12.13.2017


Hoa nở muộn                                                                              Hoàng Thanh Hương

Mờ sáng, cả xóm bị khua dậy bởi tiếng la oang oảng của mụ Ng, thường thì mụ la lớn mấy xóm giềng cũng chả buồn quan tâm nữa. Nhà ấy đánh nhau như cơm bữa. Những ngày đầu, nửa đêm gà gáy xóm còn người này người kia lao sang can gián, che chắn. Sau riết quen tuồng ai cũng phát ớn. Xóm giềng mặc kệ nhà Ng chí chóe. Mụ ấy chanh chua, nói dối như cuội, đánh bạc, cá độ, ăn nhậu bê tha, chồng mụ chán ngấy, con cái chán ngấy, cãi đánh tối ngày... lại đâu vào đấy.
Mụ Ng vẫn la oang oảng. Chồng gác nguyên cái chân to trũi lên đùi tôi, cằn nhằn cẳn nhẳn. Đêm qua anh trực ca đến 1h hơn mới về đến cửa. Tôi nhổm dậy với áo choàng định đi. Anh kéo xuống thơm thơm, vỗ vỗ. Tiếng trẻ con oe oe. Tôi bật dậy. Anh bật dậy. Tiếng mụ Ng ru ru nựng nựng. Hai đứa lao xuống giường, lao ra cổng. Sáng nay thành phố sương mù. Lạnh bám vào da gai gai, dờn dợn khi chân vừa chạm mặt đường. T, M, L, G, K cũng đang tiến về nhà mụ Ng. Mụ đứng trước cổng nhà, tay bế bọc khăn hồng hồng, người đung đưa theo nhịp ru. Đứa bé oe oe. Xóm đến gần nửa. Đàn ông quần đùi áo cộc, tóc bù xù, mắt kèm nhèm. Đàn bà váy ngủ dài ngắn, màu mè, tóc bù xù, mắt kèm nhèm. Mụ Ng chìa đứa bé cho từng người thấy mặt. Ôi cái mặt thiên thần! Một bé gái, da đỏ, môi đỏ, hớp hớp khóc đòi bú. Chồng mụ Ng chỉ cái giỏ dưới đất. Tôi sà xuống. Tôi bới tìm bức thư nào đó, kiểu những kẻ bỏ con hay làm. Nhưng không có gì ngoài mớ tã, bỉm, giấy, sữa thơm thơm mùi nước xả vải comfort Thái Lan. Sáng nay trời sương mù. Lâu lắm rồi thành phố mới có sương mù. Đồi trọc, núi trọc. Cứ ngỡ sẽ chẳng bao giờ còn thấy sương mù về như hồi con còn thiếu nữ. Hồi ngây thơ chụp ảnh áo dài trắng với sương mù trên đường Lê Lợi, Nguyễn Du. Chồng mụ Ng hối hả giục mọi người vào nhà. Sau tiếng sập cửa, hơi rét bị nhốt lại bên ngoài. Căn nhà lao xao tiếng hỏi, tiếng thì thầm. Tôi pha sữa. Con bé mút chùm chụp, má tóp lại vì mút. Nó như nở ra sau mỗi ngụm sữa tuôn vào dạ dày. Con bé được truyền tay đến từng người đàn bà của xóm. Ai cũng nựng nựng, xuýt xoa. Ôi cái mặt thiên thần! Tôi đổ hết đồ đạc trong cái giỏ ra giường. Tôi vẫn muốn tìm bức thư. Chẳng có gì. Tôi khẳng định đứa bỏ con chắc trẻ lắm. Cả xóm gật gật. Đặt tên nó là gì? Ai sẽ nhận nuôi nó? Chút nữa sẽ lên báo phường sự việc này... căn phòng lao xao bao câu hỏi, câu trả lời, câu chửi, câu cảm thán thương xót... Nhà T muốn ôm nó về nuôi. Nhà M đặt tên nó là Mai Sương. Ý là nó đến xóm trong một buổi sáng đầy sương. Cả xóm gật gù. Nhà thơ K bảo đặt tên là Hữu Nhân. Ý là mong muốn nó sau này lớn lên có “nhân nghĩa”. Cả xóm gật gù. M bảo con gái tên thùy mị, ít thanh trắc cho đời nó sung sướng, Hữu Nhân hợp với con trai hơn. Cả xóm gật gù đặt tên con bé là Mai Sương cho thùy mị, cho đời nó sau này sung sướng. Bây giờ tụi trẻ lấy nhau, đặt tên con theo nghĩa đen nghĩa bóng đủ kiểu, vào google tìm, tra nghĩa tra ý thật kỹ càng rồi mới ra phường làm giấy khai sinh. Tụi trẻ chủ động, ông bà nội/ngoại chả được đặt tên cho cháu như cái thời tôi nhỏ tí. Bây giờ nào là Châu Anh, Hoàng Vương, Cát Tường, Trí Dũng, Gia An, Đại Trí... Tôi cười thầm, hồi cuối thập kỉ 70 thế kỉ XX ông nội tôi đặt tên đứa cháu gái đầu tiên là Thanh Hương thì tiến bộ lắm. Mẹ tôi giải thích rằng “Thanh” là Thanh Sơn quê mẹ, “Hương” là Hương Nộn quê cha, ghép thế để ghi ơn nơi quê hương cha mẹ. Bố tôi giải thích tên tôi còn nghĩa là mùi hương kỳ diệu. Con gái tên ấy sẽ sung sướng một đời... Xóm lại nhao nhao. Thế tên ở nhà là gì? M bảo: Gọi nó là Sầu riêng đi. Tên gì kỳ cục? Không kỳ cục, hàm ý sâu xa đời nó sinh ra đã buồn một nỗi rất riêng, bị bỏ rơi. Cả xóm gật gù. M là cán bộ Hội phụ nữ tỉnh, tháo vát, thông minh, vui tính, cả xóm ai cũng quý. Nhà thơ K là cô giáo dạy văn, mắt lươn, trán dồ, môi mỏng dính, ả liếc liếc vòm ngực vồng căng của chồng tôi bĩu môi: ai lại kêu là Sầu Riêng, nghe hãi. Tôi trừng mắt nhìn ả. Ả cúp mắt giả vờ lặt lựa đống tã của em bé. Xóm này, chị em thấy cô giáo K là cười mỉa. Cô giáo gì mà đi bồ bịch lén lút với chồng người, vợ thằng bồ thuê xã hội đen đến nhà quậy tung tóe, thằng chồng sợ tím tái ôm con trốn trong bếp. Ả bị tát bầm tím mặt, quần áo bị xé te tua. Tụi xã hội đen ném đầy mắm tôm lên tường xong bỏ đi. Công an phường đến nơi, tụi nó đã đi nửa tiếng rồi. Cả xóm một phen sợ tím tái. Tôi ghét loại cô giáo như ả. Mặt dày trơ trơ. Mấy lần xóm tổ chức tất niên, cúng lễ thanh minh, cầu an, ả cứ sáp vào chồng tôi mời mọc nâng ly. Tôi ngồi bàn bên này cùng các chị trong xóm ngó xiên qua, khiến chồng tôi ngại ngùng, ne né tránh ả. Lần nào về nhà anh cũng cẳn nhẳn cằn nhằn trên đời này có loại đàn bà quái đản. Tôi cười hi hi, trừng mắt bĩu môi một cái lạ bằng tạ cái quen, hay thử tí cho nó triệu bạc nó đi chợ mua váy. Anh lườm tôi mắng khùng khùng. Cô giáo K là nhà thơ tình trẻ tuổi đang lên của tỉnh, thơ hay phết, tôi cũng yêu thơ ả nhưng ả thì không chút quý, cũng chả chút để ý. Cái gì chả liên quan thì không nên dành thời gian cho nó làm gì, tránh lãng phí thời gian. Thời gian như vàng như bạc. Tôi lúc nào cũng sống hết mình như ngày mai sẽ chết nên tôi yêu cuộc sống đang có một cách kỳ lạ. Chồng  tôi bảo ở gần tôi anh phát điên mất.
Nhà tôi cũng muốn đưa đứa bé về nuôi. Chồng tôi bảo: Bây giờ đưa nó về vài hôm, nhà tôi đang có bà vú chăm cu Bơ nên tiện đôi đàng. Tôi gật gà hưởng ứng. Tôi luôn thèm thuồng một mụn con gái. Nhà hai thằng cu con, thêm ông chồng khó tính, thêm con chó phốc đực, tôi thành giống cái đơn độc trong ngôi nhà ra vô chỗ nào cũng đồ đạc của phái mạnh. Trên chiếc dây phơi, chiếc váy của tôi thật đơn côi. Chồng tôi hay đùa: Nhờ chiếc váy và nội y của tôi khiến giàn phơi thêm lộng lẫy. Bà vú già cười muốn ngất nơi máy giặt. Mấy lần tôi gạ gẫm thêm thắt tí con gái, chồng tôi gạt phăng. Anh bảo gái hay trai cứ hai là dừng. Một vợ hai con bon bon thẳng tiến. Chấm dứt giai đoạn bỉm sữa để tập trung cống hiến cho xã hội và hưởng thụ cuộc đời. Nghe chồng nói tôi gườm gườm, giọng anh y chang mấy em tuyên truyền viên kế hoạch hóa gia đình. Sức khỏe của tôi không tốt, lần đẻ thằng cu út sém ra nghĩa địa nằm. Anh chưa hết sợ vụ tôi chết hụt đó. Nhắc đến chuyện sinh đẻ thêm thắt anh không bao giờ ủng hộ, dù rất thèm mụn con gái bia gái rượu. Xóm bảo thôi để nhà T nuôi. Nhà ấy lấy nhau 7 năm, chạy chữa khắp bốn phương vẫn tịt lịt. Chùa, đền, am, cốc nghe ai bảo nơi nao thiêng là đến cúng lễ van vái xin con, nghe ai bảo thầy thiêng thầy linh là cung kính rước về làm đủ lễ khấn trên/dưới trong/ngoài sân nhà, cổng, đường… xong chờ đợi, vẫn tịt lịt. Nản quá buông bỏ, kệ, trời phật ban cho thì hưởng, không cho đành chịu tủi. T chịu khổ với bà mẹ chồng nguyên 7 năm ròng. Bà ngày nào cũng đòi thay vợ cho con trai, ngày nào cũng bóng gió “cây độc không trái, gái độc không con”. T không phải là gái độc. Thằng chồng nó tinh trùng yếu. T hiền khô, nó làm văn thư cơ quan văn hóa thông tin thành phố, lóc cóc ngày 8 giờ làm, lương ba cọc ba đồng, lúc nào cũng buồn buồn, ngơ ngác, ai nói to tiếng là giật mình. Xóm có việc gì ới một tiếng là nó đến lụi cụi làm từ đầu buổi đến lúc xong việc mới ngơi tay về nghỉ. Cả xóm ai cũng thương vợ chồng T. Tôi nhìn T mắt cay cay. Nó cứ ôm riết đứa bé, vài phút lại hôn chun chút vào má, vào trán con bé. Con bé bú no là ngủ. Chẳng biết xung quanh lao xao về số phận nó, về tương lai nó. Ở đời người ta hay nói về tương lai dù chẳng ai biết tương lai ra sao. Hiện tại là mỗi ngày đây với đủ buồn vui, cay đắng, tủi nhục mà ai cũng phải chấp nhận, còn tương lai luôn là những hy vọng tốt đẹp hơn, thậm chí cả những sợ hãi, tồi tệ hơn nhưng rồi ai cũng phải đi tiếp. Nếu không đi thì chết. Đa số con người đều sợ chết. Ngoài cái chết ra thực tế trong cuộc đời này có gì đáng sợ hơn đâu. Tôi hay nghĩ gần xa về cách con người sống với nhau trong thế giới này. Tôi từng thấy có kẻ vừa được giúp đỡ đó đã quay lại phản bội kẻ làm ơn giúp mình. Tôi từng thấy kẻ ác nhiều tiền nhơn nhơn sống sung sướng, hả hê, kẻ khổ nghèo chịu thiệt thòi nín nhịn cho đời yên êm. Đứa bé thật vô tư. Nó ngủ li bì. Nó chẳng biết cách nó đến với thế giới này thật buồn. Cả xóm quyết định con bé sẽ về nhà T. Thằng chồng nó nhảy cẫng lên hú hú như tazan, cúi chào cảm ơn rối rít, hứa hẹn tối nay em mời cả xóm vài thùng tiger với bò một nắng nướng mừng nhà có thêm thành viên, mừng đời em từ đây thôi cô độc. Nó ôm cái giỏ đi trước, con T đi sau, mắt dán vào con bé, chả nhìn đường đến nỗi vấp vào đống đất suýt ngã. Cả xóm la lên ối á, lo lắng con bé rơi. Con T giật mình la hoảng, ôm chặt con bé, cười như mùa thu tỏa nắng, mắt lóng lánh nước. Nó đã thèm khát lâu lắm. Cả xóm lục tục về nhà. Thành phố sớm mai sương mù lâng lâng và lạnh lạnh.
Từ ngày xóm có đứa bé, đêm nào nhà T cũng lao xao người ra kẻ vào. Người đem bì bỉm, người cho chục trứng gà, hộp sữa, cái chăn, cái mũ, cái váy nhỏ xinh màu hồng hồng. Mấy ông đàn ông ngồi nơi góc bàn đá nhà T nhấm nháp bò một nắng đặc sản xứ Krông Pa và bia tiger nói chuyện thế gian, toàn chuyện đẩu đâu ông Trump cấm nhập cư, chống IS, cứng như thép với Trung Quốc, bàn chuyện du lịch sắp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, của tỉnh nhà, chuyện cá chết, cá sống trên lòng hồ, vùng biển A, B, C ngoài miền Trung, chuyện gã quan A nào đó tranh công, đổ lỗi đẩy cấp dưới vào tù thế thân, chuyện gã quan B nuôi bồ nhí 7 năm liền vợ phát hiện kiện tụng inh om... Những câu chuyện cứ râm ran, thỉnh thoảng chồng T chạy vào nhà lấy đá, lấy nước lọc lại ghé cái mồm đầy râu ria và mùi men hôn chun chút vào môi, vào má con bé. Các bà các chị đẩy nó ra gào lên: Khiếp quá, đi ra ngay, mắc hơi con bé bây giờ. Ả cô giáo, nhà thơ thỉnh thoảng cũng ghé qua, ả mua món đồ chơi lắc lắc xanh đỏ. Con bé sắp đầy tháng. Ôi cái mặt thiên thần! Cái môi đỏ như nụ hoa hồng. Nó cứ bú xong là ngủ. Nhà T đã làm xong mọi thủ tục nhận nó làm con. Chồng nó làm bữa cơm cúng tạ ơn tổ tiên ban phước hẳn hoi. Cả xóm ai cũng được mời, ăn uống vui vẻ. Ăn xong hát karaoke mãi đến 11h đêm mới tan. Thằng chồng T say nhảy tưng tưng hú hét: Em có con gái rượu rồi. Nó cứ hát đi hát lại bài “Ba ngọn nến lung linh”. Cô giáo kiêm nhà thơ thì giành micro hát luôn hai bài về tình yêu. Môi ả mỏng dính, tô son bóng loang loáng dưới ánh điện. Ả hát hay, dáng ả đong đưa như ca sĩ chuyên nghiệp. Tiệc tan, chị em xóm bấm nhau thì thầm lại vừa có thằng nào đến chở đi rồi, thằng chồng rõ đồ bất lực. Chuyện nhà ả từ sau vụ đánh ghen, thằng chồng dọn vào nhà tập thể công ty ở, con cái ả đưa về nhà nội trả thẳng, cuối tuần đến đón về, hết chủ nhật lại đưa đến nhà nội. Ả đi dạy ở huyện cách nhà 50km nên thứ 2 đi thứ 6 về. Ả câng câng, li thân hay li hôn gì ả cũng sẵn sàng, gặp ai mồm ả cũng xoen xoét ở trong chăn mới biết chăn có rận. Xóm giềng cũng chả thèm để ý đến ả, chị em chả ai muốn dính vào ả. Dạo này ả mua xe hơi 4 chỗ màu trắng, tự lái bon bon, bóp còi tin tin. Nghe bảo ả đang cặp cùng lúc hai gã giàu sụ. Nghe bảo ả vừa lừa con bạn thân một vố nặng, ả chiêu trò phỉnh bạn hùn hạp tiền mua đất, nhà. Tôi thầm nghĩ, biết đâu ả cũng có những nỗi niềm riêng không thể nói nên lời. Có lần lâu lâu rồi ngồi gần nhau cà phê xóm sáng thứ 7 ả tâm sự đời em khổ nhục chả ai thấu. Em cứ phải gồng lên chịu đựng mãi. Giờ em sống cho em đây chị. Lời nói gió bay, tôi cũng chẳng quan tâm đồng cảm. Đôi khi nhìn ả tôi chẳng biết đàn bà trên thế gian này có bao nhiêu kiểu và thế nào là đàn bà tử tế. Nhưng tướng người đi như rắn uốn, môi mỏng bóng loáng, mắt ti hí thế, chả dám tin. Các cụ chọn dâu, thấy gái tướng ấy là cấm chỉ rước về. Ngẫm cũng đúng dăm bảy phần. Ngẫm cũng chả sai.
Từ ngày xóm có đứa bé, mọi người có mối quan tâm chung. Nó hắt xì, sổ mũi, sốt mọc răng, đi ỉa chảy, mấy bà mấy chị long tong chạy tìm thuốc tây thuốc nam, lạc cạch giã, xay, vắt, lọc, dỗ dành nựng nịu đổ cho nó uống. Mấy chị mấy bà đã qua chửa đẻ bày hết kinh nghiệm cho T nuôi con bé. Sầu riêng 7 tháng, nó mũm mĩm xinh đẹp như thiên thần. Nó là con chung của cả xóm. Ngày trước, xóm giềng tối về là cửa đóng then cài, xóm công chức nhà nước cả ngày đi làm, trưa về ăn vội, ngủ vội, đầu giờ chiều lại tất tả phóng xe đến công sở, chả có nhiều thời gian mà dành cho nhau. Con bé như chiếc cầu nối lại những tấm lòng đàn bà trẻ/già trong xóm. Bà S cán bộ hưu trí 70 tuổi, tối nào không đau lưng, nhức đầu cũng chống gậy lọ mọ sang í à, í ơi với con bé vài phút rồi về ngủ. Chị H bán vé số, tắm rửa xong chạy ngay sang ẵm bồng ơi à, ơi hỡi vài phút rồi về chăm anh chồng nằm liệt giường. Chị bảo con bé “hên” lắm, hôm nào trước khi đi bán cứ sang thơm tay nó một cái là hôm đó bán vèo vèo. Chị ấy là người đàn bà vĩ đại nhất mà tôi biết. Chị lấy anh năm 17, đẻ sòn sòn hai đứa một trai một gái đẹp như thiên thần. Anh là thợ điện. Chị nội trợ bán buôn loanh quanh với cái cửa hàng bé tí trong xóm. Tai nạn giao thông khiến anh toàn thân bại liệt, 10 năm nay chị một mình vừa chăm anh, vừa kiếm sống nuôi gia đình bằng đủ nghề rửa chén bát cho nhà hàng, bỏ mối trái cây, bán vé số, đưa cơm văn phòng cho quán cơm Duy Ký... cái gì làm được chị nhận, miễn có tiền thuốc thang cho anh và lo hai đứa con đi học. Xóm giềng thương chị, mỗi người góp mỗi trăm mang biếu. Chị nhất định từ chối. Chị M cán bộ phụ nữ tỉnh huy động quỹ phụ nữ xóm, cho chị vay vốn mở quán cà phê ngay tại nhà, mở rộng hàng tạp hóa, bà nội ở nhà bán, con bé, thằng cu đi học về phụ bà nội bán. Chị lần khần suy tính vài ngày rồi kí vay. Sáng sáng, chị lau rửa mặt mũi tay chân cho anh thơm tho, bón cho anh ăn xong là nhảy lên xe đạp đi bán vé.  Ngày nắng ngày mưa đều vậy. Ngày nghỉ là khái niệm xa lạ với chị H từ lâu lắm, đến cả trong  mơ cũng không tồn tại. Tôi từng nài chị uống cà phê sáng thứ 7 được một lần duy nhất quán đầu xóm. Chị ngồi được vài phút là nhấp nhổm đòi đi. Chị kể tôi nghe nỗi lòng đàn bà nghèo trăm ngàn cơ cực nhưng chị tin tưởng trời Phật có mắt. Trời Phật không lấy hết của ai cái gì và cũng chẳng cho ai hết cái gì. Ở đời, người ta chỉ cần sống tốt, chăm chỉ làm ăn rồi sẽ ổn thôi. Nhân quả nhãn tiền, chả phải đợi trăm năm, ngàn năm, kiếp sau, kiếp sau nữa gì gì mới báo ứng. Chị bảo đời chị kiếp này long đong lận đận, cơ khổ cơ cực như vầy chắc tại bởi kiếp nao kiếp nảo anh chị ăn ở chưa phải với chúng sinh trời đất, giờ yên phận mà trả hết nợ, chẳng dám oán thán trời cao đất dày. Chị tín Phật, ngày rằm, mồng 1 đầu tháng ăn chay cúng lễ nghiêm cẩn. Tôi cũng tín Phật. Khi lòng nặng nề, tự nguyện ăn chay hành thiện cho vợi dịu nỗi niềm u uẩn. Tôi qúy chị. Lúc nào gặp chị, thấy chị cũng cười, nụ cười chị tươi sáng như nắng sớm mùa xuân. Tôi đi đâu công tác cũng mua tặng chị tấm khăn, cái áo, cái túi, hộp kem. Tôi giục chị mặc, dưỡng da chị toàn cười bảo: để dành. Chị là người phụ nữ tôi quý một cách đặc biệt. Ở đời có những người đàn bà hiền lành, cam phận một cách kỳ lạ. Tôi đi chùa, cầu xong nhà tôi sức khỏe bình an, lúc nào tôi cũng cầu xin đức Phật phù độ cho gia đình chị mau qua kiếp nạn, anh mau phục hồi, chị khỏe mạnh để lo cho con cái nên người.
Từ ngày xóm có đứa bé, đàn bà xóm thân nhau hơn. Tối tối, nhà T trở thành nơi tụ tập, chuyện trò. Mỗi lần thấy tôi tong tả trở về từ nhà T, chồng tôi liếc âu yếm: Dạo này xóm xóm, giềng giềng quên cả chồng con luôn à! Tôi lườm lườm lầu bầu: Không xóm xóm xóm, giềng giềng chết ai đến đưa ma à. Chồng tôi cười cười bí hiểm.
Cả xóm đổ ra đường nháo nhác bởi tiếng la thất thanh của T. Chập tối, nhà nào cũng đang lo ăn uống, dọn rửa, cái con học hành. Chồng tôi chạy vèo đến nhà T. Tôi và lũ con lao theo.  Người xóm đã đến đông. T ôm con bé, mắt nó vằn quắc hung dữ. Dưới chân nó, đứa con gái áo lụa đen tóc xổ rối, nước mắt đầm đìa bấu chân T gào khóc. Chồng T đứng án trước cửa mắt vằn quắc hung dữ. Bà vú em run lẩy bẩy bấu vào chiếc nôi gỗ. Thấy chị M, H, N, bà S và tôi nó hất đứa con gái chạy đến, len vào giữa chúng tôi, một tay ôm chặt con bé, một tay nó chĩa vào đứa con gái gầm lên: Nó định bắt cóc con em! Đứa con gái ngồi bệt giữa nhà, khuôn mặt xinh đẹp hoảng hốt, mắt sưng đỏ, miệng mếu máo: Em lạy anh chị cho em thăm nó một chút rồi em đi, em không bắt cóc nó. Nó ngước mắt nhìn mọi người, miệng mếu máo van xin, kể lể. Cả xóm im lặng nghe tiếng nó kể lể, sụt sùi. Người quay mặt. Người bĩu môi. Người thở dài. Người mắt rặm rặm, cay cay…
Đứa con gái vừa đi học vừa đi làm nhân viên quán cà phê Trăng ca đêm. Ông chủ quán mê nó, cho nó tiền gấp nhiều lần tiền lương bà chủ quán trả mỗi tháng. Ông chủ quán cưng chiều nó nhất trần gian. Nó ăn nằm với ông chủ quán, mang thai. Vợ ông ta đánh đuổi nó. Nó chẳng dám về quê. Cái thai đã quá to để phá bỏ. Bố mẹ nó sẽ giết nếu biết nó chửa hoang. Nó nhảy xe vào Đà Nẵng, bó bụng đi làm nhân viên nhà hàng hải sản. Đứa bạn thân cùng phòng trọ đưa nó đi sinh. Nó trốn viện, ôm con về phòng trọ vơ hết quần áo tư trang nhảy xe đò ngược về phố núi. Nó thuê nhà nghỉ, cho con bú no nê. Nó nằm ngắm con, vuốt ve bàn tay nhỏ xíu của con khóc lặng. Nó đợi đêm xuống sẽ ôm con bé đặt trước quán cà phê Trăng. Đêm xuống. Quán cà phê đông người ra kẻ vào. Nhạc sập sình, điện nhay nháy. Ông chủ ngồi quầy thu tiền, vợ ông chủ luôn tay pha chế, chỉ trỏ nhân viên bưng bê, phục vụ khách. Dưới ánh điện vàng vàng khuôn mặt mụ nhìn nghiêng, nhìn thẳng săn sắt, cau có. Nó bất chợt sợ. Nỗi sợ hãi dâng lên khiến nó run rẩy. Nó nhớ trận đánh ghen mấy tháng trước đó. Nó nhớ khuôn mặt sợ hãi của ông chủ khi vợ ông ta lao vào nó. Nó nhìn con bật khóc và chạy vụt đi. Nó thuê xe thồ chở nó loanh quanh những hẻm to, hẻm nhỏ của thành phố. Đêm càng khuya càng lạnh. Nó thuê nhà nghỉ đầu xóm, cho con bé bú no nê. Nó thức đợi trời sáng. Nó chẳng biết đi đâu. Nó không dám về quê. Bố mẹ nó sẽ giết nếu biết nó không chồng mà chửa. Nhà nó còn hai em gái. Sẽ chẳng ai dám đến tán tỉnh, hỏi cưới lũ em nếu nó về. Cái làng quê nghèo xác xơ của nó, nhà nào cũng trọng danh dự, “đói cho sạch rách cho thơm”. Cái làng quê nghèo ấy, cả làng đều trầm trồ bố mẹ nó khéo nuôi con, đứa lớn đi học đại học nông lâm, đứa bé đi học cao đẳng nghề kế toán. Nó không dám về. Nó ôm con bé đi dọc con hẻm bảng lảng sương mù sớm mai. Nó nhìn những căn nhà im lìm, cổng sắt kín mít. Nó dừng trước mái hiên chìa ra rộng rãi, trước cửa nhà có chiếc ghế đệm cũ kỹ và chậu cây ngũ gia bì xum xuê. Nó ôm con ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế khuất sau chậu cây, tránh sương và hơi rét lan vào người. Nó vạch vú cho con bú no nê. Nó cuốn thêm chăn và rém kỹ mũ áo cho con bé. Nó đặt con bé vào chỗ nó vừa ngồi còn ấm hơi, chằn cái túi đựng quần áo bỉm sữa mé ngoài. Nó đứng trân trân nhìn con một hồi. Tiếng chó sủa phía nhà bên làm nó giật mình. Nó chạy, chạy đến khi lồng ngực muốn bể toang, bụng dưới đau buốt, mắt hoa đom đóm. Nó gục xuống. Khi nó tỉnh dậy đã là đêm khuya khoắt. Bệnh viện thành phố, phòng cấp cứu ánh đèn sáng trắng, trải giường trắng, tường trần trắng lạnh lẽo, rờn rợn. Nó xin phép y tá trực đi tiểu. Nó lén lút đi qua dãy hành lang tanh mốc và trốn ra cổng. Nó ra bến xe nằm đợi sáng để bắt xe đò về Đà Nẵng. Nó xin làm lại nhà hàng hải sản. Nó thề không bao giờ quay lại phố núi. Đứa con gái có cái tên đẹp như người: Hồng Ngọc. Nó chăm chỉ làm việc ca ngày ca đêm. Nó làm quần quật để quên tội lỗi nó đã làm với chính giọt máu nó dứt ruột đẻ ra. Nó oán ghét chính bản thân. Nó quyết chôn vùi mình xuống biển sâu mong thoát khỏi sự dày vò của lương tâm mỗi phút giây. Biển không nuốt chửng nó. Biển đã tặng nó một người đàn ông tử tế. Anh lang thang trong đêm với nỗi buồn mất vợ. Căn bệnh ung thư gan đã giật người phụ nữ anh yêu thương nhất khỏi vòng tay anh nhanh đến nỗi anh không tin nổi đó là sự thật. Đêm đó, anh giật được nó từ biển cả. Đêm đó, cuộc đời của anh và cô rẽ vào một lối khác. Đêm đó, đêm định mệnh của đời nó.  
Cả xóm đến nhà T ăn bữa cơm chia tay Sầu riêng về biển với mẹ cha nó. T cứ ôm riết nó khóc như mưa. Hồng Ngọc cứ ôm T khóc như mưa. Chồng T và chồng Hồng Ngọc cụng ly liên tục. Rượu mạnh làm mặt ai cũng đỏ bừng, mắt ai cũng đỏ. Không biết tại men hay tại nước mắt. Nước mắt đàn ông lặn vào trong. Nước mắt đàn ông mặn hơn nước mắt đàn bà. Cả xóm ngùi ngùi, buồn buồn, rầu rầu. Cả xóm truyền tay nhau nựng nịu con bé. Khuôn mặt nó đẹp tựa thiên thần. Thời gian trôi nhanh như vó câu. Sầu riêng đã tuổi rưỡi, đã biết thơm nựng mẹ T, đã biết mi gió, biết giơ tay bye bye... Mắt nó tròn xoe long lanh, khuôn miệng đỏ tươi như nụ hoa hồng. Cả xóm xúm xít bồng nựng vuốt ve nó. Đứa bé đẹp như thiên thần. Đứa bé của lỗi lầm và hối cải. Lớn lên nó sẽ không biết được cách nó đến với thế giới, nó có hai người mẹ, hai người cha... nhưng cái xóm nhỏ này sẽ nhớ nó lắm. Vợ chồng T sẽ nhớ nó gầy mòn. Bà vú vừa xếp đồ cho nó vừa khóc i ỉ. Mai bà cũng xếp đồ về quê.
Một tuần sau, cái T bị ốm, nó nằm bẹp dẹp, cháo chê sữa chê, nó rên hừ hừ, vật vã nhớ hơi con, sau 1 tuần nó gầy tóp teo vì nhớ con bé. Một đêm, nó nhận được điện thoại Hồng Ngọc, Sầu Riêng bị ốm, đang cấp cứu trong bệnh viện thành phố, nó không theo Hồng Ngọc, khóc đòi mẹ T, không ăn không uống sữa, khóc hờ hờ suốt đến khi mệt lả thiếp đi, thức lại khóc đòi mẹ T. Cái T bật dậy như lò xo, nó vơ quần áo ngồi đợi sáng bắt xe đò đi. Nó khóc từ cổng viện khóc vào, nó choàng lấy con bé như đại bàng mẹ quắp con, con bé khóc ré lên rời hức hức mếu máo gọi ma ma. Đám người xung quanh đỏ mắt. Từ lúc đó con bé cứ cuộn trong lòng mẹ nó, bâu cứng lấy mẹ T chẳng rời. Hồng Ngọc đứng sớ rớ, nó đợi T sai lấy cái này cái kia, mắt nó sầu sầu tủi tủi nhìn con bé riết lấy T, nó thấy mình là một tội đồ. T cắt phép ở chăm Sầu riêng nửa tháng, ngày chia tay Hồng Ngọc phải giằng con bé ra khỏi T để T chạy ra cửa, bước lên xe taxi T nấc ầng ậc như bị ai lấy đá tảng đè lên ngực, trái tim nó tan vỡ ngàn mảnh, nước mắt chảy dòng, hình ảnh con bé khóc thét, bâu cứng lấy cổ mẹ, miệng liên tực gọi ma ma, mặt nhoe nhoét nước mắt nước mũi khiến tim nó không chịu nổi, hơi ấm con bé còn đầy ngực đầy tay, đầy má đầy vai đấy mà giờ đây T như chiếc lá rụng úa nằm trên mặt đường sũng nước mưa. T về, nó nằm thêm một tuần, rồi cũng phải trở lại cuộc sống với những cơn mơ từng đêm ám ảnh giày vò về sự mất con bé, một sự thật nó phải chấp nhận để tiếp tục sống và hy vọng. Có những  nỗi buồn đau chẳng thể diễn đạt được bằng lời kể lại của ai đó, hay một dòng, đoạn nào đó trong một văn bản, cứ mỗi lần nó nói với tôi về Sầu Riêng là nó khóc tu tu, cái cách khóc của một người mẹ đau đớn vì phải xa lìa con mình. Tôi cũng khóc. Tôi cũng nhớ Sầu Riêng, thiên thần bé bỏng của tôi lắm lắm.
Xóm tôi chơi vơi mất mấy tháng mới trở lại nhịp sống bình thường. Nhà T mấy tháng liền buồn như có đám ma. Tối nào chị em cũng qua ngồi chuyện trò, vào facebook mẹ Sầu riêng xem ảnh con bé, bình luận inh om. Mấy ông ngồi với chồng T dưới cây lộc vừng thả bông đo đỏ, bàn đá đầy xác hoa đỏ li ti, họ uống bia tiger với bò một nắng xứ Krông Pa, tranh nhau nói chuyện trong nước quốc tế, lòng vòng cuối cùng vẫn nhắc con bé, cuối cùng lại rút điện thoại gọi qua facebook để thấy con bé cười toe toét. Ai cũng ghé mặt vào màn hình bé bằng bàn tay u oa, u ơ nói nói, cười cười, nựng nựng. Sầu riêng càng lớn càng đẹp như thiên thần. Chẳng biết tự bao giờ những người đàn bà xóm tôi, tối tối không còn đóng cửa im ỉm xem ti vi, lướt ipad, smartphone, lạch cạch máy vi tính... nữa. Đàn bà trẻ/già lo chồng con ăn uống, dọn dẹp xong xuôi, chị em lao ra cổng, gọi nhau í ới đi bộ tám chuyện trên trời dưới đất, chuyện làm đẹp, chuyện con cái, chuyện làm trong làm ngoài tăng thu nhập, chuyện lương thưởng eo hẹp hoặc tụ tập nhà ai đó ăn quà vặt, than thở chia sẻ chuyện buồn bực, ấm ức trong ngày trong tuần. Bọn đàn ông xóm tôi rủ nhau tụ tập xem bóng đá, uống bia, uống trà và cười nói oang oang.
Cả xóm vui như tết khi hay tin cái T có bầu. Nó thậm chí chẳng biết mình mang thai. Trễ kỳ kinh gần hai tháng, nó cứ tưởng thất thường như bao lần, nó kệ. Đến khi thấy ngán mùi mỡ, ăn vào ọi ra. Mắt nó sáng như mắt mèo động tình. Nó nói líu lịu, tay ôm lấy vòm bụng nâng niu hoài nghi. Vợ chồng chở nhau đi siêu âm. Bác sĩ tháo kính, cười như hoa nở, gật gật chúc mừng vợ chồng nó. Chồng nó hú hú như tazan, ôm vợ hôn tới tấp. Bác sĩ gật gù lẩm nhẩm cuộc đời này quả là có nhiều điều kỳ diệu và nắm tay chồng nó lắc lắc mãi. Trời Phật không bao giờ lấy hết của ai điều gì và cũng chẳng cho ai hết điều gì. Tôi nhớ một câu Phật dạy: “Khi bạn vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi bạn đau khổ, bạn hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn”./.
                                                                                                                                                                                                    Pleiku, 8/2017 
H.T.H




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét