Mở mắt ngày
đã trôi
Truyện ngắn Hoàng Thanh Hương
Tôi gọi xóm tôi là xóm vũ phu. Ấy là tôi gọi thế, chứ
xóm này có tên một vị anh hùng dân tộc hẳn hoi và xóm ấy không phải toàn mấy
ông mất nết ưa nói chuyện bằng tay chân với vợ. Bệnh đánh vợ nó lây qua đường
không khí đấy, đầu tiên là nhà Mãn, gã đánh vợ huỳnh huỳnh, tuần nào cũng đôi
trận, lý do nào cũng chính đáng cả. Vợ đánh phấn nó bảo chỉ đi làm đĩ mới dồi
phấn trắng dày mặt thế, vợ nó đón con về muộn 5 phút nó tát bốp má phải gắn
ngay cho thị cái tội đứng buôn dưa lê với trai… Con vợ thua thằng chồng 5 tuổi,
học chưa hết cấp 2, phụ bán phở cho cô họ, thằng này làm thợ hồ đời bố truyền đời
con. Làm theo mùa xây dựng. Hết mùa ngồi nhà vá xe, bán nước giải khát với vợ.
Thằng này ghen bệnh hoạn, trong đầu nó lúc nào con vợ cũng có dấu hiệu sắp đi
ngoại tình. Vợ nó đau lòng, uất ức nhiều lần bỏ đi nhưng nó tìm, năn nỉ cầu xin
tha thứ, khóc lóc hứa sửa thói hư và ngoen ngoét luôn mồm chỉ vì “anh yêu em quá, anh lo mất em”. Bài
này, mấy câu trơn nước bọt này chả cứ con vợ học hết lớp 2 mủi lòng, tôi tin chắc
90% phụ nữ nhà ta sẽ xuôi giận, sẽ tặc lưỡi cho qua chuyện, lại ậm ừ biện minh
là do chồng nó yêu mình mới thế, thôi thì về cho con nó có bố, cho thiên hạ nó
khỏi xầm xỉ xầm xì cái thứ gái bỏ chồng... thế là cắp giỏ trở về cùng chồng.
Đàn bà cả tin, nông cạn là chuyện muôn đời, đặc tính giống cái thay đổi sao
được. Tôi cũng đàn bà, có khi tôi còn dại bằng 10 con vợ thằng thợ hồ xóm tôi
ấy chứ.
Một đêm cả xóm đồng loạt mở cửa lao ra đường nghiêng
ngó, tiếng la hét kêu cứu chữa cháy, mùi khói, mùi xăng, mùi quần áo, đồ nhựa
ăn lửa khét sặc. Nhà thằng Mãn nhốn
nháo. Tôi mặc nguyên váy ngủ, chạy loắn quắn sau chồng. Nhà thằng Mãn lửa cháy
rừng rực. Tôi chạy tìm vợ nó. Không thấy. Tôi chạy tìm con nó, đứa con gái 6
tuổi học chung với Nêmô nhà tôi, đứa con gái tôi vẫn đón về cùng Nêmô những hôm
nghỉ sớm việc cơ quan, đứa con gái khuôn mặt xinh đẹp dáng vẻ hứa hẹn sẽ là một
hoa khôi khi thiếu nữ, tôi thích nó. Nhưng cũng không thấy. Chồng tôi theo mấy
ông hàng xóm quần đùi lộc cộc tạt cát, tạt nước ầm ầm vào nhà thằng thợ hồ. Tôi
chạy loăng quăng miệng gọi ời ời, đám đàn bà xóm tôi cũng chạy loăng quăng gọi
vợ con thằng thợ hồ ời ời. Đến khi lính cứu hỏa đến được cái xóm nằm trong con
hẻm nhỏ xiu ba lần cua trái - phải - trái thì nhà thằng thợ hồ đã như đống rác
lún ngún những sợi khói mỏi mệt. Cả xóm nhem nhuốc về nhà lúc trời sắp sáng. Cả
xóm buồn buồn, một nỗi buồn chẳng gọi được thành tên. Những gã chồng vừa phủi
cát, tàn cháy dính trên đầu, trên quần áo vừa làu bàu thằng Mãn ngu, tiêu cực.
Những mụ vợ chép miệng tội nghiệp con vợ
gặp phải thằng dở hơi biết bơi. Tôi chẳng biết nói gì. Chẳng muốn nghĩ gì.
Chẳng muốn nhớ đến mẹ con nhà Ti nhưng không thể.
Tôi gặp Sa lần đầu vào một chiều, nó bắt quen với tôi
khi hai chị em ngược hướng nhau trên đường đón con. Nó dân trọ nên tôi chẳng
nhớ mấy. Nó ríu rít:
- Em chào bác ( tôi ghét bị gọi thế, nghe rõ già), bác
đi chợ sớm thế ạ? ( Con bé này giọng đặc kiểu Bắc kỳ, ngọt ngào xởi lởi như đã
quen lâu lắm).
- Ừ, con bé xinh quá, mấy tuổi? Cháu 5 tuổi bác ạ.
- Ừ, bằng cu út nhà chị. Học đâu?
- Cháu học lớp cô Thảo “cao” trường Hoàng Mai bác ạ.
- Ừ, thuê trọ nhà ai khu dưới đó?
- Nhà bà Thinh bác ạ...
Câu nào nó cũng ạ, rất khiêm tốn, tôi nghe thinh
thích, nhìn nó xinh xắn, gái một con nở nang trắng trẻo đằm thắm, tôi thích đôi
mắt to, tròng đen lóng lánh, ánh mắt dọi thẳng khi chuyện trò. Tôi bảo: Lúc nào
rảnh lên nhà chị, cho con bé lên chơi với Nêmô. Nó vâng nhẹ rồi đi. Con bé Ti giơ đôi tay nhỏ xíu như bông cúc trắng vẫy
vẫy làm trái tim tôi đập bình bịch. Tôi thèm một đứa con gái, khát khao. Nhưng
bà bói bảo tôi kiếp này không có phước đậu thai con gái. Suốt đời làm chỉ nuôi
trai thôi. Cam phận vậy, tôi chẳng còn ý định
đẻ thêm đẻ nếm kiếm tí gái nữa dù chồng mấy lần bảo đi canh trứng, đi tư vấn
bác sĩ, ăn uống kiêng khem theo chỉ dẫn trên mạng, theo hướng dẫn của đám bạn
đẻ toàn con gái... Ngay lần đầu gặp tôi đã kết hai mẹ con nhà Ti.Tôi yêu con bé
xinh hơn búp bê ấy. Tiếp đến là những buổi chiều mẹ con nó dẫn nhau đi bộ qua
nhà tôi, tay nó cầm cái chén nhựa thập cẩm cơm canh thịt trộn nhuyễn dụ khị cho
con bé ăn. Con bé chạy ngược chạy xuôi, quay trái quay phải từ chối những thìa
cơm ép. Trẻ con thời hiện đại đa phần mắc chứng biếng ăn. Chúng không như lũ trẻ
con thời trước thèm ăn nhỏ dãi mà chẳng có thứ đút vào mồm vì nghèo đói thiếu
thốn. Kí ức của tôi là củ khoai, củ giong riềng nhỏ bằng ngón tay cái luộc mà
nhai rau ráu, nuốt ừng ực, nhặt hết sạch trong rổ vẫn nhìn nhau thòm thèm. Nêmô
nhà tôi bánh kẹo sữa phomai đầy tủ nhưng luôn õng ẹo ứ ừ phát lộn ruột. Cho
được nó ăn xong là tôi hết nuốt nổi cơm. Buổi chiều, tôi tập thể dục trước
cổng, Nêmô chơi quanh chân mẹ. Hai mẹ con Ti đuổi nhau bón ép. Những tối rảnh
tôi đi bộ giảm béo, vui chân ghé nhà nó ngồi tám cả tiếng, ăn hết rổ khoai sọ,
mía, quả mận chấm muối ớt rồi lại đi tiếp. Từ những cuộc tiếp xúc ấy tôi quí mẹ
con Ti. Tôi bảo nó tới dọn dẹp nhà cửa cho tôi tuần hai lần. Tôi bận việc cơ
quan, nhậu nhẹt nó đón con nó, con tôi về nhà, nó bận tôi đón con tôi con nó. Nhà
tôi có tiệc, giỗ, liên hoan gặp mặt nó đều lên chủ công nấu nướng dọn dẹp. Nó
khéo nấu, khéo bày nên đồ ăn vừa ngon vừa đẹp, bạn bè tôi tị với tôi vì có đứa
em kết nghĩa tuyệt như nó. À quên, tôi chưa giới thiệu tên mẹ Ti cho qúy độc
giả. Nó tên Sa, Võ Thị Phù Sa. Cái tên chẳng đụng hàng. Cái thời đầu năm 80 của
thế kỉ 20 mà cha mẹ nó ở vùng nông thôn sông Hồng quanh năm lũ lụt đã biết đặt
tên con đẹp thế thì cũng lạ đấy. Nó bảo mẹ nó thích phù sa sông Hồng, bà bảo
nhờ nó mà cả nhà đủ ăn đủ mặc, là vì đất ruộng nhà nó nằm ven sông, nhờ mùn đất
ấy mỗi mùa nước lên, lũ qua mà được bồi tụ mỡ màu, nhờ mùn đất ấy củ quả rau
lúa đất ruộng nhà nó tốt nhất làng, mẹ nó quần quật cả năm mà bụng dạ hả hê yên
tâm chăm nuôi bầy con lớn phổng, học hành tàm tạm. Cái tên đẹp như nó. Nước
giếng làng nó làm con gái đứa nào cũng da trắng tóc dài đen mướt. Cua tôm rau
củ đồng làng nuôi những đứa con gái quê dáng cao, bụng thon, chân dài, tay
thuôn. 10 tuổi đứa nào cũng biết bơi như nhái. Dòng sông yêu những đứa trẻ con
nghèo khó. Hà bá chỉ ăn đứa xấu bụng, đứa ác. Không năm nào ông hà bá không cắn
cổ lôi vài đứa tồi tệ ở làng trên làng dưới. Thằng chủ tịch xã tham ô ngô thóc
của dân, thằng công an huyện cướp vợ cấp dưới, lão Ba thịt chó cho vay nặng
lãi, mụ Xanh tú bà chợ Gò... ông hà bá không bắt trẻ con, ông còn cứu chúng khi
nước lớn nước ròng, khi đuối hơi chuột rút. Phù Sa kể hồi nó 13, theo bạn thi
bơi qua sông để nhận phần thưởng là một buồng chuối chín. Mấy ngày trước nó bị
sốt nhức răng nên đuối sức bị rơi lại, chân tay rời rã, nó lả dần nhưng vẫn cố
la cứu. Khi tỉnh lại nó chỉ nhớ mang máng hình như có một tấm lưng con gì rất
bè và ráp nhám nâng đẩy vào bờ. Đám bạn hôm ấy cũng bảo thấy ông hà bá đẩy nó
vào bờ. Thế nên ở quê nó, mấy làng ven sông chẳng đứa trẻ con và phụ huynh nào
sợ ông hà bá. Thậm chí còn biết ơn và cúng kính tôn trọng. Phù Sa 18, nó theo
cô vào Tây Nguyên. Cô nó có tiệm uốn tóc nhỏ trong chợ thị xã. Nó bắt đầu học
việc. Nó trở thành ô sin, học trò, bạn tâm tình của cô. Chồng cô chết tai nạn
hai năm, thằng Linh 17 tuổi suốt ngày lì lịt ăn, học chính, học thêm, chẳng nói
quá 10 câu/ngày. Bố chết, mẹ bồ bịch, nó cô đơn, nó tự kỉ. Cô cặp một gã tài xế
xe khách tuyến Bắc – Nam ,
gã kém cô 5 tuổi, đẹp mã, mồm mép trơn láng. Lúc cô vắng mặt gã dòm ngực Sa
chằm chằm, liếm môi nuốt nước miếng cái ực. Sa nói cô đừng tin gã, cô mắng Sa
xơi xơi. Thằng Linh khuyên mẹ đừng tin gã, cô chửi nó đồ ích kỉ. Thằng mồm mép
trơn láng như ông vua trong nhà. Thằng Linh bỏ đi bụi đời.
Nắng đổ chang chang. Nhiệt độ ngoài trời 39 độ C. Tôi thèm
một ly bơ xay nhuyễn với đá bào và sữa. Chồng bảo món này tốt cho nhan sắc em. Tôi
cười mắt liếc dao cau, nhom nhỏm hết veo ly bơ xay nhuyễn. Chồng bảo đêm qua đi
nhậu anh gặp con Phù Sa, nó làm tiếp thị bia tiger, nhìn mãi mới nhận ra nó em
ạ. Hả? Nó sao làm nghề đó được? Anh cho nó 200 ngàn, nó không lấy. Anh có hỏi
được nó đang ở đâu không? Chịu, đang ăn nhậu là ngà anh đâu kịp hỏi han gì? Tôi
nghe trong bụng ran ran. Thằng Mãn sau vụ đốt nhà, công an bắt rồi thả, nó bỏ xóm
đi luôn. Xóm có nhà anh Đông bác sĩ, chị Hải kế toán ngân hàng, em Ngân giáo
viên anh văn thỉnh thoảng lại làm một cơn rộn ràng, rượt đuổi chửi hét chẳng
khác gì phim Hồng Kông. Quanh quẩn những chuyện đời sống va chạm kiểu tiền vay
tiền nợ, nhà anh nhà tôi, ghen tuông bóng gió, tự ti tự ái chồng thấp vợ cao,
con anh con tôi con chúng mình. Đời là chuỗi luẩn quẩn những chuyện ái ố hỉ nộ,
dân xóm đa phần theo Phật mà ai cũng chẳng thể tĩnh tâm lâu bền. Xóm có hơn 30
nhà, hơn nửa là công chức viên chức nhà nước, kẻ làm quan to thì lương lậu
nhiều, nhà xe to, kẻ lính lác thì lương ba cọc ba đồng, sấp ngửa làm thêm mới
đủ ăn. Nhà quan to cửa đóng then cài, chó dữ xồng xộc gầm gừ, xóm có việc chung
nhồ ra nộp thùng bia, uống tượng trưng một ly rồi giơ tay chào như Tôn Trung
Sơn, rồi chắp tay sau đít khệnh khạng về, quan to phải lo việc nước thời gian
đâu mà tụ họp xóm giềng quê kiểng. Quan to về, các quan bé, lính lác, dân lao
động tự do ngồi quây lại cụng ly côm cốp, vô vô, nói râm ran đủ thứ chuyện
trong nước quốc tế, chuyện dân sự quân sự, chuyện ăn ở phúc phần… chả ai nhắc
gì đến chuyện rượt đuổi chửi hét, đàn ông thằng nào cũng chứa một bụng sĩ diện.
Cái gì xấu là giấu như mèo giấu cứt. Nhà báo, kế toán ngân hàng, giáo viên,
hướng dẫn viên du lịch gặp cơn điên tiết của mấy lão thì cũng bầm da tím thịt, nhắm
vào tay đùi lưng bụng còn giấu che bằng trang phục chứ vào mặt thì phấn kem tô đắp
lên vẫn lồ lộ, lên cơ quan nói bị té xe, va cửa, đồng nghiệp ừ ừ xuýt xoa trước
mặt, sau lưng xì xào lao xao đến hết tuần, hết tháng, hết năm, chẳng ai cắt
phép chờ hết bầm vì chồng uýnh để đợi đi làm, thời buổi của khó người đông,
sểnh ra là mất chén cơm hộp sữa cho con như chơi. Thế nên, cơ quan nào người
cũng đông lúc nhúc nhưng làm việc chỉ nửa số ấy, còn một nửa cứ lượn lờ đến tháng
nhận lương, xăm soi, bóc móc nhau những chuyện vụn vặt đời tư. Tôi sợ hai từ
đồng nghiệp, trải qua 4 cơ quan, tôi cảm nhận rõ giá trị của hai từ này, loại
vô tư cả tin như tôi từng tai bay vạ giá mấy phen nên khiếp. Đàn ông xóm, điểm
danh sơ sơ cũng có 5-7 ông vũ phu, quan có giám đốc K, dân đen có thằng Mãn thợ
hồ, lính lác có tên M,N, P, L… nhìn bảnh bao nhẵn nhụi thế nhưng khi phải cơn
thì hiện nguyên hình, nguyên dạng. Tôi khinh cái thứ đánh vợ. Ghét là chả thèm
ngó ngàng qua lại, hàng xóm cũng kệ. Bệnh vũ phu lây qua đường không khí, có
lần anh giơ tay định tát, tôi nhắm mắt ngước mặt đón, 1 phút không thấy mặt
rát, nghe beng, hóa ra cái mặt bầu bĩnh được thay bằng cái bình hoa ngay tầm tay
anh. Tôi cười mỉa ngoảy đít đi về phòng ngủ mở nhạc thiền nghe cho tịnh tâm, lý
do vì tôi đi nhậu với đám bạn cũ, máy hết pin, anh gọi không được, 20 cuộc gọi
đi, máy tôi báo ngoài vùng phủ sóng, về đến cổng là xối xả tại sao, vì sao, muốn
gì, đi với thằng nào mà phải tắt máy???. Lỗi của tôi là ham vui, vô tâm mà
chẳng mượn máy bạn gọi báo với anh một
câu. Anh giận không sai, chỉ định đánh vợ là sai nghiêm trọng. Bố tôi cả đời
chả đánh mẹ lần nào, cãi cọ cũng lôi nhau lên vườn, lên rẫy để tránh con cái thấy,
cái văn hóa gia đình ấy của cha mẹ đời con cái bây giờ cử nhân, thạc sĩ, tiến
sĩ chả đứa nào học được.
Tôi gặp mẹ Ti tại nhà hàng Bum, nó chạy ào đến ôm chầm
tôi, khóc tu tu. Chị ơi đời em sao mà khổ như chó. Tôi vỗ vỗ nó nhẹ giọng: “
chó cũng có con sướng con khổ”. Ngồi xuống kể chị nghe giờ ở đâu, con Ti đâu,
đủ ăn không? Nó lại ôm chầm tôi, khóc tu tu. Tôi vỗ nó nhè nhẹ. Nó nức nức kể
lể sau khi thằng Mãn đốt nhà, nó ôm con nhảy xe về quê, nhưng đi đến Quy Nhơn
nhảy xuống, nó sợ về quê thằng Mãn tìm về gây sự, ở phố biển nó có con bạn làm
nhân viên massage ở khách sạn T, nó ôm con ở nhờ nhà trọ của bạn. 5 ngày, 10
ngày, tiền hết, bạn nuôi không thấy khó coi, nó bảo bạn xin cho chân phụ bếp
trong khách sạn, lương 100ngày/ngày. Nó làm được gần tháng, hôm nào về nhà cũng
nhem nhuốc dầu mỡ, toàn thân ám khói ám mùi thức ăn, tay chân bong tróc vì nước
ăn. Bạn nó thủ thỉ, xinh như mày đi làm massage với tao kiếm tiền dễ, trắng
trơn sạch đẹp. Nó ngắm bạn, nó nghĩ hai đêm rồi chịu, nó nghĩ phố biển này là xứ
người, có ai biết nó là ai mà ngại điều tiếng, nó bán lả lơi cười cợt kiếm tiền
chứ không bán thân, chả sợ có tội với dòng họ tổ tiên. Nghề mới. Nhan sắc sẵn,
kĩ thuật bạn dạy, khéo léo trời cho nó nằm trong top đắt sô nhất của khách sạn.
Nó và bạn như đôi chim cứng cánh tha hồ tung hoành và tích cóp. Nó gửi tiền về
cho mẹ xây lại cái bếp, sửa lại cái sân, rào lại vườn chuối, đào lại cái giếng,
mua cái xe máy Tàu cho thằng em đi học trên trị trấn, mua cho bố mẹ cái nệm
kimdan, mua con bò cho mẹ thả bãi… bố mẹ nó mở mày mở mặt với xóm giềng, bố mẹ
nó bảo cuối năm vào thăm con gái cháu ngoại, nó chối phay bảo để con về. Gần
một năm làm ở khách sạn T, nắn bóp cho đủ loại khách, nhận tiền bo của đủ loại
khách từ hạ tiện đến cao sang, từ mất dạy đến lịch lãm, nó nhìn đàn ông bằng suy
xét cực đoan xấu xa, giống đực tham lam, có mới nới cũ, phụ bạc, bủn xỉn, sĩ
hão, dê xồm. Gần một năm, nó gặp lão, nó phục vụ lão – khách VIP, cao sang lịch
lãm. Lão không bao giờ đụng tay đến da nó, lão bo nó sộp, lão bắt tay nó trước
khi vào thang máy và lúc nào cũng chúc nó ngủ ngon mỗi đêm vào 2h sáng. Lão làm
nó nhìn đàn ông bớt xấu xa. Lão và nó thành một đôi tình nhân già trẻ khập
khẫng nhưng tình ấm áp mặn nồng. Nó thôi đi làm nhân viên massage, về huyện B
mở quán cà phê nhạc Trịnh, xa rời chỗ đám đàn ông phố thị quen mặt biết tên để
yên ổn với cuộc sống mới cùng lão cùng thời gian biểu chập chờn của lão, rỗi
lúc nào lão đến, lão ghé, không điện thoại, nhắn tin, ầm ầm yêu đương rồi đi.
Quán cà phê của nó dần đông khách, lão chẳng để mẹ con nó thiếu thốn vật chất,
lão là quan tỉnh, lão mong nó đẻ cho lão thằng cu, nó cũng sẵn sàng, nhưng lão
trông phốp pháp hồng hào song chuyện giường chiếu lìu xìu, nó bảo tinh trùng gã
như nước lã, gã còn một vòi nước trong, con cái sao có được nhưng nó thương lão
vì lão thương yêu mẹ con nó như báu vật. Tưởng đời sẽ yên, một đêm, một nhóm
đàn ông đàn bà xông vào quán nó, đập phá tan nát mọi thứ, lột quần áo đánh nó
rách bươm thịt da, mái tóc dài đen mượt bị sởn đến ót, con gái nó được con bé
phụ bưng cà phê ôm kịp nhảy qua bờ rào chui vào bếp nhà hàng xóm nấp. Nó câm
lặng chịu trận, không gào la, chỉ giơ tay đỡ đòn, nước mắt chảy thầm từ khóe
mắt xuống mặt, xuống cổ, xuống ngực trộn với máu, bụi, đất mặn sạp, chát nghét
trong khoang miệng. Lũ đánh ghen đi khuất, xe lão phanh két, hàng xóm cuốn chăn
phụ lão bế nó lên xe đưa đến viện. Vụ đánh ghen om sòm, vợ lão lên báo tỉnh,
tên nó lên báo, lão bị kỉ luật, cách chức. Lão chăm nó một tuần thì bác sĩ cho ra
viện, những trầy xước ngoài da lành dần, mờ sẹo nhưng vết đau trong tim gan nó
mỗi ngày mỗi mở hoác, sưng tấy. Nó sống trong lo sợ, luôn giật thột khi nghe
tiếng chân người vào nhà, tiếng xe đỗ sịch, tiếng phụ nữ gọi cửa, đêm nó không
dám tắt điện ngủ, nó canh con gái từng bước sợ nó bị đám đánh ghen bắt cóc hành
hạ, lão vẫn ở bên nó nhưng lòng nó không còn yên ổn dù lão luôn ôm ghì vỗ về
canh giấc. Bác sĩ bảo nó bị hoảng loạn tinh thần, cần yên tĩnh nghỉ ngơi, cần thay
đổi nơi sống để quên. Kí ức vốn khó quên, kí ức hãi hùng càng khó quên. Một đêm,
nó bồng con, khoác túi, bắt xe ngược về phố núi. Mặc lão tìm kiếm, mặc lão năn
nỉ, hứa hẹn. Một đêm sau đó khá lâu, lâu đủ để tóc nó dài đến ngang lưng đen
mướt, các vết rách thịt da ngày nọ đã mờ phẳng, lão nhắn: “Anh đã li hôn, xong mọi thủ tục, em ở đâu, anh đón mẹ con em về!”.
Nó không hồi âm. Nó bảo muốn tìm một người đâu khó gì trong mấy tỉnh miền Trung
- Tây Nguyên này phải không chị, nhưng lão đã không tìm thì phải, hoặc lão
không muốn tìm… nên em chẳng muốn quay về dù lòng em thương lão đứt ruột. Giờ
con bé đi nhà trẻ, em đi làm ca chiều, lương tháng đủ sống, hai mẹ con vui bên
nhau, tiền lão cho em ngày trước đủ mua căn nhà trong hẻm V, vậy là ổn, cái thứ
bằng cấp không có, thân phận bèo bọt dân cỏ như em thì suốt đời chỉ làm mấy
nghề phục vụ người đời thôi, làm đến đâu hay đến đó, chết thì chôn, con nó có
phận nó, phải tự lập. Tôi hỏi nó hay tin gì thằng Mãn không? Nó bảo chồng cũ nó
chết rừng hơn năm rồi, nó đi chặt thuê gỗ cho mấy thằng buôn lậu, bị cây đè
chết. Sau khi đốt nhà nó cũng không đi tìm mẹ con em. Em không tính về với lão
thật à, lão cũng thương em thiệt lòng đấy chứ, không phải phường Sở Khanh chạy
làng, giờ gã một mình rồi. Thôi chị ạ, đời người là duyên nợ, em nợ lão đến
đoạn đó là đứt duyên rồi, cái gì xong cho xong luôn để bắt đầu vào đoạn khác,
vui buồn sướng khổ có căn kiếp rồi, muốn cũng có được đâu chị, cầu Phật cho em
sức khỏe để làm việc nuôi con bé học hành nên người, không khổ nhục như đời mẹ
nó. Tôi ôm nó vỗ vỗ. Đàn bà sinh ra đã vốn khổ, mạnh mẽ mà sống em ạ. Đức năng
thắng số. Nó khóc tu tu. Nó bảo lâu rồi em không khóc. Hôm nay chị để em khóc
cho thỏa. Tôi ôm nó vỗ vỗ. Nó hỏi chị có hạnh phúc không? Tôi bảo chắc là hạnh
phúc vì vợ chồng chị lâu nay ít cãi cọ đánh đập nhau. Trả lời xong tôi chợt
thấy mình vô duyên, chả lẽ tôi - người đàn bà đã học hết bậc đại học, cử nhân
luật, viên chức nhà nước, kết hôn 12 năm rồi lại chỉ bám vào một tiêu chí “ít cãi cọ đánh đập nhau” là “Hạnh phúc”?. Thế còn cả đống những tiêu
chí khác của một gia đình hạnh phúc mà giáo sư Google trả lời mỗi ngày khi bọn
đàn bà con gái chưa có chồng, sắp lấy chồng, đã có chồng, đã hủy hôn vào tìm
hỏi mỗi ngày là phụ, là bỏ đi hết sao? Tôi nhìn nó hăng hái tới lui phục vụ
khách, váy áo đồng phục gợi cảm, tay rót bia, tay bỏ đá, thoăn thoắt bưng bê
thức ăn nhỏ nhẻ mời mọc đám thực khách mà băn khoăn. Tôi chợt nghĩ đến mấy chị
em công chức, viên chức trong xóm trên, mấy chị em bán buôn tự do nơi xóm dưới,
mấy ả đồng nghiệp và bao người phụ nữ thân/sơ tôi gặp, tôi quen biết, tôi quan
hệ giao du, họ có cảm giác giống hay khác nhau khi bị chồng chửi đánh vì 1001
lý do đúng/sai. Đàn bà dĩ nhiên nhiều dạng, nhiều loại nhưng đặc tính cơ bản
nhất vẫn là phức tạp. Xong cứ hằm hè nhau làm chi chi, mở mắt nhắm mắt ngày
trôi, đêm trôi, cuối cùng phận người cũng chỉ là tro bụi.
3/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét