3.10.2017

    Điêu khắc gỗ dân gian trong kiến trúc nhà mồ của người Jrai ở Gia Lai
Hoàng Thanh Hương [1]

Cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, những năm qua mặt trái của cơ chế thị trường đã có những tác động nhất định khiến nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nguy cơ mai một. Điều thể hiện rõ nhất ở trên một số phương diện như: khả năng, tần số sử dụng ngôn ngữ giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, sử dụng trang phục truyền thống, làm nghề thủ công… Do vậy, nhiều nghi lễ, lễ tiết truyền thống, sinh hoạt dân ca, dân vũ, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian bị lãng quên trong đó có loại hình điêu khắc gỗ.
Người Jrai là dân tộc thiểu số có số dân đông nhất ở tỉnh Gia Lai: 425,187 người. [2] Đây là tộc người có quá trình phát triển lịch sử lâu dài. Ý thức cộng đồng của người Jrai hình thành khá sớm so với các dân tộc khác ở Tây Nguyên. Địa bàn cư trú của người Jrai chủ yếu nằm ở phía Tây, Nam của tỉnh, trên các dạng địa hình quan trọng, đặc biệt là những vùng đất màu mỡ thuộc cao nguyên Pleiku, thuộc các huyện Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, TP. Pleiku và lưu vực sông Ayun, Ia Pa, Ayn Pa.
Người Jrai sở hữu một nền điêu khắc dân gian độc đáo với lực lượng nghệ nhân tài hoa, họ là những “nghệ sĩ của buôn làng” và theo họ làm được tượng gỗ là do Yang (thần linh) cho khả năng. Người Jrai tạc tượng gỗ và sử dụng chúng với nhiều chức năng khác nhau như hiến tế trong tang ma, trang trí ngôi nhà chung của làng – nhà rông, làm đẹp ngôi nhà ở - nhà sàn. Bài viết này, người viết chỉ xin được đề cấp đến tượng gỗ với chức năng trang trí cho kiến trúc nhà mồ trong lễ bỏ mả – một nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời của người Jrai:
* Trang trí phục vụ tín ngưỡng tang ma
Người Jrai cũng giống như nhiều cư dân bản địa khác ở bắc Tây Nguyên chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng vạn vạt hữu linh. Họ tin rằng xung quanh con người luôn có nhiều vị thần (yang), các yang này bên họ, che chở, chi phối cuộc sống của họ từ lúc sinh ra cho đến khi chết. Hệ thống thần linh của người Jrai gồm nhiều thần như: yang  hma (thần ruộng nương), yang ktăn (thần sét), yang chứ (thần rừng núi), yang pên ia (thần bến nước), yang hri (thần lúa), yang pơ tao (vua), yang sang (thân nhà), yang ala bôn (thần làng)...[3].  Người Jrai tin rằng con người khi sống có linh hồn (bơngắt), khi chết linh hồn biến thành ma (atâu). “Atâu cũng có buôn làng, nhà cửa, cũng cần được ăn uống sinh hoạt như trên trần gian, nên nguồi sống phải chia của cho người chết”[4]. Với niềm tin đó, người chết sẽ được chia của cải gồm nhiều thứ như: đồ dùng cá nhân, gia súc gia cầm, ché ghè, tượng gỗ... người sống tin người chết sẽ mang theo những đồ đạc của cải được chia đó về làng ma. Người Jrai có tục chôn chung nên nên tang lễ khá phức tạp. Khi ngôi mộ chung đã đầy, cao thành mô đất lớn dòng họ mới làm lễ bỏ mả. Lễ bỏ mả thường được tổ chức vào từ tháng 11 đến hết tháng 4 dương lịch hàng năm khi mùa màng đã thu hoạch xong và dân làng đang thư nhàn. Lớn mới đập trâu, bò. Trâu, bò bị cột vào cây gạo (hlang) được chôn sâu ở đầu mộ, cây này sau bám đất sống vươn thành cây lớn, đây là cách đánh dấu mộ của người thân của người Jrai và ước nguyện mong người thân luôn tồn tại mãi. Trước lễ bỏ mả một tuần hoặc lâu hơn, người nhà những người chết nhờ những người biết tạc tượng trong làng tạc tượng để dựng quanh nhà mồ. Nghệ nhân Ksor Brôh ở xã Ia Ka huyện Chư Păh nói đó là tục lệ của người Jrai, ai biết tạc là tự đến giúp, tạc tượng là nghề của đàn ông, họ rủ nhau vào rừng lấy gỗ, kéo về tạc tại khu nhà mồ của làng, những tượng như nam nữ để lộ bộ phận sinh dục, nam nữ giao hoan thì tạc giấu ở trong rừng, không cho ai biết vì ngại dân làng chê cười. Phải là các nghệ nhân khéo tay mới tạc đẹp những tượng này và tượng đó luôn làm dân làng thích thú cười nghiêng ngả khi chiêm ngưỡng lúc được dựng lên hai bên nhà mồ. Tượng gỗ là sản phẩm không thể thiếu trong những lễ bỏ mả lớn của người Jrai. Hiện nay tại làng Kép Ping 1, 2 ở xã Ia Mơ Nông vẫn còn một số ngôi mộ chung có trang trí nhiều tượng gỗ xung quanh rất có hồn, đủ kiểu dáng và nhóm tượng với độ cao trung bình 90cm đến 1m7 không tính chân đế. Đầu năm 2015, có một lễ bỏ mả lớn diễn ra ở đây, đập 17 trâu bò và thu hút dân nhiều làng khắp vùng có liên quan đến dòng họ bỏ mả về tham gia. Tháng 3 năm 2016, cũng có một lễ bỏ mả tại đây đập 12 trâu bò, bỏ mả cho 10 người cùng dòng họ thu hút một vài đoàn khách du lịch về tham dự. Tại xã Ia Kly huyện Chư Prông hiện đang còn một số khu nhà mồ trang trí tượng gỗ xung quanh cùng các cột klao, kut cao 4m - 6m thẳng vút lên trời với nhiều nét chạm khắc tinh tế hình mặt trăng, chiếc lá, nụ hoa chuối, chim, cá. Tượng gỗ trang trí ở kiến trúc nhà mồ gọi là (nga rụp). Xung quang nhà mồ là một hệ thống tượng với đủ loại: đàn ông đàn bà, tượng mẹ bồng con, địu con, cồng con, bà cháu, tượng khỏa thân, ân ái, có cả tượng y tá, cô giáo, chú bộ đội, công an, tượng khỉ, tựng quả bầu, tượng chim cú, chim công, tượng voi (Chư Păh, Chư Prông, Ia Pa, Krông Pa) cầu thủ bóng đá, đôi nam nữ khiêu vũ, đôi tình nhân chở nhau bằng xe máy như ở (Krông Pa), tượng ngà voi, rau dớn, khối tròn giống chiếc thớt của người Kinh, nồi bung, búp chuối, trái bầu là những tượng thường gặp ở hầu khắp các nhà mồ ở các huyện có người Jrai Hdrung sinh sống như làng Ốp, P. Hoa Lư,  làng Choét 1, P. Thắng Lợi - TP. Pleiku,  làng Sơr xã Biển Hồ, làng Klă, xã Ia Kly huyện Chư Prông... Với những nét biểu cảm buồn thương, vui nhộn, khắc khổ, tư lự, xa xăm... hệ thống tượng gỗ dân gian trang trí khu vực nhà mồ đã để lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ cho người xem về kiếp nhân sinh. Từ những khối gỗ tròn, nghệ nhân của làng đã tạo nên các đường nét, hình thù, sắc thái vô cùng sống động và hấp dẫn người chiêm ngưỡng qua từng nét vạt, khắc, đục, đẽo thô sơ song không kém phần tinh tế. Qua từng bức tượng mồ nơi những khu nhà mồ của các buôn làng Jrai, chúng ta thấy rõ sự phát triển từng bước của một nền điêu khắc dân gian của người DTTS ở Gia Lai. Và khi được trang trí ở kiến trúc nhà mồ nó thực hiện sứ mệnh làm đẹp cho khu nghĩa địa của làng, cho ngôi mộ của người chết, thay người sống về cõi ma phục vụ người chết, tất cả các loại tượng người, thú, đồ vật, các cột trang trí điêu khắc xung quanh rào, trong nhà mồ đều là sản phẩm của người sống làm tặng cho người chết với tất cả sự trân trọng, thương mến, sự chia sẻ bình đẳng mang rõ tâm thức sống sao chết vậy. Những tượng gỗ lúc này có giá trị là những hình bóng thay thế người sống về làng ma cùng hồn ma bầu bạn, để người chết vui vẻ hạnh phúc đủ đầy, bằng lòng với những gì mình được quan tâm, được chia phần mà không về quấy phá người đang sống. Với ý ngĩa ấy, từng nhóm tượng người, thú, đồ vật và kể cả nhóm tượng mang yếu tố hiện đại đều thể hiện rõ chức năng phục vụ tín ngưỡng tang ma của người Jrai.
Thành tố nghệ thuật tạo nên không gian lễ bỏ mả
“Đối với các dân tộc Tây Nguyên như Jrai, Ê đê, Bahnar chết không phải là hết mà là sự tiếp tục cuộc sống khác để rồi sẽ trở lại làm người. Cuộc sống của con người theo quan niệm của người Tây Nguyên, dù trải qua các dạng tồn tại khác nhau, luôn luôn là trường tồn chứ không tan biến thành các hồn ma bóng quỷ dữ dằn. Cho nên, nhà mồ và lễ bỏ mả của người Tây Nguyên là biểu tượng của đề cao sự bất diệt của cuộc sống con người” [5].
Do đó kiến trúc nhà mồ và hệ thống tượng gỗ nghệ thuật mang tính nhân văn sâu sắc, tuy ngôi nhà không lớn nhưng các yếu tố phụ như các tượng gỗ, các cột trang trí cao thấp khác nhau bên trong, xung quanh nhà mồ, những băng chạm khắc tô vẽ trên các nẹp, mái, nóc lại là sự phối hợp tinh tế sáng tạo làm nên vẻ đẹp độc đáo cho tổng thể kiến trúc ngôi nhà. Tượng gỗ và các cột gỗ cùng những điêu khắc trang trí cho ngôi nhà mồ là một thành tố nghệ thuật không thể phủ nhận trong việc sáng tạo nên một tác phẩm kiến trúc hoàn hảo phục vụ cho cả người sống và người chết tại cùng một thời điểm: Lễ bỏ mả. Song do chức năng và mục đích thiết kế, sáng tạo, thực hiện tổ chức nghi lễ mang tính tạm thời chỉ phục vụ 7- 10 ngày cho lễ (trước đây), 1-3 ngày (hiện tại) nên những công trình kiến trúc và tác phẩm điêu khắc gỗ này với chất liệu dễ hư hỏng sẽ không thể tồn tại lâu cùng thời gian mưa nắng khắc nghiệt của vùng đất đỏ cao nguyên. Tuổi đời già nhất của một kiến trúc nhà mồ cũng chỉ 15-20 năm trở lại nếu nó được dựng bằng các loại gỗ, lá, dây chằng tốt, thế nên khó có thể tìm được lớp tượng cổ trong kho tàng tượng gỗ dân gian Tây Nguyên.
Trong kiến trúc nhà mồ, các trang trí điêu khắc gỗ xuất sắc nhất tập trung ở các tượng gỗ bao quanh ngôi nhà. Khi sáng tạo tượng nghệ nhân đều lấy chuẩn mực từ kích thước con người. “Tượng không cao quá một sải tay và không ngắn dưới một gang... Hầu như không có bộ phận trang trí nào ở nhà mồ có chiều cao quá một sải tức là quá tầm óc con người” [6]. Tuy nhiên để tăng chiều cao cho tượng người Jrai đã thông minh dùng kĩ thuật lắp ghép chắp nối chân đế cho tượng, hoặc trang trí nhiều hình vẽ, chạm khắc liên tục trên các thân gỗ dài để tạo cảm giác tầm vóc hoành tráng cho tác phẩm. Vậy nên không ngạc nhiên gì khi nghệ nhân dân gian Jrai có thể làm những cột trang cúng cao vút hàng đến 3-5m, hay các cột kut, klao cao 5-6m, cùng nhiều tua rua bằng vải, lạt bện lơ lửng phấp phới giữa trời xanh. Hiện tại một số khu nhà mồ ở các làng thuộc xã Ia Kly, Ia Bang, Ia Phìn huyện Chư Prông, làng Choet 2, P. Thắng Lợi - TP. Pleiku, các làng thuộc xã Ia Mnông, Ia Ly, Ia Ka huyện Chư Păh, xã Ia Broái, Chư Mố, Ia Kdăm huyện Ia Pa đang còn những cột trang trí này.
Tùy theo chất gỗ mà người Jrai sử dụng chúng để trang trí ngôi nhà mồ, gỗ cứng, tốt dùng làm cột kèo, đẽo các loại tượng người đôi (cha cõng con, bà cồng cháu, nam nữ ân ái, mẹ ôm con), cột trang trí rào bảo vệ nhà mồ (gỗ hương, mít, dổi đen, cẩm lai, gụ, bồ kết, chôm chôm rừng, lác, đầm ...) các loại gỗ mềm như gòn, vông để làm những chạm khắc nhỏ treo trên các cột kut, klao hay làm các thú nhỏ trang trí điểm xuyết quanh nhà mồ. Hiện tại các nghệ nhân thường sử dụng gỗ mít, gỗ muồng đen, xoài, chôm chôm, kà chít, bồ kết để tạc tượng gỗ khi có lễ bỏ mả vì rừng đã do Nhà nước quản lý, khó có thể vào lấy gỗ về tạc tượng cũng như dùng cho các nhu cầu sinh hoạt khác của đời sống nên nghệ nhân dùng gỗ lâu năm trong vườn, trong làng, nơi các làng lân cận để làm nguyên liệu sáng tạo. Tượng gỗ và một số cột được trang trí bằng điêu khắc gỗ trong nhà mồ của người Jrai đã khẳng định được chức năng là thành tố nghệ thuật tạo thành lễ bỏ mả, góp phần tạo nên một môi trường tế lễ linh thiêng trong nghi lễ cuối cùng, quan trọng của vòng đời người Jrai.
Phản ánh đời sống của người chết
Lễ hội lớn nhất của người Jrai nói riêng và một số dân tộc bắc Tây Nguyên đó chính là: Lễ bỏ mả. Theo nghệ nhân Nay Thoach TT. Nhơn Hòa - Chư Pưh, hàng năm làng có gia đình, dòng họ tổ chức bỏ mả, người làng biết dựng nhà mồ, tạc tượng được gia chủ mời đến nhà nhờ giúp. Những người đàn ông khéo tay đó phải vào rừng lấy gỗ làm nhà mồ và làm tượng trước nửa tháng. Gia đình, dòng họ tổ chức lễ bỏ mả sẽ làm lễ cúng xin yang  rừng, yang làng cho những người này đi/về khỏe mạnh, làm nhiều tượng đẹp cho hồn ma. Theo TS. Nguyễn Thị Kim Vân thì “Lễ bỏ mả giết trâu thì nhà mồ to, có nhiều tượng, cột trang trí đẹp, nếu chỉ giết bò thì số lượng tượng và cột trang trí sẽ ít đi, nếu gia chủ chỉ giết heo trong lễ bỏ mả thì nhà mả sẽ không có tượng. Theo quan niệm của người Jrai, những nhà mồ có cột kút (kut klâo) ở giữa hay còn gọi là nhà mồ kút (bơxát kút) chỉ được dựng khi lễ bỏ mả ấy có giết trâu”[7].
Với niềm tin ở làng ma (mang lung) hồn ma cũng sinh hoạt như trên cõi trần gian nên khi nên trước lễ bỏ mả gia đình, dòng họ người chết đã tập trung huy động sức người, sức của để làm nhà mồ đẹp, tạc nhiều tượng đẹp, trang trí các cột kút, klao dựng ở hai đầu nóc nhà mồ thật sinh động, làm những rối gỗ, mặt nạ, cột giàn cúng tế (pơ nang), giết trâu, bò cúng hồn ma, khấn và đánh cồng chiêng, múa bài tiễn hồn ma (điệu múa dungdai)... Sau lễ bỏ mả, toàn bộ nhà mả cùng đồ tế lễ, chia của bị bỏ không chăm sóc, dần bị quên lãng theo thời gian mưa nắng. Người sống tin rằng linh hồn người chết sẽ sử dụng toàn bộ những nhà mồ, tượng gỗ và mọi của cải được chia ở thế giới bên kia một cách bằng lòng, vui vẻ. Toàn bộ sản phẩm kiến trúc điêu khắc tại khu nhà mồ đó chính là sự tái hiện một cách sinh động theo trí tưởng tượng của người sống về thế giới người chết ở làng ma với đầy đủ mọi thứ vật chất như khi hồn ma còn sống, và những tượng gỗ đứng ngồi xung quanh nhà mồ với đủ kiểu dáng, sắc thái biểu cảm chính là những hình ảnh bè bạn, người thân thay thế người sống làm nhiệm vụ bảo vệ, chia sẻ buồn/vui với người chết ở cõi ma với mục đích cuối cùng là để người chết thanh thản theo tổ tiên ông bà về cõi mang lung.
Có thể nói rằng, những tượng gỗ dân gian được nghệ nhân tạc và trang trí tại kiến trúc nhà mồ cơ bản để phục vụ tín ngưỡng tang ma, từ mỗi thân tượng với đủ dáng vẻ biểu cảm đã thể hiện rõ nét nhất sự gửi gắm tình cảm thương tiếc và quan tâm đến người đã chết của người đang sống theo tín ngưỡng dân gian đa thần. Kiến trúc nhà mồ cùng hệ thống tượng gỗ dân gian bao quanh nó và những nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, soang, khấn, múa rối, ẩm thực được thể hiện trong lễ bỏ mả thực sự là nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân tộc Jrai ở Gia Lai cần được bảo tồn và phát huy.


TLTK:
[1] Thạc sĩ ngữ văn, PGĐ Bảo tàng tỉnh Gia Lai
[2] Báo cáo tổng hợp hộ và khẩu nghèo, cận nghèo theo dân tộc của Ban dân tộc tỉnh Gia Lai 2015..
[3]  Đặng Nghiêm Vạn chủ biên (1981), Các dân tộc thiểu số Gia Lai –Kon Tum, NXB Khoa học –Xã hội, tr 96, 97.
4] Nguyễn Thị Kim Vân (2013), Tín ngưỡng và tôn giáo dân tộc Bahnar, Jrai, NXB Văn hóa Dân tộc, tr86.
[5] Ngô Văn Doanh (1993), Nhà mồ và tượng mồ Giarai, Bơhnar, Sở văn hóa thông tin và Thể thao tỉnh Gia Lai, tr82.
[6] Ngô Văn Doanh (1993), Nhà mồ và tượng mồ Giarai, Bơhnar, Sở văn hóa thông tin và Thể thao tỉnh Gia Lai, tr84,85.
[7] Nguyễn Thị Kim Vân (2015), Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến nay, phần thứ Nhất, Sở VHTTDL Gia Lai, tr 71.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét