2.08.2012

 Đêm Rằm tháng Giêng và đêm 16, Hội VHNT phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Du Lịch Gia Lai và UBND huyện Ia Grai tổ chức 2 đêm thơ nhạc, HTH được mời làm người dẫn chương trình cùng Thanh Hải (em gái út - công ty tại Sở VH,TT&DL tỉnh) và Tú Quyên - trung úy Bộ đội Biên phòng Gia Lai. 2 đêm làm trực tiếp, cảm nhận người trong cuộc ra sao viết ra thế, mời quý vị đọc chia xẻ.
          NGÀY THƠ VIỆT NAM 2012 tại Gia Lai
                                                           – Thơ hướng về  quê hương 
         
Từ năm 2002 đến nay cứ Rằm tháng Giêng hàng năm Ngày thơ Việt Nam lại bắt đầu, sinh hoạt thơ ca mấy năm trở lại đây không còn mới mẻ và lạ lẫm với công chúng nên cứ vào thời điểm này của năm những người yêu mến thơ ca lại trông đợi sẽ được thưởng thức một đêm thơ nhạc hấp dẫn, ý nghĩa. 6 năm liên tục công ty CP VH và DL Gia Lai tài trợ cho  Hội VHNT Gia Lai tổ chức các đêm thơ nhạc chào mừng Ngày thơ - ngày tôn vinh thơ và những người làm thơ.
Năm nay, chương trình thơ nhạc với chủ đề: Xuân quê hương được tổ chức tại khán phòng Tầng 4 Tre xanh Plaza. Khá đông thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên trường CĐSP Gia Lai, Nguyễn Văn Linh và người yêu thơ của thành phố Pleiu đến dự. Sau bài phát biểu chào mừng của ông Lê Xuân Hoan – Chủ tịch Hội VHNT, các nhà thơ, nhạc sĩ có tác phẩm trình diễn trong chương trình được mời lên sân khấu để nhận hoa chúc mừng của ông Măng Đung – TUV, PCT UBND tỉnh và ông Nguyễn Trần Hanh – TGĐ công ty CP VH và DL Gia Lai. Sáng tạo là công việc đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều yếu tố, dù chỉ mới dấn bước hay đã đi một chặng đường dài song dù thế nào thì những ai đã chọn con đường sáng tạo để lập nghiệp cũng đều đáng trân trọng
ông Nguyễn Trung Tường - PCT UBND huyện Ia Grai chụp hình lưu niệm với VNS Gia Lai.
 Đêm thơ bắt đầu với các  phần trình diễn của các tác giả, các nghệ sĩ và nhân viên công ty. Xuyên suốt đêm thơ là những bài thơ, những ca khúc viết về Tổ quốc, Bác Hồ, mùa xuân và những tác phẩm viết về chính mảnh đất quê hương Gia Lai – nơi các tác giả hoặc sinh ra và lớn lên ở đây hoặc từ những vùng quê khác tới chọn đất này làm quê hương thứ hai lập nghiệp gắn bó. Người yêu thơ đã gặp gỡ giao lưu và nghe thơ của các nhà thơ: Thu Loan, Phạm Đức Long, Hoàng Thanh Hương, Nguyễn Thiện Đức, Lê Vi Thủy, Kim Sơn, Minh Tuấn và thưởng thức những ca khúc phổ thơ nổi tiếng: Tháng ba ning nơng thơ văn Công Hùng, nhạc Lê Xuân Hoan, Tiếng đàn đinh goong của nhạc sĩ Ngọc Tượng, Tháng ba bơ vơ của nhạc sĩ Ngọc Toán… qua giọng ca của các ca sĩ, NSUT Ali Việt, Thuý Hà, Ysi hội viên chuyên ngành SKBD của Hội và Đào Văn Thường, H’Vế, Nhất Sĩ  nhân viên công ty. Khán giả còn cùng giao lưu với nhóm thơ trẻ: Hoàng Thanh Hương, Lê Vi Thủy, Kim Sơn, Minh Tuấn – những người đã đem đến chương trình một sắc màu mới cho thơ trên sân khấu giao lưu thơ nhạc khi họ kết hợp thơ với âm nhạc, đạo cụ, trang phục và ánh sáng sân khấu để trình diễn một chùm thơ 4 bài về xuân quê hương.  Một số câu hỏi thú vị được đặt ra từ những vấn đề công chúng quan tâm như: Thơ người viết trẻ dường như đang quá sa vào sự cầu kỳ hình thức mà quên mất phần nội dung? Hay: Bạn nghĩ thế nào về trách nhiệm công dân của người viết trẻ với xã hội?...
Thơ vốn là một bản thể thống nhất của phức tạp và hỗn độn. Nó là những hình ảnh cô đúc trong sự hạn hẹp của ngôn từ. Trình diễn thơ là những thao tác phân tách, chia bản thể thành những khía cạnh, những giao diện, hình thù, màu sắc, âm điệu… hay bất cứ một thứ chất liệu nào khác, và một lần nữa giải mã hay hình tượng hoá, biến nó trở thành một thể loại mới thuộc nghệ thuật trình diễn. Vẫn có chút lúng túng vì sân khấu hẹp và 4 đêm tranh thủ tập luyện nên có tác giả vẫn chưa nhớ một vài câu thơ song việc nhóm nhà thơ trẻ Gia Lai lần đầu tiên thể nghiệm nghệ thuật trình diễn thơ tại TP. Pleiku năm nay cũng là khích lệ.
 Sau phần trình diễn là phần: Tìm thơ, phần này được khá đông khán giả hưởng ứng. 3 câu đố về thơ, tác giả tác phẩm, thông tin ca khúc phổ thơ… người chơi tìm án đúng cho câu đố sẽ nhận ngay những phần quà của Hội VHNT đó là những ấn phẩm được xuất bản từ 2009 đến nay như: Miền cổ tích cuối cùng (Tập văn xuôi Gia Lai chọn lọc), Tuyển tập Mỹ thuật Gia Lai, Tạp chí Văn nghệ Gia Lai số Xuân Nhâm Thìn. Các em học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo đã sôi nổi tham gia phần chơi này. Qua hình thức này vừa kiểm tra kiến thức văn học vừa khuyến khích khán giả yêu thích văn học nghệ thuật hơn, ham thích sáng tác. Và biết đâu đó sẽ có những hạt mầm văn học được gieo và vươn lớn, tự tin kế tiếp lớp những người viết bây giờ. Mong chờ vậy, vì văn hóa đọc và cảm thụ văn chương bây giờ đâu còn sôi nổi và sâu sắc như trước kia.
Sau đêm thơ tại Tre xanh Plaza, đêm 16 tháng Giêng, được sự hỗ trợ và phối hợp của Hội phụ nữ Bộ đội Biên phòng Gia Lai, Hội VHNT tỉnh tổ chức chương trình thơ nhạc tại huyện với chủ đề: Ia Grai – mùa xuân. Đồng chí Nguyễn Trung Tường  - PCT UBND huyện đến dự, phát biểu khai mạc, tặng hoa và quà cho các văn nghệ sĩ tham gia trong chương trình. Đây là lần đầu tiên huyện cùng Hội VHNT và Hội phụ nữ bộ đội Biên phòng tổ chức một chương trình thơ nhạc phong phú và giàu ý nghĩa như vậy phục vụ khán giả tại địa phương. Ia Grai là một huyện biên giới, nói đến biên giới là vành đai thân yêu của Tổ quốc. Và nơi biên cương bạt ngàn nắng gió này đang có những người lính mang “quân hàm xanh”, hàng ngày hy sinh, âm thầm, chiến đấu canh gác sự bình yên cho biên giới của Tổ Quốc thân yêu.  Một số ca khúc và thơ viết về tình đất tình người Ia Grai, hình ảnh người chiến sĩ biên phòng dù còn bao vất vả thiếu thốn nhưng bằng cái tâm của người lính biên phòng luôn ghi nhớ câu nói của Bác Hồ: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là ruột thịt” đã được các nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, sĩ quan chiến sĩ Biên phòng Gia Lai và cán bộ nhân dân huyện thể hiện đầy cảm xúc.
 Cả hai đêm thơ nhạc năm nay ở hai địa điểm để lại ấn tượng khó quên đối với mỗi tác giả, những người làm chương trình bởi tình cảm yêu mến nồng hậu mà lãnh đạo tỉnh, huyện, các sở ban ngành và công ty Cổ phần Văn hóa và Du lịch Gia Lai, thầy cô giáo, sinh viên, học sinh trường CĐSP tỉnh, trường Nguyễn Văn Linh cùng công chúng yêu thơ thành phố Pleiku, huyện Ia Grai dành cho họ. Cô Lê Thị Luận – hội viên Hội Người cao tuổi xã Ia Kha – Ia Grai chia xẻ cảm xúc: Thật ý nghĩa khi nói về đêm thơ nhạc hôm nay, mỗi bài thơ mỗi bài hát ngợi ca Tổ quốc và Bác Hồ kính yêu của chúng ta và cả những tác phẩm viết về mùa xuân, con người Gia Lai, tình đất Gia Lai đều chan chứa nghĩa tình”.
Còn sinh viên năm nhất khoa văn trường CĐSP Gia Lai em Đinh Văn Trái thì rất hào hứng: Lần đầu tiên tham dự một đêm thơ nhạc như thế tại một nơi sang trọng, ấm cúng của khách sạn Tre Xanh, em hồi hộp, em chơi tìm thơ và được nhận quà tặng của BTC, năm sau em và các bạn sẽ đón xem chương trình tại đây và nếu được phép sẽ tham gia một tiết mục thơ hoặc nhạc”. Chắc chắn rồi bởi những người làm chương trình luôn mong được hợp tác với các em – những thầy cô giáo dạy văn tương lai, những khán giả, độc giả “tinh” của văn chương.
Hai chương trình thơ nhạc chào mừng ngày thơ Việt Nam lần thứ X năm 2012 tại Gia Lai khép lại. Khán giả đã được thưởng thức một chương trình thơ nhạc phong phú, có sự mới mẻ về hình thức thể hiện, đầy ý nghĩa nội dung bởi các tác phẩm của các nhà thơ dù đã thành danh hay mới vào nghề, tất cả đều rất cảm xúc và đầy trách nhiệm công dân. Thơ có sức lay động riêng của nó và âm nhạc chắp cánh cho những vần thơ bay lên. Kết thúc đêm thơ, dư âm đọng lại trong lòng công chúng yêu thơ và quan tâm đến văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Vẫn còn một số điều chưa thật như ý trong việc tổ chức, trình diễn… song nhất định những người làm chương trình năm nay sẽ rút kinh nghiệm và đầu tư sâu hơn để các chương trình năm sau thành công hơn, không phụ lòng những người yêu mến thơ ca trong tỉnh.
Hoàng Thanh Hương

          2 chị em trang điểm chuẩn bị làm chương trình tại tre xanh Plaza

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét