn khá ổn. Các hoạt động xảy ra trên địa bàn đều được người dân tin tưởng báo lại. Khi đối tượng xấu xâm nhập có ý đồ tuyên truyền chống phá, chúng tôi đã chủ động có biện pháp tiến hành xử lý. Mỗi năm, có hàng chục tin báo quan trọng tại địa bàn biên giới được đồng bào sớm cho biết. Nhân dân rất tin cậy và yêu quý bộ đội biên phòng. Có dân tin, dân theo mình mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được”. Chắc thế rồi vì Bác Hồ đã từng khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ khó ngàn lần dân liệu cũng xong”. Chợt nhớ ra, mấy ngày này đến đồn nào thấy cũng có câu: “ nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” - một khẩu hiệu hành động đúng đắn.

Chúng tôi đã có một tối giao lưu đầy kỷ niệm với CBCS đồn 727, công nhân các đội sản xuất của công ty Bình Dương cách đó 7 cây số nghe đồn có đoàn văn nghệ sĩ nhà báo về thực tế sáng tác và phục vụ văn nghệ đã sang tham gia rất đông. Nhạc nổi lên, hát, thơ, xoang và rượu cần chuyền nhau cang từng cang vơi đầy. Cô giáo mầm non của công ty nhỏ xinh có giọng hát cao vút cất lên “Khúc hát sông quê” khiến nhiều chàng lính trẻ bồi hồi lồng ngực. Rồi sôi động những ca khúc về lính biên phòng, về tình yêu, cao nguyên bazan... Ai biết nhảy thì ra nhảy, ai biết hát thì lên hát, ai thích xoang thì tới nối vòng, thân thiết và thương quý như bạn bè lâu ngày gặp lại. Khuya lắm chúng tôi mới chia tay, rất mệt nhưng ai cũng tràn đầy hứng khởi và có thêm những thân tình.

Pleiku 31-3-2012

HTH

5 nhận xét:

  1. Oách xà lách! Chúc mừng em gái nha. Thế mới là đi thực tế sáng tác chứ. Khao đê!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em sẽ khao nếu bác Chõe có dịp vào lại TN thời gian gần nhất.Em thích những chuyến đi thực tế, mà phải đi em mới mần được cái gì đó chứ ở nhà em rỗng tuếch. Chán lắm.

      Xóa
  2. Cho em ké với! Cùng chúc mừng HTH nha. Chúc chị luôn luôn có nhiều dịp bổ sung vitamin cảm xúc thế này nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em, chị đang tính vô Tây Ninh một chuyến. Lúc đó chị em mình dung dăng dung dẻ nhé.

      Xóa
    2. Welcome nha!
      Mong lắm.
      Em vừa cất thêm cái chòi trên ruộng trannhamy.vnweblogs.com
      rãnh chị ghé chơi nha.

      Xóa