Pleiku: Điểm đến Gia Lai mùa khô
1. Công viên Đồng Xanh
Công viên Đồng Xanh cách quốc lộ 19 khoảng 250m, thuộc
xã An Phú, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, cách trung tâm TP. Pleiku 7km về phía
Đông Nam. Công viên có tổng diện tích 14ha được đầu tư xây dựng theo hướng khai
thác các giá trị văn hoá truyền thống của tỉnh. Công viên Đồng Xanh là khu vực
gò nổi xung quanh tiếp giáp với ruộng lúa nước, được bắt đầu khởi công xây dựng
từ năm 1996, qua nhiều đợt đầu tư xây dựng đến tháng 12/2009 đã cơ bản hoàn
thiện các hạng mục như: khu câu cá giải trí, khu phục vụ ăn uống, giải khát,
khu nhà rông, nhà mồ, nhà nghỉ, đường đi nội bộ, đài cảnh Tây Nguyên, Lầu Vọng
cảnh, cầu Kiều, cụm non bộ, khu vườn thú, khu văn hóa các dân tộc, chùa Một
Cột, Lầu Thần tài, Cầu đá Ninh Bình, sân khấu có mái che, Đền tưởng niệm các
Vua Hùng, chuồng chim trong nhà, vườn tượng, nhà Dài, kho lúa, Chiêng đồng, đài
cảnh… Đây vừa là điểm tham quan tìm hiểu về thiên nhiên, bản sắc văn hoá Tây
Nguyên đồng thời cũng là địa điểm vui chơi giải trí của nhân dân trong tỉnh.
2. LÀNG ỐP
Làng văn hóa du lịch Plei Ốp là làng Jrai duy nhất
thuộc phường Hoa Lư, thành phố Pleiku. Từ vòng xoay ngã ba Hoa Lư, đi theo
đường Cách Mạng Tháng Tám khoảng hơn 2 km rẽ trái vào đường Bùi Dự. Làng có 105
hộ với 540 khẩu, diện tích tự nhiên trên 182ha. Trong năm 2008-2009 nhiều hạng
mục được đầu tư như cổng làng, nhà rông, bến nước… Làng có nhà rông to, đẹp,
nơi sinh hoạt chung của dân làng. Bên cạnh nhà Rông là mô hình khu trưng bày
tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai mô tả đời sống sinh hoạt lao động sản xuất, vui
chơi giải trí, lễ hội, tình cảm gia đình... tạo không gian có giá trị thẩm mỹ,
góp phần quảng bá loại hình di sản văn hóa phi vật
thể tượng gỗ dân gian của hai DTTS tại
chỗ ở Gia Lai.
3.
NHÀ LAO PLEIKU
Nhà lao Pleiku nằm trên đường Thống Nhất,
cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2km về hướng Tây Bắc, được người Pháp xây
dựng vào năm 1925. Nhà lao Pleiku là
nơi giam giữ những tù thường phạm, chủ yếu là người dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên.
Đến năm 1940, Pháp dùng nơi này để
giam giữ những người cách mạng và những người cộng sản mà người Pháp bắt được. Tháng 9 năm 1948, chi bộ nhà lao Pleiku được thành lập. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đế quốc Mỹ vẫn
sử dụng nhà lao Pleiku làm nơi giam giữ tù chính trị. Lúc 17 giờ ngày 15 tháng 3 năm 1975, trong chiến dịch Tây Nguyên, những phạm nhân trong
nhà lao Pleiku đã phá ra ngoài và tổ chức một bộ phận
ra vùng ven, đón một cánh quân cách mạng từ ngã ba Trà Bá vào cùng quân dân địa
phương giải phóng thị xã Pleiku.
Ngày 12 tháng 12 năm 1994, Nhà lao Pleiku được Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 321/QĐ-BT công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.
4. CÔNG VIÊN DIÊN HỒNG
Công viên Diên Hồng nằm cuối đường Thống Nhất với diện
tích tự nhiên 95.000m2. Vì lúc hình thành, khu vực này thuộc phường
Diên Hồng, thành phố Pleiku nên công viên lấy tên là Diên Hồng. Sau ngày giải
phóng, công viên được giao cho lực lượng thanh niên xung phong thị xã Pleiku
quản lý để trồng tràm và đến năm 1994, UBND thị xã Pleiku đã lập dự án xây dựng
công viên nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí vui chơi của nhân dân trong tỉnh. Trung
tâm của công viên là một hồ nước 17.000m2 do chặn dòng đoạn suối Ia
Kring tạo thành, hồ được kè đá vững chãi, xung quanh được phủ xanh bởi những
các loại cây như thông… tạo không khí mát mẻ quanh năm. Nơi đây thuận tiện để
tổ chức các trò chơi hấp dẫn cho du khách ở thành phố cao nguyên như tản bộ,
chèo thuyền, tham quan vườn thú... Bên cạnh hồ còn có khu ẩm thực, lưu trú do
công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Gia Lai đầu tư đáp ứng nhu cầu khách tham quan.
Nằm tại trung tâm thành phố với cảnh quan đẹp, không khí trong lành, hồ Diên
Hồng là địa điểm lý tưởng để du khách lưu trú, thưởng thức ẩm thực và thư giãn.
5. Biển Hồ
Biển Hồ là tên do người Kinh
gọi hồ nước lớn trên cao nguyên Pleiku. Người Jrai gọi là Ia Nueng, người
Bahnar gọi là Tum Tơnueng. Biển Hồ nằm ở phía Bắc Pleiku, cách trung tâm thành
phố khoảng 8km về phía Đông Bắc. Đây là danh lam thắng cảnh duy nhất ở tỉnh Gia
Lai đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công
nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 1288/VH/QĐ ngày
16/11/1988. Biển Hồ là dấu tích một miệng núi lửa đã tắt từ lâu, hồ có diện
tích mặt nước 240ha, mực nước trong năm dao động không nhiều. Biển Hồ nơi cung
cấp nước sinh hoạt và nước tưới cho thành phố Pleiku và vùng lân cận. Năm 2018
Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức tại Gia Lai đầu tư công trình phục
dựng tượng Phật Quan thế âm Bồ tát tại Biển Hồ. Công trình đã đem đến diện mạo
mới cho Biển Hồ, trở thành điểm tham quan mang ý nghĩa tâm linh.
6. CHÙA MINH THÀNH
Chùa
Minh Thành tọa lạc tại số 14A đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, thành phố
Pleiku, nằm trên sườn đồi Hội Phú. Chùa
Minh Thành và chùa Minh Quang tọa lạc tại số 9/36 đường Sư Vạn Hạnh đều do Hòa
thượng Thích Giác Đạo (thường gọi thầy Năm) khai sơn và là Viện chủ. Cả hai
chùa này còn được người dân địa phương gọi là chùa Thầy Năm. Đây là công trình
mang dấu ấn văn hóa Phật giáo của nhiều vùng, miền, nhiều quốc gia Phật giáo
khác nhau. Kiến
trúc chùa Minh Thành là sự kết hợp hài hòa giữa các lối kiến trúc đặc sắc của
chùa Việt Nam như: mái chùa Một Cột; góc đao chùa Tây Phương; gác chuông chùa
Keo-Thái Bình; dàn giá đỡ mái của hậu cung chùa Bối Khê; trang trí cột kèo theo
hoa văn chạm trổ chùa Thầy và chùa Tây Phương; tượng thờ tạc theo nghệ thuật
điêu khắc trường phái chùa Tây Phương và chùa Bút Tháp, chùa Mía; mái ngói lợp
âm dương theo chùa Thập Tháp; bảo tháp xá lợi xây dựng theo bản mẫu tháp Phổ
Minh Nam Định; cổng tam quan dựng theo lối tam quan chùa Kim Liên-Hà Nội; khuôn
viên chùa được tạo dựng, sắp đặt theo lối cung điện xứ Huế chùa Thiên Mụ./.
Hoàng
Thanh Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét