Thu
Bình
Bi
kịch đời thường và thân phận người phụ nữ qua cách nhìn của Hoàng Thanh Hương
Đọc “Ngày
bình thường trở lại” của nhà văn Hoàng Thanh Hương, ta bị ám ảnh bởi thân
phận những người phụ nữ thời hiện đại trong các câu chuyện. Những góc khuất,
những u ẩn, những nỗi đau không dễ gì bộc bạch phía sau vẻ ngoài sang trọng,
rực rỡ hoặc bình dị, hiền lành của người phụ nữ được Hoàng Thanh Hương lột tả
chân thực, xúc động. Qua cái nhìn của nhà văn, ta thấy người phụ nữ hiện lên
thật đáng thương.
Với 10 truyện ngắn trong tập Truyện ngắn và ký “Ngày bình thường trở lại”(NXB Hà Nội,
2019), Thanh Hương đã xoáy sâu vào nỗi đau của người phụ nữ. Chọn những thiếu
phụ, những cô gái sinh sống trong môi trường thành thị với vẻ ngoài cao sang, cô
làm nổi bật lên những trái ngang, những uẩn khúc, những đổ vỡ, những niềm tin
vô vọng của họ. Cô kể về họ như nói về những người bạn thân nên các câu chuyện
giản dị, nhân vật hiện lên rất thật, gần gũi với đời thường.
Nhân vật trung tâm trong các câu chuyện gồm hai
dạng. Một là tuýp phụ nữ hiện đại, sành điệu, ăn chơi, cà phê, quán sá, đa
tình, ngoại tình hoặc làm kẻ thứ ba. Họ thường xinh đẹp nhưng bất hạnh. Có thể
nói, đây là bi kịch người phụ nữ tài sắc trong xã hội hiện đại. Nhìn phong cách
của họ, người ta thường cho rằng họ sung sướng, đủ đầy, được chiều chuộng, chăm
bẵm. Song thực tế, họ lại là những người gặp và chịu đựng nhiều thua thiệt, đau
khổ, bất lực trong đời mà chủ yếu là trong trường tình. Ở kiểu truyện người phụ
nữ làm kẻ thứ ba, nguyên nhân của ngoại tình thường từ phía người chồng. Anh
chồng thất thế bất lực, buông xuôi trước thử thách cuộc sống, trở thành kẻ ăn
bám vợ và tự mình đánh mất ý chí khiến người vợ mất chỗ dựa vào chồng.
Ngày
bình thường trở lại - bi kịch
không chỉ của người phụ nữ mà cả ba nhân vật chính đều chịu cảnh thua thiệt,
mất mát, trong đó nổi lên nỗi khổ tâm, sự thua thiệt của Chi. Nhân vật Chi, cô
ca sĩ, vợ kỹ sư nông lâm Tùng gặp cảnh anh chồng mất việc, làm ăn đổ bể, mất ý
chí. Chi đem lòng yêu vị bác sĩ ân nhân giàu lòng nhân ái và tha thiết yêu
thương mình, hết lòng cứu chữa, chăm sóc Chi. Song tình yêu thương, sự bù đắp
tinh thần của người bác sĩ không kéo dài bởi căn bệnh hiểm ác mà bác sĩ mắc
phải. Anh chạy trốn khỏi nơi cư trú để tránh cho Chi khỏi biết bệnh tình của
mình. Được người giúp việc báo tin, vợ chồng Chi đã tìm đến nơi ở mới của anh
để thăm anh. Anh ra đi trong vòng tay Chi, trong nước mắt Chi và người thân.
Câu chuyện vừa bi thảm vừa có hậu khi Chi nhận ra tình yêu cao cả của chồng là
chỗ dựa chắc chắn nhất của đời mình dù giữa họ có rạn nứt, bất đồng, và nàng
gắn trách nhiệm mình vào tương lai những đứa con của người yêu.
Cơn mưa không dừng lại – bi kịch hai người đàn bà yêu chung một người
đàn ông. Người vợ danh chính ngôn thuận không có con, còn cô gái yêu vụng chồng
cô chủ lại mang thai sau lần hai người vụng trộm bị bắt quả tang. Kết cục người
mẹ xa con, người vợ có lại được gia đình êm ấm nhờ thái độ hối lỗi, biết cư xử
và tình yêu đối với vợ của người chồng cùng sự hy sinh tình mẫu tử của cô gái.
Bi kịch dịu lại và nhẹ đi với cuộc sống mới của hai người phụ nữ: cô gái lấy
chồng, mang thai với chồng và người phụ nữ kia bận rộn, hạnh phúc với đứa con
của cô gái – giọt máu của chồng mình.
Đẻ
thuê là câu chuyện phản ánh bi
kịch của hai người phụ nữ, một là vợ, một là người tình tồn tại bên người đàn
ông trong tư cách người đẻ thuê. Truyện kết bằng hình dạng đau yếu, giảm trí
tuệ trầm trọng của người đàn ông sau tai nạn và lá thư yêu cầu cô gái đẻ thuê –
nhân tình phải tuyệt tình, trả chồng mình về gia đình của người vợ. Nỗi cảm
thương của người đọc được dấy lên, dành cho cả ba con người trong nghịch cảnh
trái ngang.
Mộng
du - bi kịch người vợ gặp phải gã chồng nát rượu
và vũ phu. Bi kịch những đứa trẻ hoảng loạn chứng kiến những cơn điên vì say
của bố, chứng kiến và lo sợ trước cảnh mẹ chúng bị hành hạ và chính chúng cũng là nạn nhân của người cha
nát rượu, bạo lực. Bi kịch bạo lực gia đình không nhiều trong tập truyện nhưng
nó đủ làm ta thảng thốt âu lo khi sức phá hoại của cái xấu, cái ác công phá đến
từng gia đình nhỏ. Kết cục, ly hôn là con đường buộc phải xảy ra, dù đó là bi
kịch sau giải thoát.
Đi
qua ngày tháng – bi kịch người con gái, người vợ bị hạ nhục,
bị cưỡng đoạt ngay từ gia đình. Mẹ Ngọc bị bố dượng cưỡng dâm từ lúc dậy thì,
bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần phải bỏ chạy khỏi nhà. Bố Ngọc đưa tay ra
cứu vớt, đem lại cho bà cuộc sống gia đình nhưng cũng không đem lại cho bà hạnh
phúc trọn vẹn, bởi chính ông cũng bị ám ảnh, không thoát được hình bóng của
người yêu đã mất. Và rồi, bi kịch chồng bi kịch, bà bị mất chồng khi ông xả
thân cứu người chết đuối, trở thành gái góa khi mới 22 tuổi. Bà lấy chồng lần hai rồi lại bị góa lần hai
sau khi tai nạn đổ ập xuống người chồng hiền lành chịu thương chịu khó. Sau vụ
đó, bà biến thành người bất chấp, mở quán bia ôm, tuyển tiếp viên và quan hệ
với người đàn ông phố thị. Ngọc xinh đẹp và có mối tình đẹp với chàng trai tên
Khôi. Để thay đổi thân phận con gái, mẹ Ngọc đã nhờ cậy lão tình nhân lo cho
Ngọc được học nghề. Cô lên phố học chuyên nghiệp, bị lão người tình của mẹ
cưỡng bức, xâm hại. Rồi cô bắt gặp người yêu phản bội mình. Trong tuyệt vọng,
cô chấp nhận cuộc tình với Tiến, người đàn ông đơn giản và thô thiển đã giúp đỡ
mình. Học xong, Ngọc rời bỏ Tiến lên Tây Nguyên tìm việc làm, mở cho mình hướng
đi mới trong tương lai. Ngọc gặp lại bạn học và hứa hẹn một mối tình mới nhen
nhóm. Câu chuyện khép lại trong viễn cảnh tương lai êm đềm của nhân vật Ngọc
nơi vùng đất cao nguyên xa xôi.
Khi
yêu là tác phẩm được dựng chủ
yếu từ lời thoại. Truyện hầu như không có cốt. Xâu chuỗi các đoạn đối thoại,
độc thoại lại, ta có được câu chuyện kể về người phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng,
hết lòng yêu say người đàn ông không phải của mình, rồi tự mình loay hoay trong
nghi ngờ, trong buồn tủi. Những lúc đau lòng, bất lực lại tìm đến bia, vừa uống
vừa “càm ràm” về câu chuyện tình bế tắc của mình, vừa triết lý về tình yêu, về
phận đàn bà bên cô bạn nhà văn… Rồi nhân vật nhảy sang bứt phá, yêu thực dụng,
kiếm tìm cho mình sự thỏa mãn về tâm lý, về địa vị xã hội, về gu ăn chơi thăm
thú với tuyên ngôn: “Gu của tao phải mác Phó thủ tướng”. Tuy nhiên, những cuộc
trốn chạy, bứt phá thường nhanh chóng kết thúc, người phụ nữ lại trở về với nỗi
cô đơn và khát vọng thủy chung: “Chị uống ngà ngà rồi nói nhẹ như gió thoảng,
chị bảo giờ hết mong chờ, hết tin vào tình yêu rồi, con người thời nay cô đơn
quá. Ngồi sát nhau mà lòng cách xa 4.800 dặm. Cái tình hồi cha mẹ mình sao mà
ấm áp chân thành sâu nặng thế không biết”.
Bóng – câu chuyện đem lại sự xúc động sâu sắc và là tác phẩm khẳng
định tài hoa của Thanh Hương. Đề tài về bi kịch của người phụ nữ dường như được
đẩy lên đỉnh điểm. Trong cơn mê man của người vợ sau vụ bạo hành dã man của
chồng, ký ức như những đoạn phim chắp nối giúp người đọc hình dung ra toàn bộ
cuộc sống gia đình, quan hệ xã hội, quan hệ tình cảm và thảm cảnh của nhân vật.
Trong truyện này, tác giả không nhập vai vào nhân vật người kể chuyện xuất hiện
trong truyện như nhiều truyện khác mà tách hẳn thành người kể giấu mặt. Câu
chuyện được kể trong sự mê man, lẫn lộn cảm giác thực và ảo, đan xen giữa ký ức
và hiện tại của người vợ. Theo dòng ý thức tồn tại trong cơ thể người phụ nữ mê
man nằm cấp cứu trong bệnh viện, từng quãng đời nàng hiện lên, chập chờn, cắt
lát. Linh hồn tách ra khỏi cơ thể, tìm đến những kỷ niệm, những gắn bó với cuộc
sống của nàng. Người đọc tự chắp nối những mảnh vụn để ghép thành một thân
phận, một câu chuyện của người phụ nữ xinh đẹp mà bất hạnh, một bi kịch gia
đình tưởng rằng sang giàu mà bỗng chốc trắng tay, một mái nhà tưởng rằng ấm êm
bỗng thoắt rơi vào cảnh địa ngục trần gian, trong đó, người vợ trở thành nạn
nhân số một, thành cái sọt rác để người chồng trút vào đó sự bế tắc, sự hận
thù, sự thô thiển, sự ác độc, sự chán chường và nỗi ân hận. Thương và xót xa,
phẫn nộ, mong muốn cho nhân vật được giải thoát, được bảo vệ là cảm xúc của
người đọc mà nhà văn gieo vào lòng họ.
Dạng nhân vật thứ hai là phụ nữ quê hiền lành,
nhẫn nhịn, vụng về. Đó là nhân vật Huệ trong “Cơn mưa không dừng lại”, là Mị
trong “ Bóng quê”…
Trong Bóng
quê – cô gái tên Mị làm nghề du lịch – yêu Tùng, quản lý khách sạn. Tùng hứa
hẹn cưới Mị, rồi Mị có con. Tùng quay ra hờ hững với mẹ con Mị dù vẫn chu cấp
hỗ trợ Mị nuôi con. Rồi anh ta cưới vợ. Mị vào làm cho một công ty du lịch, gặp
phải vị sếp thiếu đứng đắn. Cô bỏ công ty để về quê với bố mẹ, ôm ấp khát vọng mở mang du lịch quê nhà. Đi cùng cô
là người đàn ông “thông minh, điềm đạm, thương người” đã thầm lặng thương mến,
chở che mẹ con cô nơi phố thị Sài Gòn.
Trong Cơn
mưa không dừng lại, Huệ - cô gái nông thôn ra thành thị làm người giúp việc
rồi đem lòng si mê ông chủ. Trong một lần bà chủ vắng nhà, Huệ đã thỏa nỗi khát
khao ân ái với ông chủ lịch thiệp hào hoa khi cô đánh cảm cho ông. Bị bà chủ
bắt gặp, cô bị ghẻ lạnh, bị ghét bỏ. Sự trừng phạt lớn nhất mà cô không thể
chịu đựng nổi là chứng kiến nỗi ân hận của ông chủ trước vợ ông, sự lảng tránh
giáp mặt Huệ của chính ông. Huệ ra khỏi ngôi nhà ông bà chủ, trở về thôn quê. Rồi cô sinh con, con cô được người
vợ ông chủ đem về nuôi vì bà chủ bị vô sinh. Sự giải thoát đó không làm Huệ
nguôi đau đớn mà cô luôn sống trong tâm trạng nhớ thương đứa con mình, đứa con
do mình dứt ruột đẻ ra mà mình không có quyền nuôi dưỡng.
Thương và yêu nhân vật phụ nữ bị chịu nhiều
thua thiệt, nhà văn thường đem lại cho các nữ nhân vật những cái kết giải
thoát. Tuy nhiên, cái kết này thiên về tình cảm, về sự xoa dịu từ mối tình chân
thành của một người thứ ba. Với người vợ bị bạo hành trong “Bóng”, đó là mối
tình của ông chủ khách sạn; với người phụ nữ “Khi yêu”, đó là một anh chồng Tây
xa xôi; với Huệ trong “Cơn mưa không dừng lại”, đó là người thợ xay cà phê; với
Mị trong “Bóng quê” là người đàn ông luống tuổi bạn của sếp cô; với Ngọc trong
“Đi qua ngày tháng” là cậu chàng bạn học người Tây Nguyên… Cách giải thoát mà tác giả chọn cho nhân vật chuyển tải một
thông điệp: Nỗi đau con tim chỉ có thể dịu lại từ sự ấm áp của trái tim yêu
thương.
Về nghệ thuật kể chuyện, tác giả chọn cách kể
nhiều, tả ít, đa phần kể theo trật tự xuôi, theo diễn biến của câu chuyện. Cách
kể này làm cho câu chuyện liền mạch, dễ hình dung, dễ theo dõi và giúp giải tỏa
nhanh chóng tò mò của người đọc.
Trong các câu chuyện, người kể chuyện luôn xuất
hiện trong nhân vật TÔI. Nhân vật người kể chuyện (tôi) giàu lòng vị tha, hiểu,
cảm thông sâu sắc nhân vật bất hạnh. Ở nhiều truyện kể, nhân vật tôi thấp
thoáng bóng dáng nhà văn. Một trái tim phụ nữ đa cảm, giàu yêu thương, hiểu
đời, hiểu người bộc lộ trong cách kể, trong sự hóa thân vào các câu chuyện.
Trong một số truyện, nhân vật TÔI – người kể chuyện cũng bộc bạch tâm trạng, sự
hoài nghi và những dự cảm không mấy tốt đẹp về chính tình yêu của mình, cùng
với đó là áp lực công việc, là nỗi buồn chán trước ngổn ngang xô bồ đổi thay
trắng đen của cuộc sống hiện tại. Bi kịch bao trùm lên cuộc đời người phụ nữ,
khiến thân phận họ trở nên đáng thương, đáng cảm thông trước thua thiệt, bất
công mà xã hội tạo ra, mà những người đàn ông bên cạnh đem lại cho họ.
Ngôn ngữ giàu triết lý. Tác giả đặt vào ngôn
ngữ nhân vật những câu nói đúc kết, những phát ngôn thời đại. Chẳng hạn, phát
ngôn đúc kết nỗi khổ đàn bà : “Đời đàn bà khổ lắm, cái khổ ấy nhiều khi ngậm
đắng nuốt cay một mình. Cô buồn nỗi buồn của người đàn bà bất lực không thể có
đứa con do chính mình thai nghén, Huệ khổ nỗi khổ của người đàn bà đơn phương
yêu chồng người, sinh con mà không được nuôi con” (độc thoại nhân vật người vợ
- Cơn mưa không dừng lại).
- “Đàn bà gì mà cứ sang sảng, miệng cười mà mắt
có đuôi buồn thăm thẳm, mắt thế sướng thế nào nổi.” (Khi yêu).
Cách để nhân vật tự giải thích cũng đậm tính
đúc kết theo quan niệm Phật giáo: “Đời người ta có số phận, có duyên nợ, cô
nghĩ có lẽ đây là duyên nợ ba người mắc với nhau ở kiếp này.” (Cơn mưa không
dừng lại).
Nhiều khi tác giả sử dụng ngôn ngữ bộc trực đời
thường, thẳng băng:
- “Chị bảo tao đang yêu như điên. Tôi bảo yêu
được thì tốt.Chị bảo tao chỉ sợ tao đặt tình yêu nhầm chỗ. Tôi bảo hoài nghi
nhiều thế thì yêu làm gì cho nhọc. Chị bảo nhưng tim óc tao cứ hướng về mỗi lão
ấy thôi. Tôi bảo thế thì toi rồi, nợ duyên rồi, trả hết mới thoát được… Nhưng
yêu được thì cứ yêu giữ lấy mối tình. Con người không biết yêu thì thành chó
rồi còn gì. Chị bảo mày là nhà văn mà tuôn câu nào nghe cũng kinh bỏ mẹ. Tôi
bảo em không đạo đức giả được. Thích là thích, ghét là ghét, yêu là yêu, cố
gắng không hận thù, em chỉ sợ bị lừa tình thôi. Đàn bà buồn nhất là bị lừa
tình. Chị bảo đúng thế. Đàn bà là giống cả tin.” (Khi yêu).
- “ Chị bảo thạc sĩ, tiến sĩ nước nhà nhiều như
lợn con, đóng góp gì, có làm dân no béo? Nghiên cứu nghiên kèo đếm kỹ được mấy
cái ứng dụng vào đời sống, làm lợi cho dân cho nước hay toàn giáo điều sách vở,
lý thuyết suông, công trình to nhỏ chất đầy các kho lưu trữ… Chị luôn mồm khen
cái anh nông dân Hà Lan, cụt chân học hết phổ thông, nghĩ ra sáng kiến lai ghép
giống cây thanh long của ta trồng trên đất nó, được địa phương nó cấp bằng
chứng nhận sáng kiến cải tiến kỹ thuật xuất sắc, thưởng tiền xứng đáng…” (Khi
yêu).
- “ Tôi ước gì mình có thể tựa vào vai ai đó mà
khóc. Khóc tu tu, khóc như sói tru, khóc như bị lừa tình”… (Khi yêu).
- “ Chị bảo những gì chị để lại cố gắng giữ và
làm cho nó sinh lời vì bữa nay người đông của khó, làm được đồng tiền vỡ mặt,
người ta giành giựt nhau miếng ăn mà quên cả đạo nghĩa con người, quê cả liêm
sỉ tự trọng, chị bảo đừng để mắc bệnh vô cảm, đôi khi biết giúp ai đó sẽ bị
liên lụy, sẽ bị vạ lây nhưng thấy cần giúp thì cứ giúp, cần cứu cứ cứu vì trời
cao có mắt, thánh thần có mắt.” ( Khi yêu).
- “Mấy mụ bảo đừng so sánh. Lấy chồng như đánh
bài, hên bốc được hai cơ, át cơ, xui bốc phải ba bích, bốn tép vậy thôi. Mấy mụ
lại bảo đã là gái thì phải lấy chồng cho nó biết cái mùi xe hoa rượu hồng, vậy
chứ cũng vui được mấy năm đầu mà, đời mấy gang mà so đo cho mau già” (Đẻ thuê).
Qua các trích đoạn trên, ta thấy những cuộc
thoại đan vào nhau, lời người kể, lời nhân vật cứ xoắn lại tạo thành lời nửa
trực tiếp của cả hai loại nhân vật. Lời thoại cũng đan xen lời kể, lồng vào lời
kể không tách bạch, khiến cho lời kể bị cuốn đi theo chiều diễn biến tâm lý,
phơi bày nội tâm nhân vật trong vai người tham gia câu chuyện. Từ đó, chân dung
nhân vật hiện lên, rõ ràng, sinh động, mang đậm hơi thở cuộc sống.
Qua cái nhìn của nhân vật, tác giả phản ánh
cách nhìn của một số không ít người trong xã hội hiện tại: “Chị bảo nước mình
quan tham nhiều dân khổ, tao đi nhiều nước thấy quan bên họ mà mê. Tôi bảo chị
ăn nói giữ mồm kẻo đi tù, tai vách mạch rừng, so sánh khập khiễng. Chị bảo tôi
học lắm vào rồi hèn. Nhà văn mà hèn. Chị bảo ai làm dân béo thì tin thì theo.”
(Khi yêu).
Thực trạng trào lưu mạng xã hội được phản ánh
chân thật: “Một tháng sau đó, chị đăng lên FB bức ảnh chị đi dự một sự kiện
thời trang tại bang F, cái đầm dài xẻ lưng sâu, bông tai dài, tóc đánh rối.
Hàng 100 comment chia sẻ khen ngợi, ngưỡng mộ.” (Khi yêu).
Đọc Hoàng Thanh Hương, tôi rất thích lối bộc lộ
thẳng thắn, lời lẽ nhẹ nhàng mà ngụ ý sâu xa. Các tác phẩm của cô, từ thơ đến
văn xuôi đều biểu lộ một tâm hồn thanh thoát, dịu dàng mà thẳng thắn, cởi mở.
Lòng yêu quý con người, yêu mến cuộc sống, trân quý tình bạn, tình người được cô
gửi gắm qua từng con chữ.
“Ngày bình thường trở lại” ngoài mười truyện ngắn còn là 08 bài ký của
nhà văn. Tất cả đều đồng nhất với tâm hồn của của cô – người đàn bà tuổi tròn
40 tinh tế, đều biểu lộ tính cách thẳng thắn mà nhẹ nhàng, giản dị mà sâu sắc
và trên tất cả là tình yêu thương đằm thắm, lớn rộng của nhà văn Hoàng Thanh
Hương dành cho con người, cho cuộc sống nơi vùng đất miền cao nguyên đầy nắng
gió với đôi mùa mưa khô./.
T.B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét