10.06.2014

"Mùa gió hát" với tâm hồn nữ sĩ tuổi ba mươi
                                                           Ths. Hà Thu Bình

Nữ thi sĩ người Mường quê Phú Thọ - Hoàng Thanh Hương đang sinh sống tại mảnh đất Pleiku trữ tình nồng hậu. Miền đất phóng khoáng – trung tâm của văn hóa Tây Nguyên đã trao cho trái tim đa cảm của người thiếu phụ ba mươi những rung động sâu sắc, trao cho chị vị men say của những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn . Tập thơ Mùa gió hát xuất bản năm 2013 là một minh chứng cho sự quyện chặt hồn thơ nữ sĩ với vùng đất Tây Nguyên bỏng cháy khát khao.
Thiên nhiên hoang sơ mộc mạc, nhiều  nghiệt ngã thách thức con người :
Mùa khô bỏng bàn chân cha lên rãy
Bỏng lồng ngực mẹ lo mùa lép hạt
Rừng thôi màu thiên thanh
Đêm oi óc tiếng gió qua đồi trống
 ( Viết giữa mùa khô)
 Nhưng đó cũng là một thiên nhiên cuốn hút mãnh liệt như con người khát khao cháy bỏng yêu thương:
Khi những cơn gió bốc bụi ném vào không trung/ Khi dã quỳ bung vàng khắp thung đồi/ Khi rét làm môi em căng tươi như trái chăm noi/ Khi nắng vàng hơn mật ông/ Và khi ngực em căng nhức bởi tiếng chiêng anh/ Là mùa khô về gõ cửa” (Tình yêu ba zan).

          Thơ Hoàng Thanh Hương khá lạ và say. Cái lạ, cái say toát lên từ chất đằm thắm, nồng nàn của vùng đất ba zan khoáng đạt được biểu đạt bằng một giọng thơ cuốn hút. Thơ chị làm nổi lên con người Tây Nguyên phóng khoáng hồn nhiên,  sống chân chất, mãnh liệt. Như thể chị sinh ra từ dóng máu hừng hực của những đứa con cao nguyên kiêu hùng, từ sự sôi động, rộn rã của những mùa lễ hội .
Tình yêu cuồng si của những đôi trai gái cũng mang đậm chất Tây Nguyên:
          Anh ưỡn ngực chắn gió/ Em cuốn lại yêng/ …Đêm nay mùa sinh nở/ Chúng mình tràn thác đổ/ …Những đứa con dũng sĩ, thần nữ hoài thai (Tình yêu ba zan)

Hoàng Thanh Hương tiếp cận văn hóa theo hướng mô tả hiện thực cộng với ý thức truy nguyên làm nổi lên cái riêng biệt, cái độc đáo, kéo người đọc vào một vùng văn hóa đặc sắc, truyền cho họ sự cuốn hút ma mị, mãnh liệt . Những sinh hoạt, phong tục, tập tục như già làng kể khan, những mùa ning nơng, những tiếng chiêng , điệu xoang, ché rượu cần, những tượng mồ, những người đàn bà vú chấm cạp yêng…làm nên một Tây Nguyên sôi động trong thơ chị.
Văn minh nương rẫy cộng với tín ngưỡng đa thần của người Tây Nguyên gắn với những lễ Cầu mùa, lễ Bỏ mả .. . được nhà thơ chú trọng khai thác qua nhiều phương diện. Cách diễn đạt ấn tượng:
Ipa/ Trăng ngủ trên tẩu cha đêm pơ thi/ người già kể khan/ lúc bổng như tiếng mùa sinh sôi/ lúc trầm như lòng sông mùa cạn ( Ipa mùa gió)
          Cái tôi đắm chìm trong những đêm Pơ thi (Bỏ mả) trong sự hòa trộn với không khí của buôn làng mùa ninh nơng, làm nên chất men trong thơ nữ sĩ:
 Có những đêm ở lại một làng xa/ khuya tiếng chiêng chập chờn cơn say/ chập chờn cuộc chia tay ma – người vĩnh viễn/ tôi uống cả sương, cả sao trời, cả ánh mắt anh như lửa/ những tiếng hú phấn khích… (Buổi chiều và nỗi nhớ)
Đêm nay nằm trên sương/ đất dưới chân rung lên/ những bàn chân nối nhau thong thả, tíu tít, hoang cuồng/những tượng mồ hú gọi, nhảy múa/ lồng ngực đầy lửa/ lồng ngực đầy gió (Kí diệu)

          Ngòi bút nữ sĩ đặc tả hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên, họ hiện lên với những nét rất riêng, và cũng rất thật:
- Em gội tóc chiều sông ngực soi mặt sóng
Những đường cong căng mềm mát một mùa khô
-  Bóng mẹ cõng gập gùi măng ngược dốc/ mặt em nhem nhuốc/ áo quần xô xệch
- Đàn bà ôm con ngồi giữa cửa
Vú chấm cạp yêng (Làng biên giới)
Thâm nhập sâu vào văn hóa, nữ sĩ hóa thân vào những tâm tư tình cảm của tộc người : A mí dặn/ con gái ngủ nghiêng về bếp lửa, tay vòng ôm ngực/ tiếng thở như tiếng gió chạm lá/ tiếng cựa mình như tiếng chân hươu ra suổi…
 Đàn bà Jrai sinh ra từ rừng/ trái tim như rễ kơ nia/ như lòng sông lòng suối/ suốt đời yêu thương che chở mái nhà (A mí)
          Viết về người và cảnh Tây Nguyên là thế mạnh của Hoàng Thanh Hương. Nữ sĩ tuổi ba mươi cũng bày tỏ những nỗi niềm nhân thế, những ám ảnh về thân phận con người trong cuộc mưu sinh, những cảm nhận trước đổi thay của vùng đất nơi quê cha đất tổ …song viết về Tây Nguyên là mảng độc đáo và cuốn hút nhất trong tập thơ.
          Tập thơ sử dụng thể thơ tự do, không vần, cấu trúc linh hoạt, lối diễn đạt sinh động, phong phú chuyển tải được vẻ đẹp của thiên nhiên, con người trong mối giao cảm sâu sắc của một hồn thơ đang độ chín. Những điều này làm nên cái ngọt ngào mê đắm của tập thơ.
          Tập thơ cũng có đôi nét chưa hoàn toàn thỏa mãn người đọc. Thể thơ tự do không vần giải phóng những khuôn thước gò bó giúp cho sự phóng khoáng trong diễn đạt, song đôi khi nó làm mất đi chất thơ. Ngôn từ đôi chỗ nặng lý trí, mang dáng dấp ngôn ngữ khoa học làm giảm đi cái dư vị của một vài dòng thơ, bài thơ.
          Tuy nhiên, cái đẹp của những điều đã nói ở trên làm nên vẻ đẹp của Mùa gió hát – khúc nhạc lòng của một nữ sĩ đang ở cái tuổi đằm thắm nhất: tuổi ba mươi. Chúc Hoàng Thanh Hương tiếp tục gặt hái thành công trong những mùa sắp tới!
                                                                                                                                  H.T.B


                                                                   Cầu treo Biển Hồ
                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét