7.01.2013

gioi thieu sach




“Nguyên sơ tình yêu Bazan”*
(Đọc Tập thơ “Mùa gió hát” NXB Văn hóa Dân tộc, 2013
của Hoàng Thanh Hương)
                                                                                                    Hà Công Trường 

                    Thơ là những “tinh hoa phát tiết” từ những xúc cảm, từ những dư ba của cuộc sống vọng lại trong tâm hồn người nghệ sĩ. Nó là sự nguyên mộng không giống ai, không dễ bắt chước với vẻ đẹp dịu dàng, tinh khiết từ những con chữ không tính toan gì ngoài sự cống hiến cái đẹp cho xã hội. Vì vậy, thơ là sự tuôn trào tự do theo cảm xúc, theo nhịp rung cảm thổn thức của người sáng tạo. Và, “Mùa gió hát” là sự rung cảm, sự thăng hoa và cả sự mộng mơ say đắm, sự đau xót cho những điều đã và đang dần mất đi trên mảnh đất ba zan mà nhà thơ Hoàng Thanh Hương gói lại trong hành trình sống và hành trình thơ của mình.
          Thơ của chị không quá đánh đố người đọc mà nó là sự gần gũi, sự hòa nhập giữa con người với thiên nhiên và cuộc sống! Người đọc dễ dàng đi vào thế giới văn hóa của những đêm lễ hội: “trăng ngủ trên tẩu cha đêm pơ thi/ người già kể khan/ lúc bổng như tiếng mùa sinh sôi/ lúc trầm như lòng sông mùa cạn” (Ia Pa mùa gió). Thơ Hoàng Thanh Hương tuôn trào tự do theo dòng cảm xúc không tuân thủ cấu trúc ngữ pháp truyền thống, nó phát ra như từ ý thức mà lại là vô thức vì vậy thơ chị ghi lại được những điểm bất chợt từ cảm hứng và những chắt lọc tinh từ cuộc sống.
          Hoàng Thanh Hương dìu người đọc vào những miền sâu trong tiềm thức tâm hồn, với những rung động nhẹ đến độ “gió lay sẽ đứt” trong một chiều ở khu nhà mồ: “Chiều quạnh quẽ ta ngồi trò chuyện/ Nghe hồn đi và giấc ngủ yên lành/ Đón cho cạn tình ta luyến tiếc/ Rượu ba năm thương đủ ba năm” (Viết ở khu nhà mồ). Nhà thơ trải lòng mình với thiên nhiên với cuộc sống trong ngôi nhà tâm hồn vĩnh cửu của mình. “Đêm với lửa với chiêng ta uống/ Hồn cạn đi rồi vĩnh viễn tạ từ/ Say và hát/ Và say và cạn/ Quanh nhà mồ tro cuốn tả tơi” (Viết ở khu nhà mồ). Đó là cõi vô biên mà gần gũi chan hòa với thiên nhiên nhờ vậy con người kết nối với tâm linh, với nét văn hóa đậm đà bản sắc của người bản địa đang dần mai một bởi cuộc sống hiện đại hóa, công nghiệp hóa.
          “Mùa gió hát” là tiếng nói từ tâm hồn thổn thức của nhà thơ trẻ Hoàng Thanh Hương với vùng đất bazan. Và, “thứ đất dính người phải biết” ấy cứ bết bệt vào chị tạo nên sự bối rối, day dứt và cả sự thôi thúc nhà thơ cống hiến, trải lòng mình với nó. “Bazan/ nơi tôi không sinh ra nhưng lớn lên phổng phao quyến rũ/…./ tôi hi vọng thời gian, lòng người và những trái tim biết hát/ để rừng lại xanh, suối lại trong, sông hồ lại ắp đầy sóng sánh/ em gội tóc chiều sông ngực soi mặt sóng/ Những đường cong mềm làm mát mùa khô” (Bazan). Bazan đã thành một hình tượng lặp đi lặp lại trong “Mùa gió hát” trở thành một hình tượng cho thơ và cho tâm hồn của chị, nó như là sự hóa giải giữa những trạng thái hỗ trợ và đối nghịch nhau tạo nên sự hòa hợp khác lạ của ngôn ngữ cảm xúc tạo nên ám tượng nền nã đó mà cũng xa xót đến thắt lòng. Bazan trong chị đang biến đổi theo sự mất dần của những giá trị tâm hồn, những giá trị văn hóa, tâm linh đẹp đẽ đang dần bị xâm lấn, ngự trị trước cơn lốc xoáy hiện đại của xã hội. “một ngày mưa em về/ giày cao gót lên cầu thang chới với/ tóc thôi thơm mùi trời/ lũ em thập thò ngạch cửa/ lắc đầu nụ cười em vẫy gọi/ mẹ cha trố mắt nhìn… (phố đâu phải chốn dành cho những đứa con của làng một đời chân đất)” (Viết giữa mùa khô).
          Tập thơ là cuộc dấn thân của tác giả và hành trình cuộc sống với những trải nghiệm nơi vùng đất bazan đầy nắng gió với những đêm xoang bất tận, những ché rượu cần say nối cơn say. Với sự đa ngôn của cảm xúc, sự phong phú của tâm hồn và sự đa cảm đến đa mang tác giả Hoàng Thanh Hương đã làm nên một bazan với những chiều sâu rất lạ trong hiện sinh phồn thực. Và cả những ký họa về cuộc sống, về quê hương dấu yêu bằng sự nhẹ nhàng, gợi mở rộng lớn của không – thời gian qua lớp lớp ngôn từ. Đó là sự gần gụi thân thương lại vừa êm đềm, xa vắng trong miền tâm tưởng đến nao lòng về quê hương: “Nằm lặng thinh nghe gió động sau vườn/ Lá lật phật đùa di da tiếng dế/ Mơ hồ bóng ai ngồi hầu lễ/ Tiếng chuông chùa xa xăm bên sông…” (Quê mình).  Hay “Ngoài phố còi xe inh ỏi/ Tiếng mua bán mời chào/ Tiếng bước chân tứ phía/ Qủa lắc đồng hồ binh boong” (Âm thanh). Mảng màu cuộc sống, tình yêu được đan xen trong tập thơ một cách khéo léo tạo nên bức tranh đẹp với nhiều mảng màu đan xen như những họa tiết quyến rũ trên tấm thổ cẩm bazan cuốn hút người đọc và người thưởng lãm.
          “Mùa gió hát” như một cuốn nhật ký của một tâm hồn đa cảm, là sự tao ngộ của ngôn từ, là biên độ của những cung đường đã qua, đã đến và cả sắp đi tiếp. Là sự gặp gỡ giữa những hoan ca, những thất vọng và hy vọng và cả sự đau đáu nao lòng đẫm ý thức tính nữ... Tất cả tạo nên một nốt ngân thương như hồn đang vơi… như câu hỏi tự vấn lòng của tác giả: “Em – Pleiku duyên định tự bao giờ?”.
                                                                                                  H.C.T


2 nhận xét:

  1. Chúc mừng Mùa gió hát. Thảo nào mấy hôm nay gió ngoài này đi đâu hết. Thì ra nó vô trong đó cả. Nhớ gửi cho một cuốn nha. Để gió ngoài này cũng hát cùng.

    Trả lờiXóa
  2. ha ha. Tập thơ này còn đang trong quá trình in ấn mà cô em đã được lên blog trình làng trước rồi. Công tác quảng cáo nhanh thật

    Trả lờiXóa