9.15.2011

với Gia Lai -TÔI ĐANG MẮC NỢ ÂN TÌNH


Hoàng Thanh Hương  (thực hiện)

NGUYỄN THUỴ KHA
với Gia Lai -TÔI ĐANG MẮC NỢ ÂN TÌNH

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thuỵ Kha về Gia Lai lần này để tìm cảm hứng sáng tác một bản giao hưởng dành riêng cho Gia Lai – nơi anh đã một thời gắn bó. P.V Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với anh xung quanh vấn đề âm nhạc Tây Nguyên hiện nay và đề tài người lính trong sáng tác của anh.

PV: Năm 1975, anh cùng đồng đội tiến quân về giải phóng Pleiku - Gia Lai và đã từng sống ở đây một thời gian? Vì vậy anh khá nặng lòng với Pleiku?
Nguyễn Thuỵ Kha: Những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh tôi công tác tại Tây Nguyên. Chúng tôi tiến quân giải phóng Pleiku và về ở tại trụ sở Quân đoàn II, đó là kỉ niệm suốt đời tôi không bao giờ quên, chính những năm tháng sống, công tác ở Tây Nguyên đã khiến tôi quyết viết một cái gì đó để trả nợ vùng đất đã bao bọc tôi  những năm tháng gian khổ. Sau giải phóng  tôi có viết trường ca Gió Tây Nguyên. Tiếp đó tôi được mời về trại sáng tác Quân khu V để hoàn thành trường ca này, cùng thời gian ấy tôi thực hiện thêm một trường ca nữa, đó là hai trường ca duy nhất trong đời viết của tôi. Tôi trở lại Pleiku năm 1983, có viết vài bài thơ, trong đó bài Những đứa trẻ chạy trên thóc với  những câu thơ.
Những đứa trẻ chạy chân trần trên thóc
Chạy trên ấm no.
Càng lúc tôi càng thấy mình dự cảm đúng khi viết hai câu thơ này mỗi lần trở về Gia Lai.
 Tôi yêu quý và coi Gia Lai như quê hương thứ 2 của mình. Năm 1997, tôi lại trở về, Pleiku – Gia Lai thay đổi quá, cảm giác Pleiku sương khói trầm mặc của tôi ngày trước đang mất dần đi, Pleiku hiện tại hiện đại và thơ mộng. Tôi đang muốn viết từ hai cảm nhận đó về Pleiku – Gia Lai, tôi hy vọng sẽ là một hợp xướng đậm chất Gia Lai, do vậy tôi đã trở về để hồi tưởng để cảm nhận và để viết.
PV: Từ trước tới giờ anh chưa có tác phẩm âm nhạc nào viết riêng cho Gia Lai đúng không?
NTK: Có chứ, Sa Thầy quê hương khi Gia Lai - Kon Tum chưa tách tỉnh, Trở về Ayun Pa. Lúc ấy là năm 1983, Ayun Pa lạ lắm, lôi cuốn lắm. Tôi hát bài này giữa một vòng tròn những chàng trai cô gái dân tộc Jrai - Ayun Pa trong một đêm mùa khô. Chúng tôi đã cùng hát bài này đầy cảm xúc và thú vị là Chủ tịch huyện Ayun Pa hồi ấy là một đồng đội cùng đơn vị của tôi. Anh ấy mất rồi. Thân thương lắm.
PV: Là nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà làm phim, và là 1 doanh nghiệp, anh có thấy mình quá tham việc? Thời gian nào anh dành cho sáng tác thơ và nhạc?
NTK: Người không theo thời gian biểu của NTK, chắc cho dây là chuyện hoang đường, nhưng tôi thì làm việc thật sự, và có thể thấy là tôi thành công. Quy trình sáng tác của tôi không giống người khác, tôi quy định mình phải viết một ngày hai trang: thơ, nhạc, lý luận phê bình, phim... viết và gọt dũa cho dến khi hoàn chỉnh, tôi rất nghiêm khắc với bản thân về chuyện viết lách, nếu hôm nào bận việc quá không thể viết hôm sau tôi sẽ viết bù. Tôi làm tất cả mọi việc vào ban ngày, đêm là thời gian để nghỉ ngơi, nên tôi tự hào tuy đã vào tuổi 60 nhưng tôi dồi dào sức khoẻ và  ý tưởng sáng tạo. Tôi học cách viết ấy từ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Suốt mấy chục năm như thế tôi đã có hàng vạn trang bản thảo và sẽ còn công bố nhiều.
PV: Anh là một người lính trở về từ cuộc chiến, những kí ức chiến tranh khiến thơ anh “rất lính”. Vậy đề tài chiến tranh và người lính có còn thường trực trong anh  không?
NTK: Tôi đã là người lính và giờ vẫn là một người lính, tôi đang làm kinh doanh, thương trường là chiến trường mà. Chiến trường nào cũng phải chiến đấu để giành chiến thắng. Cuộc chiến tranh của dân tộc rất vĩ đại nên sau mấy chục năm tôi và những người cùng thời vẫn nhiều ám ảnh, cảm giác chưa làm được những điều xứng tầm với lịch sử. Tôi là một người lính làm thơ, người lính có những tâm tư dằn vặt rất lính... Năm 2007, chúng tôi gồm: Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến, nhà thơ Hoàng Trần Cương được mời sang Mỹ đọc thơ và trao đổi về Chủ nghĩa cổ điển mới, người Mỹ rất khâm phục những người lính Việt Nam và thơ viết về lính của chúng tôi được dịch, in thành sách, phổ biến đến bạn đọc nước ngoài. Họ đọc và thú vị. Họ khâm phục những người lính Việt Nam.
PV: “Không đề” là một bài thơ tình hay của anh, người ta nói “thơ tình Nguyễn Thuỵ Kha quyến rũ sâu sa”. Anh nghĩ sao về điều này?
NTK: Bài này đã được tuyển chọn vào Tuyển thơ tình Việt Nam. Tôi viết nó từ một sự thực, tôi đưa người yêu về Hải Phòng ra mắt gia đình, trên đường đi từ ga về ngang qua đường có nhà người yêu cũ, người ấy lúc ấy đã lấy chồng, vì nàng hay tin tôi hy sinh trên đường vào chiến trường, điều ấy không thể trách, chiến tranh mà. Từ cảm xúc thật ấy mà tôi có bài thơ này. Làm xong không thể đặt được đề nên tôi đề luôn là Không đề. Đây là bài thơ tôi tâm đắc. Nhiều người cũng thích nó, nó được chọn vào nhiều tuyển. Mỗi người một lẽ nhưng thế cũng thấy tự hào. Tuy nhiên khi đăng tuyển người biên tập làm dở thơ của tôi khi thay từ “Rơi” ở đầu câu 2 thành “Trong”.
Đưa ngưòi yêu qua nhà người yêu cũ
Rơi cơn mưa ban trưa
Chợt thấy hồn mình tách làm hai nửa
Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa
Với tôi thơ tứ tuyệt, từ ngữ càng gọn càng sắc, quãng nhảy giữa các câu càng xa thì sức nặng của bài thơ càng lớn.
PV: Là một nhạc sĩ, anh có nhận xét gì về âm nhạc Tây Nguyên bây giờ, đặt biệt là những ca khúc viết về Pleiku – Gia Lai.
Đây là một câu chuyện dài, tôi là người nghiên cứu về âm nhạc và phê bình lý luận, tôi yêu âm nhạc truyền thống Tây Nguyên đặc biệt dân ca Jrai, Bahnar, Êđê. Nhưng tôi thú vị với dân ca Jrai hơn cả. Âm nhạc Tây Nguyên hiện nay có hai chiều hướng, các tác giả ở khu vực và trong tỉnh am hiểu về bản chất âm nhạc nhưng tác phẩm của họ chưa vang xa ra bên ngoài, có nhiều lý do song có lẽ những tác phẩm đó chưa đủ lực, còn nhạc sỹ ở ngoài viết về Tây Nguyên, Pleiku - Gia Lai đôi lúc vì chưa hiểu sâu sắc văn hoá TN đã áp đặt dân ca của dân tộc khác vào, hoặc Tây hóa âm nhạc Tây Nguyên, nên âm nhạc Tây Nguyên chưa thực sự vang dội như nó vốn có. Chuyến đi lần này tôi muốn học hỏi và cộng tác với anh em đồng nghiệp khu vực và Gia Lai để thực hiện một tác phẩm tương đối công phu. Chúng tôi muốn làm cho âm thanh Gia Lai vang lên và đến với thế giới.
PV: Trong những nghề anh đang làm hiện nay, nghề nào được anh ưu ái nhất  và sẽ theo đuổi đến tận cùng?
NTK: Tôi làm báo để sống, làm nhạc để vui và làm thơ để chết. Tôi vẫn hay nửa đùa nửa thật với bạn bè rằng ai sống bằng thơ thì thơ chết, ai làm thơ để chết thì thơ sẽ sống. Tôi đã làm lý luận phê bình âm nhạc 20 năm, giờ tôi muốn dành nhiều thời gian để sáng tác nhạc, tôi cảm thấy  tôi chưa vượt qua chính tôi trong âm nhạc và cả thơ nữa, do vậy tôi sẽ còn đeo đuổi chinh phục. Với tôi thơ và nhạc sẽ bị tôi theo đuổi cho đến lúc tàn hơi.
PV: Cám ơn anh về cuộc trò chuyện hôm nay, hy vọng nhân dân Gia Lai sẽ sớm được nghe hợp xướng anh viết riêng tặng Gia Lai thời gian tới. Chúc anh sức khoẻ và dồi dào sức sáng tạo.
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét