Hát Ghẹo - nét đẹp văn hóa hai dân tộc Việt - Mường
Hát Ghẹo là kiểu hát giao duyên nam nữ, nhưng là kiểu
hát giao duyên theo phong tục kết nghĩa của các thôn làng với nhau giữa trai
gái Việt – Mường. Sinh hoạt văn hóa hát Ghẹo là một bộ phận của hội làng, cuộc
hát được tiến hành sau các lễ nghi cầu cúng, tế lễ, nội dung lời ca hát Ghẹo
phản ánh đời sống xã hội, nhưng chủ yếu xoay quanh chủ đề tình yêu và chỉ mượn
những vấn đề xã hội để mà bộc lộ tình cảm đôi lứa. Hầu hết các bài bản, làn
điệu trong hát Ghẹo có lời ca bày tỏ các trạng thái tình cảm rất đa dạng vui,
buồn, hờn giận, đó vừa là nỗi nhớ da diết mà đằm thắm, vừa là tình cảm giận hờn
chân thành giản dị. Trai gái tham gia vào cuộc hát Ghẹo xưng hô với nhau rất
trang trọng. Các anh, các chị được gọi là “quan anh”, “quan chị”, các “quan anh”
mặc những bộ áo the quần trắng, khăn xếp đội đầu rất đẹp, còn các “quan chị”
diện áo năm thân, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao đủ màu, xà tích đeo,
quần lụa xồi, khăn mỏ quạ chít đầu. Ở các thôn làng hát Ghẹo vừa để giao lưu
tình cảm vừa để giao lưu nghệ thuật và còn
ý nghĩa thiêng liêng là tế thần chứ không để mong cầu về vật chất của nhau. Trai
gái của những làng kết nghĩa thì không được lấy nhau. Hát Ghẹo thường chỉ có ở
các huyện Tam Thanh và Thanh Sơn của tỉnh Phú Thọ. Đây là sản phẩm văn hóa và
giá trị tinh thần của chung hai dân tộc việt – Mường chỉ có ở Phú Thọ. Các xã
như Nam Cường, Thục Luyện, Hùng Nhĩ của hai huyện này thường tổ chức hát vào
các ngày khánh thành đình làng, ngày 9,10,11 âm lịch. Năm nay thôn này làm chủ
thì sang năm thôn khác lại làm chủ, chỗ hát thường bắt đầu từ nhà của người trong
làng, nhà được chọn hát thường phải rộng rãi, thoáng mát và đặc biệt không có
chuyện buồn trong năm. Các “quan anh” thường ngồi trên sập ở giữa nhà còn các “quan
chị” thì trải chiếu ngồi bên dãy giường của gian bên. Hai bên nam – nữ hát đối
đáp, mỗi lần hát thường hai người, khi hát họ nhìn thẳng vào nhau để biểu lộ
tình cảm và để hát cho khớp điệu nhịp với nhau. Thường một lượt hát Ghẹo được quy
định 4 loại giọng gắn liền với từng giai đoạn của hội. Mở đầu là giọng ví đãi
trầu cùng lúc với việc các quan chị bưng trầu đi mời khắp lượt quan khách dùng
trầu, lời hát lúc này rất ngọt ngào duyên dáng và lễ phép. Ví dụ: Miếng trầu để đĩa bưng ra /xin anhh nhận lấy
để mà thở than. Sau ví đãi trầu là chuyển sang “giọng sổng” rồi tới “sang
giọng” cuối cùng là “ví tiễn chân”. Hấp dẫn nhất là ở phần “ giọng sổng” và “
sang giọng” vì lúc này câu chuyện đã vào đề, hai bên tha hồ trò chuyện thân mật,
thể hiện tài năng ứng đối của mình. Các quan anh, quan chị say sưa hát trọn 36
giọng thâu canh đến sáng đủ mọi cung bậc cảm xúc sơ thân, mến thương, say đắm như:
Anh về tự bóng sao mai/đêm khuya em biết
lấy ai bạn cùng… rồi trời chạm sáng là chuyển sang bài ví tiễn chân đầy lưu
luyến. Một cuộc chuyện trò chứa chan tình cảm, đẫm đầy chất sáng tạo của người
nghệ sĩ dân gian làm cuộc sống người dân miền trung du thêm tươi mới và thắm
tình người.
Cùng với hát
Xoan, hát Ghẹo là sản phẩm văn hóa có giá trị tinh thần rất đáng trân trọng,
gìn giữ và phát huy của chung hai dân tộc Việt – Mường trên vùng đất tổ Vua
Hùng.
Hoàng Thanh Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét