1.16.2012

phong van

      Vừa rồi, nhà văn Đỗ Kim Cuông vào Gia Lai công tác, mình và nhà văn Thu Loan, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu tranh thủ lúc bác rảnh rỗi mời bác đi uống cà phê phố núi và HTH tranh thủ xin bác bài phỏng vấn này. Bài đã đăng trên báo Gia Lai ngày 9-1/2012. 












                                                                             
NHÂN DỊP ĐẦU NĂM MỚI
Năm 2011 đã diễn ra nhiều sự kiện VHNT trong cả nước được dư luận báo chí và xã hội quan tâm, nhân dịp nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp VHNT Việt Nam có chuyến công tác tại Gia Lai, Báo Gia Lai đã có dịp gặp gỡ và trao đổi với ông về một số vấn đề. Báo Gia Lai trân trọng giới thiệu.

PV: Năm 2011 đã kết thúc với nhiều ấn tượng về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, ở góc độ một nhà văn đồng thời lại là người tham gia vào công việc quản lý văn học nghệ thuật, ông nghĩ sao về tình hình VHNT ở nước ta năm qua?
Nhà văn ĐKC: Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện NQ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta, nhiều lĩnh vực đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, trong đó có văn học nghệ thuật. Năm 2011, nhìn chung các hoạt động VHNT không sôi nổi như năm 2010 – năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước nhưng năm nay cũng có một số các hoạt động VHNT được nhiều người quan tâm. Việc hát Xoan của Việt Nam được thế giới công nhân là văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn là niềm tự hào của nghệ thuật sân khấu cổ của Việt Nam. Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 17 mới diễn ra tại Phú Yên, tôn vinh một số các tác phẩm Điện ảnh như phim truyện nhựa, phim tài liệu,…cũng tạo ra một sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa. Cho đến nay, các hội đồng VHNT của Bộ VH, TT và DL cũng đã xem xét được hàng trăm các văn nghệ sĩ sắp tới đây trình Thủ tướng công nhân NSND, NSƯT, xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước chắc chắn cũng sẽ được công chúng chú ý. Các giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn, Hội Mỹ thuật, hội Sân khấu, hội Nhạc sĩ, hội Nhiếp ảnh, hội Văn nghệ dân gian, hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội Nghệ sĩ Múa, hội Điện Ảnh…cũng đã xác định được nhiều các tác phẩm VHNT có giá trị. Khen chê còn có nhiều ý kiến khác nhau, song có thể thấy những tác giả VHNT, ở các chuyên ngành vẫn tích cực lao động sáng tạo, thông qua các tác phẩm của mình phản ánh hiện thực sôi động của đất nước trong công cuộc đổi mới, bầy tỏ những suy nghĩ, xúc cảm của mình trước hiện thực của đời sống với nhiều cung bậc khác nhau. Các hoạt động VHNT mang tính đại chúng, phục vụ cho cộng đồng trên các sân khấu biểu diễn, trên các phương tiện thông tin đại chúng diễn ra sôi động, cập nhật. Tuy nhiên cũng cần phải thấy một số các chương trình văn nghệ chưa đáp ứng với yêu cầu thẩm mĩ của công chúng. Việc thiếu các tác phẩm ca múa nhạc hay, thiếu sự xuất hiện của các nghệ sĩ có tài năng, trang phục cho nghệ sĩ trên sân khấu biểu diễn ăn mặc hở hang, không phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng là điều đáng quan tâm. Hi vọng rằng sẽ sớm được khắc phục…
PV: Theo tôi được biết đây là năm thứ 4 giới VHNT trong cả nước đã và đang thực hiện Nghị quyết 23 của BCT về VHNT trong tình hình mới. Xin ông cho biết tính thực tiễn của nghị quyết này trong đời sống?

          Nhà văn ĐKC: Đúng vậy! Đây là năm thứ 4 các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, cùng với giới văn nghệ sĩ thực hiện NQ 23 của Bộ chính trị về công tác VHNT. NQ đã đi vào đời sống. Hàng loạt các cơ chế chính sách liên quan tới văn nghệ và văn nghệ sĩ đã được Thủ tướng phê duyệt, các Bộ ngành hữu quan đang thực hiện. Cơ chế hỗ trợ cho sáng tạo, nghiên cứu các công trình, tác phẩm VHNT năm 2011 – 2015 đang được thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó hoạt động VHNT của cả nước và hội VHNT Gia Lai sôi động. Nhiều anh chị em văn nghệ sĩ đã được hỗ trợ để sáng tạo các tác phẩm mới. Một số hội đã tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế, tham gia các trại sáng tác. Chế độ nhuận bút, bồi dưỡng cho văn nghệ sĩ được cải thiện. Một số các cấp ủy Đảng và chính quyền, trong đó có Tỉnh ủy, UBND tỉnh Giả Lai đã quan tâm hỗ trợ ngân sách cho hoạt động văn nghệ của Tỉnh. Tạo điều kiện cho các hoạt động văn nghệ, đảm bảo định hướng của Đảng và Nhà nước, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ. Song, các hoạt động VHNT những năm tới đây để đáp ứng với nhiệm vụ của TƯ và địa phương sẽ đòi hỏi rất cao. Mà một trong những nhiệm vụ đó là, tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo để có được những tác phẩm VHNT phản ánh một cách sâu sắc hiện thực của đất nước và con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Do đó, Đảng và chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa tới công tác văn hóa nói chung, VHNT nói riêng; đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, văn nghệ sĩ đang hoạt động trên lĩnh vực này. Sắp tới đây, UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam sẽ kiến nghị với chính phủ để cho những người làm công tác quản lý VHNT được hưởng phụ cấp như những công chức hiện nay.
PV: Ông nghĩ sao về tình hình văn học Tây  Nguyên nói chung và Hội VHNT Gia Lai nói riêng, thưa ông?
          Nhà văn ĐKC: Tây Nguyên là một vùng VHNT quan trọng của cả nước. Có bản sắc văn hóa, VHNT riêng. Đội ngũ văn nghệ sĩ của Tây Nguyên cũng rất đông, có tài năng. Điều ấy đã được khẳng định. Hội VHNT Gia Lai cũng là một hội trọng điểm. Ở đây có nhiều nhà văn, nghệ sĩ sinh sống và hoạt động. Văn nghệ Gia Lai những năm gần đây cũng được bạn đọc trong cả nước chú ý. Đã xuất hiện một số các gương mặt văn nghệ sĩ trẻ có triển vọng, vừa xong có 4 anh chị đã được tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ tại Tuyên Quang. Song chúng tôi nghĩ Hội cũng nên cần tập trung có chiều sâu, có trọng điểm cho một số văn nghệ sĩ – thông qua tài trợ sáng tạo – để trong vài năm tới có được một số các tác phẩm như tiểu thuyết, trường ca, ca khúc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian lớn phản ánh về con người và mảnh đất Tây Nguyên trong quá khứ cũng như hiện tại.
PV: Theo tôi được biết, tiểu thuyết “Phòng tuyến sông Bồ” viết về cuộc chiến tranh của quân dân ta trong cuộc kháng chiến Mỹ, tác phẩm đã được Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ quốc phòng tặng giải thưởng, và mới đây trên báo chí đưa tin ông đã xuất bản tiểu thuyết “ Sau rừng là biển”, tác phẩm đặc biệt được đông đảo bạn đọc đón nhận trên mạng xã hội của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn và một số các mạng trong và ngoài nước cũng trích giới thiệu, thậm chí đăng toàn bộ tiểu thuyết này. Xin ông nói thêm về cuốn tiểu thuyết với bạn đọc của Báo Gia Lai được không ạ?
          Nhà văn ĐKC: Đối với tôi, công việc viết tiểu thuyết cũng như công việc của người quản lý tôi đều coi trọng. Tự cân đối thời gian để điều tiết các công việc chứ không để cho công việc chi phối mình. Đối với người viết tiểu thuyết, thời gian là quan trọng. Phải biết quý và tận dụng thời gian.
        Sau mảng đề tài về chiến tranh, hiện nay tôi đang tập trung vào chủ đề con người Việt Nam tồn tại ra sao sau chiến tranh, vật lộn thế nào với những biến đổi của đời sống xã hội đầy rẫy sự đa dạng, phức tạp, éo le… hôm nay. Cuộc sống bây giờ giữa cái tốt và cái xấu, thật giả… lẫn lộn. Mỗi người hôm nay đang phải đối diện với hiện thực đó để tồn tại và khẳng định giá trị của chính mình. Tiểu thuyết Sau rừng là biển vừa xuất bản, một phần tôi muốn thể hiện ý tưởng đó. Như cô nói, có nhiều người đọc, tôi cũng rất mừng… nhưng là họ đọc trên mạng Lê Thiếu Nhơn. Trong khi đó sách in ra không nhiều. Buồn cũng là lẽ đó. Văn hóa đọc, không còn hấp dẫn thanh thiếu niên. Nhưng nếu không có văn hóa đọc, như trước đây chúng tôi đã từng đọc những cuốn sách có khi bìa đã rách nát, mua được một cuốn sách mình yêu thích, còn quí hơn tiền… thì làm sao có được những người yêu thích văn chương, để một ngày họ trở thành nhà văn đi tiếp con đường đầy chông gai này.
PV: Xin cảm ơn nhà văn đã dành thời gian cho chúng tôi, kính chúc ông cùng toàn gia quyến năm mới sức khỏe và sức sáng tạo dồi dào,vạn sự thành công.




























2 nhận xét:

  1. Bài phỏng vấn rất oách. Không chỉ là nhà văn, nhà thơ HTH còn là nhà báo có nghề đó nha. Tự hào lắm đó. Chúc mừng nha.

    Trả lờiXóa
  2. hi hi, anh làm tạp chí xuân rất oách, đọc trang thơ gặp bạn bè cùng lớp viết văn hồi ở Pleiku không hà. Chúc anh năm mới vạn sự thành công nhé anh.

    Trả lờiXóa