9.06.2017


Kí ức
             Truyện ngắn Hoàng Thanh Hương

Người đàn bà có đôi mắt u buồn, khóe miệng cong kiêu kiêu ngồi sát bên cô trong chuyến đi về nguồn, thăm lại chiến trường xưa. Cô ngắm bà thầm kín và cảm thấy bị thu hút kì lạ. Tây Nguyên mùa khô, cái nắng gió hanh hao thông thốc khiến con người và cảnh vật khô khát. Nhà khách công ty râm mát bởi những tán che của cây và dây leo. Cô và bà chung phòng 203. Căn phòng cuối cùng của tầng 2 có ban công đầu hồi treo đầy những giỏ hoa lá đẹp mắt, cành cây vú chìa vào giơ tay có thể với được trái. Những trái vú sữa tím căng mỡ màng, mời mọc cảm xúc người ngắm chúng. Cô hỏi bà nhiều chuyện, cô ghi chép cẩn thận, bà kiên nhẫn trả lời hết những  điều cô thắc mắc, tò mò. Nghề thuyết minh viên bảo tàng cần sự chi tiết, tỉ mỉ cho mỗi công việc từ thu thập thông tin, xử lý chúng và diễn đạt phục vụ du khách. Bà khen cô xinh đẹp và thông minh. Cô khen bà quý phái và tốt bụng. Cô thầm nghĩ hồi trẻ bà chắc rất xinh đẹp. Đêm, giấc ngủ không đến dễ dàng. Cô pha cà phê, cô mời bà uống. Cô nói cô muốn nghe những câu chuyện của bà. Bà nhìn cô trìu mến, trong cuộc sống vội vã hiện tại ít khi người ta muốn lắng nghe nhau, càng ít muốn nghe về những điều đã lùi xa mấy chục năm lẻ, những chuyện mà những đàn bà trẻ như cô ít quan tâm hay quan tâm cho có chừng theo công việc liên quan. Bà lim dim, bà nhâm nhấp ngụm cà phê pha loãng ngọt, bà kể:
1. Sương loãng dần. Trời âm u. Quả đồi trơ những gốc cây bị đốn, lổn nhổn mô, ụ từ mấy hôm trước. Cứ ngỡ sau cơn mưa đêm qua trời sẽ quang và nắng gắt. Đã chớm mùa mưa. Hoè vùng dậy mở cửa lán. Hơi sương ùa vào khiến chị co vai. Hoa, Yên, Mỹ, Thúy vẫn ôm nhau li bì. Hoè sang bếp chuẩn bị bữa sáng, đất sụt xuống lép nhép sau mỗi bước chân. Đống củi bị tạt mưa từ đêm qua nhen mãi mới đỏ. Nồi cháo đậu sôi lục bục. Hoè ngồi bệt trên đống củi nhìn xa xăm phía đồi A Gianh. Sương mù giăng trắng. Hoè nghe mấy đứa truyền nhau đêm nào trăng khuyết đều nghe tiếng đàn hát chỗ mấy cây muồng đen, bóng người nhảy múa cười đùa gọi nhau í ới. Hoè mấy lần đi gùi muối về qua đây chập tối, chị chẳng cảm thấy sợ, thấy thương. Chiến dịch đang rầm rộ. Hôm qua nghe tin vui quân ta đánh trọn hai bốt của địch ở Pleiku. Bọn nguỵ tháo chạy về Ban Mê. Thắng lớn ở khắp nơi. Đại đội trưởng báo phải tăng cường sản xuất lương thực để lính ta no bụng đánh giặc. Trung đội Hoè xung phong nhận quả đồi A Gianh và động viên nhau vượt sản. Cái Yên bé nhất cùng quê với Hoè nên chị thương nó hơn cả. Mười tám tuổi mà nó lẹt đẹt, lăm ngăm, lúc nào cũng lẳng lặng như cái bóng biết đi. Chị em trong đội toàn những đứa toang toác, đám con trai đơn vị chả đối đáp lại nhưng vẫn thích tìm sang lán trêu đùa. Cánh lái xe mỗi lần đến đây lấy hàng khi chia tay cứ bịn rịn bần thần: “Chờ anh nhé?”.
Đại đội trưởng Miên quê Vĩnh Phú, khuôn mặt lúc nào cũng nghiêm như đang trong cuộc họp. Dáng cao gầy, đi hơi chúi về trước. Người có dáng ấy vất vả cả đời. Lán chỉ huy dựng trên một khoảng đất cao ngay dưới gốc cây kơnia cổ thụ xoè tán mát rượi. Đường lên có những bậc thang bề ngang chỉ đủ cho hai bàn chân, mùa mưa trơn trượt, không có gậy chống thì khó mà leo hết 47 bậc. Đại đội quá nửa là nữ, đa số nhập ngũ năm 1973. Sáng nay giao ban xong, đại đội tập hợp nhận quân trang. Trung đội Hoè thiếu Yên đang sốt rét. Mỗi cô được nhận hai bộ quần áo dài, hai áo nịt ngực, mấy mét vải xô và một mét vải hoa. Cái Hoa, Thúy xúm vào chọc Miên: “Đại đội trưởng ơi, cho bọn em thêm một mét vải xô nữa, mùa mưa tới rồi.”.
- Các cô này hay nhỉ! Tiêu chuẩn chỉ thế thôi. Cấp thêm, tôi lấy đâu ra mà bù.
Lũ con gái cười rích rích bấm nhau. Mặt Miên thoáng đỏ nhưng nghiêm lại ngay:
- Các cô nhận đồ rồi về tiếp tục công việc!
Lũ con gái vừa đi vừa ríu rít đủ chuyện. Hoa giơ tấm vải lên, hết  ướm vào mình lại ướm sang Yên, cái Mỹ dẩu môi:
- Nó trắng, mặc gì chả đẹp.
Hoa là hoa khôi của đơn vị. Hoè biết nó rất mến Miên. Cứ nhìn vẻ lúng túng của nó mỗi lúc thấy anh là biết. Mấy chị em xúm vào trêu. Nó hẩy ra dứt khoát:
- Em chờ độc lập.
Ánh mắt nó lúc ấy lạ lắm, rừng rực, mòng mọng và hơi thở dồn gấp như đang chạy trốn những khát khao con gái. Trung đội toàn những đứa chưa yêu lần nào. Rời làng đi là đến đây. Hết mùa khô đến mùa mưa, tối ngày vá đồi trồng trỉa, xẻ gỗ làm áo quan cho liệt sỹ, canh giữ mấy kho lương thực, súng đạn quân trang, hoá chất và chuyển cho tiền tuyến. Đàn ông ra trận cả. Đơn vị có mấy anh máy ủi thì đã vợ con đùm đề ở quê. Mỹ mới quen một anh lái xe người Quảng Bình. Bây giờ nó suốt ngày đợi thư người ta. Một tháng đoàn xe quay lại một lần, Mỹ luôn nhận nhiệm vụ hướng dẫn đoàn xe vào trại. Cô thường đứng ở đầu đường, dưới tán trâm cao quá đầu người, lấy chiếc khăn bịt đầu vẫy ra hiệu xe vào các vị trí. Hội nhảy xuống từ ca bin, bụi vàng quạch đầu tóc, anh đặt vào tay cô mảnh vải dù, cuốn sổ bìa màu xanh lá cây. Đoàn xe ở lại đôi ngày, đại đội vui như tết. Mỹ và anh Hội trốn mọi người ra suối. Hai người vơ một ít cành khô chụm một đống lửa nhỏ. Họ ngồi bên nhau, anh Hội kể đủ thứ chuyện chiến trường. Mỹ lặng im ngắm anh qua ánh sáng chập chờn. Càng khuya càng lạnh. Phía lán nhiều ánh đuốc tản ra. Mọi người đã tan cuộc. Cô giục: “Về thôi anh!”. Hội ngừng kể, với cây đuốc gác trên phiên đá to như cái phản sát mép nước. Mỹ cời đống lửa dưới hom đá đang cháy lép bép định giụi tắt. Hai người đứng thật gần. Hội có thể ngửi thấy mùi lá thơm thơm trên tóc Mỹ. Anh run run tìm tay Mỹ nắm nhẹ. Mỹ thở hắt ra. Ngực cô phập phồng theo mỗi nhịp thở dồn nén. Mặt cô bừng bừng như lên cơn sốt. Cây đuốc rơi xuống đất. Họ ập vào nhau quấn quít. Những tàn lửa cuối cùng vẫn đủ soi trên phiến đá ướt sương hai bóng người quấn quít:
- Anh phải về đi thôi! Mẹ con em sẽ đợi.
- Ừ, đặt tên con là Tây Nguyên em nhé.
Hội ôm Mỹ vào lòng, bầu ngực đầy đặn căng nõn úp vào anh nóng bỏng. Anh cúi xuống hôn vào mắt cô. Thấy ướt rượi và mặn. Anh siết Mỹ thật chặt. Sương mỗi lúc một dày.

2. Mưa. Lúc sầm sập. Lúc lất phất. Mưa kéo dài suốt mấy tháng. Cây giống trồng xuống chỗ trũng bị úng, chỗ nghiêng bị sói trôi gốc. Đơn vị quyết định chờ cuối mùa mưa trồng một số cây công nghiệp. Còn lúc này sẽ trồng đậu đỏ và ngô. Chiến dịch giải phóng miền Nam đang vào hồi quyết định. Pleiku đã được giải phóng. Mỹ ngong ngóng tin Hội. Độ nửa tháng, một người lính đeo ba lô đến tìm. Anh không nói câu gì, chỉ nhìn cô ầng ậng. Cô rùng mình xua đi những ý nghĩ buốt lạnh vừa vút qua. Anh lính ôm vai cô nức nở. Mỹ sụp xuống. Chiếc balô nặng trĩu trên hai cánh tay thờ ơ đặt trên đùi. Cô ngồi bệt trên nền đất, đôi mắt vô hồn dõi về phía con đường có tán trâm rừng xanh ngút. Cô khóc. Hoè cùng cậu lính đỡ Mỹ về lán. Chị vỗ lưng cô thầm thì:
- Muốn khóc thì khóc đi.
Mắt Mỹ ráo hoảnh, đùng đục, đờ đẫn. Ngoài sân, mấy chị em vừa nghe cậu lính kể chuyện vừa khóc. Đoàn xe bị bom tọa độ khi chuyển hàng vào Sài Gòn. Mười hai xe bốc cháy. Anh em tấp vào cứu hàng và lôi đồng đội ra khỏi các thùng xe đầy khói. Xe của Hội bị đánh bể toang hông trái, lớp lá ngụy trang ở đuôi xe lửa bắt cuốn vào thành gỗ, tấm tăng phủ mui. Anh cảm giác ngực mình đang bị ai bóp ngẹt, khói xộc vào mũi cay rát, tai bùng bùng. Anh nhào ra khỏi xe leo lên mui tháo những cành cây lửa đang lan phừng phừng vứt xuống. Lửa lan khá nhanh Hội cuống cuồng dập bên này quật bên kia. Trời đang gió. Đồng đội xúm vào nhưng anh giục:
-         Các cậu chạy tiếp đi, tản ra, bọn nó phục tọa độ đấy, nhanh lên.
Bom trút từng loạt, đất đá bị cày xới tung tóe, cây đổ và lửa khói khét lẹt. Hội đuối dần, lửa tràn lên khắp xe, Hội như bó đuốc di chuyển, anh vẫn đang cố gắng giữ xe. Tiếng gào của đồng đội thức tỉnh anh đang bị lửa nuốt, anh nhảy xuống lăn qua lăn lại trên đám đất. Huy phóc lên xe lấy tấm chăn trùm khắp anh, cậu khóc như một đứa trẻ. Hội bị bỏng nặng, mặt bị lửa táp lột nham nhở. Anh thoi thóp nắm tay Huy ráng sức chỉ lên ca bin:
-         Ba lô, gửi cho cô ấy. Đặt...tên con...là... Tây Nguyên.
Hội tắt thở tay vẫn bấu chặt tay Huy, cậu vội rời xác anh nhảy lên ca bin túm lấy chiếc ba lô đang bén lửa. Huy bế xác Hội chạy, vừa kịp rời xa chiếc xe phát nổ tung, tàn lửa bay văng loang đỏ một vùng. Đoàn xe vẫn ầm ì nối nhau lao về phía trước.
Mỹ xin ở nhà một ngày. Hòe ừ, tiếng ừ ngèn ngẹn như không thể thoát ra nổi từ vòm họng. Huy về nhận nhiệm vụ mới ở Kom Tum. Cậu đưa tờ sơ đồ mộ Hội cho Mỹ rồi chào đi, bóng Huy nhập nhoà trong buổi chiều đỏ quạch. Đêm đó, Mỹ ra suối, cô nằm úp bụng lên phiến đá, mắt như soi vào khoảng không tối om, nước mắt cứ thế trào ra. Cô khóc, gào, giật tung quần áo lao xuống dòng nước lạnh lẽo đen ngòm. Bơi, ngụp, lại bơi, nghe tức tức phía bụng dưới. Mỹ giật mình thảng thốt. Giọt máu của Hội đang lớn dần trong cô, cô nhìn trân trối xuống vùng bụng bắt đầu nhô nhú, hít thật sâu rồi thở hắt ra, cảm giác lồng ngực rỗng không, cơ thể nhẹ bỗng như có thể bay lên, bay lên. Cô chầm chậm bơi vào bờ, đêm như tấm lụa đen bao kín vạn vật, bao kín hình hài mảnh mai đang run bần bật vì rét và cô độc. Cô bắc tay loa loa bốn phía gọi Hội đến khản hơi. Tiếng gọi dội vào khuya vọng lại nghe u u ơ ơ. Mỹ mất sau đó ít tháng trong một vụ cháy xưởng cưa. Khuya ấy, không ngủ được, cô lên xưởng chắt dầu ra các can nhỏ để sáng mai các đội trưởng nhận về. Không ngờ can dầu bị lẫn xăng nên khi cô vừa mở nắp, giơ đèn tìm cái phễu thì lửa bất ngờ phụt phụt. Mỹ hoảng quá vấp vào can làm dầu đổ loang nền xưởng. Cô làm rơi cây đèn vào vũng dầu và trượt chân ngã sõng soài xuống nền đất. Lửa nhanh chóng bén trùm lên. Khi tiểu đội phát hiện ra đám cháy thì Mỹ chỉ còn là bộ xương đen sỉn. May vẫn cứu được mấy gian xưởng lửa lan chưa tới. Đồng đội tiễn cô lên đồi A Gianh. Hòe ngồi tỉ mẩn đục lên tấm tôn: Nguyễn Thùy Mỹ, quê Vĩnh Phú, hy sinh 1975.
Hòe càng lúc càng mất ngủ, nhiều đêm chị ngồi bó gối nhìn chăm chăm về phía mấy ngọn đồi sương phủ. Càng cuối mùa mưa, thời tiết càng khắc nghiệt, muỗi nhiều vô kể, quần áo mục rách. Người nào cũng bị nấm ngứa, ghẻ lác. Đợt khám bệnh vừa rồi, chị Liên quân y của trung đoàn không nén được khóc òa. Chị em ai cũng mắc bệnh phụ nữ, ghẻ lở khắp mông, lưng, chân, tay. Nhựa pin thối cũng không chữa lành được ngứa rách thịt ra. Nhìn các chị em vật vờ đi tìm thuốc lá rễ giã nát trộn muối, đắp chữa cho nhau Hòe cắn hằn môi, lòng như bị cật tre cứa. Cái Yên dạo này hay thẫn thờ, có lúc nói rúc vào lưng chị thủ thỉ:
-         Em thích có con quá, con gái í.
-         Xàm xàm mày, xuất ngũ về quê tha hồ mà đẻ.
Nhưng mà nó không đợi được ngày về, Yên chết vào đúng rằm khi trung đội đang chuẩn bị làm đám cưới cho Thúy và anh Phong bên đội máy ủi, nó bị viêm nhiễm đường ruột, rộc rời sau một tuần đi chảy không cầm nổi nó ra đi lặng lẽ, co quắp trong góc lán khi cả đội đi làm. Hòe và Hoa khiêng nó lên đồi một sáng mưa như trút, chị giật phăng miếng tôn che bếp, đục như điên loạn tên: Võ Ngọc Yên, quê Thái Bình, hy sinh 1975. Chị đóng quần quật cái bảng tôn xuống nền đất, vừa quai búa vừa khóc. Chị em bỏ ăn mấy bữa, cứ ngồi vào mâm là khóc tu tu vì nhớ những đứa em đã hy sinh. Chị bảo:
- Những đứa còn trinh chết thiêng lắm.

3. Đám cưới Thúy và Phong được một tuần thì anh Phong được điều ra Pleiku tiếp quản thị xã mới giải phóng. Thúy nhớ anh, mấy lần xin đi thăm nhưng đại đội trưởng không chấp nhận, Thúy là vợ hai của anh, vợ trước ở quê theo gã bán thịt lợn chợ huyện khi anh vừa nhập ngũ được hơn năm. Cả xóm chưởi vào mặt thị, mẹ anh làm lễ bỏ mặt đứa con dâu hủ hóa. Khi anh nhận được tin thì thị đã chửa đẻ cho người ta một đứa con trai và bỏ làng đi biệt xứ. Thúy ưng anh từ hồi hai người đi tải gạo bị lạc đường, anh vướng bom bướm rách toác một cánh tay, chị vừa dìu anh vừa gùi gạo, về đến đơn vị thì ngất lịm vì kiệt sức. Thúy có mang hai tháng, anh Phong bị vướng mìn tử thương. Cánh con gái ngồi ôm Thúy khóc rưng rức. Nó tọp đi xơ xác như cây tre khô. Hôm đưa anh lên đồi lúc quay về Thúy hoa mắt ngã lăn xuống rệ cỏ máu chảy ướt đùi. Nó ôm bụng hú hét như người điên dại. Đơn vị cho Thúy xuất ngũ về làng. Nhưng sau này chị tìm về quê hỏi thì không ai thấy, lại nghe tin nó vẫn ở Tây Nguyên làm ăn rồi lấy một người Jrai nhưng không có con cái.
Toàn đơn vị đang dồn sức trồng một đồi cao su phía tây biên giới Campuchia, mọi người đi từ ban mai đến tối mít, anh Miên sau giờ giao ban đặt vào tay chị một nhúm B1. Cái Yên hồi sống mê đại đội trưởng, cái Hoa cũng vậy. Có lần, Hoa rình anh tắm dưới suối, ngồi im nín thở ngắm trộm người đàn ông đang tỉ mẩn kì cọ từng bộ phận trên cơ thể. Cô gái 22 tuổi chưa lần đụng chạm vào người khác giới toàn thân gai nhức. Không kìm nén được, Hoa nhìn trước nhìn sau một lượt, vạch đám cây chui ra lao xuống ập vào người anh ôm ghì lấy, Miên khựng đứng như tượng khi bàn tay con gái cuống cuồng phần bên dưới. Anh đờ đẫn mền rũ trong vòng ôm điên cuồng của Hoa. Hoa ghì riết anh hôn khắp, khuôn mặt cô phủ xuống ngực anh khao khát chờ đợi, Miên không thể cưỡng lại, anh bế bổng Hoa lên bờ, lóng ngóng vuốt những giọt nước đang từ tóc anh nhỏ xuống mặt cô, Hoa vít cổ anh hôn say sưa. Hai đùi quắp chặt anh giục giã. Hoa cào cấu, vật vã trong ham muốn đòi hỏi, cố đánh thức người bản năng đàn ông dường như ngủ quên trong cái thân thể gầy gò xanh xao kia nhưng anh không thể. Anh gục xuống rũ rượi, hổn hển trên ngực Hoa, ánh mắt ngây dại nhìn hút vào những ống tre bị nước đẩy trôi lập lờ. Trăng bàng bạc như ánh thép sáng lướt trên hai khuôn mặt tái dại, vỡ lạnh. Hoa và anh không hay có một người đã thấy cả và cắn chặt môi để khỏi bật khóc. Người đó là chị, chị lủi thủi cắp nón quần áo quay về lán, chị nhớ lại những nắm rau răm thường xuất hiện trên mâm cơm của anh, vạt rau răm cằn cỗi phía sau lán chỉ huy. Chị lặng lau những giọt nước mặn chát đang thi nhau rơi xuống cằm, chị chả giận anh, giận Hoa, chỉ thấy tui tủi. Nỗi buồn cứ như sương lắng dần khi mỗi ngày chị lại gặp anh, cảm nhận được ánh mắt anh thiết tha, chị vẫn đang chờ, chờ một ngày chị và anh nắm tay nhau đi dọc triền sông quê nhà, dòng sông lóng lánh trăng và ngân nga câu hò khuya của người lái đò đợi khách.

          4. Anh hẹn gặp chị trên đồi cao su mới trồng. Sau cơn mưa đêm trời bớt nặng và những hàng cao su thẳng tắp khẳng khiu đang cố vươn dậy đón những tia nắng yếu ớt xuyên qua đám mây màu xám. Anh lúi húi dựng lại những cây bị nghiêng, chị lặng lẽ ngắm anh từ phía sau và hù một cái khiến anh giật thót:
-         Hòe đến mà im thế?
-         Anh Miên thấy đồi của đội tôi thế nào?
-         Các cô giỏi lắm nhưng chút nữa Hòe cho chị em sửa lại những cây bị lún đất, gió xô nhé.
Anh nhìn chị trìu mến, chị vân vê tà áo bạc sờn cúi mặt ngượng ngùng. Anh cầm tay chị đặt nhanh chiếc lược và hộp dầu cao sao vàng rồi quay sang dựng cây. Chị rẽ sang luống khác cắm cúi làm việc, thỉnh thoảng liếc trộm anh rồi tủm tỉm cười. Chị cảm giác má mình như hơ lửa. Đêm qua, đọc đi đọc lại lá thư tay anh gửi, chị chẳng ngủ được. Hòa bình rồi. Anh bảo hòa bình, anh sẽ xin đơn vị đưa chị về quê ra mắt bố mẹ, dòng họ Đinh sẽ mổ bò làm đám cưới, đám cưới người Mường quê anh ăn ba ngày ba đêm, có xôi bảy màu, cỗ lá thịnh soạn, rượu uống bằng bát sành say 3 ngày chưa tỉnh. Chị đọc đi đọc lại lá thư, gấp vào mở ra, ấp lên ngực, chập chờn ngủ cùng những giấc mơ đám cưới.
5. Bà Hòe mở cửa. Nắng rọi vào ấm áp bàn tay. Bà đốt nén nhang khấn lầm rầm, thoắt đấy đã chục năm ông Miên bỏ bà đi theo tổ tiên, đồng đội. Bà nhủ ông đợi bà ở kiếp sau, kiếp nào bà cũng muốn làm vợ ông, làm bạn bầu với ông. Hôm rồi, bà bảo con gái chở lên Bảo tàng tỉnh tặng mấy món đồ kỉ vật của ông bà, bịn rịn mãi bà mới đưa cái lược và cái cặp đeo của ông cho cô thuyết minh viên mắt bồ câu. Trong tim bà ông là anh hùng, hơn cả một anh hùng.  Đứa cháu ngoại múc nước vào chậu bê đặt trước thềm nhanh nhẩu:
-         Bà ngoại rửa mặt đi ạ.
-         Ừ cái Son được nghỉ sớm nay hử?
Sáng nay bà đi dự gặp mặt cựu chiến binh trung đoàn 72 của bà. Bà đã sắp xếp xong đồ đạc, chờ xe đến đón. Cái Son bưng chén xôi lạc mời, bà nhúm một vắt nhỏ nhai chậm chậm. Năm năm một lần, đồng đội cũ lại tìm gặp nhau. Người đến kẻ không. Nhiều người không bao giờ về được. Thấy nhau là nước mắt riềm mi. Thúy, Mỹ, Hội, Yên, Phong đã được đưa vào nghĩa trang liệt sỹ huyện. Nhiều đồng chí, đồng đội của bà vẫn nằm trên những quả đồi phủ xanh cao su kia. Bà đã bao lần quay trở lại và bao lần ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng biên giới. Những con đường trước kia không còn chút dấu tích. Bà thở dài châm nắm nhang, quỳ phục dưới chân đồi A Gianh bái vọng bốn phương. Gió xào xào trên những tán lá ngỡ linh hồn đồng đội về chứng giám phù thùy. Bà muốn nói một câu gì đó mà nghèn nghẹn, nước mắt cứ thế tuôn tràn. Nước mắt đã mặn hết một thời tuổi trẻ của bà trên những khu đồi kia và mặn đến tận bây giờ.
Bà giao hết nhà cửa cho vợ chồng Lộc, đứa con gái bà nhặt được ở chợ Lớn năm ấy. Cái bàn thờ giữa nhà xếp ba bậc ảnh. Trên cao nhất là bức ảnh cụ Hồ đã ố, bậc nhì là cha mẹ, bậc ba ông Miên và một hàng ảnh những đồng đội cũ. Cái Lộc làm ở phòng văn hoá thông tin, chồng nó làm huyện đội. Hồi sinh cái Son bà suýt mất nó. Lộc bị tim, cái thai lớn, vật vã cả ngày trời đứa trẻ vẫn không ra. Nó mất sức, máu ra nhiều và không đủ hơi rặn tiếp. Nó lả dần trên bàn sinh. Máu vẫn ộc ra từng đợt qua mỗi cơn co thắt. Bác sỹ hỏi bà:
- Chỉ cứu được một, bà quyết định nhanh cho. Nó yếu lắm rồi đấy!
Bà loạng choạng vịn thành lan can, mồ hôi vã ra đẫm trán.
- Trăm lạy bác sỹ, cứu lấy mẹ con nó! Nó có làm sao tôi chết mất.
Bà đứng dán mình vào tường, cố nhìn qua khe hở của ô cửa sổ mốc meo. Tiếng dụng cụ mổ va vào nhau, tiếng thì thầm… Lộc nằm bất động trên chiếc bàn nhôm trắng toát, tóc xổ xoã xượi. Thời gian đặc quánh trong chờ đợi. Bà quỳ phục, gập người khấn thì thầm: ông Miên ơi, Hội ơi, Mỹ ơi, Thùy ơi, Yên ơi… ông và các em sống khôn thác thiêng dìu đỡ cho con chị mẹ tròn con vuông, các em ơi, ông ơi … Bà nhắm nghiền mắt ôm ngực cố nén những cơn đau buốt nối nhau từ bụng cuộn lên. Bà lảo đảo. Mùi hoa sữa nồng gắt. Những bức tường vàng bụi bặm. Loáng thoáng tiếng khóc trẻ sơ sinh. Những cơn đau tắt lịm. Bà bíu tường đứng dậy bò lần về phía cất lên âm thanh của mầm sống, chân đứng dậy nhẹ bay. Bà đi như lướt. Bà đỡ lấy đứa cháu đỏ hỏn ôm ấp vào khung ngực gầy gò miệng ru ầu ầu, lời ru nghe hùn hụt. Bà cúi nhìn con gái chan chứa thương yêu. Lộc giơ bàn tay lạnh ngắt gạt những giọt nóng hổi đang chậm chậm rơi trên khuôn mặt xương xương của mẹ.
6. Chuyến xe chở đầy quần áo, thuốc men và lương khô. Mỗi năm một lần bà tìm đến ngôi làng dưới chân đồi A Gianh. Những đứa trẻ và người già cần bà. Những người phụ nữ ngồi dựa vào nhau lặng lẽ nhìn cảnh vật lướt qua kính xe lem nhem bụi đỏ. Chiều biên giới khô khốc. Những khuôn mặt nhìn nghiêng trầm tư trong suốt. Cao su mùa lá rụng. Hoàng hôn đỏ sậm phủ trên những tầng cành trơ trụi. Những hàng cây mùa tích nhựa khẳng khiu vút lên như những mũi tên phóng vào bầu trời cao nguyên mùa khô xanh lồng lộng.

                                                                                                              

                                                                                                                          28/2/2017

     H.T.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét