3.20.2013

phỏng vấn nhà văn


Trò chuyện với nhà thơ “kê cao” nền thơ Tày hiện đại


Nhà thơ Y Phương sinh năm 1948, người dân tộc Tày, ông có tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, quê quán ở làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ông đã rất may mắn khi được chào đời ở đúng cái nôi của xứ Tày. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Y Phương nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981 chuyển về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Cao Bằng. Từ năm 1993, ông là chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI. Các tác phẩm chính: Người núi Hoa (1982), Tiếng hát tháng giêng (1986), Lửa hồng một góc (1987), Lời chúc (1991), Đàn then (1996), Thơ Y Phương (2002)... Năm 2007, Y Phương được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi. Báo Gia Lai có cuộc trao đổi ngắn với ông về: Thơ và Nhà thơ Dân tộc thiểu số hôm nay.
PV: Thưa nhà thơ Y Phương, cảm xúc của ông mỗi lần đến với Gia Lai? Liệu người Gia Lai có được “mời rượu cả chum, mời quả cả cây” không ạ?
Y Phương: Gia Lai là một tỉnh từng gắn bó với Cao Bằng quê tôi trong suốt thời kỳ kháng chiễn chống Mỹ cứu nước. Tôi có may mắn được đến Gai Lai duy nhất có một lần. Nhưng chỉ là người đi qua đường thôi. Mặc dù vậy, vùng đất này đã để lại trong mình biết bao xúc cảm tươi mới, trước thiên nhiên hùng vĩ và những con người hiền lương như nắng gió, như hoa trái của mảnh đất bazan phồn sinh này.
Tôi trộm nghĩ, ta sinh ra ở đâu không quan trọng. Nhưng khi đến vùng đất mới, hợp với sở nguyện để lập nghiệp, những con người lòng đầy hăm hở nhiệt tình, tài năng văn chương nghệ thuật bỗng nhiên được phát lộ. Chả biết tôi nói thế có đúng không?
Người dân Gia Lai có lẽ không khác tâm tính đồng bào Cao Bằng là mấy. Nên tôi nghĩ, câu thơ trên, chắc cũng phù hợp với hoàn cảnh ở đây.
PV: Ông là người khá quan tâm đến thế hệ thơ trẻ là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ông có nghĩ họ đang “mất dần bản sắc” như một số nhà chuyên môn đánh giá?
Y Phương: Tôi vinh dự được phân công theo dõi các tỉnh có các cây bút trẻ là người dân tộc thiểu số và miền núi, khi đang còn ở trong BCH Hội Nhà văn VN khóa VI. Hiện thực đời sống tinh thần văn hóa các dân tộc thiểu số ngày nay, đang đứng trước một thử thách vô cùng nghiệt ngã: Hòa nhập hay hòa tan? Nếu chúng ta tự nguyện hay vô tình làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc của mình, đó là một điều tự sát. Dù muốn hay không, điều đó đang diễn ra ở nơi này nơi kia một cách ngọt ngào và từ từ. Nhưng tôi vẫn hy vọng, các trí thức văn nghệ trẻ sẽ lên tiếng và hành động để bảo vệ văn hóa truyền thống quý báu ấy. Một khi họ tự ý thức được vấn đề quan yếu này. Đấy là sức mạnh đề kháng của toàn dân tộc Việt Nam chúng ta lâu nay, từ trong sâu thẳm.
PV : Ông từng nói tuyệt đối không nên có khái niệm: Nhà văn & Nhà văn dân tộc thiểu số?
Y Phương: Đúng. Chúng ta chỉ có một danh xưng: Nhà văn Việt Nam.
PV: Và ông cũng từng cho rằng giữa nhà văn, nhà thơ với độc giả chỉ là những người bạn?
Y Phương: Đúng vậy, để có tác phẩm hay, đòi hỏi nhiều yếu tố. Nhưng trước hết, nhà văn phải nói thật, viết thật lòng với những gì mà mình trông thấy, cảm nhận được. Viết mà như đang tâm sự với bạn đọc. Nhà văn với độc giả chỉ như những người bạn, thông tin với nhau về những bức xúc trong tâm hồn, thông qua hình tượng nghệ thuật. Nhà văn và bạn đọc không hề có khoảng cách. Dù là bạn đọc thuộc nhiều thế hệ đi chăng nữa, hãy xem nhau như bè bạn. Khi coi họ là những người bạn, mới có thể bộc bạch hết nỗi lòng của mình. Ngày nay, trình độ độc giả ngày càng phát triển cao, rất cao. Nếu nhà văn, nhà thơ không chịu trau dồi kiến thức thường xuyên, làm mới mình thường xuyên, sao có thể theo kịp được độc giả. Nhà văn nào có ý định răn dạy người đời là một sai lầm cực lớn.
PV: Là một nhà văn “cây đa” trong làng văn học Việt Nam, từng là UV BCH Hội Nhà văn Việt Nam, và giờ là thành viên Hội đồng nghệ thuật Thơ của Hội VHNT các DTTS Việt Nam, cá nhân ông có phương cách nào để thu hút người trẻ bây giờ theo nghề viết văn?

Y Phương: Cá nhân tôi, tuyệt đối không dám nhận mình là “cây đa cây đề”. Tôi viết văn như một sự ngẫu nhiên của số phận. Tôi chưa đóng góp được gì đáng kể so với các bậc nhà văn tiền bối và cùng trang lứa. Tôi chỉ là một nhà văn rất bình thường và nhỏ bé. Nói tóm lại, tôi chỉ là một nhà văn làng nhàng hạng trung bình yếu.
Với văn chương, ở ta, lúc này, có lẽ chưa nên coi đó là một nghề. Văn chương là một thứ thăng hoa của tâm hồn và tình cảm. Nếu coi viết văn là một nghề thì nhà văn phải sống được bằng nghề. Cái đó, ở Việt Nam ta, còn hiếm lắm. Nếu có, chỉ là những trường hợp hết sức cá biệt.
Như người ta nói: “Mọi con đường đều đến thành Roma” nếu anh (chị) nào là người yêu văn chương thực sự, có tâm hồn nhạy cảm nghệ thuật, họ sẽ tới ngôi nhà lung linh sắc màu này thôi. Và ngược lại…
PV : Cám ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện thú vị này, kính chúc ông luôn khỏe và tiếp tục sáng tạo thành công.

                                                                                                              Hoàng Thanh Hương ( thực hiện)




Từ trái qua: Nhà thơ Y Phương, HTH, Hoàng Quý

tại Vũng Tàu 3-2013.





Từ phải qua: Các nhà thơ: Lê Huy Mậu, Vũ Thanh Hoa, Hoàng Quý, HTH, Y Phương... tại Vũng Tàu 3-2013.



















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét