NGÀY BÌNH THƯỜNG TRỞ LẠI
(Đọc “Ngày bình thường trở lại”,
truyện & ký, Hoàng Thanh Hương,
NXB Hà Nội, 2019).
“Ngày bình thường trở lại” là tên
tập truyện kí mới nhất của nhà văn Hoàng Thanh Hương, do nhà xuất bản Hà Nội
phát hành quý 2/2019. Đây là tập sách đánh dấu sự trở lại của tác giả sau những
bề bộn công việc riêng không liên quan đến sáng tác văn học của mình.
Có
lẽ thân phận người phụ nữ luôn nỗi ám ảnh trong các tác phẩm của Hoàng Thanh
Hương, mà họ không phải là những người đàn bà bình thường, họ là những bóng
hồng, là những hồng nhan thật sự. Những người phụ nữ là
tâm điểm của cả mười truyện ngắn, mỗi người một thân phận, mỗi quan điểm sống,
mỗi một trở trăn về tình yêu của bản thân mình. Không quá nhiều lời cho những
tâm sự, chỉ cảnh nối cảnh bày ra, chỉ người nối người và các quan hệ của những nhân vật ấy
đã tự nói lên cái đa đoan, trầm luân của những đàn bà sinh ra với mặn mòi nhan sắc, lồ lộ tài năng. Nhan sắc
là một lời
hứa hẹn cho một người đàn bà trước
những người đàn ông, nhưng nhan sắc đâu thể đảm bảo cho
một người đàn bà một đời sống an nhàn và hạnh phúc mãi mãi, câu ca dao tự nghìn xưa vận lại “Thân em như giếng giữa đàng, người sang rửa
mặt, người phàm rửa chân”. Xinh
đẹp như Chi (Ngày bình thường trở lại),
con dâu nhà tướng, công việc ổn định, chồng là công tử đẹp trai, sống riêng nhà,
không phải chịu cảnh con dâu mẹ chồng, người đời nhìn vào phải ao ước mà nàng cũng
không tròn phận, phải để cho giấc mơ đi lang thang đến bên người đàn ông khác.
Để cho những Ngọc, Thơm, mụ, chị, hay nàng cũng đều phải dang dở trong nỗi
riêng mang mà nhan sắc, cá tính mang lại. Lắm người nhòm ngó, lắm người để ý
thì sao, những nhân vật trong các tác phẩm của Hoàng Thanh Hương chỉ mong có
một tình yêu bền chặt, chỉ một tình yêu của riêng họ, thuộc về họ như một phép
tính đơn giản một cộng một mà khó có thể bằng hai.
Những nhân vật trong truyện ngắn của
Hoàng Thành Hương đều là những vật trữ tình, cái trữ tình mềm mại và vút cong
đến tận cùng nữ tính, họ khao khát tình yêu, kể cả những tình yêu không tương
xứng. Những nhân vật nữ dù cho có mạnh mẽ, có tự chủ
bao nhiêu đi chăng nữa họ vẫn không thoát nổi cái vòng
luẩn quẩn về lo toan cho gia đình cái con như ngàn đời nay của phụ nữ Việt Nam, họ tự nguyện dành đời thanh xuân chăm lo cho
chồng cho con, rằng là đàn bà thì phải có chồng, có chồng
thì phải đẻ con rồi cứ thế phải duy trì tiếp ngọn lửa truyền đời, bởi cái quan
niệm bám rễ đeo đẳng những người phụ nữ này phải có con để làm một điểm tựa, để nối dõi, hay cao thượng hơn là để nối tiếp
cái tình yêu của mình, có vẻ như bi kịch số phận của những người đàn bà đều bắt nguồn từ những khát khao mong muốn tưởng như đời thường này mà ra.
Để ý kĩ hơn vào các câu chuyện, ta sẽ
thấy được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải cho các nhân vật của mình là một
kết thúc có hậu, một kết thúc viên mãn với nụ cười toàn vẹn sau những khổ đau
mà cái tài sắc mang lại. Đấy chính là
nét nhân văn và nữ tính nhất mà Hoàng Thanh Hương muốn truyền tải đến cho người
đọc, bởi cô cũng là đàn bà, một người đàn bà vốn rất bao dung, không bao giờ nghiệt
ngã với chính những nhân vật mà mình tạo ra, nên cái ấm êm, cái tươi sáng Hoàng
Thanh Hương vẫn muốn dành cho những nhân vật có tên hay những nhân vật thậm
xưng trong truyện của mình một con đường về tươi đẹp, nhân hậu như cổ tích.
Phần thứ hai của tập sách là 08 tác
phẩm kí của tác giả, có gì liên hệ giữa truyện và những bút ký này? Có đấy,
có mối dây
thân tình đó chính là tác giả, bởi tác giả cũng chính là người tự mình trải nghiệm qua những chuyến
đi mà thành nội dung trang viết. Đọc đến phần ký của nhà
văn Hoàng Thanh Hương, cái đập vào mắt người đọc chính là những số liệu, những
số liệu khô khốc đến độ nhiều người bàng hoàng “Năm 2014, xã có tổng số hộ nghèo là 359, trong đó chỉ có 66 hộ thoát
nghèo, còn thì 71 hộ cận nghèo và 34 hộ nghèo mới.” (Thương nhớ làng xa), tưởng chừng các số liệu này chỉ có ở những bản
báo cáo mang tính thời sự, hay như “ Chiều
chúng tôi đến Ayun - một xã nghèo nhất của huyện Chư Sê với 6 làng Jrai, 8 làng
Bahnar, dù được báo trước nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng bần thần trước một
vùng đất cằn cỗi với các buôn bản xác xơ như Rung Rang, Tungke 1, A Chong, Keo…
Ủy ban nhân dân xã quá 2 giờ vẫn cửa khóa, trước sân có mấy thanh niên dân tộc
ngồi trực, tóc rối bù, quần áo nhàu nhĩ, có người không nói được tiếng Kinh khi
chúng tôi hỏi thăm đường vào làng. Chờ mãi, chủ tịch xã mới vào, anh vừa đi họp
thị trấn về, lưng áo ướt mồ hôi, anh mời chúng tôi vào phòng khách, bàn ghế mờ
mờ một lớp bụi hồng, nước được lôi ra tà gầm bàn, chai nào cũng chỉ còn non nửa
màu vàng lờ nhờ.”(Chư Sê: một lần đến mà thương), nhưng có lẽ đó cũng chính
là dạng ký mà Hoàng Thanh Hương muốn hướng độc giả đến để tô đậm hơn về cuộc sống
của những người dân trong các buôn làng biên giới Gia Lai, Tây Nguyên cô đã
qua. Đây là một cách lựa chọn thông minh, nhưng khiến nhiều người cảm thấy hụt
hẫng bởi đang trôi theo chiều dài các câu chuyện kể, bỗng đụng phải vách đá về vấn
đề trạng thái dân sự như kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng và
trạng thái tinh thần như phong hóa, đạo đức của môi trường xã hội của buôn làng
Tây Nguyên, những dòng văn có thể uyển chuyển, có nhiều cách nói nước đôi để
gây nên các cách hiểu, các tầng ngữ nghĩa khác nhau, nhưng số liệu thì không
vậy, nó lạnh lùng, khô khan nhưng xác đáng và xác thực hơn. Hơn nữa, ký thường
không có cốt truyện, nên nó cho phép tác giả tham gia vào nhiều đời sống, vào
nhiều tập tục, nhiều khó khăn thực sự ở nơi nhà văn, công chức Hoàng Thanh
Hương đang sống hết sức mình với công việc và những trang viết. Đừng vì những
số liệu mà hiểu lầm Hoàng Thanh Hương viết ký như viết báo và viết cáo cáo mà
hãy đọc “Dặm dài ngọn sóng khơi xa”,
“khi tàu Trường Sa 571 kéo ba hồi còi rời
bến, người đi người ở vẫy chào nhau bịn rịn, hình ảnh đọng lại trong tôi là
những hàng lính hải quân thẳng tắp giơ tay nghiêm chào tàu, chào đồng đội, là
hai mẹ con thiếu phụ tiễn chồng tiễn cha ra đảo, họ cứ chạy theo ngước nhìn như
thâu hết vào tim óc dáng hình người đàn ông thân yêu trên chiếc tàu khổng lồ
đang chầm chậm rời đi trong chiều nắng. Tôi đã khóc cùng họ và đã hiểu phần nào
sự hy sinh cao cả, lặng thầm của những người vợ, người yêu của lính biển nơi
hậu phương...” để thấy rằng luôn có một Hoàng Thanh Hương mượt mà đến thế
trong ký, chỉ là cách mà tác giả chọn để khắc sâu hơn vào lòng người đọc những
hiện thực khó khăn còn đó nơi những làng buôn quê hương Gia Lai khác với cách
thể hiện tình cảm dành cho những người lính đảo nơi Trường Sa mà thôi.
Có
thể nói, tập truyện ký “Ngày trở lại bình thường” của nhà
văn Hoàng Thanh Hương chính là những mong ước giản dị của những người đàn bà
biết yêu, và muốn yêu, những đổ vỡ không phải là trở ngại ngăn họ tìm đến tình
yêu, mà ngược lại, nó càng thổi bùng lên trong họ cái khát khao được làm chủ
tình yêu của mình. Những người đàn bà vươn lên sống và cóng hiến cho cuộc đời
bằng tất cả trí tuệ và tâm hồn thanh xuân tươi trẻ mãnh liệt của họ trong dòng
chảy cuộc sống nghiệt ngã. Bằng lối viết mạch lạc, ấn tượng trong phần ký như
tương phản với giọng văn sắc sảo, mềm mại pha chút đa đoan trong phần truyện
nhưng vẫn nói lên những mong muốn của tác giả gửi trong những nhân vật Mị,
Ngọc: Vùng đất Tây Nguyên vẫn hiền hòa đón đợi và vẫn còn nhiều tiềm năng để
phát triển lắm, nên người đừng nên phụ đất, phụ người mà hãy tìm đến để ngày
trở lại bình thường với những nhịp sống tươi mới, hy vọng trên cao nguyên bazan…
Lê Thị Kim Sơn
Hội VHNT Gia
Lai, 24 Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku, Gia Lai
ĐT:
0966098040
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét