4.12.2016





Như trăng lơ lửng giữa trời…
(Đọc “Phía trước là bầu trời” – tập truyện ngắn Hoàng Thanh Hương,
NXB Quân đội nhân dân, năm 2015)
Hà Công Trường - BTV Tạp chí văn nghệ Gia Lai
Tập truyện ngắn “Phía trước là bầu trời” của Hoàng Thanh Hương lấy hiện thực làm chất liệu để phản chiếu vào góc khuất, vào những mảnh đời trong xã hội, để “khai quật” lên những mảnh ghép đời bị bỏ quên trong thế giới người xô bồ. Mạnh mẽ, táo bạo, gai góc mà đa sầu, đa cảm và cũng đầy nữ tính nên những nhân vật trong sáng tác của chị cho ta cảm giác quen thuộc như vừa gặp họ hôm qua bên ly cà phê hay đó là chị, là đồng nghiệp hoặc một ta trong vô vàn ta của xã hội này. 13 truyện ngắn là 13 thế giới với mỗi số phận khác nhau đan xen bởi rối ren đời mà ở đó sướng/khổ, cô đơn/hạnh phúc… được tác giả bóc tách tỉ mỉ. Người đọc như được trải nghiệm việc bóc tách từng lớp vỏ “củ hành” qua 13 mảnh đời của “Phía trước là bầu trời” để rồi nhận ra “nước mắt rơi tự bao giờ” bởi sau một gia đình tưởng chừng hạnh phúc là sự khổ đau dằn vặt khôn nguôi,… và sau những gì con chữ hiển hiện là cả một thế giới tâm hồn đằm sâu của số phận.
Hoàng Thanh Hương cũng như những cây bút văn xuôi nữ khác luôn dành sự “ưu ái” để nói về giới mình, đó là những người đàn bà bất hạnh, khổ đau trong tình yêu, cuộc sống. Những nhân vật của chị va chạm nhau trong sự trói buộc của xã hội, của số phận. Đó là “Nàng” trong “Hợp đồng thuê đẻ” từ bản hợp đồng thuê đẻ đã đem lòng yêu thương thật sự người đàn ông tên S, từ mang thai để nhận tiền đến ước mơ, khát khao cháy bỏng cái thiên chức được làm mẹ, mà quan trọng hơn được có con với người mình yêu. “Bây giờ nàng phát hiện mình thèm có con với anh, thèm vô cùng. Không sợ cháo, sữa, bột, bỉm khai mù, không sợ cơ thể vỡ nở tung tóe, bụng vú rạn sệ nữa” (Hợp đồng thuê đẻ, tr.37). Cùng cảnh ngộ với “Nàng” có “Cô” trong “Cơn mưa không dừng lại” khi “cô thèm đến lồng lộn một đứa con quẫy đạp trong vòm bụng”. Nhưng ước mơ tưởng gần gụi ấy trở nên xa vời với người phụ nữ như cô “cô gần như mất trí khi dòng kinh đỏ bầm tuôn xuống bệ cầu, cô tức tối vứt tung tất cả những thứ có trước mặt, gầm gừ như bị điên, đập đầu vào tường đến chảy máu, cài chặt cửa buồng ngồi khóc uất ức mặc tiếng anh đập cửa nài nỉ dỗ dành” (Cơn mưa không dừng lại, tr.46). Ước mơ tưởng như đã nằm trong thiên chức của phái nữ lại trở nên xa vời, mong manh với họ. Tác giả bằng sự nhạy cảm, bằng sự tinh tế đã bóc tách những lớp vỏ ẩn sâu trong những người đàn bà cá biệt, mạnh mẽ để người đọc nhìn được, cảm được cái cô đơn, cái lẻ loi, cái khát vọng đến cháy bỏng của họ - khát vọng tình yêu, gia đình và cả những đứa con.
Xuyên suốt cả tập truyện “Phía trước là bầu trời” là những người đàn bà – họ khác nhau về hoàn cảnh sống nhưng giống nhau ở đức hi sinh, lòng vị tha và cả khát khao cháy hết mình cho tình yêu, cho hạnh phúc. Ta gặp Nhi trong “Phía trước là bầu trời”, Sâm trong “Sau bình minh là em”, Huệ trong “Cơn mưa không dừng lại”, vợ S trong “Hợp đồng đẻ thuê”...v.v. Ở họ đều có những nỗi đau giấu kín, đó là sự đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình, là khát khao muốn được yêu thương, được ghì nén vào trong những cái ôm cồn cào mang tên “Hạnh phúc”. Nhà văn chưa thực sự đi sâu vào việc thể hiện nội tâm của nhân vật nhưng tự bản thân nhân vật đã thể hiện điều đó. Những dằn vặt, những giọt nước mắt lăn dài của Huệ khi bồng con mình khiến ta không cầm được nước mắt… Có đau đớn nào hơn, xa xót nào hơn và ám ảnh nào hơn khi tiếng nựng con đầy yêu thương, hờn tủi của Huệ buột ra tự nhiên đến xé lòng “Cu chó ghét quá, biết lạ cơ đấy. Tôi bồng tý rồi tôi phải đi, chắc cả năm nữa mới gặp, thế mà lẫy à, hư à?” (Cơn mưa không dừng lại, tr.52). Hoàng Thanh Hương bằng sự tinh tế, bằng cái cúi nhìn quan tâm về những góc khuất đã “sống” vào trong chính nhân vật của mình, cho nhân vật của mình một điểm tựa để “vin vào mà đứng dậy” trước bao sóng gió, cay đắng nghiệt ngã của xã hội hiện đại. Những người đàn bà ngác ngơ, đi kể chuyện riêng tư của đời mình mà chung cho “một nửa thế giới”, những người đàn bà đi tìm hạnh phúc mà hạnh phúc cứ vời xa không thể nào nắm bắt. Đó là “Chị” trong “Khi yêu” và Ả trong “Chuyện nhỏ nhặt” – họ ngỡ đã tìm được tình yêu nhưng rồi lại mất đi hoặc chơi vơi trong tình yêu ngộ nhận, trốn chạy cô đơn bằng hôn nhân không tình yêu…
Nhà văn “ưu ái” cho giới mình nhưng nếu bảo chị đang lên tiếng để bảo vệ nữ quyền thì chưa chắc. Bởi thế giới nhân vật của tác giả như một lát cắt đi qua xã hội hoặc có lẽ nhà văn đã bê nguyên xi những gì ngoài đời thật đó vào trong sáng tác của mình, khiến đọc xong ta cứ ngờ ngợ đã gặp “Cô”, “Chị”, “Ả”, “Nàng” đâu đó hôm qua, hôm nay và ngay trước mặt khi gấp sách lại. Bằng sự từng trải của “người đàn bà qua hai lần lửa”, tác giả buông tiếng thở dài đồng cảm cho “Nàng” trong “Bóng” với chuyến đi của linh hồn “dạo qua quỷ môn quan” để sống lại với tình yêu đích thực của mình – thứ tình yêu vụng trộm, tội lỗi nhưng đam mê, cuồng say… “Thị” trong “Giới hạn” với những trận đòn ám ảnh từ chồng, với những vẩn vơ trong tâm hồn những suy tư, dằn vặt, nửa buông bỏ, nửa cam chịu, nửa chẳng đặng đừng. Giới hạn – như một câu hỏi, như một câu trả lời nó như một làn ranh giới nhỏ mỏng manh mà tác giả và nhân vật của mình không đủ dũng cảm để bước qua, để chấm dứt. Chị đã có một “Giới hạn” với nút thắt chưa được mở, với một cái kết dở dang để cho độc giả suy ngẫm, suy diễn… tặc lưỡi.
Phía trước là bầu trời” – đứa con tinh thần thứ 5 này của nhà văn nữ tuổi 37 có nhiều trường đoạn sex, có thể nói không ngoa rằng sau nhân vật nữ thì sex cũng là chất liệu xuyên suốt toàn bộ tuyển tập. Kiểu viết của chị đôi khi vụn vặt, đầy cảnh yêu đương với “dưa cà, mắm muối” nhưng không dễ dãi vì thế văn chị dễ đọc, dễ hiểu, dễ thấm. Là phụ nữ, tác giả luôn hướng bạn đọc đến những nỗi đau của đàn bà và tính nhân bản sau mỗi “cánh đồng chữ” mình gieo.
Viết về sex không còn là cái gì ghê gớm nữa mà nó như chất xúc tác để tác giả và nhân vật của mình “phiêu” theo cảm xúc. Nhiều cuộc tranh luận về sex nhiều ý kiến về nó nhưng theo thời gian và sự du nhập của “giao thoa” văn hóa – sex đi vào văn chương như một yếu tố nghệ thuật, yếu tố truyền cảm hứng, chuyển tải những ẩn ức thầm kín trong chiều sâu tâm hồn. Viết sex dễ mà khó bởi chỉ một không gian, một vài từ ngữ không đúng chỗ nó sẽ trở nên dung tục. Chính vì vậy viết sex đòi hỏi cao không chỉ ở “tài” mà còn ở “nghệ” nếu làm được điều này nó sẽ góp phần đưa trí tưởng tượng của độc giả đến những ý nghĩa nhân văn trong từng động tác, từng biểu tượng giới. Hoàng Thanh Hương viết truyện với nhiều yếu tố tính dục, nhiều chi tiết sex nhưng chị chỉ mới chú trọng vào “chuyện” nhiều hơn “văn”. Có thể kể đến “Nàng chẳng để anh nói nhiều, ghì lấy vai anh siết chặt. Sông đêm ấy se lạnh, bãi cỏ mềm ướt hơi sương, chiếc áo mưa sột soạt, xô lệch nhàu nhĩ dưới sự say mê của hai người đang yêu…” (Mùa sông hát, tr.139) hay “Ả cong cuốn bỏng cháy trong vòng tay tôi mơn siết điên cuồng, hờn ghen, nuối tiếc, tuyệt vọng. Tôi cắn làn vai ả, ả cào xước hông tôi” (Chuyện nhỏ nhặt, tr.101). Tình dục khi thoát khỏi “vùng cấm” của văn chương truyền thống tạo nên một sự thay đổi lớn trong sự tiếp cận “bản ngã” con người. Yếu tố sex trong giọng văn của Hoàng Thanh Hương được miêu tả như một niềm khát khao, mong mỏi, sự tự nguyện dâng hiến xuất phát từ tình yêu, từ đòi hỏi chính đáng của bản năng sinh lý bị kiềm thúc bởi đạo đức xã hội. Sex trong văn của chị chỉ dừng lại ở mức độ “bề ngoài” nghĩa là chỉ mới diễn tả được màu xanh của lá nhưng không chạm được sức sống, tâm hồn vẻ đẹp của lá… Đó cũng là cái thiếu, cái “chưa được” của nhiều cây bút viết về sex  chứ không riêng gì Hoàng Thanh Hương bởi chưa ai vượt qua được sự “kìm hãm” của chính bản thân mình. Họ chỉ đi men bên bờ của dòng sông mà không dám một lần đặt chân xuống dòng nước, không dám đi ngược dòng, kiểu đi e ngại ấy sao biết nước mạnh, nông, sâu. “Phía trước là bầu trời” của chị, tạm xem như một sự thể nghiệm ở hướng đi, hướng tiếp cận nội tâm nhân vật mới nếu như vậy thì tuyển tập đã khá thành công - thành công ở sự nhuần nhuyễn trong “gợi tả”, trong việc hướng bạn đọc liên tưởng…  
Hoàng Thanh Hương trong tuyển tập lần này ngoài việc đồng cảm, còn góp tiếng nói phê phán lối sống thực dụng và sự xuống cấp của những giá trị đạo đức (dượng cưỡng hiếp con gái của vợ - Chuyện nhỏ nhặt), những tệ nạn xã hội (mại dâm, lọc lừa, tham ô, hối lộ và trụy lạc của một số quan chức…), tác giả còn lồng ghép báo chí vào trong chất truyện. Những tác phẩm này không nhiều và được nhiều người thử nghiệm thành công (nhà văn Thuận), qua đó tác giả có một cách nhìn thẳng thắn, mạnh dạn, một thái độ nhập cuộc trước những vấn đề nóng bỏng của thực tế… Ta gặp Hương “gặp chất Thuận” trong “Sau bình minh là em”, “Mùa sông hát” hay “Nơi rừng lặng gió”… Chất báo chí trong sáng tác của chị thể hiện ở cách miêu tả gãy gọn, tính sự kiện người thật việc thật được đan cài bởi những hư cấu “có ý đồ” tạo nên “gia vị” cho tác phẩm.
13 truyện ngắn, 13 không thời gian với giọng văn nhẹ nhàng không “lên gân”, nhà văn Hoàng Thanh Hương đưa đến cho bạn đọc những góc khuất của cuộc sống hiện thực, những mảnh đời, những người đàn bà chịu thương, chịu khó với khát khao tìm kiếm hạnh phúc, tình yêu.
Còn nhiều điều chưa hài lòng về “Phía trước là bầu trời” còn đó những cái lắc đầu luyến tiếc, còn nhiều điều “giá như” dành cho tác giả… Nhưng như tiêu đề của tập truyện để độc giả hi vọng vào chị - một nữ tác giả trẻ của vùng đất Tây Nguyên hào phóng nắng gió, mênh mông núi đồi, ghềnh thác... vào phía trước… vào một bầu trời đầy sáng tạo… trên miệt mài cánh đồng chữ của tác giả và đồng nghiệp… Hy vọng, chờ đợi… như trăng lơ lửng giữa trời…
HCT

                                                       



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét