Phở khô Gia Lai vừa được tổ chức kỷ lục Việt Nam chính thức đề cử đợt I vào kỷ lục Châu Á vì nó là 1 trong 15 món ăn nổi tiếng chỉ duy nhất ở Việt Nam mới có và độc đáo so với 57 quốc gia trong khu vực Châu Á. Từ lúc đọc được tin này lòng vui lâng lâng. Bây giờ phở khô Gia Lai đâu còn chỉ là của riêng dân Gia Lai nữa mà còn đại diện cho món ăn đặc sản của Việt Nam thu hút sự yêu mến của bạn bè quốc tế mỗi lần đến và thưởng thức ẩm thực Việt Nam. Bài này đã đăng trên số cuối tuần Báo Gia Lai ngày 29-6/2012.
Hình internet (mang tính minh họa).
Phở của người phố núi
Hoàng Thanh Hương
Pleiku có nhiều đặc sản. Thiên nhiên có hai mùa khô – mưa, mưa thì dầm dề lê thê, buồn nhão nhượt, còn khô thì rông rốc, nắng, gió và bụi đỏ, rồi thì sương mù, thông, dốc, đèo, thác, hoa dã quỳ, xuyến chi... thức uống có cà phê Pleiku đậm sánh, thơm ngào ngạt một lần nếm là nhớ mãi.
Còn em Pleiku thì “má đỏ môi hồng và mắt em ướt, tóc em mướt” rồi thì “đôi mắt Pleiku, Biển Hồ đầy”. Đồ ăn thì phong phú vô cùng nhưng có một món điểm tâm đặc biệt đến độ dân Pleiku đi đâu cũng tự hào khoe ran: Phở khô Pleiku tớ tuyệt hảo nghen. Có người từng tìm hiểu cặn kẽ về món ăn này đã cho rằng phở khô Pleiku có lịch sử hơn nửa thế kỉ và theo thời gian nó cũng có nhiều biến tấu khi mỗi chủ hàng mở quán là một bí quyết chế biến. Nhưng những phở Hồng - Nguyễn Văn Trỗi, Tàu Lí - Trần Phú, Ngọc Linh – Sư Vạn Hạnh, Ngọc Sơn - Hùng Vương, Ngọc Sơn - Phạm Văn Đồng khu vực Ngã tư Biển Hồ, Nữ - Nguyễn Du... thì lúc nào cũng được nhắc tới như những địa chỉ thân thuộc của dân phố núi và du khách khi về Pleiku thăm thú và “nghiện” phở khô.
Còn em Pleiku thì “má đỏ môi hồng và mắt em ướt, tóc em mướt” rồi thì “đôi mắt Pleiku, Biển Hồ đầy”. Đồ ăn thì phong phú vô cùng nhưng có một món điểm tâm đặc biệt đến độ dân Pleiku đi đâu cũng tự hào khoe ran: Phở khô Pleiku tớ tuyệt hảo nghen. Có người từng tìm hiểu cặn kẽ về món ăn này đã cho rằng phở khô Pleiku có lịch sử hơn nửa thế kỉ và theo thời gian nó cũng có nhiều biến tấu khi mỗi chủ hàng mở quán là một bí quyết chế biến. Nhưng những phở Hồng - Nguyễn Văn Trỗi, Tàu Lí - Trần Phú, Ngọc Linh – Sư Vạn Hạnh, Ngọc Sơn - Hùng Vương, Ngọc Sơn - Phạm Văn Đồng khu vực Ngã tư Biển Hồ, Nữ - Nguyễn Du... thì lúc nào cũng được nhắc tới như những địa chỉ thân thuộc của dân phố núi và du khách khi về Pleiku thăm thú và “nghiện” phở khô.
hình internet (chỉ có tính chất minh họa).
Các bạn tôi ở đâu đâu về, cứ lấy chỗ ở xong xuôi là thế nào cũng có câu: Sáng mai ta đi ăn phở khô nhé. Cái chuyện ăn phở khô cũng lắm nhiêu khê. Có anh bạn chủ tịch một Hội VHNT, họa sĩ nổi tiếng, lần đầu vào Pleiku, khách sạn Tre Xanh có buffet sáng cho khách lưu trú nhưng anh này mới 6h đã gọi rối rít đề nghị tôi đưa đi ăn phở khô vì nghe bạn bè đã từng đi Pleiku nhiều lần về lần nào cũng khoe, cũng dặn: Đi vào ấy thì nhớ ăn phở hai tô nhé. Thế là tò mò, anh ta Âu, Á đi nhiều, nước Việt chả còn chỗ nào chưa đến, sơn hào hải vị nếm đủ cả, thế nhưng cái món phở nghe tả chỉ ở Pleiku mới có, ăn mới “nhức răng” thì chưa được thưởng thức thật. Ngộ nhất là sau khi nghiêm cẩn ngồi vào bàn chờ phở ra như chờ một lễ vật anh ta tự nhiên bảo: Ăn là một văn hóa, món ăn ngon càng là một văn hóa cao hơn. Tôi cười tủm tỉm và bày cách ăn cho anh ta, tỉ mỉ và khéo léo với từng đũa mì trụng trộn đều với thịt nạc bằm nhỏ, hành khô, tương đen, tương ớt, xì dầu, rau húng ngắt từng lá và giá đỗ trụng tái. Tôi kịp liếc bạn tôi cuống họng chạy lên chạy xuống liên hồi, mắt nhìn như gim vào tô phở tôi đang trộn, đầu gật gật. Anh nếm thử, nhai dừng lại và nhai, nuốt nhẹ, thở ra gật gù: Tuyệt! Tôi lại tủm tỉm đẩy tô nước thịt bò tái rắc hành ngò xắt nhỏ, bỏ thêm hai lát ớt tươi, ngắt chút lá húng nõn nà thả vô cùng vài giọt chanh bảo anh húp một thìa thử xem. Lại gật gù: Tuyệt. Tôi đẩy tiếp chén tương đen trộn xì dầu và ớt bảo anh chấm với thịt bò. Lần này thì chặc lưỡi: A, ngon! Ngạc nhiên hơn khi ăn hết tô phở quán Nữ xong anh bảo cô chủ làm thêm cho tô nhỏ nhỏ nữa. Và cũng hết bay. Câu cuối cùng trước khi tạm biệt lên phòng chờ ra máy bay về lại Phú Thọ anh dặn: Lần sau anh vào, lại dắt anh đi ăn phở hai tô nữa nhé. Hấp dẫn đấy, rất Gia Lai. Câu này tôi nghe hoài vì phở khô Gia Lai nổi tiếng tự hồi nào, từ cái hồi tôi còn bé xíu xiu phải học giỏi mới được mẹ thưởng món này ở cái quán bằng ván ngay trạm điện lối đi vào xã Binh đoàn 15 bây giờ. Còn nay thì hầu như các tỉnh khu vực miền Trung, miền Đông Nam Bộ đều có người mở quán phở khô để phục vụ dân Gia Lai học tập, làm ăn sinh sống ở những nơi đó, nhưng để tận hưởng hết hương vị đậm đà bản sắc của nó thì chỉ về Pleiku là trọn vẹn đủ đầy. Dù quán chẳng tên tuổi đầy khắp các đường trong phố hay vùng ven đô hoặc rải rác quán to, quán nhỏ dưới các thị trấn, xã, huyện thì phở khô Gia Lai vẫn là đệ nhất phở đối với người dân miền cao nguyên đất đỏ. Đi đâu xa Pleiku dăm bữa nửa tháng về là xông đi ăn phở khô cái đã, cái vị dai dẻo thơm ngọt của phở cùng các loại gia vị trộn kèm, cùng tô nước dùng dù nguyên bò hay gà, hay xương, gân, hay thêm bò viên xắt cục thì đều ngọt lừ, thơm nhức mũi, nuốt từng muỗng nóng hổi xuống đến đâu thấm thía đến đấy thì cái mệt, cái buồn, cái lo toan triền miên đời người tạm bị cuốn trôi. Cũng lại có chuyện khách xa đến Pleiku lần đầu, tối được đãi gà nướng chấm muối é, cơm lam chấm muối vừng, cá thác lác nhúng lá ổ qua... mà cứ tìm chủ quán hỏi rối rít: Quán anh có món phở hai tô không? Chủ quán lắc đầu bảo mai ra phố đầy. Sáng mai đi ăn quán Ngọc Linh, tầng hai nắng rọi chói chang, khách đông như nêm, đứng loay hoay chờ 4 phút mới có chỗ ngồi. Cô sốt ruột gọi phở bò tái viên ( ở nhà bạn dặn kêu thế ăn rất chuẩn). Phục vụ bưng ra tô bánh phở, tô nước dùng bò tái + viên. Nàng chẳng chờ tôi bày cách ăn, ngó hai tô cùng các thứ chai lọ lỉnh kỉnh trên bàn nửa phút, một gắp giá đỗ bỏ nhanh vào tô bánh, không rau cỏ gì, tôi quay ra quay vô đợi mấy người bạn đang lên sau. Nàng đổ ụp tô nước vào tô bánh trộn đều và điệu đàng vừa gắp phở nhai ngon lành vừa húp nước xoàn xoạt. Tôi chỉ còn biết ngồi nhìn hỏi nàng ngon không và câu trả lời dĩ nhiên là: Được được. Nàng là một nhà thơ nổi tiếng tài năng và xinh đẹp, thơ nóng bỏng khát vọng yêu đương và bình đẳng giới, đến Pleiku lần đầu. Phải đến tối nàng mới biết ăn phở khô Pleku đúng điệu và không ngớt tấm tắc: Chao là ngon! Ăn như tớ hồi sáng hư mất vẻ đẹp của phở khô đặc sản quê hương nhà các cậu. Thế đấy, bao nhiêu bạn bè văn chương, báo chí, doanh nghiệp của tôi đến Gia Lai đều được lần lượt nếm món ngon không thể bỏ sót: Phở khô. Và cảm nhận chung của họ là món ấy rất tuyệt, rất đặc trưng Gia Lai. Phở ấy và cách ăn ấy là của người miền rừng như cách họ nói và tôi cũng thấy thế vì những điều rất lạ, rất riêng chỉ vùng đất Pleiku – Gia Lai này mới có từ con người đến khí hậu, thổ nhưỡng, đến giọng nói, phong cách, tính cách...
Hình internet (chỉ có tính chất minh họa).
Bây giờ thì đi đâu càng phải khoe ran vì phở khô Gia Lai vừa được tổ chức kỷ lục Việt Nam chính thức đề cử đợt I vào kỷ lục Châu Á vì nó là 1 trong 15 món ăn nổi tiếng chỉ duy nhất ở Việt Nam mới có và độc đáo so với 57 quốc gia trong khu vực Châu Á. Từ lúc đọc được tin này lòng vui lâng lâng. Bây giờ phở khô Gia Lai đâu còn chỉ là của riêng dân Gia Lai nữa mà còn đại diện cho món ăn đặc sản của Việt Nam thu hút sự yêu mến của bạn bè quốc tế mỗi lần đến và thưởng thức ẩm thực Việt Nam. Lại nhớ câu của anh bạn họa sĩ tài hoa: “Ăn là văn hóa và món ăn ngon càng là một văn hóa cao hơn”. Cứ nghĩ đi nghĩ lại càng thấy đúng, càng thấy quý hơn giá trị của món ăn đã có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển ở một vùng đất mà người bốn phương tụ về một chốn làm thành quê hương gắn bó thương yêu máu thịt, làm thành những giá trị văn hóa và làm giàu thêm lòng tự hào, ý thức xây dựng một quê hương thứ hai trên cao nguyên.
![]() |
Hình internet (chỉ có tính chất minh họa). |
HTH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét