6.04.2020

“Mở mắt ngày đã trôi”
PHƯƠNG LINH
Tập truyện ngắn “Mở mắt ngày đã trôi” của nhà văn Hoàng Thanh Hương thuộc đề án Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam vừa mới ra mắt. Nhà văn đã tinh tế, ý nhị gửi gắm vào trong từng tác phẩm nhiều câu chuyện đời thường, giản dị, những mảnh đời nhỏ bé, đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ khao khát sống, mong cầu được yêu, được hạnh phúc.
Tập truyện ngắn “Mở mắt ngày đã trôi” tập hợp 17 truyện ngắn là những sáng tác được nhà văn Hoàng Thanh Hương-Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công tác Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) chắt lọc trong hàng trăm truyện ngắn của chị. Đọc từng mẩu truyện ngắn, người ta thường cảm thấy rất quen thuộc bởi từng nhân vật, từng hoàn cảnh đều là nguyên bản từ cuộc sống đời thường. Đó là xóm vũ phu với nhân vật điển hình tên Mãn đánh vợ như cơm bữa (truyện “Mở mắt ngày đã trôi”); là cô ca sĩ tên Chi khao khát một lần được yêu hết mình bởi “đời nàng chừng này tuổi mong có một thằng đàn ông mà lên trời nhưng chưa từng thấy. Toàn cái thứ yêu xôi thịt, yêu cái body nóng bỏng của nàng, giọn hát trời ban của nàng. Chúng vây quanh nàng, tán tỉnh, hứa hẹn rào đón nhưng nàng từ chối thẳng lừ là chúng quay lưng cái réc, có thằng còn huênh hoang đã từng là tình nhân của nàng” (truyện “Ngày bình thường trở lại”). Hay là người phụ nữ tìm lại được niềm tin vào tình yêu trong đêm giao thừa sau nhiều đổ vỡ trong “Điều ước”…
Truyện của Hoàng Thanh Hương không chứa đựng những vấn đề to tát, không có nhiều nút thắt căng thẳng mà thường rất nhẹ nhàng, thể hiện và hướng người đọc đến những suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời, đặc biệt là người phụ nữ. Nhà văn Hoàng Thanh Hương viết: “Quanh quẩn những chuyện đời sống va chạm kiểu tiền vay tiền nợ, nhà anh nhà tôi, ghen tuông bóng gió, tự ti tự ái chồng thấp vợ cao, con anh con tôi con chúng mình. Đời là chuỗi luẩn quẩn những chuyện ái ố hỉ nộ, dân xóm đa phần theo Phật mà ai cũng chẳng thể tĩnh tâm lâu bền” (truyện “Mở mắt này đã trôi”). Đôi khi, độc giả cũng bắt gặp những chiêm nghiệm tinh tế trong nhiều tác phẩm: “Cô đôi khi hoài nghi cái gọi là hạnh phúc. Cái na ná hạnh phúc nhiều vô số. Có bao người đàn bà chỉ gần hạnh phúc đã sung sướng thỏa thê. Số có được cái hạnh phúc gọi là ít ỏi. Đàn bà là hay tin những điều xa vời, hay có những tự hào hoang tưởng, để an ủi mình, để tin ngày mai sẽ tử tế hơn ngày hôm nay. Nhưng ngày hôm nay thì quá dài còn ngày mai thì hên xui” (truyện “Trở lại thành phố”).
Nói về cuốn sách lần này, nhà văn Hoàng Thanh Hương tâm sự: “Gia Lai là vùng đất tuy ko là nơi tôi sinh ra, nơi cắt rốn chôn rau nhưng là nơi tôi lớn lên, trưởng thành và lập nghiệp. Tôi nợ ân tình vùng đất đã cưu mang mình, chở che mình và cho tôi bao ưu ái. Từ đất và người Gia Lai, tôi đã viết thành từng câu chuyện nhỏ kể về những buôn làng nơi tôi đã qua, những con người tôi đã gặp, những vui buồn đổi thay của cuộc sống mỗi ngày của mỗi người ở những tầng lớp khác nhau với những số phận và khát vọng khác nhau nhưng đều mưu cầu bình an hạnh phúc. Từ những trang viết của mình tôi muốn giới thiệu một quê hương thứ hai đến bạn đọc gần xa và mong muốn con người lòng thành hướng thiện vì nhau”.
Nhà văn Hoàng Thanh Hương là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong đề án Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam thực hiện, cuốn sách “Mở mắt ngày đã trôi” vơi 17 truyện ngắn của nhà văn Hoàng Thanh Hương vinh dự nằm trong 1.500/2.500 công trình, nghiên cứu, tác phẩm được chắt lọc, tuyển chọn, biên tập và in thành sách. Chị bày tỏ: “Tôi rất vui và biết ơn khi được Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam chọn bản thảo để in, sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối khi chi ngân sách in và phát hành nhiều tác phẩm của các tác giả để bảo tồn và phát huy giá trị văn học nghệ thuật trong dân tộc thiểu số. Đây là sự quan tâm, khích lệ lớn để những tác giả là người dân tộc thiểu số như tôi thêm tự tin sáng tác về vùng đất và con người Gia Lai”.
P.L




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét