9.15.2011

“LỜI CẦU HÔN CỦA RỪNG” - GIÀU TÍNH TỰ SỰ VÀ ĐAM MÊ

Hà Công Trường

“LỜI CẦU HÔN CỦA RỪNG” - GIÀU TÍNH TỰ SỰ VÀ ĐAM MÊ

Hoàng Thanh Hương là người chịu đi vì thế tác phẩm của chị nóng hổi sự kiện cuộc sống được phản ánh khá đậm trong tác phẩm của chị. Vốn sống từ những chuyến đi thực tế cùng với cảm nhận tinh tế của một tâm hồn dễ rung động nhạy cảm và giàu cảm xúc, Hoàng Thanh Hương đã tạo cho tác phẩm của mình những con chữ có hồn, có sức sống.
Ta bắt gặp Hoàng Thanh Hương dịu dàng trẻ trung, duyên dáng mà đầy nét trữ tình thiếu nữ trong “Đa đoan”, như một cái gì đó bảng lãng của mây ngàn gió núi:
Thời gian chẳng làm vợi bớt nhớ thương
Tàn trăng mùa đông tàn trăng mùa hạ
Người ở bên em người xa xôi quá…
Luôn lo lắng ngày mai không thực sự yên bình, cô gái tự hỏi rằng thời gian sẽ xóa mờ tất cả nhưng liệu có thể làm vợi bớt nỗi nhớ thương trong cô, luôn có một cái  gì đó không chắc chắn thường trực sự lo âu mất mát “người ở bên em người xa xôi quá”. 
Hoàng Thanh Hương tâm sự: Tây Nguyên là  vùng đất rộng lớn màu mỡ có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm 90 của thế kỷ XX vùng đất Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng còn hoang sơ lắm, những người dân đất Bắc cùng với người dân bản địa đã khai phá vùng đất mới đánh thức tiềm năng sẵn có hình thành các buôn làng, phố phường sầm uất như hôm nay. Mình đã ăn cơm Tây Nguyên, thấm mưa Tây Nguyên, uống nước Tây Nguyên mà khôn lớn vì vậy sáng tác của mình cũng thấm màu văn hóa Tây Nguyên.
Điều này thể hiện khá rõ trong thơ của chị, đó là tình yêu đơn sơ mà chân thực của người con gái vùng Cao nguyên:
em chưa muốn bắt anh về
gầm sàn nhà em chưa đầy củi
áo chăn em dệt chưa nhiều
em chưa thuộc hết lời amí dạy
                                                  (Buôn xa)
Trong “Lời tượng” Hoàng Thanh Hương đã thể hiện hiểu biết của mình bằng một một cảm thức văn hóa ẩn chứa trong thơ:
 Tượng mồ hát đêm nay
đêm cuối rồi xa mãi mãi
hãy về ngủ trên ngực anh
hãy về trên tay anh
trước khi mặt trời mang em
về cõi ấy…
để những đêm sau tượng mồ hát trong mơ.
Thơ là dòng sông đời mãi mãi tuôn chảy về nơi miền xa vô định, trên đó Hoàng Thanh Hương như con đò luôn trôi theo và cố gắng tìm cho mình một bến đỗ của một đời thơ, một kiếp người mãi mênh mang cõi lòng với cuộc sống còn bao bề bộn lo toan của một cây bút nữ giàu cảm xúc với đời. Thơ với Hoàng Thanh Hương như là người bạn tri kỷ tri âm, là nơi mà chị có thể trút mọi tâm tư của mình để đi vào cuộc sống vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ. Với “Lời cầu hôn của rừng”, Hoàng Thanh Hương góp vào cuộc sống một thanh âm trong trẻo, yêu đời, tự tin bằng giọng thơ thủ thỉ tâm tình đầy chiều sâu. Như nhà thơ Tạ Văn Sỹ từng nhận xét: “Nói rằng tập thơ nhẹ chất Tây Nguyên cũng chỉ là một cách nói, chứ đã là người của xứ nắng gió Tây Nguyên làm sao không vương sắc màu hơi hướm vùng miền vào trong thơ mình được. Nhưng nếu ở tập trước Hoàng Thanh Hương gần như tập trung miêu tả một Tây Nguyên cảnh sắc  bên ngoài thì đến tập này đã đi vào chiều sâu của cảm nhận, cảm thức về  một Tây Nguyên hồn cốt linh diệu… (Hoàng Thanh Hương – Có hẹn ai đâu mà sợ trễ).
Ta còn bắt gặp Hoàng Thanh Hương với một chút bẽn lẽn của bông hoa rừng e ấp, của một chút bé bỏng đáng yêu phố núi làm cho ai đó đắm say để rồi:
                          Anh mang theo chút bé bỏng Pleiku
                          Gùi nằng nặng nắng vàng và mưa gió
                           Phố ngây thơ phố trùng trùng dốc nhỏ
                           Ngồi phía nào cũng đổ vào nhau
                                                (Người mang theo chút bé bỏng Pleiku)
Phố núi trong mắt chị đầy ấn tượng, trữ tình đáng yêu. Nhờ phố người với người dễ gần gũi để “ngồi phía nào cũng đổ vào nhau”. Và trong khung cảnh của một bến sông đẹp:
                                Sóng sánh trăng
                                Sóng sánh ánh mắt em đêm Bến Mộng
                               Bồng bềnh câu hát
                               Câu hát dìu ta qua năm tháng thăng trầm 
                                                                                      (Đêm Ayun Pa)
Tây Nguyên trong thơ Hoàng Thanh Hương còn là vùng văn hóa ẩn chứa sức mạnh tâm linh, mang đậm bản sắc dân tộc luôn ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn cái gì đó lớn lao hơn là sức mạnh tâm linh:
                                     Tượng mồ nẻ khô dưới nắng
                                     Hoang bạc trong mưa
                                     Vệt thời gian chằng chịt
                                     Hoa cỏ tàn lụi hồi sinh
                                     Từng mùa đi mùa ở
                                     Tượng mồ ngồi nhớ
                                     Nhớ một người hóa gió
                                     Bay về đỉnh Chư Hdrung
                                                                   (Lời tượng)
Để rồi cái nhớ mong luyến tiếc ấy cứ vương vấn mãi nên:
                                     Tượng mồ ngồi lặng câm
                                      Bóng chiều lay lắt
                                     Ta chia ché chiêng
                                     Ta chia nước mắt  
                                     Tiễn em về a – tâu
                                     Vượt đỉnh Chư Ty
                                     Vượt sông Ayun
                                     Bay về miền sương trắng
                                                          (Người đàn ông bên tượng mồ)
Như đã nói, ngoài những cảm xúc, cảm nhận vùng đất mình đang sinh sống như một lẽ đương nhiên thì bàng bạc khắp tập thơ là những khúc tự sự, tự tình của một người thơ nữ. Cùng là những tiếc nuối ngày xưa cũ nhưng nỗi nhớ ấy riết róng, nóng bỏng lắm:
                                     Lang thang qua ngõ nhà mình
                                     Kia là căn phòng của em một thời con gái
                                     Anh đón em đi cánh cổng già sập lại  
                                     Mẹ cha buồn suốt bốn mùa
                                     Bây giờ chơ vơ
                                     Muốn quay về căn phòng cở che một thời con gái
                                                                   (Người đàn bà muốn quên)
Không như một số nhà thơ nữ khác thường đẩy tâm thế tiếc nuối khát khao làm chao đảo đến tận cùng buồn khổ, Hoàng Thanh Hương lại là người may mắn vì chị đã không sa vào vết trượt. Cái người đàn bà luôn tiếc ngẩn tiếc ngơ và hoài nghi trong chị đã tìm ra bến đậu:
                                     Thế giới của ta sau giậu hoa leo
                                     Mỗi chiều về tiếng con thơ rối rít
                                     Mùa xuân ngay phía sau.
                                                                                                (Điều lạ).
Cuộc sống ấy dễ dàng giúp người ta xác định, tạo lập cho mình một tâm thế sống tốt đẹp đầy tính nhân văn đạo lý:
                   Hằng ngày ta chăm chút cuộc sống của mình bằng nụ cười
                   Bằng sự bằng lòng với những gì đang có
                   Bằng những xẻ chia có thể
                   Bằng tình yêu dành trọn vẹn cho người…
                                                                             (Bão đêm)
“Lời cầu hôn của rừng” cho ta một cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát, không có những ám ảnh đắng đót, chua chát về những thua thiệt, mất mát và cam đành của phận nữ. Thơ của Hoàng Thanh Hương với những nhẹ nhàng trữ tình và tấm lòng nhân hậu:
                                     Hãy vùi vào lồng ngực em
                                     Nếu anh đang hối lỗi
                                     Lòng dạ đàn bà bao dung nông nổi
                                                                              (Thơ cho anh)
Trong dòng đời đầy những lo toan bề bộn như vậy mà có được nơi đi về trong yên bình đã là điều khó khăn vậy mà Hoàng Thanh Hương đã làm được điều tưởng chừng như không thể ấy.
Lời cầu hôn của rừng mang nhiều nhịp điệu đan xen bởi nhiều thể loại thơ khác nhau tạo thành một đóa hoa nhiều màu sắc. Tập thơ là lời thủ thỉ, lời yêu thương và là lời của một con người tha thiết yêu cuộc sống. Dẫu tập thơ còn những yếu tố vùng miền nhiều khi gây cho người đọc sự khó tiếp nhận nhưng đó chỉ là những gợn nhỏ trong cái biển tình dào dạt niềm đam mê ấy.
                   H.C.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét