4.12.2016






                                                               Những buổi chiều không buồn

                                                                                                   Truyện ngắn Hoàng Thanh Hương

Không phải buổi chiều nào cũng buồn, không phải buổi chiều nào cũng ồn ã với bao hưởng thụ cuộc sống hiện đại. Có những buổi chiều nàng nhận ra mình chẳng buồn, chẳng vui. Tâm trạng không rõ ràng nhưng rất cô đơn. Bây giờ con người cô đơn. Cô đơn ngay giữa đám đông. Cuối tuần, một đám bạn thân rủ nhau cà phê. Ngồi sát bên nhau mỗi đứa một cái điện thoại lướt web, like facebook, xem hình ảnh lạ, xem những video hot... Đôi khi muốn quay sang khều khều, nói một câu giao thoại cho có không khí bên nhau xong lại thôi. Lại là lặng im, lại chúi mặt vào cái màn hình xanh lét, lướt và lướt. Nàng ngắm nhìn những khuôn mặt chăm chú, những nụ cười hờ hững, những đối thoại rời tã như cơm nguội phải nước. Buổi sáng trôi trong nỗi buồn bã mơ hồ.


Ở nhà, một kiến trúc 7 phòng. Phòng khách rộng thênh, bàn ghế bày biện sang trọng, ti vi màn hình phẳng 32 inch nhưng chẳng mấy khi cả gia đình ngồi đủ 4 người. Có ngồi thì chồng xem tivi, vợ cắm mặt vào Ipad, con đọc truyện tranh, xếp hình trên nền gạch. Chẳng ai nói với ai. Mấy chục phút ngồi thế rồi ai tản về phòng người đấy. Những tiếng bấm cửa khô khốc. Lại bật tivi phòng ngủ xem film kênh Movies, xem chán lại chuyển kênh A,B,C... Phim nước ngoài, đủ loại. Xem chán rồi ngủ, ti vi cứ nói oang oang. Ngày trước nàng hay bày các trò để nối kết các thành viên gia đình, bây giờ nàng cũng bận rối. Sáng 6h30 cả nhà lao ra khỏi cổng, chồng hướng chồng, vợ hướng vợ, con cái thả xuống cổng trường với một chuỗi câu dặn dò phải thế này phải thế kia rồi vù xe đến cơ quan. Biết chắc, con chán ngấy với chuỗi dặn dò của mẹ, thậm chí biết chúng sẽ không nghe lời ngay sau khi bước vào cánh cổng trường sơn xanh sơn trắng kia nhưng bà mẹ nào cũng vẫn dặn, như thể không dặn thế thì không phải là một bà mẹ tử tế, không dặn thế thì lũ con không nên người được. Nàng có thằng em rể Mỹ, nó bảo sau này vợ nó đẻ con, nó sẽ tự trông nom không nhờ ông bà ngoại vì nó từng thấy cách chăm chút, o bế, bảo vệ đến mất tự lập của đứa trẻ, nó bảo cách dạy nuôi ấy đứa trẻ lớn lên sẽ không chủ động, thiếu trách nhiệm, lười biếng… nàng từng bĩu môi khi nghe nó nói thế nhưng ngẫm lại thấy chẳng sai. Bà mẹ Nhật chơi đùa với con, con chạy xung quanh nghịch ngợm bẩn nhem quần áo, mặt mũi mặc kệ, nó chạy ngã sấp mặc kệ, nó khóc lu loa mặc kệ. Bà mẹ ấy dạy đứa trẻ tính tự làm tự chịu trách nhiệm trước những việc đã làm. Bà mẹ Việt chơi đùa với con, con chạy xung quanh, luôn miệng nhắc không được chơi bẩn, không được chạy, con ngã khóc lu loa vội vàng chạy đến nâng dỗ, đánh bạch bạch cái nền đất với câu đổ lỗi cửa miệng “cái đất hư làm em ngã này, mẹ đánh nó này…”, dĩ nhiên hai đứa trẻ của hai cách giáo dục ấy sẽ có nhân cách không giống nhau, cách ứng xử và tồn tại giữa cuộc đời hoàn toàn khác nhau. Nàng đọc bao sách về nuôi dạy con mà sao thấy việc dạy một đứa trẻ nên thân quá khó. Nàng lúc nào cũng bận rộn, việc cơ quan, việc buôn bán shop mỹ phẩm hùn vốn chung với bạn thân, việc tập luyện giữ sức khỏe vóc dáng, việc chăm sóc con cái…Nàng mê câu nói của thầy Đ dạy môn khoa học lãnh đạo khi ông ấy bảo cuộc đời là một sân khấu lớn và mỗi chúng ta là một diễn viên thực thụ. Lịch biểu của nàng dày sít trên bảng mêka treo sát gương lớn nơi phòng làm việc – thế giới của riêng nàng. Cả ngày chỉ còn mỗi bữa tối là đủ mặt, giờ lúc thiếu nàng, lúc thiếu anh vì vô số lý do. Lý do nào cũng chính đáng. Bây giờ người ta dành thời gian cho người ngoài nhiều hơn người thân. Đôi khi, nàng nhớ đến số liệu điều tra của mấy nhà xã hội học ở TP. Hồ Chí Minh rằng các ông bố bà mẹ hiện nay không dành quá 35 phút/ngày cho con cái và điều đó làm mái ấm gia đình thành mái lạnh. Dĩ nhiên nàng thấy đúng và giật mình lo ngại. Cơm áo gạo tiền và bao ham hố đời người cuốn cuốn nàng mỗi giây phút, mỗi ngày tháng và nàng nhiu trán tặc lưỡi… mặc kệ. Mẹ nàng bảo cuộc đời dạy con người ta tự khôn ra, tự thích nghi, tự ăn năn. Nàng là giống thích nghi cao với mọi môi trường sống. Nàng giống mẹ.


Hôm nay, nàng đọc một cuốn sách. Đề từ có câu "Chim thú có rừng, cá tôm có biển còn em có anh". Nàng xúc động. Câu nói chạm vào tim nàng, đúng tâm nàng. Chỉ có những xa vắng như bây giờ nàng mới thấm thía nàng yêu và cần anh biết bao...


Xa rồi gần. Gần rồi xa. Cảm giác của những thời điểm đó nàng hiểu rõ nhưng vẫn luôn chới với khi đối diện. Khoảng cách có giá trị đo lòng người. Nàng chưa bao giờ quen được với cảm giác phải xa cách. Khi người ta trẻ người ta dễ quên hơn những nỗi buồn, sự thất vọng, thất bại và khó tha thứ cho những lỗi lầm người khác gây ra cho mình. Ngược lại khi người ta già, người ta luôn gim chặt nỗi buồn vào tim, day dứt về sự thất bại nhưng lại dễ thứ tha hơn trước những điều người khác làm mình thất vọng. Nàng chẳng còn trẻ nhưng cũng chưa đến nỗi già. Nàng hay bị gặp khó khăn trong cuộc sống, từ bé đến giờ chẳng mấy khi sung sướng. Nàng chưa bao giờ trúng số dù vẫn mua vé số cầu may suốt 10 năm qua. Nàng đọc nhiều danh ngôn, kiểu như: “Khó khăn là một phần của cuộc sống và nếu như không chia sẻ khó khăn bạn sẽ không mang lại cho người yêu mến bạn cơ hội để yêu bạn nhiều hơn"... đọc thuộc làu, ngấm vào ruột gan đấy nhưng khi đụng vào khó khăn thì lại tự giải quyết. Nàng thích chia sẻ những niềm vui của mình cho mọi người hơn là những phiền phức. Nàng đang cằn cỗi. Là phụ nữ lười biếng, trông chờ vào chồng nuôi, quanh quẩn nội trợ như T nàng không chịu được, làm quần quật như M, không thời gian giao du bạn bè, không chăm sóc nhan sắc để tiều tụy khô đét khiến chồng chán bỏ theo bồ nhí nàng không chịu được, suốt ngày mơ mộng giàu sang, mai mối đất cát, buôn lậu như K nàng không đủ gan… Nàng đang cằn cỗi. Có những buổi chiều nàng ngồi như cây vông bị mối gốc, mặc tiếng lao xao, ồn ã bên cửa, đầu óc lộn xộn. Những người đàn bà thời hiện đại xinh đẹp hơn, giỏi giang hơn, cô đơn hơn. Mẹ nàng bảo: Đàn bà, được nhất là gia đình yên ổn ấm êm, địa vị danh tiếng, bạc vàng phù du thôi. Nàng muốn được như mẹ. Với bố, mẹ là số 1, mẹ là bà hoàng của bố. Mẹ chỉ là một nhân viên bán hàng quèn cho đến tận lúc 55 tuổi. Mẹ lúc nào cũng hiền hiền, cười cười, nấu ăn ngon như đầu bếp nhà hàng, nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, thơm mát. Nàng muốn được như mẹ.


Chồng nàng bảo anh không về đâu? Em sẽ không bao giờ thay đổi. Nàng phải thay đổi điều gì để anh quay về. Nàng hứa sẽ làm cho mái lạnh trở thành mái ấm. Chồng nàng thở dài, nàng đoán thế, vì tiếng thở mạnh và kéo sườn sượt từ phía anh hắt vào tai nàng, như thấu tới tim óc nàng, làm nàng bủn rủn, sây sẩm muốn khụy xuống. Đêm cứ dài thăm thẳm, cứ như không bao giờ sáng nổi với nàng khi nàng cứ gọi còn anh cứ ngắt máy và tắt luôn máy. Nàng tưởng tượng anh đang bên người đàn bà kia, ả đang quàng ôm cổ anh, kéo mặt anh vào vòm ngực trần ấm mượt thơm mùi sữa tắm Lux, ả đang thủ thỉ và vỗ về. Ti vi không bật kênh nào, không máy Ipad, không điện thoại, không vắt tay lên trán, không quay lưng ôm gối và không... không... Nghĩa là họ ủ ấm nhau bằng thân nhiệt cơ thể và sóng mắt và những thủ thỉ trong căn nhà thuê 1,5tr/tháng. Nàng tức điên lên. Nàng lâu rồi đã quên mất anh từng nói rằng anh rất thích được nàng ôm vào lòng vỗ về, thủ thỉ, rằng anh rất ghét bị nàng quay lưng lại sau mỗi lần vừa cuồng nhiệt yêu đương, rằng rất ghét nàng ăn tối xong là lao vào phòng làm việc ngồi liệt ở đó đến 12h, 2h thậm chí đến 4h, mải mê đến nỗi anh đứng sát bên với cốc sữa nóng cũng không biết, mải đến nỗi biết rồi cũng không thèm nhìn lên, thờ ơ giơ tay nhận, uống ực, đưa ly rồi lại cắm vào màn hình xanh lét, lại lóc cóc gõ và gõ. Nàng đang viết những câu chuyện của đàn bà, những người đàn bà nàng biết, nàng thông cảm và thương xót vì đời như bèo trôi. Đàn bà là đáng thương. Muôn tội đâu phải mình đàn bà gây nên nhưng tiếng độc, tiếng buồn thì đàn bà cứ phải gánh trước. Nàng viết đời người lênh đênh mà quên đời mình cũng như bèo mùa lũ.


Anh từng bảo anh chỉ muốn có em như thằng T có vợ bán rau muống ngoài chợ Hoa Lư, thằng Q có vợ bán siêu thị sách, anh kể lể về những cô vợ nhà người, tụi nó là hàng xóm, khi rảnh anh thường qua nhậu nhẹt, trà thuốc. Vợ tụi nó ăn mặc đồ bộ giản dị, tóc tai giản dị, sáng đi bán tối về lo cơm nước, giặt giũ, hò hét con cái rồi ôm chồng chặt cứng ngủ. Vợ tụi nó biết nấu ăn ngon, thích ngồi nhậu kề cà với chồng và bạn chồng, cười nói rổn rảng, hứng lên còn hát váng, phê phê hát nhầm đoạn này qua đoạn kia, sai tông lạc điệu tùm lum, hát xong úp mặt vào lưng chồng thèn thẹn, thấy chồng uống nhiều lén lén thò tay ngắt đùi, ngắt mông, cái véo làm chồng giật thột, trợn mắt cảnh cáo. Vợ tụi nó vậy thôi mà vui. Anh thèm những buổi tối như nhà tụi nó. Anh từng nói thế nhưng nàng lườm anh, dẩu mỏ bảo anh dở hơi. Đêm về, anh ôm nàng, mắt nàng dán vào trang sách 113, sách mượn phải đọc kịp trả, anh gác đùi nàng chà chà, nàng vỗ đùi anh nhắc ngủ đi mai đi làm sớm, anh rời đùi anh khỏi đùi nàng, với tay lấy ipad, anh tìm phim 18+, dò dò, chọn chọn và xem, tôn trọng nàng anh xem phim câm, đùi anh lại gác lên đùi nàng, anh nói thèm vợ lắm còn nàng đầu óc lộn xộn, gấp cuốn sách lại, vặn nhỏ đèn, nàng làm tình với chồng như trẻ con bị ép ăn hết chén cháo đã vữa. Ánh sáng rất đẹp từ cây đèn ngủ đắt tiền, màu gợi cảm mờ ảo nhưng nàng không thể không nhận thấy nét thoảng buồn nơi khuôn mặt anh và chắc anh cũng thừa thấy nét mặt mỏi nơi khuôn mặt nàng.


Những chuyến công tác của anh dày hơn, những lần về ngắn dần rồi lại đi. Những lần đi ít dần lưu luyến, ít dần dặn dò việc con cái nhà cửa. Những khoảng cách đó, lúc đầu nàng thấy bình thường, thật bình thường, thậm chí nàng thoải mái vì bớt phải lo việc ăn uống sinh hoạt cho anh. Những lần về, sau bữa ăn tối, vẫn phòng khách 4 người 4 chỗ với những thiết bị công nghệ cá nhân đa tính năng, vẫn ấm nước trà ngon, kẹo bánh và hoa quả, vẫn chẳng ai nói quá 4 câu, ngồi một lúc rồi tản hết về phòng, tiếng bấm cửa khô khốc. Thế giới riêng tư bất khả xâm phạm, một lịch sự kiểu Mỹ nàng dạy mọi người trong nhà từ hồi mới cưới, từ hồi các con còn bé teo. Bây giờ muốn vào phòng chúng phải gõ cửa, anh muốn vào phòng làm việc của nàng phải gõ cửa, muốn vào phòng ngủ chung của hai vợ chồng phải gõ cửa. Cửa phòng ngủ chung vẫn đóng chặt mỗi đêm, đó là thói quen. Cửa phòng làm việc vẫn đóng chặt từ chập tối đến 12 giờ, đến 2 giờ và hơn thế, đó là thói quen. Nàng lên giường, giở sách và cắm mắt đọc, đó là thói quen… Nhưng dạo này nàng bỗng thèm nghe tiếng gõ cửa, thèm cốc sữa nóng khuya, thèm ly nước mật ong ấm loãng, thèm đùi anh gác lên đùi nàng đòi hỏi. Dạo này nàng lúc nhớ lúc quên nhưng luôn nghĩ đến anh. Lũ trẻ không dám, vì chúng đã quen với những sinh hoạt và quy định của nàng. Anh thì đang bên người đàn bà anh chọn thay thế nàng. Nàng từng nhìn lại mình và nàng biết mình đã bỏ mất điều đáng quý nhất của cuộc đời đó là gia đình.


Nàng thèm một buổi chiều cả 4 người ngồi bên nồi lẩu cá lóc nóng hổi xì xụp ăn và trò chuyện rôm rả, khoe những chiến công trong ngày, chê bai kẻ nào đó làm mình bực bội, lên kế hoạch cho công việc mai, kia, nọ, hứa hẹn chuyến về quê giữa hè, tết, dịp kỉ niệm nào đó. Giờ đây, nàng tự nhủ phải thay đổi để lôi kéo anh trở về căn nhà vốn từng vui vẻ, ấm áp những ngày khốn khó, căn nhà của anh và nàng trong nhật kí ngày đầu anh làm chồng với bóng dáng nàng tất bật buổi tối, buổi sáng lo chăm xong chồng con để kịp tới trường xa. Nàng hối hận. Mọi hối hận đều muộn màng. Nhưng nàng vẫn hy vọng anh quay về với ngôi nhà anh đã rời chân đi. Mẹ nàng bảo cái cuối cùng được nhất của đàn bà là gia đình. Nàng bấm số anh. Nàng hẹn cuộc gặp riêng tư nơi lần đầu hai người hò hẹn. Nàng viết email cho anh nhắc lại những kỉ niệm từ khi mới quen, đến khi cưới, lúc sinh con trai đầu lòng, lúc nàng có thai con gái thứ hai, lúc nàng sinh non vì làm việc quá sức, lúc anh khóc khi bác sĩ nói có khả năng chỉ cứu được em bé còn nàng sẽ chết, lúc anh đưa nàng về quê xây nhà thờ họ, lúc anh bị tai nạn nàng chăm sóc âu lo, lúc anh giữa đêm xe máy vượt 200 km xuống thăm nàng đang học cao học vì nhớ vợ không chịu nổi…Nàng gửi cho anh những tấm ảnh kỉ niệm từng đoạn thời gian ghi dấu. Nàng chỉ lũ trẻ gọi điện cho anh đòi hỏi đi ăn tối, đi chơi công viên, quảng trường, hồ bơi, nhà sách, đi sinh nhật, đi ăn giỗ họ hàng…Nàng chỉ cho lũ con những khoảng thời gian để chúng vòi vĩnh, làm nũng cha rất hợp lý khiến anh mất hứng thú với người đàn bà đang bên mình. Người đàn ông nào cũng yêu con nhất quả đất. Người phụ nữ của anh hẹn nàng gặp mặt, mẹ nàng bảo lấy ân trị oán được ân, lũ bạn bảo xé xác nó ra thứ cướp chồng đục của, con em tái hôn nói tùy cảnh mà xử lý, nàng đến quán, nàng tròn mắt nhìn người đàn bà của anh. Nàng bị cuốn vào câu chuyện, nàng như bị dán vào ghế, nàng nhìn những nếp nhăn đuôi mắt chị xếp lại khi cười mồm há hốc, cổ họng nghẹn nghẹn. Nàng nhìn chị đưa tay vuốt ngược mớ tóc xòa chờm mắt, chân tóc lộ màu bạc, cái cách vuốt tóc vừa duyên và sang trọng, miệng nàng há hốc, nước mắt nối nhau lăn. Nàng thấy mình là một kẻ ngu ngốc, dở hơi. Mẹ nàng bảo cuộc đời dạy con người ta tự khôn ra, tự thích nghi, tự ăn năn. Bây giờ nàng mới cảm nhận được sự xấu hổ và ăn năn. Sau cuộc nói chuyện, nàng lao như bay đến cơ quan anh, không gõ cửa, nàng chạy xô đến anh ôm choàng và nức nở. Anh bảo khi khóc nàng rất đẹp.


Nàng gọi điện cho đám bạn, mời cà phê sáng, nàng bảo chúng nó để điện thoại chế độ câm, nhét hết vào túi, quy định thế khi gặp nhau để tám, để bàn chuyện làm đẹp, dạy con, giữ chồng, tìm chồng mới cho mấy đứa đã ly hôn... Thói quen thời hiện đại bị nhét vào túi. Thói quen nào cũng có thể bỏ nếu ta chủ động và cố gắng từ bỏ. Không hết ngay thì cũng mờ dần, phai dần và hết hẳn. Bây giờ nàng thấy háo hức những cuộc hẹn cuối tuần với đám bạn. Đám bạn bảo nàng độc đoán, nàng dẩu mỏ bảo chúng mày muốn sống hay muốn tồn tại. Một góc quán xôn xao, sinh động như sắc váy, túi, khăn, dép họ diện trên người. Nàng ngắm họ, lòng dạ như vừa được rót vào một cốc rượu mạnh.


Nàng hít vào thở ra khoan khoái theo âm nhạc. Bài yoga thư giãn kết thúc. Chiều rồi, chiều tháng 10 chưa cười đã tối. Khi một mình, nàng đọc sách thầy Đ tặng, ngẫm nghĩ điều thầy viết về cái được/mất của kiếp người và dần an lòng. Cuộc đời là một sân khấu lớn. Nàng là đàn bà, vai diễn của nàng phức tạp. Thầy bảo đàn bà như hoa đào. Đào thắm rồi đào phai. Một năm có bốn mùa, sớm muộn gì mùa xuân cũng về. Đào phai rồi đào lại thắm.


Nhiều tuần trôi qua, nàng đã quen với những buổi chiều không buồn./.


29/10/2015
    HTH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét