2.12.2020

Có một mùa xuân thương nhớ vơi đầy 
Tác giả: Hoàng Thanh Hương (Ya Ly)
                                               
Tết lại về, những cuộc điện thoại từ đảo xa khiến tôi nhớ da diết Tết năm ngoái khi tôi được đi thực tế sáng tác tại các đảo tuyến Bắc của Trường Sa. Tôi càng nhớ hơn con tàu mang số hiệu 571 của Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân với bao khuôn mặt cán bộ, chiến sĩ đồng nghiệp thân thương trên hải trình đáng nhớ ấy ra đảo, đem chút hương vị mùa xuân đất liền đến với các cán bộ chiến sĩ và nhân dân nơi biển đảo quê hương.

Đảo Song Tử Tây là điểm đảo cuối cùng của chúng tôi trong hải trình thăm chúc tết dịp Xuân Kỷ Hợi 2019. Lệnh dừng tàu, chúng tôi tỏa ra các lan can, boong tàu để nhìn về phía đảo. Nhìn từ xa đảo như một làng quê trên biển với màu xanh mướt mắt của những cây và cây và những mái nhà đỏ màu tôn màu ngói. Tôi muốn thu vào tầm mắt hình ảnh một hòn đảo được mệnh danh là “đảo ngọc” giữa trùng khơi muôn sóng. Chúng tôi hồi hộp đợi xuồng ra đón. Cán bộ chiến sĩ ra thay quân nhận nhiệm vụ lần này tại đảo đang chuẩn bị tư trang và khẩn trương sắp xếp hàng hóa chuyển vào đảo theo mệnh lệnh chỉ huy của đại tá Nguyễn Minh Thuần - Phó Lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn Trường Sa, trưởng đoàn công tác của tàu 571 Trường Sa. Sóng êm, biển xanh lấp lánh hoa nắng, hành quân vào đầu giờ chiều nên chúng tôi hứng trọn những trận nắng gay gắt của trời, da ngứa rát, mồ hôi chảy theo dòng trên trán, cổ, lưng, trôi vào khóe mắt cay xè. Cái cảm giác sau nhiều ngày đêm lênh đênh trên tàu bồng bềnh theo nhịp lắc của sóng giờ được đặt chân lên cầu cảng, lên nền đất thật khó tả, “đi biển say sóng vào bờ say đất” là cảm giác không thể diễn tả của người lần đầu đi biển đảo như tôi. Từ xuồng lên cầu cảng là những kéo đỡ, choàng ôm thắm thiết, những bắt tay xiết chặt nồng ấm, những rưng rưng nước mắt xúc động của thủ trưởng gặp lại anh em đồng chí, của những người trai trẻ/ già lâu lắm không thấy trực tiếp dáng hình phụ nữ với hương tóc, màu da, ánh mắt dịu dàng, điệu đàng… hoa muống quấn quýt tím miên man những triền cát quanh đảo trong nắng chiều khiến đảo gần gũi, thân quen như những làng chài tôi từng đến ở Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi... tôi bất chợt quên mình đang đứng trên một xã đảo cách đất liền tính từ cảng Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa khoảng 254 hải lý (470,4km) nằm giữa đại dương mênh mông sóng nước vây quanh hai mùa khô, mưa.
 Đảo như một khu rừng nhỏ mọc lên giữa đại dương. Đảo có nhiều giếng nước lợ nên có thể dùng tắm giặt và tưới cây. Môi trường sinh thái ở đây khá thuận lợi cho nên đảo nuôi được bò, lợn, gà, trồng được rau xanh các loại tươi tốt bốn mùa. Biển cả dường như đã bao dung, ưu ái tặng cho con người nơi đây vị ngọt ngào, chân chất của đất liền, để bù lại những con sóng mạnh dội vào không ngớt bốn mùa. Đến Song Tử Tây hôm nay ai cũng sẽ rất ngưỡng mộ và tự hào vì những gì các thế hệ cán bộ chiến sĩ đã dựng xây cho đảo theo năm tháng, tôi ngước nhìn ngọn hải đăng sừng sững vươn cao như ngọn bút khổng lồ hướng lên trời, công trình này đêm đêm thắp sáng dẫn đường cho những con tàu vượt qua vùng biển đầy đá ngầm, bãi cạn và sóng gió. Trạm khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ ngày đêm cung cấp những số liệu, khí hậu, thời tiết báo về đất liền để các bản tin dự báo thời tiết có thể kịp thời dự báo chính xác vì nơi đây chính là tâm xuất phát của những cơn bão từ biển Đông. Âu tàu Song Tử Tây có khả năng chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn là bến đậu an toàn cho ngư dân các tỉnh duyên hải khai thác hải sản. Hiện nay, đảo đã có trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa, cung dầu, nước ngọt cho tàu cá của ngư dân với giá bán bằng giá trong đất liền. Từ năm 2010, hệ thống năng lượng gió và năng lượng mặt trời được đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo. Những năm gần đây, nhiều công trình đã được xây dựng trên đảo như: nhà văn hóa, khu tưởng niệm Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa, trụ sở UBND xã, trường tiểu học, nhà ở của nhân dân; bệnh xá, khu sân thể thao… Hàng năm, cán bộ chiến sĩ trên đảo làm rất tốt công tác dân vận, cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân, giúp cho hàng trăm tàu vào âu neo đậu tránh bão, sửa chữa máy hỏng miễn phí cho các tàu cá, cấp hàng trăm m3 nước ngọt, khám cấp thuốc cho từ 400-600 lượt ngư dân/năm, cấp cứu phẫu thuật nhiều ca cho ngư dân bị đau ốm, tai nạn trên biển. Song Tử Tây 2 năm nay được Quân chủng Hải quân tặng Bằng khen vì đạt "Đơn vị dân vận tốt”. Cán bộ chiến sĩ và nhân dân xã đảo với tinh thần lá lành đùm lá rách luôn chủ động quyên góp hỗ trợ quân nhân, bà con bị trên đảo bị ốm đau, thương tích và giúp đỡ gia đình các quân nhân có hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà, số tiền góp được mỗi năm gần 200 triệu đồng…
Không khí mùa xuân ngập tràn xã đảo, cán bộ chiến sĩ tổ chức thi gói và nấu bánh chưng cùng 7 hộ dân trên đảo, những chiếc bánh chưng được gói bằng lá chuối, lá dong mang từ đất liền ra và lá bàng vuông trồng dầy xung quanh đảo. Lính đảo làm gì cũng giỏi, chiếc bánh vuông vuông xinh xắn màu gạo thẫm xanh sau khi luộc được trưng trên những mâm cỗ ngày xuân thi giữa các đội với nhau thật hấp dẫn. Ai đã từng đi Trường Sa, từng ăn bánh trưng gói bằng lá bàng vuông sẽ thấy mùi vị thật khác lạ. Mùi vị ấy lính đảo gọi đùa là vị biển. Chỉ biết ăn một miếng bánh chưng nơi đảo xa, nơi mùa xuân về trên từng cánh sóng dào dạt xô bờ ngày đêm không nghỉ bên những người lính Trường Sa thì ký ức mãi khắc sâu, không bao giờ quên được.
Xuân ở đảo chẳng thiếu hoa mai, đào, quất, hồng, hướng dương, lan… chẳng thiếu bánh mứt, thịt lợn, dưa hành, câu đối đỏ. Lính đảo khéo tay hay làm, các anh em cắt dán giấy màu để trang trí bàn thờ Bác, trang trí phòng ở, phòng làm việc rực rỡ sắc màu xuân. Những thùng quà đất liền gửi ra mang dầy hương vị Tết là ăm ắp tấm lòng yêu mến thương nhớ của hậu phương với người lính đảo. Bữa cỗ cuối năm trên đảo vui không thể tả với tình đồng chí đồng đội, tình quân dân gắn bó nghĩa tình. Tôi đã thấy cả một mùa xuân rực rỡ, bình yên trong ánh mắt nụ cười của cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo Song Tử Tây hôm ấy.
Tôi nhớ những hộ dân ở xã đảo cùng các em bé khỏe mạnh và lễ phép. Chúng ríu rít bên các chị em đoàn công tác suốt những ngày ở đảo. Chúng tôi đã có một đêm văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân đáng nhớ  dưới cột mốc chủ quyền thiêng liêng giữa đảo, giữa sao trời lấp lánh, giữa gió và hơi nước ùa vào từ đại dương, giữa mùi khói nhang thơm ngát, chúng tôi nắm tay nhau ca hát và chuyện trò quên thời gian. Tôi nhớ những chị em xóm đảo: chị Bấu, em Lan, em Hằng, em Trang… tôi nhớ những khu vườn xinh xinh xanh màu rau mồng tơi, ngót, cải và đỏ căng trái ớt, cà chua. Tôi nhớ những luống rau thơm với những húng, ngò gai, răm được khéo léo che chắn dưới những tấm lưới, bao tải để tránh sương, nắng và gió, cát. Tôi nhớ bầy chó, đàn bò, dê nằm thong thả quăng đuôi dưới những tán cây bàng vuông, phi lao, phong ba cổ thụ trốn nắng… tôi hiểu một điều ở đâu có những người phụ nữ Việt Nam hay lam hay làm, chịu thương chịu khó, thủy chung nghĩa tình thì ở đó có những mái ấm gia đình hạnh phúc, có tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau, có tình yêu quê hương mãnh liệt. Em Lan nói với tôi: “Ở đây các gia đình thương nhau như ruột thịt, chia vui sẻ khó, làm được rau màu, đánh bắt được cá tôm, nuôi được gia súc gia cầm một phần ăn dùng, một phần đem biếu tặng cho mấy đơn vị bộ đội trên đảo. Các anh em bộ đội trên đảo cũng thế có gì đều chia sẻ cho các gia đình xóm đảo, tình thương mến thương vô bờ”.
Buổi chiều cuối năm, sóng yên biển lặng, mấy gia đình nơi xóm đảo bày bàn ghế ra trước ngõ, người pha nước trà, người đem đến bánh đông sương, người mang đu đủ chín, chè đậu xanh, kẹo lạc… mọi thức quà ngon nhất của mỗi nhà đều được mang ra đón khách đất liền ra. Chiều ấy, giữa sắc mây trời nước Song Tử Tây, giữa những sắc áo quân dân, giữa những âm giọng của đủ mọi miền quê trò chuyện rộn ràng vui vẻ trong không khí xuân về, chúng tôi dẫu mới gặp lần đầu mà như đã quen thân từ lâu lắm, tiếng nói cười theo gió, theo sóng lan xa…
Buổi chiều ở đảo Song Tử Tây, thời tiết khá dịu mát, tiếng chuông chùa văng vẳng, tiếng đàn guitar đâu đó tha thiết giai điệu ca khúc Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao, mấy em lính trẻ chơi bóng chuyền hò reo vang dội khi thắng bóng, bầy chó nhỏ chạy loăng quăng theo chân các anh nuôi nơi sân khu nhà ăn sạch sẽ, bọn trẻ con chơi thi chạy, hai  ông bố đứng cách đó một đoạn làm đích. Tiếng những ông bố hô hét khích lệ lũ trẻ cố gắng chạy và chạy, tiếng lũ trẻ hồn nhiên hô hét cổ vũ nhau và cười tưng bừng khi về đích… tôi có cảm giác thật yên bình, cảm giác mình như đang ở đất liền, đang ở một làng chài ven biển miền Trung.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú cùng ngôi trường khang trang dưới dăm tán cây xanh mát và những đứa trẻ trên Song Tử Tây, thầy Phú dạy bọn trẻ đủ các lứa tuổi học chữ, học làm người tốt, dạy chúng biết yêu Tổ quốc, thương người như thể thương thân, thầy Phú biết sáng tác thơ văn và đánh đàn guitar, những tác phẩm của thầy đã được nhiều báo, tạp chí đăng, đặc biệt những bài thơ viết về chủ đề bảo vệ biển đảo quê hương. Thầy kể tôi nghe hành trình thầy xin tự nguyện ra đảo dạy học với bao vất vả và hạnh phúc của một người gieo chữ từ tâm. Tôi nghe Phú đọc những câu thơ, đoạn thơ em viết về những mẹ và những người lính đã ngã xuống ở đảo Gạc Ma: lại một mùa xuân nữa/ Mẹ ngóng con trở về/ bên hiên nhà lá rụng/ hoa cau trắng đầy sân/…/ hiên ngang con của Mẹ/ tuổi hai mươi hùng dũng/ tạc dáng hình nước non. Rồi Phú ôm đàn hát cho tôi nghe bài Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long: “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”, giọng Phú thật ấm, tha thiết, đầy tâm trạng, mắt em hướng về phía biển xa xăm. Qua lớp lớp sóng biển, cách rất xa đảo là đất liền, nơi có mẹ già mắt mờ lưng còng đêm đêm mong ngóng đứa con trai duy nhất sớm về nhà cùng bà hôm sớm, nơi có người yêu của em đang đợi em về từng giây phút.
Song Tử Tây cũng là quê hương của những đứa trẻ trong sáng và mạnh mẽ, không biết đến những tiện nghi thành thị, những thiết bị hiện đại thời công nghệ 4.0. Đồ chơi là những viên đá, những vỏ ốc, san hô, lá bàng vuông, cát biển và những cua cá cha mẹ chài lưới mang về. Chúng lớn lên bằng lời ru của mẹ, lời rì rào của sóng, lời hát của thầy, lời kể chuyện của các chú bộ đội trên đảo với bao yêu thương, bao bọc nâng niu. Chúng lớn lên vô tư, yêu quý tự hào mãnh liệt về nơi chúng đang sống và lớn lên mỗi ngày.
Mùa Xuân mới lại đang về, những cuộc gọi về từ đảo xa hỏi han, mong đón. Nỗi nhớ dâng đầy trong tim. Một lần tới Song Tử Tây, bao cảm xúc và trân trọng, sau chuyến đi, tôi từng ngày biết ơn thêm những người lính hải quân không quản ngại gian khổ, hy sinh đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ bình yên lãnh thổ biên giới vùng trời vùng biển quê hương. Các anh cùng những ngư dân bám biển, cùng những cư dân bám đảo đều mang trong mình một nhiệm vụ, một sứ mệnh cao cả: Bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên vùng biển Đông hôm nay./.
                                                                                                      Nguồn Văn nghệ số 1+2/2020                                                                                             
            


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét