4.27.2012

Kí ức tháng Tư xanh thắm

Bài này anh Duy Danh - thư ký tòa soạn Báo Gia Lai đặt mình viết, đóng cửa ngồi buổi sáng là hoàn thành, sáng nay đi cà phê với nhà văn Trương Lệ Hằng gặp Mr. Đoàn Minh Phụng - TBT Báo Gia Lai, chú gõ đầu chê dở ẹc, cảm xúc hời hợt. Chú ấy thương "cho roi cho vọt" nên toàn chê để mình lần sau viết ok hơn ấy mà. Đây là bản nguyên gốc của mình, còn bản đăng trên Báo Gia Lai số thứ 6 ngày 27-4-2012 cắt một đoạn ngắn kể về hồi ức của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu.

 Kí ức tháng Tư xanh thắm
                                                           
Kỳ nghỉ lễ mừng đất nước giải phóng năm nay, tôi quyết định đi khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) tham quan. Tôi thường thích đến những vùng có biển hơn nhưng năm nay muốn “hành phương Nam” một chuyến để mở mang tầm nhìn và tiếp thêm năng lượng cho hành trình cuộc sống. Tôi tự hỏi: Nếu không có ngày 30-4 cách đây gần bốn mươi năm thì giờ quê hương mình ra sao? Không thể mường tượng, thật khó hình dung! Những thước phim tư liệu, nhữnh tranh ảnh tuyên truyền và cả nhưng tác phẩm văn học từ thơ ca trữ tình đến văn xuôi là những tiểu thuyết đồ sộ như “Mẫn và tôi” của Phan Tứ hay “Nỗi buồn chiến tranh” - Bảo Ninh cũng chỉ cho tôi cảm nhận rằng chiến tranh thật khủng khiếp. Có những hồi ức được kể lại trong bàng hoàng và ám ảnh suốt quãng đời còn lại với người kể như họa sĩ  Phạm Ngọc Liệu từng nhớ “ Đầu năm 1973, sau mấy ngày đình chiến cho hai bên cùng được ăn Tết nguyên đán, tôi đi vẽ ở một trận địa chốt trên sân bay Ái Tử. Cuộc giao ban trao đổi tình hình nhiệm vụ của một tiểu đội diễn ra trong phần nổi của căn hầm chữ A. Người thì ngồi trên bao cát, người ngồi trên cuộn dây bọc, người đứng dựng khẩu B40 như cầm thanh long đao... tôi ghi nhanh toàn bộ cảnh này (...). Vừa rời căn hầm ấy vài phút, một loạt pháo từ sân bay Ái Tử dội xuống trận địa của ta. Những quả đạn bội ước mở đầu năm mới đã rót chính xác xuống những căn hầm trong đó có căn hầm tôi vừa vẽ cuộc giao ban. Cả tiểu đội ấy ra đi chưa kịp ăn bữa sáng. Tôi rưng rưng nhìn lại chân ung từng người vừa phác họa. Họ là những người lính trẻ, đẹp trai, thông minh vừa rời ghế nhà trường...”. Tôi đã ầng ậng nước mắt khi đọc lại những dòng hồi ký này và xem 5 bức tranh ký họa lính trận năm 1972-1973 của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu trong bài “Quảng Trị những kỷ niệm rất đỗi thân thương” trên Tạp chí Mỹ thuật Việt Nam số tháng 4-2012. Tin rằng những hồi ức tháng Tư sẽ không thể nào quên về một thời hào hùng đã qua và sẽ là một niềm day trở không nguôi với ông khi tận mắt chứng kiến giai đoạn lịch sử khốc liệt giành độc lập, tự do của dân tộc.
Bố tôi cũng là một người lính, ông kể tôi nghe ngày ấy ở Hà Nội nơi bố đang là một quân nhân trong đơn vị trung đoàn cận vệ của Bộ tổng tham mưu. Thủ đô Hà Nội trong ký ức bố tôi ngày tháng Tư khi nghe tin giải phóng, sau khi phát thanh viên Kim Cúc - Đài tiếng nói Việt Nam đọc tin tiếng báo tin truyền từ người người này tới người khác và lan nhanh: “Giải phóng rồi, đất nước thống nhất rồi”, niềm vui khôn tả vỡ òa từ lãnh đạo cấp cao đến từng người dân thủ đô. Không biết từ đâu bong bóng, cờ, hoa rợp trời, mọi người đổ ra đường kéo nhau đi khắp năm cửa ô, 36 phố phường và kéo nhau về trước lăng Bác Hồ đứng chia xẻ niềm vui với nhau. Trên môi ai cũng câu: “Miền Nam giải phóng rồi, thống nhất đất nước rồi”. Không khí ấy kéo dài đến suốt đêm và qua tận sáng ngày hôm sau. Riêng hôm ấy, bữa ăn của những người lính bảo vệ Bộ quốc phòng được tươi hơn, mỗi người được thưởng một vại bia hơi 3 hào. Những cái ôm xiết, những cú đấm vai bồm bộp và đồng hét vang: Giải phóng rồi anh em ơi! trong cái khoảnh khắc chờ đón bao nhiêu năm khi nghe nghe tin ấy bố tôi vẫn nhớ đến bây giờ và khi kể tôi nghe lúc này để tôi viết bài, ông vẫn đầy nao nức, phấn chấn. Và ông ngay lập tức đi tìm đĩa mở luôn bài hát “ Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” nhạc Xuân Hồng và hát theo. Cả buổi sáng, không gian nhà tôi tràn ngập giai điệu bài ca giải phóng.
Tôi đang đi trên những thành phố 30-4 hôm nay đô thị loại 2 loại 3 nâng cấp xây dựng xanh - sạch - đẹp hiện đại, rồi Hòn ngọc viễn đông Sài Gòn – trung tâm kinh tế số 1 của đất nước - nơi năm 1975 ngày này, tháng này cờ hoa rực rỡ, nước mắt dâng trào vì hạnh phúc không nói nên lời: Đất nước giải phóng! Còn nơi tôi chọn làm quê hương thứ hai của mình cũng nghe kể sau chiến tranh Gia Lai – Tây Nguyên là một vùng đổ nát hoang toàn, khí hậu khắc nghiệt rừng hoang nước độc, bọn phản động Fulro quấy nhiễu, bệnh sốt rét ám ảnh từng phút giây và làm chết không ít người. Hậu quả chiến tranh nặng nề vô cùng. Nhưng từng bước một khắc phục và dựng xây, hôm nay ngay cả những người từng cầm súng chiến đấu giải phóng Pleiku – Gia Lai  gần 40 năm trước còn ngỡ như trong mơ với những đổi thay phát triển nhanh, mạnh, vững của quê hương bazan. Trước đây ít ai dám nghĩ những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng hẻo lánh có điện đường trường, trạm, phương tiện giao thông xe máy, ô tô, các vật dụng tiện nghi như: bếp ga, ti vi, máy giặt, điện thoại bàn, di động... thì nay giấc mơ đó đã thành sự thật. Cứ mỗi ngày kỷ niệm đất nước giải phóng hàng năm, từ thôn làng ngõ xóm đến trụ sở cơ quan công sở, trường học, đường phố nơi các thành thị lớn nhỏ đều tung bay cờ Tổ quốc, rực đỏ băng rôn khẩu hiệu chào mừng, rồi các hoạt động cộng đồng, văn hóa văn nghệ, thể thao thi diễn mừng đón...
Với tôi ngày giải phóng còn nhiều ý nghĩa hơn thế vì gia đình họ hàng nội ngoại tôi cả nam lẫn nữ hơn nửa đều đi bộ đội, phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam, bố chồng tôi, bác tôi, chú tôi từng cầm súng giải phóng miền Nam, có người xong nhiệm vụ giải phóng lại lên chiến trường Tây Nam biên giới đánh Tàu năm 1979 và bị thương nặng phải phục viên. Bây giờ người mất người còn nhưng ngày 30 - 4 nào nào gia đình các bác cũng sắp lễ đủ đầy cơm, rượu trắng, thuốc lào, tép kho... để cúng tưởng nhớ những người đã khuất là đồng đội của họ.  
                                                                                                             HTH

6 nhận xét:

  1. Rất hào sảng. Giải phóng miền Nam rồi! Được in báo rồi! Có nhuận bút rồi! Cảm ơn chiến thắng 30-4! Cảm ơn chuyến hành phương Nam như thật của mình! Chúc vui vẻ tưng bừng trong dịp nghỉ lễ 30-4 nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bao cao anh 300 ngàn chẵn và vui. Mai nhà em đi Quy Nhơn chứ không đi Đại Nam nữa anh ạ. Ông xã em bận trực ngày 30-4 rồi.

      Xóa
  2. Cho em chúc mừng "ké" tí nha. Nhớ hành TN hè này nha. Hihi... Mong chị lắm đó!

    Trả lờiXóa
  3. Eo, em cũng muốn được về Pleiku ngay để được uống cafe cùng chị, chứ liên tục nhuận bút như thế này, em ngưỡng mộ quá chừng,còn chị thì ví đâu mà cất "xiền" nhỉ????

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xiền chị mua vàng hết rùi em cưng, khi nào về Pleiku mình thì alo nhé, chị mời cape Tom nhà chị, thơm ngon tuyệt hảo đen - sữa đều 7.000đ/ly. he he quảng cáo tí. Chúc em vui nhiều.

      Xóa