5.12.2012

Hoang sơ đảo Hải Giang

Ông xã mình làm việc ở Công ty thủy điện Ia Ly, hôm 30-4 mấy đồng nghiệp ở cơ quan anh ấy rủ nhà mình đi Quy Nhơn chơi. Mình từng học QN 4 năm đại học, giờ cũng đang học cao học tại đây, 2 năm nay cứ mỗi năm 6 tháng 2 kỳ học dưới này nên chẳng thấy Quy Nhơn mới mẻ hấp dẫn nữa nhưng vẫn cùng đi. Chuyến đi này khá thú vị khi mình lần đầu đặt chân đến đảo Hải Giang - một hòn đảo còn nguyên vẻ hoang sơ và chỉ cách TP. Quy Nhơn 6km đường biển. Mình về viết bài này, và nó vừa đăng trên số thứ 6 ngày 11-5-2012 trên Báo Gia Lai. Mình đưa lên đây giới thiệu bạn bè để ai đến Bình Định có thời gian ghé chơi đảo này nhé.

                      

                                                         Hoang sơ đảo Hải Giang

Mất hơn 30 phút đi thuyền máy, chúng tôi ra đến đảo Hải Giang. Chiếc thuyền vừa dùng chuyên chở hải sản vừa tranh thủ chở khách du lịch khi rảnh rỗi nên không có ghế ngồi và chỉ có 6 cái áo phao. Cả đoàn gần 20 người lớn bé chênh vênh trên mạn thuyền, thành thuyền, máy nổ pạch pạch lướt sóng ra đảo. Sáng, biển lặng nhưng vài lúc sóng dồn nhau làm thuyền chao mạnh, nước bắn cả vào khoang, tôi nót tim. Không phao, bờ xa, biển sâu thăm thẳm, 90% nam nữ trên thuyền dân phố núi, bơi lội loằng ngoằng. Nghĩ đến đó tôi không dám nghĩ tiếp, mắt nhìn những gờ đá tuyệt đẹp dọc đường ra đảo và bức tượng hoàng đế Quang Trung uy nghi đứng trên đỉnh núi một tay giữ đốc kiếm một tay chỉ về đất liền, lòng thấy bớt bất an. Đảo Hải Giang cách TP. Quy Nhơn 6km đường biển, nằm lọt thỏm giữa muôn trùng sóng nước, chỉ rộng khoảng 120ha với khoảng 500 dân sinh sống, đảo thuộc thành phố Quy Nhơn nhưng 80% dân làm nghề biển. Nhìn những ngôi nhà lụp xụp, rải rác dọc mép biển phần nào hình dung đời sống vật chất và tinh thần ở đây còn rất thiếu thốn, khó khăn.

Tôi là một khách du lịch lần đầu đến đảo thấy đảo đẹp hoang sơ. Nghe nói tỉnh Bình Định đã có dự án làm khu du lịch sinh thái ở đây nhưng lâu rồi vẫn chưa thấy tiến hành. Dân vẫn đang sống trong chờ đợi vì liên quan đến việc di dời và đền bồi. Thuyền cập bờ, chủ thuyền buông neo, giằng dây, cánh đàn ông to khỏe bế trẻ con, phụ nữ xuống. Dịch vụ ăn uống ngoài này chẳng có gì nhiều, đa số khách tự mua đem theo từ phố. Ở đây có vài hàng đồ ăn biển dân mở theo mùa. Các loại hải sản tươi sống sẵn trong thùng, xô, chậu, vại, khách chọn cân xong tự tìm vị trí có bóng mát thuê bạt ngồi, tự lấy chén bát, tự nướng đồ ăn. Trừ mấy món cháo, luộc, hấp thì chủ quán phục vụ còn lại những món nướng khách tự làm. Lâu nay ở phố, cái gì cũng ngăn nắp sạch sẽ, đến con cá ngoài chợ sáng đi mua người bán cũng cạo vảy, moi ruột cắt khúc sẵn cho chỉ việc đem về rửa sạch là bỏ nồi đặt bếp gas nấu nên giữa không gian đảo trưa nắng nóng chang chang, lá khô ram ráp dưới mông, cát bỏng chân, biển vỗ sóng sát bên, gió chẳng đủ khô mồ hôi đang ròng ròng mặt và lưng... cảm giác thật khác biệt. Khói than thơm mùi tôm, cá tươi nướng. Gia vị đơn giản là muối bột và mì chính với nhúm tiêu giã còn lổn nhổ. Quạt, thổi, lật, giở vài lần những con tôm bằng hai ngón tay dần đỏ au, nóng hổi, thơm phức. Chín con nào ăn luôn con nấy, chấm chút muối hột giã nhuyễn cùng ớt chỉ thiên non. Ngon tuyệt. Tiger bia và đồ nhắm ngon và những cô gái tây, ta áo tắm rực rỡ nô đùa dưới nước biển xanh như ngọc. Lũ trẻ con ngủ ngon lành trên những võng mắc chi chít giữa các thân cây, nắng rọi cả vào mặt, mồ hôi bết tóc, cổ và tay chân dính đầy cát và lá phi lao... Cuộc sống hiện đại chong chóng lo toan mưu sinh, sau bao bề bộn căng thẳng mệt mỏi cần lắm những ngày nghỉ như thế, về với thiên nhiên hoang sơ, mộc mạc như tuổi thơ đồng bãi ngày nào. Chợt nhớ có đứa bạn kể, thằng con 4 tuổi thấy các bạn trong lớp khoe về quê nội, nó về nhà nằng nặc đòi mẹ về quê. Bạn thở dài: Về quê bây giờ y phố mình đây khác gì, còn đâu ruộng đồng thẳng cánh cò bay nữa, ruộng lấp xây khu công nghiệp rồi. Sông cạn, cầu bê tông vắt ngang rồi, còn ai làm nghề chèo thuyền nữa đâu... Thằng bé đòi chán, sáng sau ngủ dậy bạn hứa lèo: Ngoan, sang năm mẹ cho về quê bạn mẹ. Nó thích xem cua, bạn ra chợ mua cho 5 lạng về đổ ra chậu, lấy chiếc đũa chơi chán, hai vợ chồng đem vặt, giã làm luôn món canh mát bổ cho bữa trưa. Năm nay Pleiku mình nóng bất thường. Bạn than thở. Tôi chợt nghĩ, quê tôi giờ cũng thế và thời tiết biến đổi đúng thôi, than làm chi. Rừng còn đâu nữa mà mong khí hậu ôn hòa.

Dân đảo cũng chỉ vài hộ bỏ vốn kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch mấy dịp lễ tết, chứ còn lại đều bám biển sinh nhai. Ngày bình thường khách chẳng mấy ai tới đây, dân Quy Nhơn càng ít ra, lâu lâu mới có vài nhóm tổ chức picnic sang đây thì cũng mang đầy đủ mọi thứ, chẳng cần mua của mấy hàng bên này vì ngại đắt. Nói là đắt nhưng cũng chẳng hơn mấy ngàn nhưng tâm lý người mua vẫn bị chi phối thế nên mấy chủ quán bên này buôn bán cũng chập chờn. Quán hàng chỉ là những mái che tạm bợ, bạt, võng cũ kỹ. Thú vị nhất ăn uống no say xong, ngồi nghỉ tí chút xuôi bụng là ào xuống tắm. Lên bờ có cái giếng nước sâu vừa độ, gàu nhựa thả múc rầm rầm dội từ đầu xuống chân, cứ để ướt nhẹp thế ngồi trò chuyện hoặc dựa lưng vào gốc cây, con thuyền nào đó ngủ vạ vật tí rồi dậy lại tắm. Sau chuyến ấy về da ai cũng đỏ rám, sẫm màu khỏe khoắn. Trẻ con tắm biển về da dẻ sạch rôm sảy ngứa ngáy. Chiều, thủy triều xuống, chủ thuyền nhờ chủ quán lấy thuyền nhỏ chở khách đưa ra thuyền lớn. Sóng to hơn vì đã thấy nhiều gió. Bãi biển đảo Hải Giang dưới hoàng hôn thật đẹp, du khách cũng đang lục tục lên các thuyền trở về cảng Quy Nhơn. Tôi bấu vào cánh tay rắn như gỗ lim và đen bóng của chủ quán, trai vạn chài suốt ngày sóng nước, màu da và cơ thể đẹp mạnh mẽ. Bàn tay to thô vì phải chèo, kéo, giằng giựt với mái chèo, lưới vó và sóng nước. Anh thiệt thà hẹn: Năm sau có dzìa gọi điện hẹn trước tui để đồ ăn ngon cho. Gật gật đầu, giơ tay tạm biệt. Lại chợt nhớ hình ảnh bà cụ thôn đảo Hải Giang tất tả chạy về lấy cái chiếu ra cho thuê giữa trưa, rồi ngồi chờ nhặt mấy lon bia, nước ngọt chỗ chúng tôi ngồi. Cái bánh mỳ ngọt tôi đưa mời bà ăn và cả chai seven up bà cắp nách. Bảo để dành cho cháu ngoại. Ôi những người bà Việt Nam. Giờ bà đứng kia vẫy vẫy. Tôi bảo chồng: Em ước gì mình giàu nhất thế gian...


                                                                                                                                             HTH





8 nhận xét:

  1. Một chuyến ra khám phá đảo thú vị đấy chứ. Choẽ anh cũng chưa được ra đảo bao giờ đâu. Bài viết sinh động. Đúng là đi thực tế có khác. Chúc mừng em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đi đảo rất thú vị nếu bác không sợ sóng. Tắm biển ăn hải sản và nhiều thú vị khác, anh em ta dân miền rừng núi lúc nào cũng thích về biển, đảo. Có thời gian rảnh nên đi vài chuyến cho nó mát mẻ bác ạ.

      Xóa
  2. Chờ chị hth!
    Chị đi nhiều viết khoẻ, cái nào cũng hay cũng thích cả. Thơ văn đều lách. Chúc mừng chị. À, thông báo chị biết nha, em lập quán thơ mới địa chỉ là http://trannhamy.vnweblogs.com. Nhà cũ trở về nguyên trạng http://phidongha.blogspot.com. Mong chọ thường xuyên đến thăm nhà chúng dm nhé. Trân tọng.

    Trả lờiXóa
  3. Em vẫn thường xuyên theo dõi báo Gia Lai và được đọc nhiều bài của chị. Vừa là thưởng thức vừa là để học hỏi văn phong của chị đấy. hihihi...Em cũng bày đặt bon chen gởi ít bài nhưng k đc, chắc vì e còn kém quá - Buồn! Em chúc chị ngày càng xinh đẹp và có thêm thật nhiều tác phẩm hay chị nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn lời khen của em, đừng nản thế, tiếp tục viết và gửi về BBt Báo Gia Lai, đọc báo để học cách viết em ạ. Không ai giỏi từ đầu phải từ từ "cháo mới nhừ". Chúc em lần sau sẽ có bài đăng trên các báo, tạp chí nhé.

      Xóa
  4. Gửi Hoàng Thanh Hương mến thân!
    Hôm nay đọc lại cái comment của anh trong nhà em vừa buồn cười vừa xấu hổ quá. Sai lỗi chính tả nhiều. Cũng vì cái tính nhanh nhảu đoảng nên thế. Mong em sửa lại giúp và thông cảm cho anh nha. Thành thực cáo lỗi cùng gia chủ và độc giả.
    Chúc em ngày mới nhiều niềm vui.

    Trả lờiXóa
  5. Hôm qua lại thấy mấy anh dm, thầy trò các em nhậu thơ với Tạ Văn Sĩ ở nhà nhà thơ VCH! Vui quá hề! Thèm ghê! Cho món mới lên đê!

    Trả lờiXóa