9.19.2011

ẤN TƯỢNG CÁC NHÀ VĂN TRẺ.

Hoàng Thanh Hương
    ẤN TƯỢNG CÁC NHÀ VĂN TRẺ.
Tôi đã có một cuộc hội ngộ với những người viết văn trẻ tài năng trên cả nước với Di Li, Vi Thùy Linh, Phạm Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Niê Thanh Mai, Trịnh Sơn… Chỉ trong mấy ngày, chúng tôi đã tạo được mối đồng cảm, chia sẻ, gần gũi với nhau. Có những người được tham dự Hội nghị viết văn trẻ đến lần thứ hai đã thốt lên rằng, đây là Hội nghị đầy ấn tượng và để lại nhiều kỷ niệm nhất. Các cây bút trẻ đã đến với Hội nghị, đến với nhau trong không khí chân tình và nống ấm ngay từ những giây phút đầu tiên được đón tiếp tại trụ sở Hội Nhà văn, ngày 7 tháng 9. Hầu hết chúng tôi mới chỉ biết nhau qua sách báo, điện thoại, thư điện tử, nhưng khi gặp thì giống như những người bạn lâu ngày gặp lại. Chợt nghĩ đó chính là sức mạnh của văn chương. Bởi văn chương chính là sản phẩm được tạo ra từ những giá trị nhân bản, đã đưa những tấm lòng, tâm hồn đa mang, nhạy cảm lại gần nhau một cách dễ dàng hơn.
Từ hội nghị tôi đã vô cùng nể phục những người bạn viết cùng thời với mình khi được lắng nghe họ bày tỏ quan điểm sáng tác, những nhận định đánh giá về văn chương đương đại nước nhà. Tôi đã nói với Nguyễn Thị Thúy Ngọc thạc sĩ, dịch giả, giảng viên tiếng Trung - Học viện Quản lý Giáo dục rằng: “Tớ tựu hào vì được làm bạn với Ngọc” ngay khi cô ấy phát biểu xong trở về chỗ ngồi.  Sinh năm 1979, 10 năm qua Ngọc đã dịch  hàng chục tác phẩm từ tiếng Hán sang tiếng Việt như tuyển tập Truyện cực ngắn Trung Quốc, tiểu thuyết “Sẽ có thiên thần thay anh yêu em” của Minh Hiểu Khê , “Phấn hoa lầu xanh” tiểu thuyết của Tào Đình và nhiều  truyện dịch như “Chuyện hai con vịt” ,“Mặt trời mọc ở phía tây”  đăng trên tạp chí “Văn nghệ quân đội”, tuần báo “Văn nghệ” của Hội Nhà văn Việt Nam được bạn đọc yêu thích. Trong bài tham luận phát biểu tại hội nghị có tiêu đề “Phấn đấu trở thành một nhịp cầu hữu nghị giữa các nền văn hóa/ văn học trên thế giới” Thúy Ngọc khẳng định: Dịch thuật là một công việc khó nhọc, phải say mê, “phải đánh vật với từ điển” phải yêu con chữ lắm thì mới có thể làm được công việc này. Để làm tốt công việc chuyển ngữ, người dịch không chỉ phải nắm vững thứ ngôn ngữ gốc mà còn cần phải giỏi ngôn ngữ đích, tức là tiếng mẹ đẻ. Với văn chương cô vô cùng yêu thích nhưng chỉ dám nhận mình là một kẻ ngoại đạo. Ngọc đang làm một công việc lặng lẽ là chuyển ngữ những tác phẩm từ ngôn ngữ tiếng Hán sang tiếng Việt. Và như Thúy Ngọc nói thì đã làm công việc dịch thuật là mặc nhiên gắn mình với một trách nhiệm xã hội. Một dịch giả, sau khi chuyển ngữ một tác phẩm, giao cho nhà xuất bản, nhận thù lao, như vậy chỉ hết trách nhiệm ràng buộc về mặt giấy tờ văn bản hợp đồng. Còn cái trách nhiệm vô hình mà hiện hữu lâu dài, nếu không muốn nói là vĩnh viễn, vẫn đè nặng và đi theo người dịch đó chính là trách nhiệm trong từng câu chữ, từng thông điệp mà tác phẩm dịch muốn đem lại cho độc giả, cho xã hội. Từ tâm sự này của nữ dịch giả trẻ cho thấy mỗi người cầm bút trẻ đã thực sự suy ngẫm và trăn trở, có trách nhiệm với cuộc sống, với nghề viết.
Tôi cũng rất tán đồng với ý kiến của nhà lý luận phê bình, thạc sĩ Hoàng Đăng Khoa, tác giả các bài phê bình đáng chú ý gần đây như: "Cánh đồng bất tận từ ba góc nhìn: hậu hiện đại, phân tâm học và nữ quyền luận", "Kiến trúc hậu hiện đại trong Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương", "Những ám ảnh hiện sinh trong Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung"… đăng tải trên các tạp chí Văn nghệ Quân đội, Thơ, Nhà văn, Sông Hương, Nhật Lệ, Văn nghệ Gia Lai, Văn nghệ Bình Dương… Anh sinh năm 1977, hiện đang dạy học tại Quảng Bình. Khoa thẳng thắn bắt mạch phê bình trẻ và theo anh, văn học đích thực trước sau vẫn tràn ra từ thẳm sâu những cái tôi thấm đẫm đời, thấm đẫm cảm thức đương đại. Không phải chỉ khi nào nhà văn trẻ thay nhà báo, nhà làm phim lao vào những điểm nóng như PMU18, bô-xít Tây Nguyên, Vinasin, biển đảo, vàng bão giá… để “đại tự sự” thì tác phẩm của họ mới mang "hơi thở thời đại", và họ mới hoàn thành "trách nhiệm xã hội" của mình. "Trách nhiệm xã hội" của nhà văn trẻ, đơn giản chỉ là anh ta phải viết được những tác - phẩm - tử - tế theo cách của người trẻ để khách tri âm có thể tạm trú linh hồn đôi lúc đôi khi. Hoàng Đăng Khoa còn chỉ ra bệnh “bác nhưng không uyên” của các nhà phê bình trẻ vì họ nhiều lúc ôm đồm, phô trương; họ đọc nhiều, biết rộng nhưng chưa mấy người lựa chọn cho mình một lĩnh vực để chuyên sâu, tạo dựng được thương hiệu theo kiểu các nhà phê bình thế hệ trước. Quả thực, Văn học trẻ Việt đang là một vấn đề thời sự. Để đời sống văn học trẻ vận động theo hướng tích cực nhất, chuyên nghiệp nhất, không thể thiếu vai trò của các nhà phê bình nói chung, các tác giả phê bình trẻ nói riêng.
          Nữ tác giả của 2 tiểu thuyết “Hoàng tử và em”, “Giám đốc và em” Phạm Phú Uyên Châu (Meggie Phạm) đến từ Huế đã phát biểu rất hồn nhiên, chân thành mà thẳng thắn khi đưa ra vấn đề về cách cảm, cách nghĩ của bản thân mỗi khi cầm bút. Cô sinh viên năm III tổng hợp văn, đại biểu trẻ thứ nhì của Hội nghị này khẳng định: “ văn chương phải đem lại hạnh phúc cho con người”.
          Còn rất nhiều những phát biểu ý kiến, những đóng góp thẳng thắn, cởi mở xây dựng, chính xác tâm huyết mà các nhà văn trẻ như: Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn  Xuân Thủy, miên di, Hoàng Chiến Thắng đã nêu lên tại hội nghị, hay những tâm sự thân tình cùng nhau bên lề. Song tôi đã nghe, đã thấm thía và thực sự ấn tượng về họ - những người viết trẻ cùng tuổi với mình, nhỏ hơn vài tuổi nhưng nội lực sáng tạo và ý thức trách nhiệm với nghề thực tràn đầy và rất chân thành.Vậy là Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII đã kết thúc. Vậy là 5 năm nữa các cây bút trẻ mới có cơ hội để gặp nhau, và sẽ có nhiều người không còn tham dự nữa vì quá tuổi, nhưng những ngày đầu tháng 9 của năm 2011 này sẽ là những ngày khó quên trong mỗi cây bút trẻ hôm nay. Trở về với cuộc sống đời thường với biết bao lo toan, vất vả, cặm cụi, cô đơn, nhưng nó lại là đòn bẩy cho ngòi bút của mỗi người. Và hy vọng các nhà văn trẻ sẽ đem đến cho văn học nước nhà những hơi thở mới, có giá trị trong thời gian không xa xôi.
                                                                                            HTH











1 nhận xét:

  1. Đi ngày đàng học sàng khôn. Gặp toàn bạn viết oách si mo thế này về HTH sẽ đầy cảm hứng để tung bút. Chúc thành công nha.

    Trả lờiXóa