11.07.2012


Thành phố một sớm sương mù
                 (Bài đã đăng trên Báo Gia lai số thứ 4, ngày 7-11-2012)
                                                                    Tản bút Hoàng Thanh Hương

          Buổi sáng cuối tuần, bất chợt thành phố sương mù, quán cà phê cóc góc đường Nguyễn Du sát sát bàn ghế, những áo khoác mỏng - dày, những khăn vớ yểu điệu, cà phê thật ngon và những mắt nhìn lơ đãng. Thành phố như khoác tấm khăn voan mỏng, mơ màng đợi nắng sớm. Nghe kể phố xưa nhiều sương mù lắm, sáng và chiều chập choạng sương dày đặc, xe máy, ô tô đi cữ ấy phải bật đèn, bóng người chợ búa, công việc sớm, mờ mờ trong sương, chập chờn trong sương. Ngày ấy, cây cối của phố cũng nhiều, thâm u cổ kính và râm ran giọng ve, ríu rít lời chim. NSNA Huy Tịnh đã chụp được rất nhiều những dáng nữ sinh thướt tha như tiên nương trong sương sớm Pleiku, những bức ảnh đen trắng giờ được coi như kỉ vật. Xa rồi phố một thời. Tôi có anh bạn đến và ở với Pleiku hơn 30 năm, anh làm ngành tài chính nhưng rất yêu văn nghệ và khá am hiểu về âm nhạc. Trong những cuộc trà rượu anh hay bảo: Theo tớ, Pleiku mình có ba bài hát viết về phố nghe “ấm cái bụng” đó là “Còn chút gì để nhớ” thơ Vũ Hữu Định nhạc Phạm Duy, rồi tới “Đôi mắt Pleiku” của Nguyễn Cường và một của Ngọc Tượng – “Pleiku chưa xa đã nhớ”. Ba bài hát ấy như là “đặc sản” mà khách ở xa về Pleiku sẽ được “chiêu đãi” nồng hậu. Những bài này, các ca sĩ hát hay thì khỏi bàn rồi nhưng hầu như dân phố núi, ai cũng thuộc lai rai, không hết cả bản thì cũng ngân nga được đôi đoạn, đôi câu kiểu như: Phố núi cao phố núi đầy sương/ phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/Anh khách lạ đi lên đi xuống/May mà có em đời còn dễ thương... hay rộn rập vỗ tay hòa giọng: Em đẹp thế Pleiku ơi/trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/ không dám nhìn vào đôi mắt ấy/đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy... Còn sáng nay, trời heo heo như thu xứ Bắc, sương bảng lảng và ngày của riêng mình. Cà phê cóc không ghế nệm, không nhạc, không đèn màu ấm áp nên cứ ngồi lặng lẽ mà thưởng thức khí trời sương mù, giai điệu cuộc sống truyền đi từng sát na được lắng nghe bằng tất cả mọi giác quan, mùi của phố sớm mai, mùi của thức uống đậm đà được uống theo cách của người phố núi: chậm rãi và ưu tư. Tôi ngồi yên nghe những câu chuyện nho nhỏ đời thường kiểu như: lương thưởng cái kiểu này ba đám cưới một đám ma là nheo nhóc lắm, viettel khuyến mãi 50% card trả sau, chiến lược kinh doanh gớm ghê, tặng chút vầy mà thu lợi khổng lồ, gạo ta thơm ngon hơn gạo Thái Lan mắc mớ gì mà ăn gạo Thái, Trường Sa bữa nay là tâm điểm, mấy thằng tội phạm trẻ con bây giờ dã thú, giáo dục từ gia đình là hàng đầu, các ông các bà cứ mải lo làm giàu bỏ bê con cái rồi thì hối không kịp... Ngoài kia, phố vẫn bảng lảng sương, cà phê thì ngon, những câu chuyện ngày nghỉ còn dài, những mắt nhìn lơ đãng, có lẽ mỗi người sẽ mỗi cảm nhận về thành phố sớm mai nhưng dù đậm hay nhạt, dù có ý thức hay vô thức thì cũng là những yêu mến nồng nàn kiểu như: có một Pleiku chưa xa đã nhớ/ bàn chân chỉ muốn quay về...
          Thành phố đã từng níu chân du khách, khi có người đến duy nhất một lần, chỉ để ngắm sương mù và hoa quỳ cuối mùa dưới chân Hàm Rồng, chỉ để ngắm hoa xuyến chi bát ngát dọc những con đường ngoại ô rồi lưu luyến mãi, rồi quyết định “bỏ biển, lên rừng", làm kinh doanh, làm thơ, viết nhạc, vẽ những bức tranh tĩnh vật hoa, trái thông khô, bầu khô, gùi, yêng, những tranh phong cảnh thành phố lúc chiều tà, lúc sớm mai, lúc mưa rơi rơi... thật đẹp. Tôi cũng như người ấy, có một tình yêu đặc biệt với phố dầu chẳng phải sinh ra ở đây, chỉ từng đến một lần, ở lại và lớn lên, bắt đầu cuộc sống mới ở nơi này khi còn tóc chỏm. Nhiều người cũng như tôi từ khắp mọi miền Bắc, Trung, Nam chọn Pleiku làm quê hương hai, lập nghiệp, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái, thế hệ con chúng tôi sinh ra ở đất này, lớn lên từ những đủ đầy của tiện nghi thành phố, nói tiếng pha trộn đặc trưng Pleiku, nguyên quán là những Quảng Bình, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Bình, Thanh Hóa... đó là quê hương dòng họ ông bà, cha mẹ, lịch sử bản thân, một năm đôi lần theo cha mẹ về giỗ chạp tổ tiên hay thăm tết. Còn Pleiku -  nơi trú quán, nơi chúng cất tiếng khóc chào đời, nơi chúng sống và cảm nhận bằng hơi thở mỗi ngày khi đón ban mai. Nơi - dù nhỏ xíu chúng cũng biết mùa mưa, mùa khô, sương mù, đường dốc, cà phê ngày cuối tuần, phở khô, cơm nướng lồ ô chấm muối đậu phụng, gà nướng chấm muối é... Và chúng lớn lên mang theo vẻ đẹp phố, tình yêu phố, nỗi nhớ phố, niềm tự hào “phố núi cao phố núi đầy sương” đi khắp bốn phương để khi thấy mệt mỏi, buồn bã, tuyệt vọng là lại tìm về, như tìm về lòng mẹ cầu sự vỗ về che chở.
          Lan man như thế, để tìm sự đồng cảm của ai đó trong một sớm mai thành phố sương mù.
                                                                                                           H.T.H
ảnh nguồn internet       

3 nhận xét:

  1. Đọc tản văn này nhớ quá Pleiku
    Ơi thành phố sương mù
    Thành phố của chim đi bộ
    Của rượu hoẵng đêm nào chợt nhớ
    Nửa ly mà đã say
    Ốc xào, me, cóc cay cay
    Pleiku - phố núi
    Em tản văn lên giời cho tôi bối rối
    Làm sao về được cao nguyên?
    Làm sao gặp được bạn hiền
    Một thoáng xưa thôi để bây giờ nhớ mãi
    Pleiku ơi! Người ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhom ban be minh dem pleiku mua roi roi do bao gio moi gap nhau day du nhu the nhi? HTH, NMT,DAD,HCT,TNM,HS... va anh. Chuyen Pleiku noi hoai khong chan, nguoi Pleiku thuong men vo cung phai khong anh. Lan sau anh lai ve ma. Rat mog duoc don anh.

      Xóa
  2. em HTH oi, nho Pleiku qua va suong mu.

    Trả lờiXóa