Bài PV đã đăng trên Báo Gia Lai số thứ 4 ngày 4-7-2012
Lễ hội truyền thống luôn có chỗ đứng vững vàng trong đời sống
xã hội hiện nay
Hoàng Thanh Hương (thực hiện)
Đầu tháng 7, PGS.TS Lê Hồng Lý, Trưởng ban kiểm tra Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa đã vào Gia Lai tham gia giảng dạy tại lớp “Bồi dưỡng nghiệp vụ về sưu tâm văn hóa –văn nghệ dân gian” do Hội Văn nghệ dân gian và Sở VH,TT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức 7 ngày tại thành phố Pleiku. Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS về một số vấn đề có liên quan đến: Lễ hội và tính thời sự của lễ hội.
PV: Thưa PGS. TS Lê Hồng Lý, trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay các lễ hội truyền thống có vai trò như thế nào ạ?
PGS.TS LHL: Trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay các lễ hội truyền thống đóng vai trò rất quan trọng, một mặt nó giải quyết vấn đề tự do tín ngưỡng của nhân dân, mặt khác nó góp phần làm giảm bớt những căng thẳng trong cuộc sống hiện đại khi mà áp lực cuộc sống luôn đè nặng lên vai mỗi người, khi mà xã hội tiêu thụ đang đẩy con người vào vòng xoáy của cuộc mưu sinh. Hơn thế nữa, lễ hội truyền thống còn góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của người dân, tạo sự gắn kết cộng đồng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
PV: Thưa ông, là một nhà nghiên cứu văn hóa, theo ông các lễ hội truyền thống đang có chỗ đứng ở đâu trong đời sống hôm nay?
PGS.TS LHL: Các lễ hội truyền thống đang có chỗ đứng vững vàng trong đời sống xã hội hiện nay vì nó đáp ứng được những nhu cầu của con người trong xã hội hiện đại, bởi càng đi sâu vào nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa con người bắt đầu nhìn thấy sự đơn giản, đơn điệu, cô đơn của cuộc sống hiện đại. Lễ hội được tổ chức sẽ là nơi tập trung được nhiều giá trị văn hóa truyền thống như tín ngưỡng dân gian, các nghi lễ truyền thống, trò chơi, các sinh hoạt nghệ thuật dân gian, các món ăn truyền thống... và đi hội còn là một chuyến du lịch cho bất kỳ ai muốn tham gia để thỏa mãn đời sống tinh thần và vật chất của bản thân. Các lễ hội nó luôn có chỗ đứng vững vàng trong sống xã hội vì bản thân nó dù ở thời nào thì cũng được khai thác triệt để để phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, cân bằng cuộc sống, kích thích tiêu thụ để phát triển kinh tế.
PV: Ông có cho rằng các lễ hội của các dân tộc khu vực Tây Nguyên nói riêng, nước ta nói chung là một tiềm năng du lịch văn hóa, thu hút du khách quốc tế?
PGS.TS LHL: Đây đang là một tiềm năng lớn nhưng chúng ta phải nghiên cứu để biết cách khai thác các giá trị đó, thông qua các lễ hội để phát triển du lịch bằng cách làm cho nó thực sự nổi bật. Để làm được điều này thì phải bằng các phương tiện thông tin đại chúng, bằng các tour, các chính sách du lịch của địa phương, bằng việc hợp tác liên kết giữa các các công ty lữ hành trong khu vực, trên toàn quốc. Các lễ hội của địa phương cần phải khai thác được bản sắc riêng của mình về nhiều phương diện từ nội dung lễ hội, cảnh quan môi trường, thắng cảnh, các đặc sản địa phương, các dịch vụ... để tạo cảm xúc lôi cuốn du khách đến tham dự một lần và lần sau lại muốn trở lại.
PV: Xin phép được hỏi PGS, trong một số lễ hội như: chém lợn ở Bắc Ninh hay chọi trâu Đồ Sơn, đâm trâu của bà con Tây Nguyên, các hành vi “đâm, chém, chọi” tạo nên nhiều phản ứng không tán thành trong dư luận. Với cái nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa ông có lý giải gì về những “hành động dã man đối với vật nuôi” trong các lễ hội hiến sinh này ạ.
PGS.TS LHL: Trước hết cần phải lưu ý về cội nguồn của các tục lệ này để hiểu nó một cách cặn kẽ. Có nhiều phong tục tập quán của dân tộc này là thiêng liêng, song đối với truyền thống văn hóa của dân tộc khác lại là phản cảm. Bởi vậy, không thể lấy những quan niệm chủ quan của mình áp đặt lên người khác, bắt người khác phải tuân theo. Cá nhân tôi không phản đối các lễ hội này, tuy nhiên theo tôi để tránh cái gọi là “hành động dã man đối với vật nuôi” trong các lễ hội hiến sinh mà cô vừa kể trên, thì con người đừng quá lạm dụng khi thực hiện nghi lễ và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Những nghi lễ này có từ xưa, chúng ta cần tôn trọng nó, song để phù hợp với tình hình hiện tại, cũng nên tránh quảng bá rộng rãi và quá đi sâu vào chi tiết “giật gân” thì sẽ thấy đó đơn thuần chỉ là các lễ hội hiến sinh của một số cộng đồng từ xưa đến nay với những khát vọng chân chính.
HTH
Mạng blogspot.com dạo này tắc tị mãi hôm nay mới vào nhà mình được, liền sang thăm em luôn đây. Chúc em luôn khoẻ và sáng tạo nhé. Nhớ đọc Bờ tre cuốc gọi và cho đôi lời góp ý nha.
Trả lờiXóaEm dang doc day, dau tien thi cu chuc mung dua con xinh dep nay da. Tho tinh DXT doc rat cam. Cuc anh luon doi dao suc sang tao a.
Trả lờiXóa