9.15.2011

Cần đọc nhiều để sâu sắc khi nhìn nhận đánh giá các vấn đề

Nhà giáo, nhà lý luận phê bình PHẠM PHÚ PHONG
-         Cần đọc nhiều để sâu sắc khi nhìn nhận đánh giá các vấn đề

Nhân chuyến về Gia Lai giảng dạy cho giáo viên ngữ vănTHCS đang theo học lớp ĐH từ xa do trường ĐH Khoa học Huế và trường CĐSP Gia Lai kết hợp tổ chức, PV Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với nhà giáo, nhà lý luận phê bình Phạm Phú Phong xung quanh việc giảng dạy văn học hiện nay trong các trường ĐH và cái “khó” của người làm công tác LLPB trong đời sống văn học hiện nay...
PV: Anh đến Gia Lai lần này ngay khi mùa mưa vừa bắt đầu, việc này có gây trở ngại cho công việc của anh? Anh có thể tự giới thiệu về mình với thính giả đang nghe đài?
PPP: Không thành vấn đề, tôi thích những cơn mưa, chỉ trở ngại một chút khi đi thăm thú bạn bè thôi. Tôi đến GL lần này theo lời mời của Trung tâm giáo dục từ xa, tôi đang giảng dạy tại ĐH Khoa học Huế, chủ nhiệm bộ môn lý luận văn học, 29 năm giảng dạy, tạng người tôi hình như không phù hợp với công việc giảng dạy lắm, tôi phải làm báo mới đúng, tôi là người thích đi nhiều, khám phám nhiều, giờ tôi cũng thoả nguyện một phần vì 10 năm gần đây tôi về giảng dạy khoa báo chí và làm phóng viên thường trú cho Báo Phụ Nữ VN tại Huế nên cũng có cơ hội thoả chí, giảng dạy thời gian khá trói buộc nhưng số phận dường như gắn tôi với nghề dạy. Gia Lai có một số họcc trò của tôi đang theo nghề báo: Kim Linh, Nguyễn Hiếu, (Báo GL) và Thanh Luận (Báo NNNT VN).
PV: Cái thú vị nhất của người làm công tác giảng dạy theo anh là gì?
Giảng dạy là nghề không phải chỉ có kiến thức là dạy được thành ra tôi nghĩ đây là một nghề phải lao động thực sự. Người dạy phải trau dồi kiến thức, có phương pháp truyền thụ, cần có lối sống phù hợp với đạo đức nghề giáo, có khát vọng truyền thụ kiến thức cho học trò, nên tìm cách giảng dạy làm sao để làm cho học trò phải nhớ và thú vị về tiết giảng, để khi học xong họ còn mong tiếp tục gặp lại mình, tiếp tục triển khai những ý tưởng của mình trở thành những điều thiết thực phục vụ cống hiến cho đời sống xã hội. Tôi nghĩ người dạy giống người thổi hồn vào công việc. Khi dạy anh tin vào điều anh nói thì mới khiến người ta tin, người thầy nếu thổi hồn được vào môn học ấy thì mới lôi cuốn được người nghe giảng. Nhiều ngưòi bây giờ khi dạy họ nói những điều bản thân họ không tin, nói cứng y theo sách, theo giáo trình, muốn có tiết giảng ấn tượng, chất lượng, người thầy tâm huyết cần đọc nhiều để am hiểu nhiều và truyền thụ nếu không sẽ thất bại
PV: Có nhiều ý kiến, tranh luận xung quanh phương pháp giảng dạỵ văn chưa khoa học hiện nay trong các bậc học: Đó là việc giảng dạy gò bó, thiếu tính sáng tạo, ít thực tiễn… khiến người học thụ động, nhàm chán các giờ học văn trên lớp? Ý kiến của anh về vấn đề này?
Chúng ta đang chống dạy từ chương nhưng lại dạy rất từ chương, người dạy cứ nói học trò cứ ghi, khi thi sào sáo lại ý tưỏng của thầy. Hiện nay có phương pháp dạy gợi mở, người dạy nói một nửa, người học tự nghiên cứu thêm các tài liệu liên quan, nhưng tôi thấy thấy thực tế không hiệu quả vì đó chỉ là đổi mới hình thức, do học trò ít chịu khó đọc sách, thêm nữa cũng có không có sách cho các em đọc, một giáo trình cần thêm vài cuốn sách để tham khảo, so sánh, phương tiện máy móc cũng thiếu thốn. Chỉ giới thiệu ở lớp, thời gian còn lại các em không chịu khó mày mò nghiên cứu thu thập thêm thông tin để làm sáng tỏ vấn đề thì khó hiệu quả lắm. Sách ĐH khác phổ thông, phổ thông thay sách hằng năm còn ĐH thì không được vậy. Do đó người dạy phải đọc rất nhiều loại sách liên quan mới đủ vốn cung cấp kiến thức cho học sinh, người dạy chỉ là ngưòi giải mã vấn đề còn người học phải nghiên cứu thêm để tự hiểu rõ. Thế mới mong tiến bộ được.
PV: Anh có nhận xét như thế nào về văn hoá đọc của sinh viên bây giờ?
Các em lưòi đọc, cần duy trì văn hoá đọc đúng nghĩa như một nề nếp, khong ít em bây giờ thường đọc trên mạng, chủ yếu là để lấy thông tin. Nhưng như vậy chưa đủ. Người Nhật trước đây thích xem ti vi, nhưng giờ họ không xem ti vi mà dành thời gian đọc sách và đọc trên mạng. Theo tôi đọc mạng lợi là thu nhiều lượng thông tin cùng lúc nhưng độ sâu sắc không thể bằng nghiền ngẫm một cuốn sách thực sự, văn học cổ điển rất cần cho tâm hồn các em. Đọc kết hợp để bổ sung kiến thức một phần song cũng để dung hoà tình cảm của mình nữa vì trong văn học tình cảm con người rất lãng mạn và nhân văn.
PV: Văn chương nhà trường và văn chương bên ngoài xã hội hiện nay đang có một khoảng cách. Anh có nghĩ với đời sống văn học sôi động đa dạng, đa dòng như hiện nay thì sinh viên có thể theo kịp điều này?     
Đó là một khoảng cách xa, chương trình giảng dạy hiện nay không bắt kịp đời sống thực tại. Một xã hội đã đổi mới phát triển nhiều về kinh tế sẽ kéo theo phát triển nhanh chóng về văn hoá, văn học nghệ thuật... nhưng giáo trình đang giảng dạy vẫn như cũ. Có những tác giả tác phẩm mới những người biên soạn sách muốn đưa vào nhưng vẫn ngần ngừ không muốn bỏ cái cũ dẫn đến chương trình cồng kềnh, nặng nề, tiêu tốn thời gian mà ít tìm ra được trò giỏi, mình đào tạo như thế sẽ không thể ứng dụng cho đời sống được.
PV: Anh có một thời gian dài làm lý luận phê bình, thời gian gần đây anh dường như ít chú tâm đến phần việc này?
PPP: Trước đây tôi viết phê bình nhiều, bây giờ bận rộn tôi viết ít hơn, hơn nữa đời sống văn học hiện quá sôi động tôi không theo kịp, thông tin nắm bắt không nhiều, làm lý luận phê bình cần sự tỉnh táo. Giờ tôi nghiêng về viết sách, tôi cố gắng một hai năm in 1 cuốn để học trò có sách đọc tham khảo.
PV: Anh có viết cuốn Nhà văn các dân tộc thiểu số Việt nam hiện đại (1988), đây là sự điểm danh những tác giả dân tộc thiểu số của nước ta văn học thời kỳ hiện đại. Tác giả nào khu vực Tây Nguyên có tên trong cuốn sách này?
PPP: Đây là công trình tôi làm chung với giáo sư Phong Lê, tôi được phân công viết các tác giả khu vực TN, tôi có nghiên cứu về nhà văn YĐiêng ở Phú Yên, Gia Lai có nhà văn  Nay Nô, nhưng tôi không tiếp xúc được và cũng biết sự nghiệp sáng tác của ông quá mỏng nên không thể viết nên mảng tác giả DTTS ở TN còn trống. VHCM là dòng văn học nổ ra đầu tiên ở TN: Ngục Kon Tum - Lê Văn Hiến, Từ ấy - Tố Hữu, Đất nước đứng lên - Nguyên Ngọc, Lạc rừng –Trung Trung Đỉnh… đây là mảnh đất có truyền thống văn học cách mạng nhưng tác giả là người dân tộc thiểu số lại mỏng
PV: Là một ngưòi làm LLPB, anh có nhận xét như thế nào về lực lưọng người viết ở Gia Lai - Tây Nguyên hiện nay?
PPP: Tôi viết nhiều về các tác giả TN, 30 năm nay lực lượng trẻ TN không phát triển mấy, đây là tình trạng chung của nhiều vùng. Những người đến ở, gắn bó và viết về nó như VCH, PĐL, NT ít, một số tác giả đến sống một thời gian viết được vài đầu sách lại chuyển đi. Hiếm lắm mới tìm được đôi người gắn bó sự nghiệp sáng tác của mình với TN như nhà văn Nguyên Ngọc hay Trung Trung Đỉnh. Tuy họ không ở đây nhưng toàn bộ kí ức của họ thuộc về nơi này. Thế nên ở đây bây giờ mà tìm được 1 tác giả thật ấn tượng như Nguyễn Ngọc Tư của đồng bằng SCL thì khó.
PV: Theo anh cái gì làm nên thành công của một người làm lý luận phê bình?
PPP: Phải là người có nề nếp đọc, đọc nhiều, đọc văn khác với đọc các hình thái ý thức xã hội khác, đọc văn là đi tìm hình tượng chứ không đơn giản chỉ đọc trên ngôn từ, tôi có viết trong lời bạt cho một công trình nghiên cứu cuả giáo sư Phong Lê: Ngôn từ như một nghĩa địa với những chữ xếp gần nhau, người phê bình phải biết lật những nấm mồ đó lên để tìm hồn ma bên dưới, đó chính là những giá trị hình tượng. Gần đây người ta hay bắt bẻ nhau về từ ngữ chứ không chú ý tới giá trị hình tượng tác phẩm. Chữ ai cũng đọc được, song người đọc được chữ không có nghĩa là làm LLPB được, giống như không phải cứ có mắt thì xem được tranh vậy. Bởi vì không hiểu tranh thì xem có ý nghĩa gì.
PV: Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này, chúc các dự định của anh sớm thành hiện thực.

                                                  Hoàng Thanh Hương (Thực hiện)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét