9.15.2011

tôi sẽ viết vài ca khúc về Gia Lai, về Pleiku.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên
                   - tôi sẽ viết vài ca khúc về Gia Lai, về Pleiku.


Nguyễn Văn Hiên là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc dành cho tuổi học trò. Ca khúc của anh có ca từ trong sáng, giản dị như lời kể chuyện. Những bài hát dành cho tuổi hồng nổi tiếng của anh: Hổng dám đâu, Con đường học trò, Một thời để nhớ, Nắng sân trường, Tháng sáu mùa thi, Bồ câu không đưa thư... Nhân chuyến anh cùng đoàn nhạc sĩ của Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh đi thực tế sáng tác và giao lưu tại tỉnh Gia Lai. PV Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn anh xung quanh vấn đề cái khó khi viết nhạc cho tuổi học trò.
Pv: Là nhạc sĩ có nhiều ca khúc viết cho tuổi hồng thành công. Anh có bí quyết gì chăng?
NVH: Chẳng có bí quyết gì. Nếu có, đó là tấm lòng đối với các em ngày hôm nay đại diện cho một thời mình đã trải qua. Tất nhiên, âm nhạc mỗi thời phải khác.
PV: Theo anh viết cho thiếu nhi cái khó là gì?
NVH: Cái khó là mình có hòa nhập cùng thế giới tuổi thơ hay không. Viết cho thiếu nhi nhiều người tưởng dễ nhưng theo tôi, không dễ. Bởi nếu viết với sự trân trọng tuổi thơ đòi hỏi người viết không nên giáo dục một cách giáo điều (nếu vậy thì chỉ cần dạy các em trong môn giáo dục công dân) cần gì đến âm nhạc. Tôi nghĩ, trước hết nhạc sĩ sáng tác cần có tấm lòng yêu trẻ, phải cố gắng viết những bài hát hay, và phải đem những chất liệu dân tộc vào tác phẩm để các em quen với âm nhạc quê mình, nhất là khi lớn lên các em không trở thành những người đi nghiên cứu âm nhạc quê hương Việt Nam cả mấy đời cũng không hiểu hết.
PV: Với tư cách là UV BCH Hội Âm nhạc TPHCM, anh có suy nghĩ như thế nào về lời trong các ca từ viết về tình yêu hiện nay của các nhạc sĩ trẻ?
NVH: Thứ nhất, các nhạc sĩ trẻ không phải ai cũng là hội viên Hội Âm nhạc TP. HCM. Thứ hai, dù là không hội viên nhưng cũng có rất nhiều người viết có tâm huyết. Một số bài sở dĩ gây phản cảm đối với công chúng là vì trình độ yếu kém về văn học. Người có học không bao giờ chấp nhận chuyện đó. Ai chấp nhận, đó là những kẻ vô học. Có gì mà hãnh diện.
PV: Các nhạc sĩ khác thường khai thác chất liệu từ hình tượng các tác phẩm thơ để sáng tác thành ca khúc còn anh thì thường “phổ”  truyện và tiểu thuyết.
NVH: Tôi cũng có phổ thơ chứ! Tôi không muốn nói có nhiều bài rất hay vì như thế không khiêm tốn. Tôi có nhiều bạn là nhà văn như: Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền, Hà Đình Nguyên, Phan Hồn Nhiên… Một số bài tôi đã phổ biến như: Ngọc trong đá, Như nắng như mây (truyện Nguyễn Đông Thức), Tôi thương mà em đâu có hay, Thung lũng cát (truyện Đoàn Thạch Biền), Bay cao ước mơ (truyện Nguyễn Quang Sáng), Bồ câu không đưa thư,  Bong bóng lên trời, Ngôi trường mọi khi (truyện Nguyễn Nhật Ánh), Những cánh chim lang thang (truyện Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh)…
PV: Anh từng nói: “Cuộc đời sáng tác của  tôi luôn gắn liền với những chuyến đi xa”, anh có thể chia sẻ thêm một chút về điều này?
NVH: Đó là sự thật đối với tôi. Tôi đến rất nhiều nơi. Và, mỗi nơi đều đọng lại trong tôi nhiều ấn tượng, nhiều cảm xúc. Các tác phẩm của tôi cũng ra đời từ đó. Thực tiễn bao giờ cũng là nguồn cội của sự sáng tạo.
PV: Trong các ca khúc của mình nếu chỉ được chọn một ca khúc để giới thiệu anh sẽ chọn bài hát nào?
NVH: Chiều biên giới. Còn nếu ở thể loại thiếu nhi thì là Hổng dám đâu, nếu là ca khúc thanh niên thì là bài Hành trình tuổi hai mươi.
PV: Anh có nghề tay trái là người dẫn chương trình?
NVH: Nếu gọi là nghề thì… hơi quá!
PV: Ca sĩ Kiều Bạch vợ anh bây giờ có còn hát những ca khúc của anh?
NVH: Có chứ. Nhưng không phải tất cả nếu không hợp giọng.
PV: Trước đến giờ anh có ca khúc nào viết về Gia Lai và Tây nguyên chưa?
NVH: Về Tây Nguyên thì nhiều. Chẳng hạn: Mùa hè Tây Nguyên xanh, Chiều hồ Lăk, Tiếng hát Krông Ana, Mênh mông hồ Lăk, Rừng hát, Thu cao nguyên. Cách đây 5 năm, khi đưa các nhạc sĩ trẻ ở TP. HCM lên Gia Lai để đi thực tế sáng tác, sau đêm diễn phục vụ bà con ở Chư Prông tôi đã viết bài Những kỷ niệm xanh. Còn bây giờ trong chuyến đi này tôi sẽ viết vài ca khúc về Gia Lai, về Pleiku.
          PV: Cám ơn anh và chúc anh dồi dào sức sáng tạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét