Đi và viết ( B ài đã đăng trên Báo Gia Lai số thứ 3 ngày 23 tháng 10 năm 2012)
Pakxe – thành phố
xinh đẹp bên dòng Mê Kông
Hoàng Thanh Hương
Một balo, một đôi giày vải, một
khăn trùm đầu, tôi bắt đầu cuộc hành trình nhỏ của mình đến những vùng đất tôi
chỉ từng thấy qua ti vi, internet va báo chí. Xe khách hãng Mai Linh chạy suốt
một ngày thì đến thành phố Pakxe - thủ phủ của tỉnh Champasak lúc 18h. Thành phố
đã lên đèn, tôi vẫn ngạc nhiên vì vẻ đẹp cổ kính và thơ mộng của nó dù suốt dọc
đường đã được nghe những người đồng hành trên cùng chuyến xe kể sơ về thành phố
xinh đẹp nằm bên dòng Mê Kông này.
Chúng tôi chọn nghỉ tại khách sạn
Khamfong Sihavong trên phố Thaluang, tôi từng nghe ở Pakxe có rất đông Việt người
sinh sống và thành đạt. Dãy phố nơi khách sạn này tọa lạc quả có nhiều bà con
Việt kiều cư ngụ. Tôi đi bộ dọc theo mấy con phố ngắn, hoa đại thơm ngọt trong đêm,
xe ô tô, xe máy đậu bình yên hai bên lề đường hè phố, nhiều cửa hàng ăn uống, bán
quà lưu niệm, tạp hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, shop quần áo vẫn mở cửa, tôi ghé một
quán bán tạp hóa vì thấy trước hiên có bày mấy mẹt chuối tiêu, lạc luộc và treo
một túi nilong bánh đa nướng to. Ông chủ tên Vinh tuổi ngoài 60, quần cộc cởi
trần nói tiếng Việt. Ông kể đã sang đây 40 năm, lấy vợ ở đây, làm ăn buôn bán ở
đây, 4 đứa con 3 trai một gái đứa làm nhà nước, đứa làm kinh doanh, đứa làm nông,
đứa đi tu. Tôi hỏi ông có hay về quê Hải Dương không? Ông bảo một năm chỉ về một
lần đó là tết quê nhà, từ ngày cha mẹ mất ông vài năm về một lần. Ông còn chỉ
cho tôi dãy phố dưới toàn dân Việt ta, nhiều nhà kinh doanh khách sạn, nhà hàng,
quán cafe giàu có lắm. Tôi dọc theo phố ấy đi, nhìn xuống lòng đường thấy mặt nền
là những tấm gạch lớn ghép vào nhau vuông vức, ngang dọc bề mặt có những thớ rãnh
nhỏ mịn màu vàng đất rất đẹp, người bạn đi cùng kể, những mặt đường này có từ
thời thuộc địa Pháp. Đêm ở thành phố lạ tôi cảm nhận được đầy đủ nỗi nhớ nhà,
nhớ thành phố của mình. Sau này khi về nhà tôi có sự so sánh Pakxe với những thành
phố tôi đã đi qua trong hành trình ba nước Lào – Thái Lan – Campuchia, Pakxe đẹp
vẻ cổ điển với lối kiến trúc mang đậm kiểu Pháp, Pakxe đẹp vẻ thơ mộng của thành
phố trên bộ dưới thuyền, sông Mê Kông chảy qua thành phố tạo nên nét đẹp quyến
rũ những mùa trăng và mỗi ban mai. Tôi thích những nhà hàng nổi, quán đồ uống bên
bờ sông, chúng dặt dìu tiếng nhạc, đông chật du khách nhưng không hề ồn ào, không
gian quán vẫn khá yên tĩnh trong tiếng chuyện trò cười đùa nhỏ nhỏ, tiếng gió,
tiếng sóng ì oạp vỗ vào bờ. Những ban nhạc sống hát những ca khúc trữ tình và dân
ca Lào phục vụ du khách, tôi không hiểu ý nghĩa những ca từ vì không biết ngôn
ngữ của họ nhưng có thể cảm nhận được giai điệu rất tha thiết và lắng trầm đang
liên tục nối nhau không dứt đó. Khi có khách quốc tế yêu cầu, họ hát tiếng Anh
rất nhuyễn. Tôi đề nghị được nghe một ca khúc Việt Nam và họ dạo liền bản “Bèo
dạt mây trôi”, cô ca sĩ hát như thôi miên, khẩu hình mở tròn đẹp, giọng ấm
trầm sâu lắng. Những vị khách Việt trong không gian ấy đồng loạt vỗ tay tán thưởng
và cuốn tiền thưởng vào hoa hồng lên cúi tặng cô ấy khi thanh âm cuối cùng của
bài hát dừng lại. Bạn tôi bảo: Pakxe là thành phố lớn thứ 3 của Lào, là cửa ngõ
đi vào vùng cao nguyên Bôloven, đây là nơi nối kết thương mại và du lịch với 3
nước Thái Lan – Việt Nam – Campuchia. Từ Paksé đến cửa khẩu Vang Tao sang biên
giới Thái Lan chỉ mất độ 40 phút đi xe ô tô. Còn từ Pakxe đi về hướng đông khoảng
250 cây số là cửa khẩu Bờ Y của Việt Nam . Tôi hỏi nghĩa của từ “Pakxe” bạn
tôi giải thích rằng nó có nghĩa là “thành phố nơi cửa sông” vì nó nằm ở hợp lưu
2 con sông Mê Kông và sông Sedon. Nơi đây
đang có cây cầu dài 1600m, tên cầu mỗi người gọi một cách, người thì nói cầu
Pakxe, người thì gọi cầu “Hữu Nghị”, được gọi vậy vì nó do người Nhật đến viện trợ xây dựng nối liền hai phần của Champasack hai bên bờ và với Ubon Ratchathani của Thái Lan,
từ khi có cây cầu của tình đoàn kết, việc thông thương trở nên vô cùng thuận tiện
và Pakxe đã trở thành một trung tâm thương mại của Lào. Về đêm cây cầu rất đẹp,
như một chiếc đèn dài khổng lồ sáng soi cả một vùng sông nước mênh mông, ở đây
cũng lạ, mới 21h mà thành phố đã im vắng, cầu thưa thớt xe qua lại, tôi tha hồ
chạy nhảy giữa lòng cầu rộng thênh và hít hà không khi mát dịu của sông đêm,
tha hồ ngắm những thuyền bè sáng đèn ngoài sông cảm giác đang như đứng trước dòng
sông Hồng quê nhà.
Tôi rất ấn tượng với các món ăn tối của Pakxe,
hai món tôi ăn hoài không chán miệng là cơm nếp với thịt rim cay và canh cá măng
chua. Cá sông Mê Kông là món ăn đặc sản ở đây, người Lào nấu ăn nêm gia vị khá
cay, vị cay của ớt khô giã. Món rau trộn cũng đầy thú vị khi quả đỗ dài được vắt
làm ba đoạn để sống xanh non xếp gọn gàng bên một góc đĩa đủ các thứ rau và thịt
bê sắt mỏng trộn gia vị chua dúa cay hăng. Khúc đỗ tươi đó chấm với sốt ớt tương
và ăn kèm với gỏi rau thịt bê có vị ngọt thanh. Tôi phát hiện một điều về cách sử
dụng đồ uống, đó là đàn ông Lào không uống nhiều bia trong các bữa tiệc. Chỉ hai,
ba chai bia rót đều các ly, mọi người cụng và uống nhâm nhi, rồi dùng món ăn và
chuyện trò... Không có khái niệm uống cạn 100% hay uống “thả ga” hàng két, hàng
thùng đến say mềm như bên ta.
Vì ở Paksé có nhiều người Việt định
cư nên đến đây tôi cảm giác mình gần gũi lắm, tôi ghé quán cà phê Vân trên đường
đối diện bờ sông, cô chủ trẻ người Hải Phòng, chưa kết hôn, một mình vừa pha chế
vừa phục vụ, quán chỉ mở nhạc không lời Việt. Tôi hỏi cô ấy đã đến Pleiku – Gia
Lai chưa, cô lắc đầu, chỉ mới đến Kon Tum thôi, cà phê quán pha bán đặt mua ở
Kon Tum, gửi xe Mai Linh về tận cửa quán, lấy hóa đơn trả cước là có bất kỳ thứ
hàng nào từ Việt Nam đưa sang. Tôi hỏi cô ấy sắp lấy chồng chưa? Cô ấy nói cuối
năm này, chú rể là cảnh sát người Pakxe gốc.
Lào là đất nước tín Phật và có rất
nhiều các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng Phật giáo trong năm, Pakxe cũng thế,
bạn tôi bảo nếu đến đây vào tháng 3 có lễ hội buôn Pha Veat, tháng 5 có lễ hội
buôn Bang Phai, tháng 10 có lễ đua thuyền... tôi giữ lời hẹn tháng 10 sẽ đến lại
Pakxe để xem hội đua thuyền nhưng e là không thực hiện được. Tôi vô cùng thích
hình ảnh buổi sáng các tăng sĩ xếp hàng dài đi khất thực dọc các con đường
chính. Một đường chỉ màu vàng thành kính và chậm rãi gợi trong lòng tôi những ý
nghĩ thật thà và tin tưởng. Tôi mơ hồ xa xăm về một cõi bình an cực lạc khi ngước
nhìn những mái chùa rực vàng dưới nắng sớm. Bạn tôi bảo lần sau tôi trở lại sẽ
dẫn tôi đến thắp nhang tại đền thờ xưa nhất ở Lào tên Wat Phou hay còn được gọi
là Chùa Núi, đây là di sản thế giới thứ 2 của nước Lào được UNESCO công nhận. Tôi
chỉ được nhìn quần thể ngôi đền to lớn ấy từ xa, nhưng tin chắc để dựng được ngôi
đền như thế giữa lưng chừng núi cao là tâm sức, trí tuệ của bao thế hệ người Lào
đi trước và nó là niềm tin tâm linh của bao đời người sống trên mảnh đất này.
Một nhà hàng nổi ở Pakxe
Tạm biệt Pakxe, thành phố xinh đẹp
bên dòng Mê Kông, thành phố cổ kính thơ mộng và đẫm đà hương vị phù sa, thành
phố của thân thiện mến khách. Tôi lên xe ngược về phía biên giới Vang Tao thuộc tỉnh Ubon Ratchathani của nước Thái. Tôi ngoái nhìn thành phố rực rỡ trong nắng sau lưng, hẹn lòng dịp lễ hội nào đó
năm sau sẽ lại về Pakxe, sẽ ở lại vài ngày, tham quan cho hết các danh lam thắng
cảnh, di tích lịch sử nơi đây cho thỏa. Còn giờ thì tôi sẽ đến “Băng Cốc -
khối bê tông khổng lồ tráng lệ” của đất nước Thái Lan.
HTH
Chuyến xuất ngoại ấn tượng quá. Nhất em rồi. Chúc mừng nha.
Trả lờiXóaDi ve lau roi ma em viet lach i ach lam anh a.
Trả lờiXóaChuc mung ban co bai viet hay. Hy vong se con co nhung chuyen di day an tuong tiep theo nua nhe. OK, chuc mung ban!
Trả lờiXóaBan don doc bai ve Bang coc cua HTH nua nhe. Minh dang viet sap xong roi. Nhung chuyen di luon lam moi cam xuc cua minh va cho minh nhung von song day gia tri ban a.
Trả lờiXóa