Phía mùa rực rỡ
Truyện ngắn Hoàng Thanh
Hương
Ý ngồi nghe bản
“Forever in love”, mùa xuân ngoài cửa, mùa xuân năm nào cũng đến ngoài mong đợi
của nàng, nàng không thích những thứ thuộc về nó, bao năm rồi nàng không có
tết, 30, mồng 1,2,3 thậm chí rằm tháng Giêng, chúng là chuỗi thời gian hân hoan
của bao người, bao nhà thì nàng thờ ơ như ngày thường, như ngày đi làm đầu tuần,
chẳng phấn khích, chẳng hào hứng, uể oải tiếc nuối hai ngày nghỉ với bao việc
riêng chưa làm hết đành gác lại, lại là mớ công việc quanh quẩn với những mặt
người quanh quẩn, tất cả cứ phải nhẫn nhịn thế để cuối đời có đồng lương hưu,
để có cái danh công chức viên chức nhà nước, để ngong ngóng đợi đầu tháng nhận
gần 4 triệu cho hơn 8 năm làm việc. Có lúc nàng bị bệnh sợ người, nhất là những
người cùng giới, cùng ngành, cùng bộ phận công tác, những môi son hồng cánh
sen, đỏ, cam vừa thơn thớt nói cười vồn vã, vừa quay lưng khuất bóng là đơm
đặt, dè bỉu, bêu riếu, trắng đen thật giả lộn nhào, hỗn loạn. Mẹ bảo phần đa
đàn bà là thứ rắn độc, nguyên nhân của mọi chiến tranh. Mẹ bảo mình là đàn bà,
kiếp giời đầy, cố gắng không là số đông tồi tệ. Đời người luân hồi, thiện – ác
có quả báo, đều phải đền trả sòng phẳng. Nàng tin chúa. Nàng đã thấy thiên
đường trong những giấc mơ. Nàng đọc đâu đó khi trẻ người ta hay vấp váp, khi
trung niên thì vật lộn và khi già hay nuối tiếc. Nàng chưa vào trung niên nhưng
cũng không hẳn đang trẻ, cái cỡ 30 tuổi nó ở quãng giữa hai mốc kia, như thế
nghĩa là vừa hay vấp váp vừa phải vật lộn. Năm nàng 28 người tình bỏ nàng theo
mụ nạ dòng giàu nhất huyện C, gã chúi đầu vào bộ ngực đồ sộ cứng câng silicon
của mụ, nghe mụ phỉnh phờ “Lấy em, anh sẽ là ông hoàng của thế gian”. Và gã bỏ
nàng để làm ông hoàng của mụ ngực bự. Vài lần gã lái xe đứng đợi nàng đầu hẻm,
nàng và gã giằng co, nàng tát gã, nàng tím mặt rồ ga phóng nay nẩy qua đám ổ gà
ổ voi, về đến cổng nhà nàng mới khóc lu loa. Thằng ngọng đứng chơi phía bên
cổng nhà nó líu lịu bảo đừng khóc, đừng khóc để ngọng gọi bố dỗ Ý. Nàng phẩy
tay bảo đừng, bảo nó lại cô cho túi bánh cam nóng giòn. Tết mấy năm rồi chỉ có
thằng ngọng hay chạy qua chạy lại líu lịu với nàng, bạn bè đến uống nước trà
rồi đi, đồng nghiệp đến uống nước trà rồi đi, trà nhà nàng ngon đệ nhất vì nàng
là kẻ rành trà, thích trà. Đĩa bánh ngọt còn nguyên từ ngày 1 đến ngày 15 tháng
Giêng, thời buổi này chả ai còn thèm bánh ngọt. Nàng nhớ cái hồi bé tí, chao ôi
chỉ mong đến tết để mà tha hồ ăn bánh kẹo, những thức ấy ngon ngọt thơm đến tận
bây giờ. Còn giờ, bánh xịn loại A1 con nàng cũng chẳng thèm ngó lấy một cái,
nàng thì sợ béo cũng lơ. Khách đến ngồi chào chúc cho phải phép rồi đi. Chỉ có
thằng ngọng bới bới nhặt một cái màu vàng nó thích, ngồi nhai chậm chạp, gật
gật on on (ngon ngon).
Một cái tết cách
đây 5 năm nàng sinh con một mình, bệnh viện thành phố đêm 30 trống trải và lạnh
như xéo da ngắt thịt. Nữ hộ lý gầy gò đặt đứa bé nhỏ tí ti và tay nàng, ánh
nhìn cảm thông: Không ai chăm à? Chồng đâu? Mẹ đâu? Nàng đón con, nó bé xíu,
3kg, ậm ạch từ đầu chiều giờ nó mới chịu để nàng thấy mặt, nàng gọi nó là Lì,
tên đi học là Ly Ly, nó mang họ nàng, Mai Ly Ly. Nàng hỏi nữ hộ lý gầy gò có
thích tên con bé không? Chị bảo tên đẹp chỉ khổ, theo ông bà ta xưa đặt tên xấu
dễ nuôi, khỏi sợ ma quỷ nhòm ngó. Tên gì kêu lanh canh, nghe lạnh và ám ảnh tan
tác. Sao không đặt là Nụ, Nhài, Hiền,
Mai cho nó dịu dàng, yên ổn. Nàng cười nhẹ, chị tên gì? Tên Thôi. Nàng nhiu mày
tên gì mà như cấm đoán, ngăn cản thế? Chị đắp chăn ngang bụng nàng cười buồn kể
lể bà già đẻ cố đứa con trai, chị thứ 9 vẫn thị mẹt, bà nản, sức khỏe đuối nên
quyết không đẻ đái gì nữa, kết thúc ở số 9. Vũ Thị Thôi. Câu chuyện trôi êm
giữa hai người đàn bà trong căn phòng hậu sinh lạnh xéo da ngắt thịt. Nàng lì
xì chị 500 ngàn, chị chối đây đẩy. Chị bảo quanh năm nghề hầu người đẻ, chứng
kiến bao buồn vui oán giận của thiên hạ khi được/bị nhận một sinh linh, nhọc
lắm, tủi lắm rồi. Kiếp sau không làm người, làm kiếp chó, con người sống với
nhau bạc quá. Mấy lần tính nghỉ, nhưng nghỉ thì chỉ có húp nước lã, mà nước lã
cũng chả có mà húp vì không có tiền đóng
phí nước, nhà máy nước nó cắt pheng. Chị bảo mấy năm rồi chả có cái tết cái
nhất gì sất, xin làm mấy ngày này kiếm thêm đồng nuôi thằng con giai học cấp 3,
thằng bé giỏi như thần đồng, đẹp giai như bố, thương người như bố, hiền lành
như bà ngoại, ăn no ngủ kĩ như bà nội... chị cứ như được khơi đúng nguồn, thao
thao kể về thằng con. Bà mẹ nào cũng tự hào về con, cũng yêu con kì lạ. Còn
nàng, nàng đang bế trong tay đứa bé đỏ hỏn, nó là thứ nàng không mong đợi, anh
cũng không đợi mong. Anh bỏ nàng vì sự có mặt của nó. Nàng mở mũ để nhìn nó kỹ
hơn, chẳng nhận ra gì, chẳng thấy gì, chỉ thấy lạnh từng cơn xông vào lưng,
ngực, chân tóc buôn buốt. Nàng bảo nữ hộ lý: Chị ôm nó cho em ngủ chút, em lạnh
quá, em sợ ngủ quên đè vào nó. Chị lườm nàng hừ một tiếng lầm bầm: Rõ là vụng,
trẻ thế mà đèo bòng, khổ chưa? Nàng cười nhẹ, kéo chăn kín đầu, mùi nhang cúng
giao thừa bên phòng họp khoa sản tỏa lan thơm thơm, tiếng nhạc ti vi rộn ràng
chào xuân mới, nàng co đầu gối ép sát bụng cố dỗ giấc cho quên từng cơn đau co
thắt tử cung. Tiếng chị ru hời ru hỡi buồn buồn rên rên, nàng lớn lên chẳng
biết mẹ là ai, cha là ai, họ hàng là ai. Nàng buồn buồn lớn lên giữa cái xóm
người làm công ăn lương nhà nước cư xử kiểu cách nhạt nhẽo cùng mẹ nuôi - một văn thư
ế duyên. Bà nhặt nàng trước cổng nhà thờ Mẹ vô nhiễm một sáng giáp tết. Nàng
được trời ban sức khỏe và nhan sắc, nàng có trí nhớ tốt, đôi bàn tay đẹp như
tay đức mẹ thiên chúa. Nàng ít nói đến nỗi trong xóm nhiều người tưởng nàng
câm, nàng hay nhìn chăm chắm vào người đối diện không chớp mắt khiến họ bối
rối, sợ hãi, nàng hay ôm chó mèo nói lảm nhảm thì thào, mẹ nuôi nàng kệ mọi
điều dị nghị xôn xao, bà một mình nuôi nàng lớn nhanh như thổi, học giỏi nhất
trường, vào đại học thủ khoa, ra trường được nhận làm việc ngay, nghề bác sĩ
nhi là nghề mẹ nuôi mơ ước, nàng thực hiện mơ ước của bà một cách trôi chảy, bà
yêu nàng một cách chân thành nhất thế gian, chắc là hơn cả tình yêu của người
mẹ đẻ nàng, người vứt nàng lăn lóc sáng giáp tết nọ trước cổng nhà thờ. Bà ấy
chắc xinh đẹp, chắc dại dột và chắc là ác như thú. Nàng nhớ mẹ nuôi, giá lúc
này có bà, nàng sẽ được ăn những thìa cháo thịt bằm nóng hổi thơm nhức mũi, sẽ
được uống cốc sữa nóng hổi béo ngọt để lấy lại sức, sẽ được bà xoa xoa hoặc
chườm nước nóng lên vòm bụng đang cương trương đau thắt... Bà không chờ nổi
ngày nàng lên xe hoa, không chờ nổi ngày hai mẹ con đi đặt thiệp cưới, không
được nhìn góc trái thiệp ghi bà quả phụ Mai Thị Phi tổ 12 phường K, TP. Pleiku
trân trọng báo tin lễ vu quy của con gái Mai Xuân Như Ý... Nàng thèm có mẹ nuôi
quá, nước mắt nàng chan chứa. Những sự kiện buồn thảm toàn rơi vào đời nàng
những ngày tháng tết đến xuân qua. Khi người ta vui vẻ sum vầy thì nàng một
mình với nỗi đau mất mẹ, sinh con một mình, người yêu phụ bạc.
Phòng mạch của
nàng ngoài giờ lúc nào cũng đông khách, những ông bố bà mẹ xuýt xoa, đi ra đi
vào sốt ruột ngóng đợi đến lượt bế con cưng vào, những đứa trẻ nàng khám cho
thuốc 3 ngày, 5 ngày, 10 ngày hết ho, ói, sổ mũi, ỉa chảy, sốt... Người ta đồn
nàng mát tay mát vía. Người ta đồn nàng đẹp như đức mẹ nhưng kiệm lời, chẳng
thấy cười, mắt luôn nhìn chăm chắm làm người đối diện lúng túng. Nàng giàu. Tiền
mẹ nuôi ki cóp cả đời đủ để nàng sửa nhà cũ thành phòng mạch, đi làm cơ quan,
hết giờ về làm tại nhà, nàng chẳng đi đâu, chẳng gặp ai, tết cũng chẳng thăm
hỏi đồng nghiệp bạn bè. Bà trưởng khoa phê bình nàng ra rả mỗi dịp họp xét bình
bầu thi đua cuối năm rằng nàng tự ti, thiếu quan tâm đồng nghiệp, không có tính
phối hợp, không hòa đồng, không tích cực trong các phong trào văn nghệ thể
thao... năm nào nàng cũng tự nhận hoàn thành nhiệm vụ, không lăn tăn bầu bán danh
hiệu thi đua. Nhưng các chị già ở khoa thương nàng lắm, ai nhờ gì nàng cũng
giúp, lịch của nàng dày ken vì trực thay. Các chị già giơ tay đề nghị nàng hoàn
thành tốt nhiệm vụ, bà sếp gạt phắt, các đồng nghiệp cùng tuổi ngồi im, ngó
linh tinh chỗ khác, các đồng nghiệp trẻ hơn sợ sếp ngồi im thít, tiếng thở kìm
nén ấm ức. Chẳng ai muốn dây với bà, công việc bữa nay người đông của khó, bà
điên tiết về tâu với ông chồng giám đốc viện là mai có ngay quyết định chuyển
sang bộ phận khác. Chẳng ai dại. Ở viện nàng cái giường đôi ở nhà và cái ghế da trên cơ quan của vợ chồng sếp
là đề tài “hot”. Việc cơ quan cũng là việc nhà và ngược lại, cứ như thời phong
kiến thống trị. Nàng thờ ơ. Mấy em nhỏ thì thầm vào tai nàng: Tết chị đến quà
cáp bả để êm cho rùi. Nàng cười nhẹ, nhún vai. Tết nàng đúc phong lì xì, họp tổng
kết cuối năm xong tặng các chị già, cho các em trẻ, cho bác bảo vệ, các chị hộ
lý kèm câu ngắn gọn: “Năm nay nhà em có tang không đến thăm được”. Tang hết 2
năm nàng vẫn một câu đấy mỗi khi tết đến. Các chị già làm mai đám này đám kia,
nàng nể đi cà phê xem mặt, được 30 phút đòi về vì bệnh nhân đợi đầy nhà. Các
chị già chán ngán bảo nàng làm để chết à. Nàng cười nhẹ. Mắt chăm chắm nhìn
người trai đối diện. Anh chàng cà phê nhỏ giọt tránh mắt nàng. Các chị già thở dài sườn sượt. Con gái gì mà
mắt với mặt cứ buồn rười rượi thế kia sướng làm sao được. Rồi lại thở dài sườn
sượt ngước mắt nhìn trời. Trời cao tít, nhấp nháy sao và sao.
Anh không chịu
nổi nàng, anh không muốn cưới nàng, anh thích xài tiền của nàng, thích ngủ với
nàng, thích ăn những món nàng nấu mỗi tối được về thành phố. Kĩ sư nông lâm ở
huyện, gặp một lần anh lao vào nàng, đều đặn và lắm trò anh làm nàng xiêu lòng,
đến khi nàng yêu anh, cần anh thì anh tỏ ý rút lui. Lý do anh chưa muốn có con
lúc này, anh phải phấn đấu, chức phó chủ tịch huyện anh chạy đã 5 năm nay, bây
giờ đang cơ cấu trẻ, nàng theo đạo công giáo sẽ khiến anh khó thăng tiến...
nhiều lý do nàng không nhớ hết nhưng bạn anh lộ với nàng rằng anh bảo không
chịu được sự im lặng của nàng. Lấy nàng anh sẽ không tiến được vì thầy bói nói
anh và nàng khắc tuổi, nàng dân xóm đạo. Ba lí do bị phụ tình. Nàng không phá
thai, anh mua nhà ở huyện, lên phố không đến nhà nàng, không liên lạc. Cứ như
chưa quen nhau bao giờ. Nàng không phá thai. Bà sếp đòi kỷ luật nàng, đòi truy
ra bố đứa bé, thế kỉ XXI rồi mà, nàng có quyền làm mẹ đơn thân. Các chị già
chăm nàng ăn, trực thay nàng khi nàng nghén, đến nhà khám thay nàng những hôm
nàng bệnh không gượng dậy nổi, cha mẹ bệnh nhân tặng nàng những món quà sơ sinh
dễ thương của con họ, những món ăn vặt bà bầu. Nàng cười nhẹ. Mắt nàng nhìn
chăm chắm.
Gã đến, gã yêu
nàng như điên, gã trẻ hơn nàng hai tuổi, nhất gái hơn hai, người ta đồn gã là
thằng đào mỏ, nàng kệ. Gặp gã nàng như bị sét đánh, lao vào nhau bốc cháy. Hơn
một năm bên nhau gã là người tình tuyệt vời, gã chăm sóc nàng như nữ hoàng, thẻ
lương gã luôn hết veo ngay từ giữa tháng bởi những quan tâm chu đáo cho hai mẹ
con nàng. Ly Ly yêu gã gọi là papa, chị giúp việc yêu gã gọi là cậu Ba, nàng
yêu gã gọi là mình. Những bữa cơm chung thật ấm cúng. Gã nài nỉ nàng ra giêng
cưới. Nàng cười nhẹ, mắt chăm chắm nhìn gã gật lia lại, những tia mắt lóng lánh
như pha lê, đêm mùa đông, phòng ngủ 30 độ C, dưới đèn hồng nàng đẹp như đức mẹ
thiên chúa, vòng tay gã cuộn nàng ấm áp, giấc ngủ có gã thật sâu và êm dịu.
Nhưng gã không cưới nàng, gã không thích làm nhân viên quản lý khách sạn quèn,
gã không thích làm chồng khi chưa tuổi 30, gã mộng làm giám đốc công ty tư
nhân, nàng không biết điều đó, gã chỉ nói với nàng khi đã say mèm rằng đời này
anh yêu em mãi mãi nhưng anh nhất định phải có danh tiếng với đời. Không thể
nào cứ con sãi ở chùa thì quét lá đa mãi được, con sãi cũng có thể làm vua chứ,
nhất định phải làm được. Nàng không hiểu, vỗ về gã ngủ. Giờ thì gã làm vua rồi,
mụ ngực bự hơn gã 7 tuổi, đại gia nông sản và gỗ gì gì đó, nức tiếng huyện T,
các chị già chê mụ ngực bự là thứ hư hỏng, đấy là hàng xách tay, cơ sở hai của
quan này quan kia mấy đời mới củng cố được cơ ngơi địa vị như thế. Nàng tặng
anh một câu ngắn gọn: “Mong anh làm vua mãi mãi”. Nàng xóa số anh, nàng xé nát
ảnh, nàng vứt vào sọt rác những thứ liên quan đến anh... nàng thất tình như
tuổi teen. Khi ba mươi tuổi đàn bà yêu sâu hơn nhưng cũng cả tin hơn. Khi ba
mươi tuổi đàn bà bắt đầu biết quý những gì mình đã có và cả biết tiếc. Gã gọi
điện, gã nhắn tin, gã đến trường gặp Ly Ly, ôm hôn nó ngấu nghiến, cho nó gấu
Misa và sữa, bông tai vàng, con bé vẫn gọi gã là papa, chị giúp việc vẫn nhắc
cậu Ba, nàng im lặng, nàng câm lặng, nàng nhẹ cười khi ai đó nhắc lại mối tình
của nàng và gã.
Ý ngồi nghe bản
“Happy new year”, mùa xuân đang về qua ngõ, giàn hoa tigon nở hồng mong manh,
nàng đóng cửa phòng khám, hôm nay sinh nhật nàng, ngày giáp tết cách đây 30 năm
nàng chào đời, bị bỏ lại trước cổng nhà thờ mỗi ngày nàng vẫn đi qua, được nhặt
lên và đem về nuôi nấng, được mẹ nuôi cho cái tên đầy mong chờ hạnh phúc, được
làm mẹ khi 25, nàng tự hỏi giờ mẹ nàng ở đâu, bà có dằn vặt trong tim mỗi khi
nhớ đến nàng. Nàng đã làm mẹ, mẹ đơn thân khi tuổi 25 nhưng nàng sẽ không phải
dằn vặt đến khi chết. Anh đã lên được
chiếc ghế phó chủ tịch huyện, đã xây nhà ba tầng, sắm xe hơi, đã kết hôn nhưng
không có con, vợ anh bị khiếm khuyết ống dẫn chứng. Anh không lần ghé thăm Ly
Ly. Mai là sinh nhật con. Đôi khi nàng vẫn nghĩ về anh, không oán trách. Gã đã
làm giám đốc, mụ vú bụ đã sinh bé gái nặng 4kg. Gã nói với Ly Ly nó là em gái con - Ly Ly em.
Mụ vú bự nhắn tin “Chị em mình cùng yêu một người đàn ông, em có duyên mà không
phận, chị may mắn có phận, mong em dĩ hòa vi quý để hai nhà được yên vui em
nhé!”. Mụ hẹn tết bế Ly Ly em ra thăm Ly Ly chị. Nàng nhắn lại “ok, nên cho bé
bú sữa mẹ!”, send thêm cái biểu tượng mặt cười vàng chóe. Khi ba mươi tuổi đàn
bà vị tha hơn, biết nghĩ về tương lai hơn, biết thương mình và âu lo hơn.
Hôm nay nàng
tròn ba mươi. Mùa xuân đến ngõ, lao xao phố phường, thằng ngọng bấm chuông. Nó
chìa mảnh giấy qua kẽ cửa. “Chiều qua nhà anh tất niên, anh gói bánh chưng cho
hai mẹ con rồi, đừng mua bánh chợ về cúng mẹ nhé!”. Nàng nhướn mắt, nàng cười
nhẹ. Mắt nàng ngó chăm chắm sang bờ rào đối diện. Bố thằng ngọng đang vừa lau
mấy chậu mai vừa hát “Happy new year”. Nàng nghe có tiếng Ly Ly và chị giúp
việc bên ấy. Nàng mở cổng. Từ ngày mẹ thằng ngọng qua đời vì ung thư gan đây là
lần thứ hai chị sang nhà anh. Anh chuyển về đây ở khi nàng vừa 20. Lâu lắm rồi
nàng mới nhìn kĩ một người đàn ông. Anh chỉ cái xích đu: “Ngồi đi, chậu mai này
tặng em, mừng sinh nhật nhé, mừng xuân luôn”. Ly Ly ôm cổ anh nũng nịu: “Bác
hông tặng con bánh tò te à?”, “Tối mai mới có bánh tò te chứ? Mỗi đứa hai cặp
tha hồ mà ăn”. Thằng ngọng chỉ vào chồng bánh trên chiếc bàn gỗ nơi góc thềm: “Ánh
ưng của ố, ủa ọng, ủa em Y Y, ủa ị Ý”. Nàng cười nhẹ, mắt nhìn đăm đắm thằng
ngọng đang nặng nhọc phát âm, cố diễn đạt điều nó muốn khoe. Tên nàng nó nói rõ
nhất, tên nàng dễ gọi, người ngọng cũng có thể phát âm chuẩn. Anh quay nhìn
nàng, mắt cười, ngập ngừng: “Hay là ba mẹ con chị em nhà Ý mai qua đây cùng đón
giao thừa với bố con anh cho vui?”. Nàng nhìn anh đăm đắm. Giờ nàng mới nhớ câu
mẹ nuôi khen anh “ Đàn ông đàn ang gì mà tử tế thế. Vợ bệnh con tật mà thương yêu chăm sóc một dạ một lòng”. Nàng gật gật, mắt nhìn anh chăm chắm. Anh
bảo: “Em cười đi, Ý cười đẹp lắm đó”. Nàng gật gật nhoẻn cười. Ly Ly và thằng
ngọng vỗ tay nhảy choi choi reo ầm ĩ: “A mẹ cười rồi, mẹ cười rồi”. Nước mắt
nàng tự nhiên chan chứa. Bỗng nhiên nàng muốn đi chợ, siêu thị, các cửa hàng,
hôm nay sinh nhật nàng, mai tết rồi, mai sinh nhật Ly Ly, nàng muốn sắm sanh
thật nhiều thứ, cho mình, cho Ly Ly, cho chị giúp việc, cho bố con thằng ngọng,
cho mấy chị già, mấy em trẻ cơ quan, cho bác bảo vệ, mấy chị hộ lý, cho cả bà
sếp... Chị gọi: “ Này, anh lái xe chở mẹ con em đi sắm tết nhé”. “Tuân lệnh”.
Nói xong anh giơ tay chào kiểu nhà binh. Ly Ly và thằng ngọng vừa nghe thế lại
nhảy choi choi reo ầm ĩ: “A đi sắm đồ tết thôi, đi thôi mẹ”... nàng nhoẻn cười,
hai má hồng hồng, mắt nhìn chăm chắm vào lũ con, vào anh, vào chậu mai bắt đầu xòe
những bông vàng rực rỡ háo hức đón mùa.
11/2014
HTH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét