5.24.2012

Mẹ & Tổ quốc


Tối 22-5, nhà báo Quốc Ninh - Trưởng phòng PV Báo Gia Lai gọi điện nhờ mình viết một bài về Mẹ VNAH Gia Lai. Mình nhận lời, anh gợi ý cho mình đọc cuốn chân dung các mẹ VNAH Gia Lai xuất bản năm 2004. Mình chạy vội sang Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh GL _KT mượn và hì hụi đọc một buổi tối, nghẹn ngào xúc động: Ôi, những người mẹ Việt Nam! 
 Sáng nay, Báo ra phục vụ tuyên truyền kỉ niệm 80 năm thành lập tỉnh Gia Lai, bạn bè dự mít tinh đọc xong nhắn tin chia xẻ. Mình post lên bạn bè cùng đọc nhé! 


                                          MẸ & TỔ QUỐC – hai điều thiêng liêng nhất! 


Cách đây gần hai năm khi nghe tin Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (1904-2010), quê Điện Thắng Trung, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam mất tôi đã bùi ngùi rơi nước mắt. Người mẹ ấy có 9 người con ruột là liệt sỹ. Ngoài ra, mẹ Thứ còn có 1 người con rể và 2 người cháu ngoại khác cũng hy sinh cho cách mạng. Ai có thể tả hết nỗi đau trong lòng mẹ khi 10 người con chỉ còn duy nhất một chị gái cả còn sống sót qua chiến tranh. Cuộc chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta cả nước có khoảng 47.000 mẹ Việt Nam anh hùng. Đó chỉ là con số tiêu biểu thống kê được, sự thật sẽ còn nhiều hơn thế, vẫn đấy sự hy sinh thầm lặng và những cống hiến không thể kể xiết của triệu triệu người mẹ Việt Nam kiên cường, bất khuất, luôn sẵn niềm tin sắt son vào Đảng, Bác Hồ trong cuộc đấu tranh cam go giữ gìn quê hương, đất nước. 

Hôm nay, tôi trầm tĩnh đọc đi đọc lại cuốn sách “ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Gia Lai” do Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum biên tập, xuất bản quý I năm 2004. Tôi đã dừng lại khá lâu ở trang sách thứ 29 có in câu “... Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta...” trích bài nói chuyện của Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 20-10-1966. Cũng tinh thần ấy bác Ksor Krơn nguyên UVTƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy Gia Lai – Kon Tum ngay Lời tựa đã viết: “ Không thể nào viết, nói hết những tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc và trân trọng của quân, dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đối với các bà mẹ Việt Nam anh hùng kiên trung, đảm đang, người sinh ra và nuôi dưỡng các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Những trang sách mở ra là một chuỗi những câu chuyện kể về cuộc đời của các bà mẹ và các anh hùng Gia Lai chấp nhận gian khổ hy sinh, đoàn kết một lòng chiến đấu để giành độc lập cho dân tộc. Những người mẹ Gia Lai đã lần lượt tiễn đưa từng đứa con yêu thương lên đường chiến đấu bảo vệ non sông Tổ quốc mà không được đón con trở về bằng xương thịt ngày chiến thắng. 72 bà mẹ Gia Lai được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý: Mẹ Việt Nam anh hùng sau khi đất nước thống nhất. Có mẹ còn sống để nhận được những đền đáp và phụng dưỡng ân tình của Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương nhưng có nhiều mẹ khi có quyết định công nhận thì đã về nơi tiên tổ. Những người mẹ anh hùng Gia Lai mỗi người mỗi cuộc đời, mỗi cảnh sống, ở mỗi vùng địa lý khác nhau trên địa bàn tỉnh nhưng sự hy sinh lặng lẽ mà vô cùng cao cả của các mẹ cho Tổ quốc không thể nào đong đếm. Ai cảm nhận đủ đầy được nỗi lòng người mẹ khi dằn lòng tiễn đứa con độc nhất hay từng đứa con lần lượt ra trận chỉ với niềm tin các con can trường, anh dũng, vững chí bền tâm chiến đấu giành lại tự do cho dân tộc, giữ được toàn vẹn lãnh thổ giang sơn cha ông gầy dựng tự bốn ngàn năm và sớm trở về với mẹ, bên mẹ, chỉ cần trở về dẫu là không lành lặn như các mẹ từng thầm cầu nguyện bao đêm trong nỗi thấp thỏm trông ngóng tin con từ chiến trường xa bom cày đạn xới. Thế nhưng, bao lớp chiến binh ra đi không trở về làm lòng mẹ đau xé, làm nước mắt mẹ không còn để khóc mỗi lần nghe tin báo tử liệt sĩ, trái tim những người mẹ vỡ nát bởi những mất mát vĩnh viễn đứt lìa núm ruột thân yêu, nước mắt mẹ lặn ngược vào trong đau buốt, âm ỉ đến hết kiếp nhân sinh. “Trong thế giới nhân gian có hai điều thiêng liêng nhất. Đó là Tổ quốc và Mẹ. Vì Tổ quốc và vì Mẹ, chúng ta có thể quên mình xông pha nơi lửa đạn”. Tôi đã nghe được lời bình văn học này trong một bộ phim truyền hình tài liệu về mẹ VNAH của đài TP. Hồ chí Minh và tâm đắc. Và chắc chắn tin vì hai điều thiêng liêng ấy mà người con trai duy nhất của mẹ Đinh Thị Nhia (An Khê) liệt sĩ Đinh Rươn (SN 1952) đã noi gương anh hùng Núp xung phong vào du kích tìm đánh giặc Mỹ cùng bè lũ tay sai và hy sinh năm 1969. Rồi ba người con của mẹ Ksor H’Lur (Ayun Pa) liệt sĩ Ksor Bor, Ksor Tơ Nghi, Ksor Keng, các anh nối tiếp ngã xuống trong vòng hai năm 1968-1969, hai người chiến đấu dũng cảm bị trúng đạn hy sinh, một người địch bắt tra tấn dã man không khai nửa lời bị lôi ra chôn sống. Tôi nghẹn lòng khi ngắm chân dung mẹ Võ Thị Hiển (1902-1996) quê Quảng Nam, mẹ sinh hạ 9 người con thì 5 người con ruột của mẹ là liệt sĩ, ngoài ra mẹ còn 2 con rể và cháu đích tôn cũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đây phải chăng “Vì Tổ quốc và vì Mẹ, chúng ta có thể quên mình xông pha nơi lửa đạn” và sẵn lòng chấp nhận mọi mất mát hy sinh. Làm sao diễn tả hết nỗi đau trong lòng những người mẹ với những mất mát chất chồng. Sức mạnh nào làm điểm tựa cho những người mẹ đứng lên tiếp tục đi theo cách mạng, phục vụ cách mạng như nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, làm công tác hậu cần, tham gia du kích, tải đạn, cứu thương... Phải chăng đó là tình yêu Tổ quốc và tinh thần đền nợ nước báo thù nhà. Tôi vẫn nhớ 14 huyện, thành phố của tỉnh tính ở thời điểm năm 2004 có 74 mẹ VNAH được UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu và được công nhận nhưng trong cuốn sách này thiếu phần ghi chép, chân dung của 2 mẹ vì không tìm được địa chỉ mới của các mẹ, trong đó huyện Kông Chro đông nhất là 13 mẹ, thành phố Pleiku là 12, huyện Ia Grai là 8, huyện An Khê là 7... những bà mẹ Kinh, Bahnar, Jrai sống và không bao giờ biết đòi hỏi cho mình những quyền lợi càng không bao giờ trông đợi mình sẽ được bằng khen hay danh hiệu của Nhà nước song lần lượt các mẹ Gia Lai anh hùng như: Nguyễn Thị Chút, Ksor H’Lur, Siu H’Beo, Kpă Preng, Lưu Thị Nhiếp, Rơ Châm H’ Blôih, Rơ Mah H’ngil, Thơp, Yung, Nguyễn Thị Đào, Nguyễn Thị Xơ... đều được Đảng, chính quyền và các đoàn thể địa phương biết ơn ghi nhớ, đền đáp. Bao nhiêu năm qua các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận phụng dưỡng các mẹ cho đến cuối đời, hàng năm các dịp lễ tết kỉ niệm đều có con cháu quân dân về thăm hỏi động viên hoặc rước các mẹ về dự. Chưa bao giờ Đảng bộ và nhân dân Gia Lai quên ơn các mẹ Việt nam Anh hùng, với tấm lòng yêu kính và trân trọng nhất, gần 40 năm sau giải phóng thống nhất nước nhà những người con hôm nay mãi mãi khắc ghi sự cống hiến của các mẹ Việt Nam anh hùng bằng từng hành động thiết thực, bằng sự tôn thờ, thương yêu và kính cẩn. Những người mẹ Gia Lai anh hùng và hàng triệu người mẹ anh hùng trên khắp đất nước Việt - đó là một phần lịch sử bi tráng và anh hùng của đất nước. Là lý do để chúng ta hôm nay biết sống trách nhiệm hơn với Tổ quốc – nơi những người mẹ đã chia sẻ một phần sự sống từ máu xương, da thịt mình cho sự hòa bình và no ấm hôm nay. 

Gấp sách lại, tôi nghẹn ngào lặng lẽ. Đặt tay lên ngực thầm thì lời một bài hát ngợi ca mẹ Việt Nam Anh hùng của nhạc sĩ An Thuyên: “ Hát về những người mẹ Việt Nam/Hát về những mẹ anh hùng/Đời dâng hiến giống nòi/Mẹ sống giữa gian lao/Vì đất nước hy sinh cả cuộc đời/ Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ/Và ánh mắt mẹ như mơ/Là biết mấy chờ mong mỏi mòn/Từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại... 

Tự hào chúng con có mẹ Việt Nam anh hùng! 





4 nhận xét:

  1. Bắt đền HTH làm em cũng rơi nước mắt!
    Đúng là "Tự hào chúng con có mẹ Việt Nam anh hùng!" chị à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đừng bắt đền chị vì lúc đọc và viết về các Mẹ chị nghèn nghẹn hoài, đêm ấy ngủ khó quá. Mình vốn đứa đa cảm em ạ, tình cảm bộc trực cũng nhọc thân.

      Xóa
  2. Sắp kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ, việc làm của Gia lai ra cuốn sách này thật ý nghĩa. Bài viết của em xúc động lắm. Vưa giới thiệu được sách, vừa thả hồn mình có những câu văn thật xúc động, tri ân các anh hùng liệt sỹ, nhất là các Bà Mẹ VNAH. Hôm nay kỷ niệm 80 năm thành lập tỉnh Gia Lai, ông Lê Hồng Anh vào đó, tối qua có bảo anh đi nhưng anh bận quá không đi được. Giờ đọc bài viết này tiếc quá, nếu đi có phải được quyển sách quý này không? Hì hì hì... Chúc em buổi tôi vui vẻ nha.

    Trả lờiXóa
  3. Được tạo điều kiện vậy mà hổng vô, thiệt là nhà gần kho bom à nhen. Đọc cuốn này thương các mẹ lắm anh ơi và thấy mình đôi khi thật chưa phải giữa bao điều hy sinh lặng thầm lớn lao của Mẹ.

    Trả lờiXóa