9.21.2011

Nhân vật nữ và bước tiến mới của một cây bút nữ.

Trọng Thu.

Nhân vật nữ và bước tiến mới của một cây bút nữ.

          Cũng là loại hình sáng tác văn học nhưng có một thực tế là người viết văn xuôi càng ngày càng ít. Người trẻ viết văn xuôi lại càng ít hơn. Thế nên cầm tập truyện ngắn: “ Những đứa con của buôn Nú”, tác giả Hoàng Thanh Hương, nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc ấn hành năm 2008, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Với một tác giả nữ chưa đầy ba mươi tuổi đã có đầu sách thứ ba, mà lại là một tập truyện ngắn, thì đây không chỉ là thành quả từ năng khiếu trời cho mà còn chứng tỏ một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, đầy ý thức trách nhiệm về công việc của mình.
          Nhân vật trong tập truyện ngắn “ Những đứa con của buôn Nú” hầu hết là nữ. Mỗi người có số phận, tâm trạng, hoàn cảnh khác nhau. Nhưng ở họ đều toát lên vẻ đẹp của lòng vị tha, nhân ái. Ngàn trong truyện ngắn “ Gió ngàn”, chỉ vì lý lịch không rõ ràng, không muốn ảnh hưởng tới cuộc đời sau này của người yêu mà dứt bỏ một mối tình đẹp. Ngọc, một cô gái yêu say đắm, đặt hết lòng tin vào người yêu nhưng khi bị phản bội, đã biết vượt qua nỗi đau để xây dựng một cuộc sống mới. H`Ban, một cô gái giàu lòng nhân ái sẵn sàng bao dung với người lầm lỡ nhưng biết hối cải hay H`Oanh một cô gái có tâm hồn trong sáng, yêu thương chồng thật lòng dù Tuyn- chồng cô mang tâm trạng tự ti, chán nản bởi “Nửa khuôn mặt phải để sẹo thâm, tay phải cụt nửa”...
Có thể nói ở các truyện, nhân vật nữ nào ta cũng bắt gặp phảng phất những điều tốt đẹp trong tâm hồn. Họ sống và chấp nhận mọi sự trở trêu của hoàn cảnh hay những thăng trầm của cuộc sống một cách khá nhẹ nhàng. Dường như điều bất hạnh, không may cũng là lẽ thường sẽ gặp, phải gặp trong cuộc đời mà thôi. Họ không quá hao tổn tâm trí, công sức bởi lẽ những con người này đều mang trong mình những yếu tố đẹp của người phụ nữ. Hơn nữa họ là người dân tộc thiểu số, lớn lên trong môi trường sống còn nhiều yếu tố nguyên sơ, chưa bị vẩn đục bởi sự tính toán so đo, chưa bị lối sống thực dụng làm tha hoá. Nhưng đã là cuộc sống thì ở đâu, dù vui sướng hạnh phúc đủ đầy đến mấy vẫn có những mối lo. Người phụ nữ ở đây cũng như vô vàn phụ nữ khác luôn có những mối lo của riêng mình: lo chồng làm việc vất vả, lo vun đắp hạnh phúc gia đình, lo con cái có môi trường sống tốt... Riêng bản thân họ vẫn giữ một nếp sống thật bình dị. Có lẽ nhờ miêu tả những con người thiên về các yếu tố đẹp mà giọng văn trong “ Những đứa con của buôn Nú” đã có nhiều đoạn chuyển tải khá tốt về vẻ đẹp trong sáng của đời sống cũng như tâm hồn con người: “ Suốt dọc đường về H`Oanh hát đi hát lại bài dân ca mà cô gái JRai nào cũng thuộc lòng khi đến tuổi cập kê. Tuyn chìm đắm trong những lời ca tha thiết, say đắm của vợ. Họ như bay trong thế giới của ánh trăng, của mùi hoa cỏ hăng hắc, ngầy ngậy, của gió, của hơi men, của ánh mắt lấp lánh, của hơi sương đầu xuân se se. Buôn Nú đẹp như trong cổ tích.” (Những đứa con của buôn Nú). Hoặc khi kể về nỗi đau mất vợ của Sum thì trong nỗi đau ấy vẫn toát lên một vẻ đẹp trong sáng, đượm buồn. Không biét có phải vì tác giả đã khéo léo đưa vào câu văn khá nhiều hình ảnh, khơi gợi ký ức không? :“Từ bé H`Panh đã mê màu hoa Pơ-lang. Cô hay tết hoa thành vòng đội lên đầu, đeo vào tay vào cổ nghiêng ngó ngắm bóng mình dưới nước. Cái rẫy nhà Sum có hai gốc Pơ-lang già, tháng ba hoa nở đỏ rực, bươm bướm bay đến dập dìu suốt mùa trông rất đẹp....”, “ Thằng Noi giựt tay cha thẽ thọt:
- Amí biết ama đang nói chuyện đấy, amí hoá thành bướm trắng bay về đấy.
- Ừ, ta cũng cảm thấy vậy. Amí đang bên chúng ta đây mà.
Nắng chiều đổ xuống hai tấm lưng một to một bé lúi húi trỉa bắp. Thỉnh thoảng vài bông hoa Pơ-lang bị gió dứt khỏi cành, rơi xuống chỗ hai cha con. Họ nhìn nhau giây lát rồi nhẹ nhàng nhặt bông hoa bỏ vào gùi” ( Mùa pơ-lang cuối cùng). Đây là một trong những điểm thành công của tập truyện ngắn.
Có lẽ thế mà khi gấp sách lại, chúng ta tin tưởng, hy vọng hơn vào tác giả trên con đường văn nghiệp còn dài.
                                                            Pleiku 12.2008
                                                                      T.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét