10.20.2014

NGUYỄN VĂN NÔNG

CHẤT TRỮ TÌNH HƯỚNG NGOẠI
 TRONG THƠ CỦA HOÀNG THANH HƯƠNG


Tôi quả thật rất may mắn khi có được trong tay tập thơ “Mùa gió hát” của cây viết trẻ Hoàng Thanh Hương, lẽ dĩ nhiên là tình cảm trân trọng được thể hiện bằng tấm lòng đồng cảm với tác giả: “Văn học là nhân học”, đó là một chân lí bởi  một văn bản văn học hay hoặc chưa hay đều có tác dụng bồi đắp về tư tưởng và giá trị nhân văn cho người đọc. May mắn này càng được nhân lên gấp bội khi giải mã “đặc sản” thơ Hoàng Thanh Hương, người đã viết ra bằng những điệu phức của một tâm hồn thơ uyển chuyển, đa cảm, ở góc độ nào chúng tôi cũng thấy chị thỏa thuê với cuộc đời đầy nỗi truân chuyên
          Riêng tôi rất thích một phương diện trong thơ của chị, đó là tính chất trữ tình hướng ngoại trong thơ. Hiểu cụ thể hơn đó là một niềm vui say sưa chan hòa vào cảnh vật vào vùng đất giàu truyền thống văn hóa Gia Lai, vào đời sống lao động sản xuất của nhân dân
          Chắc sẽ có nhiều ý kiến phản biện cho rằng đây chỉ là đề tài, chủ đề phản ánh trong thơ chứ không phải là tính chất hướng ngoại gì? Điều này không phải không có lí, tuy nhiên đề tài, chủ đề trong Thi pháp học cũng đều được soi chiếu qua điểm nhìn tác giả. Nói cách khác nó được toát lên từ phẩm hạnh, năng lượng của trí tuệ, được thăng hoa qua do quá trình học tập, rèn luyện và sự trải nghiệm nên mới thai nghén ra những đứa con tinh thần đúng nghĩa.
          Ở phương diện thứ nhất là hướng ngoại về thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ Hoàng Thanh Hương chiếm một vị trí đậm đặc, điều này cho thấy tác giả là người yêu và hòa hợp với thiên nhiên mãnh liệt, chỉ có điều thiên nhiên trong thơ chị ưu ái nhiều về vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, một vùng đất của nhiều di sản văn hóa đặc sắc và những làn điệu dân ca say đắm mang màu sắc thổ dân. Chúng tôi đã từng đắm mình trong các trang viết của nhà thơ Văn Công Hùng về hoa dã quỳ, nhà thơ Tạ Văn Sỹ về cây kơ-nia, cây xà nu v.v… Nay đọc thơ Hoàng Thanh Hương dường như chị cũng không muốn trật khỏi làn ranh của vùng văn hóa đặc sắc này Chẳng hạn trong bài bazan: “Phía trước rừng chơi vơi/ Phía sau biển hai ngàn lẻ một màu”. Tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập giữa hai thế đứng của rừng và biển, một sự tưởng tượng khá thú vị, đằng sau sự choáng ngợp về không gian là sự kiêu hãnh, tự hào rất giống với thế đứng: “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến. Đó là “Rừng vàng biển bạc”. Một thế đứng vượt qua khỏi sự chật hẹp của không gian riêng tư. Thiên nhiên là biểu hiện của không gian, thời gian và đề tài, nói theo cách nói của GS Trần Đình Sử đó là thi pháp của không gian và điểm nhìn của tư tưởng tác giả. Không những vậy thiên nhiên trong thơ Hoàng Thanh Hương còn tràn đầy sự lạc quan. Bài Krông Pa ngày tôi mơ: “Nắng dàn lưng amí/ Nắng phủ vai am/ Đàn bò đuổi nhau bụi tung trắng xóa”. Cũng theo ý kiến của thạc sĩ Đoàn Ánh Dương cho rằng trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, người nghệ sĩ còn là những kẻ săn đón trường kì, chẳng hạn trường hợp Nguyễn Tuân miêu tả về màu xanh nước biển của đảo Cô Tô, tác phẩm không chỉ đọng lại ở màu xanh của thiên nhiên mà còn là sự đắc kỉ trong con người tác giả. Miêu tả về nắng có vẻ như Hoàng Thanh Hương cũng không phải là ngoại lệ. Và cũng như Nguyễn Tuân đằng sau màu xanh nước biển là chứa chất tình yêu cuộc sống của thế gian, thì Hoàng Thanh Hương lại nặng trĩu với cuộc đời đè nặng lên cuộc đời nhuốm màu vất vả, nhọc nhằn của người lao động. Thiên nhiên trong thơ chị cũng gắn với tình yêu thiên nhiên đôi lứa. Bài Pleiku và em: “Ước mơ em những chuyến đi/ Pleiku mưa lê thê điệu slow buồn…/ Nơi anh đến nắng bốn mùa/ Em để dành cả mùa mưa cho anh mát..v.v. Tình yêu là nền móng đúc kết lên sự cảm nhận lạ lẫm của người phụ nữ, nói một cách khác đó là một khúc nguồn của nội lực, là biểu điểm của sự thăng hoa về tâm hồn và niềm tin, và đó cũng là sự thâm sâu và nhiệt tình về “Chánh niệm”. Tình yêu dành cho ngoại cảnh phải chăng là cái gốc của mọi sự giáo hóa, bởi một sắc vàng của nắng, màu xanh của rừng núi và biển xanh… nó chỉ thực sự đẹp trong con mắt của con người. Nhưng trong con mắt của con người không phải ai cũng “Chánh niệm” được với thiên nhiên. Nói như cách nói của Hoàng Ngọc Hiến đó là những con người bình thường chẳng có gì đặc biệt là “Trí thức bình dân” để phân biệt với con người hiểu theo nghĩa đặc biệt “Tri thức thực học”. Thiên nhiên trong thơ Hoàng Thanh Hương là sự trộn lẫn của hai tinh thần “nhị thể” trên. Đó là một tư duy thơ đa màu sắc diễn đạt được nhiều cung độ của trạng thái cảm xúc trong mỗi chúng ta, mặt khác chị lại thả hồn vào đó một tinh thần “Triết học” trong mỗi hoàn cảnh, mỗi vùng văn hóa đã đi qua. Cái mà chúng tôi gọi là chất trí tuệ trong thơ: “Trí tuệ của trí tuệ thì sáng suốt” (L. Tônxtôi).
          Chất trữ tình hướng ngoại thứ hai đó là hướng đến con người. Văn học trong đó có thơ lại là chất men đậm đặc nhất hướng tới con người theo nghĩa toàn vẹn nhất. Tiếp nhận thơ Hoàng Thanh Hương từ góc độ con người chúng tôi thấy chị giống như một đại sứ luôn truyền thông điệp yêu thương đối với tất cả mọi người. Với tần số rung động mãnh liệt như một làn sóng lan truyền đi khắp mọi nơi, ta nhận thấy tác giả như muôn ôm lấy tất cả mà “Thanh la não bạt”. Bài “Âm thanh”, hình ảnh người mẹ, lũ trẻ: “Người mẹ bắt đầu một ngày/ Lũ trẻ bắt đầu một ngày/ Cho mùa xuân sắp tới”. Đó là âm thanh của cuộc sống con người, sự rộn rã, náo nức trong không khí tràn về của mùa Xuân “Cho mùa xuân sắp tới”. Từ đứa trẻ mục đồng trong văn chương quá quen thuộc Hoàng Thanh Hương điệu đà với trẻ em bằng một tâm hồn thanh sơ, trong trẻo. Bài Những đứa trẻ: “Những đứa trẻ cánh đồng/ Sách nhét sau mông/ Bản hòa cạp cạp/ Môi tím, chiều tím, ý nghĩa tím”. Con người là chủ thế của thế giới này, vừa là sản phẩm tinh túy sáng tạo ra thế giới nhưng cũng tiềm ẩn nhưng mối lo hiểm họa nhiều nhất. Nhưng với chiều nghĩa ngược lại tác giả luôn thổi vào tất cả với con người với thông điệp cuả yêu thương và sự cầu mong. Điều này làm cho mạch thơ của chị đồng điệu với một cây bút nữa trẻ của Kon Tum Y Việt Sa. “Ủ rũ ấy đã qua mùa tạm trú/ Ngày lại đầy ấm áp những yên vui”. Chỉ một sự khác biệt ở chỗ trong cảm nhận, cây bút trẻ Kon Tum thiên về hướng nội nhiều hơn. Thơ Hoàng Thanh Hương có tính chất triết lí về sự cầu mong tôn giáo đó là hướng con người đến một thế giới trong sạch không còn phải đụng chạm với những rủi ro về cuộc đời đầy rẫy nhưng bất công. Bài “Quê mình” tác giả chợt nhiên xốn xang, co cụm lại bởi tiếng lòng thắt đáy mà chưa có giải pháp nào hiện hữu. Đó là tấm lòng cầu mong của một người con xa quê: “Mơ hồ bóng ai ngồi cầu lễ/ Tiếng chuông chùa xa xăm bên sống”. Con người luôn phải sống và tồn tại trong một hoàn cảnh cụ thể, nói như nhà thơ Tố Hữu: “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”. Đó là cảm thức của nhà thơ, một dạng cảm thức đặc biệt, của một đời sống đặc biệt. Thơ Hoàng Thanh Hương là như vậy chăng ?
          Ngôn ngữ trong thơ Hoàng Thanh Hương khá giàu có: Từ vựng, ngữ âm, cấu trúc cú pháp. Lối thơ của chị thiên về tự sự hướng ngoại, một lối thơ thông diễn kiểu đan lưới. Nghĩa là trong thơ kết hợp giữa cảm xúc đa chiều với điểm nhìn và tung tẩy giọng điệu. Điều này làm cho Hoàng Thanh Hương có nhiều điểm cách tân, bứt phá ra khỏi lối thơ trung tính truyền thống. Trong tập thơ “Mùa gió hát” qua lược khảo đa số chị đều ưa thích sử dụng lối thơ này: Bài “Tình yêu Ba Zan”: “Anh ưỡn ngực chắn gió/ Em cuốn lại yêng/ Chúng mình đốt lửa/ Hát ca và say ngất…”. Bài “Ngày trên phố và tôi”: “Sững sờ/ Cục ức ngang cuống họng/ Cái cách họ vứt tiền vào mũ người ăn xin…v.v. Về từ vựng Hoàng Thanh Hương rất chịu khó tìm tòi những từ loại khác nhau, trong đó chú trọng đến lớp từ mới lạ: “căng nhức, ngực chắn, căng tươi, tràn thác đổ…”  láy gợi âm thanh, màu sắc: “sẩy sàng, lung linh, tíu tít, lưng rưng, inh ỏi…v.v. Câu thơ văn xuôi, không thông diễn bằng một lối thơ lặp lại ý tưởng mà đôn trùng nối tiếp, phát triển ý một cách không ngừng. Chẳng hạn: “Vèo qua ngày/ con người mang tâm thức hiện sinh…/ vèo người sọt bóng/ thập thễnh em bé bán bóng v.v…
Như đã nói Tây Nguyên là vùng đất trù phú, màu mỡ về thiên nhiên lại giàu có về truyền thống văn hóa bản địa. Trên cái bầu trời chung ấy của đất nước, cũng ở chính nơi đây, vùng đất Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Lâm Đồng đã xuất hiện không ít cây viết trẻ có thương hiệu và tạo dấu ấn riêng: Niê Thanh Mai, H'trem Knul (Đăk Lăk), Hoàng Thanh Hương, Ngô Thị Thanh Vân, miên di, Lê Vi Thủy (Gia Lai), Hồng Thủy Tiên, Y Việt Sa (Kon Tum)... Trong bài viết “Văn học miền Trung, Tây Nguyên từ góc nhìn trẻ”, nhà thơ Văn Công Hùng viết: “Trẻ là yếu tố hàng đầu để làm nên một nền văn học. Trẻ đồng nghĩa với sung sức, với mới, với những phát hiện, với sự bung phá, với tươi non câu chữ vân vân, nhưng trẻ còn là sự chuyển tiếp, sự xuất hiện những thế hệ kế tiếp để nền văn học ấy chuyển động một cách không đứt quãng, mang yếu tố liên tục, bền vững”. Và, chăng trong cái nền trời chung ấy Hoàng Thanh Hương liên tiếp có những cuộc chạy tiếp sức để bứt phá lên để trở thành một ngôi sao sáng thật sự. Đó là tập thơ “Mùa gió hát”, một tập thơ mà như chúng tôi đã nhận định, có một chất “diệp lục” riêng trong tính chất biểu hiện khám phá về thế giới nghệ thuật: “Chất trữ tình hướng ngoại”, cái mà người đọc thơ chị đã nói tới nhiều, nhưng hôm nay chúng tôi mới mạnh dạn bước đầu trao đổi thêm.

N.V.N

          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét