Một lần đến và thương
Tản văn
Gò Bồi tôi đến một buổi chiều không quá nắng và gió lồng lộng, từ Quy Nhơn ngược hơn 25 cây số đường nhựa xe máy bon bon, những ruộng lúa trơ gốc rạ, nước sâm sấp vịt tràn đồng sục xỉa quàng quạc, thỉnh thoảng một hai cánh cò vút lên hốt hoảng trắng lóa trong ráng hoàng hôn yếu ớt, lâu lắm mới lại có chút cảm giác “nhà quê” yên ả như thế. Mưa liên tục mấy bữa trước làm vài đoàn đường trũng bị ngập, chỗ sâu cũng chạm đầu gối trẻ con, tôi ngồi yên sau chân co cao, ôm chặt ba lô máy vi tính, cô bạn cứng tay lái rẽ nước vèo véo. Thoải mái cười vang khi thấy nước bắn tung tóe. Mùi bùn, mùi cỏ rêu, mùi khói củi nhà ai thoảng mũi, căng lồng ngực hít hà no nê bầu không khí trong lành chiều quê bạn. Người Gò Bồi mộc mạc, hiền hòa, tiếng xứ “nẫu” nặng trình trịch nghe thiệt thà: Mấy người đâu dzìa? Cái trị trấn nhỏ tẹo, người lạ đâu về biết liền, chị hàng bún cá ngay đầu cầu Gò Bồi hỏi thăm chúng tôi như quen lâu lắm, còn mời tối ra ăn bún, mấy đứa trẻ con quần đùi cởi trần chơi gần bờ sông ngó lăm lăm, chúng tôi vẫy vẫy, chúng dụi vào nhau ù chạy, tiếng cười rơi lại trong veo làm tôi nhớ xao lòng tuổi thơ mình ven sông Hồng theo lũ bạn đuổi chụp châu chấu, bới trộm khoai lang chuyền nhau chùi sơ vạt áo nhai rau ráu.
Chiều xuống nhanh, bạn cho con bú phồng bụng rồi chuyển cho bà vú, nó trốn con dẫn chúng tôi đi ăn vịt luộc. Quán bình dân, lụp xụp mái tôn, màng nhện chăng mắc trần nhà, cô Chín chủ quán luôn tay chặt cạch cạch. Vịt béo mẫm, thịt mềm và ngọt dừ, mắm jin giã ớt tỏi gừng đậm đà hương vị, chúng tôi ăn bốc, cứ kẹp thịt với chuối chát xắt mỏng, khế chua, rau răm và bánh tráng nướng và nhai rau ráu. Tận hưởng chậm rãi vị đậm đà ngon béo của món quê dân dã mà không phải nơi nào cũng có. Hèn gì bạn bảo: Vịt đất này ngon nhất xứ Bình Định nghe mầy. Bụng no căng mà miệng vẫn thòm thèm. Cuối bữa cô Chín bưng ra tô cháo nóng hổi, hành ngò xắt nhỏ rải xanh mặt cháo sóng sánh vàng mỡ, bánh tráng bóp rồm rộp vào chén nhỏ, thêm chút mắm gừng, dội cháo lên rồi từng thìa nhâm nhi và nuốt. Đầu tối trời se se, muổng cháo vào tới bụng vẫn còn ấm thơm ngọt zêm nơi cổ và tôi ăn ngon chưa từng thấy trong đời. Cô Chín đùa: Tao tính mang cháo này vô Sài Gòn bán. Đệ nhất cháo vịt Gò Bồi, ăn rồi khó quên. Nói xong cô cười ha ha, nếp nhăn hai đuôi mắt xô nhau rối rít.
Chúng tôi dạo một vòng Gò Bồi đêm trăng 16, trăng rọi xuống lòng sông cuồn cuộn xuôi dòng, gợn sáng lóng lánh, dãy tre um tùm cao vót, che những lưng nhà rêu mốc. Tôi hỏi bạn sông này chảy về đâu? Bạn bảo nó chảy về nơi cần đến. Tôi cười phá làm rung rinh cả bóng trăng viên mãn dưới đáy sông. Bạn dạy văn, đêm đêm chờ chồng con ngủ, che đèn ngồi làm thơ, những câu thơ như sông lặng thầm chảy về nơi cần đến. Câu trả lời lấp lửng về sông và đôi mắt ngó mông lung của bạn trên thành cầu ngợp gió làm tôi phấp phỏng về kiếp người hiện sinh. Lại nhớ mấy hôm trước, tôi xuôi đèo Mang Yang xuống phố biển. Ngay đầu đèo bất ngờ trước rực rỡ ngờm ngợp màu dã quỳ vàng như không thể vàng hơn trong nắng sớm mai. Từng thảm vàng ngả nghiêng, chao vẫy xèo vươn khao khát trong gió. Tôi bị hút hồn vào bức tranh sống động ấy, mơ màng ngỡ như cả một mùa thu đang ở đây. Tôi kể về hoa về đèo, bạn chưa lần tới phố núi, hứa mai mốt rảnh lên một chuyến. Tôi hẹn đón bạn mùa dã quỳ nở - mùa khô cao nguyên. Giờ tôi đang ngắm những thửa ruộng ũng nước, chân mạ nhú lá xanh xanh, những ruộng rau muống chằng chịt ken nhau, thân tím, lá thẫm chao chao mỗi đợt gió lướt. Những ngôi nhà nhỏ nhỏ, vườn rào bao quanh bằng cây xanh, nhà cao tầng dây leo hoa tím, thiên nhiên gần gũi cạ sát vào tôi, tha hồ phơi mặt đi thảnh thơi, không cần kính đen, khẩu trang, găng tay lằng nhằng ngăn chắn. Khuya, bạn rủ ra mé sông ăn nem nướng chả cuốn. Bạn giới thiệu đặc sản Gò Bồi - number one, 3 đứa ngồi quây tròn quanh bếp than, cô bán hàng quạt quạt, mùi nem nướng thơm nứt mũi, mùi sông nồng tanh rong cỏ cá tôm, nem xiên cây nướng chín vừa, nóng hổi vừa thổi vừa nhai, chóp chép cảm nhận vị béo bùi ngọt cay, the thanh của thịt xay, nước tương đậu trộn ớt nghiền nhuyễn và rau răm dưa leo quyện nhau. Khuya, nơi nửa phố nửa quê yên tĩnh lạ, côn trùng ri ra dọc triền sông, bản hòa tấu thiên nhiên lâu quá rồi kẻ bám chặt chốn thị thành như tôi thiếu vắng. Tiếc là lúc cuối chiều không vào thăm được nhà lưu niệm thi sĩ Xuân Diệu, dù đã đến tận cổng vì người coi giữ đi vắng và trời đã tối, bạn bảo cũng chả mấy khi có khách phương xa về thăm nhà thơ, trừ mấy ngày giỗ tết. Giữa thời buổi cơm áo gạo tiền ồn ào thế này, yêu thơ và quý trọng thi nhân còn được mấy ai.
Nằm mãi ngủ chẳng được, trăng rọi vào cửa sổ, tắt đèn để ngắm trăng trọn vẹn, trở mình lắng nghe rì rào sóng và ri ro bản hòa tấu côn trùng. Cô bạn cùng lớp cũng khó ngủ quay sang thì thầm: Em nhớ nhà quá! Ừ phải, quê em có sông Mã đi vào thơ nhạc bao lâu nay còn gì. Còn tôi lại đang nhớ xa xăm ngày thơ bé chân trần chạy lơ ngơ triền sông Hồng nước đỏ lờ, bãi lở bãi bồi chênh vênh, hò hét khản giọng trò chơi trận giả. Trăng vẫn vằng vặc, tôi lơ mơ tiếng cười lũ trẻ con bờ ruộng hồi chiều, bản hợp âm cạp cạp của bầy vịt men đồng về chuồng, khói chiều ngút lên từ đôi mái nhà thấp, mũi tôi chật căng mùi đêm thanh mát.
Chỉ ghé quê bạn chút thôi, chưa kịp đi hết những nơi bạn kể hào hứng, tôi đi hẹn một ngày gần lại về Gò Bồi, lang thang khắp ngõ cùng làng, chào khắp những người chạm mặt, mơ mộng ngắm sông đêm thao thiết chảy về nơi cần đến. Mơ hồ mà gần gũi cho tôi chút cảm xúc này về Gò Bồi một lần đến và thương.
Gò Bồi, 12/11/2011
H.T.H
Bài viết hay, sinh động nhưng nền rực quá, đọc tức cả mắt em ơi!
Trả lờiXóaEm đi thăm một người bạn ở Gò Bồi và viết. cám ơn anh ghé nhà, lâu em đi học không chăm chút nhà cửa gì cả, hơi lạnh lẽo.
Trả lờiXóa