5.04.2014

     Nhà văn Nguyễn Thế Hùng báo Văn nghệ Công an phỏng vấn mình. Anh í hỏi sao mình trả lời vậy. Vụng về & chân thành thôi.

 












Cần am tường văn hóa dân tộc để làm nên tác  phẩm hay       

PV: Hình như xuất phát điểm ban đầu của chị là là thơ, bây giờ thì viết cả văn xuôi và nghe đâu chị còn định ra mắt tập tiểu thuyết đầu tay. Đang làm BTV ở Tạp chí Văn nghệ Gia Lai sao chị lại bỏ ngang, nhảy phắt sang ngành khác. Hay chị quá áp lực khi làm nghệ thuật chuyên nghiệp?


HTH: Tôi đến với nghề viết bằng những bài thơ vụng về hồi còn sinh viên văn khoa, theo thời gian cứng cỏi dần vừa bằng sự nỗ lực nghiêm túc của bản thân vừa có sự dắt dìu tận tình của các nhà thơ đi trước như Chử Anh Đào, Văn Công Hùng, Phạm Đức Long, Thu Loan. Họ đã khuyến khích và cũng thật nghiêm khắc để tôi dần “chín”. Ba năm gần đây, tôi viết truyện ngắn nhưng tự thấy không hài lòng với bản thân lắm ở thể loại này, tiểu thuyết thì chưa nghĩ sẽ thử sức, khát vọng và năng lực là hai vấn đề khác nhau. Tôi đang làm BTV Tạp chí Văn nghệ Gia Lai thì có sự điều chuyển công tác sang ngành văn hóa, giờ thì tôi là cán bộ bảo tàng thuộc Sở VH,TT&DL Gia Lai. Công việc mới khá phù hợp với với năng lực và cá tính của tôi nên tôi thích nó. Về đơn vị công tác mới, tôi vẫn viết đều, điều này chứng tỏ một điều rằng làm văn học nghệ thuật tính chuyên nghiệp chỉ một phần nằm ở môi trường làm việc thôi còn cơ bản vẫn nằm trong ý thức làm việc chuyên nghiệp của cá nhân người viết anh ạ.


PV: Là một nhà văn dân tộc thiểu số, lại sống ở vùng Tây Nguyên, chị cho một vài nhận xét về các nhà văn dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và mảng VHNT dân tộc thiểu số (về đội ngũ nhà văn, nhà thơ người DTTS, người làm nghệ thuật...)


HTH: Tây Nguyên có một đội ngũ không đông người làm VHNT là người dân tộc thiểu số, những gương mặt nổi bật xuất hiện chủ yếu ở các chuyên ngành biểu diễn, âm nhạc, múa. Hội họa và văn học thì thưa thớt hơn, người viết trẻ càng không nhiều. Nổi bật thì chỉ có Niê Thanh Mai, H’Trem Knul (ĐăK Lăk) Y Việt Sa (Kon Tum), Ksor Bito (Gia Lai). Có thể nhận rõ một điều rằng từ trước tới nay đời sống đồng bào dân tộc còn nhiều thiếu thốn, nên ngay cả những trí thức, học sinh, sinh viên người dân tộc dù rất có năng khiếu văn học nghệ thuật họ cũng không muốn chọn văn chương nghệ thuật làm con đường chính đi suốt cuộc đời mình. Bên cạnh những tác giả là người dân tộc địa phương còn có một lớp tác giả đến từ những đất khác của mọi miền Tổ quốc, họ coi đây là quê hương thứ hai và sáng tác trên nền văn hóa bản địa mà họ được trải nghiệm, lớp tác giả này trẻ, già đều có ít nhiều thành công nhưng đỉnh cao thì chưa thấy.


PV: Có một thực tế và không ít người đã kêu ca là học sinh bây giờ không thích học văn và không thích cả đọc sách văn học, chị thấy điều ấy có đúng? Và chị và những người viết văn có lỗi gì trong vấn đề này?


HTH: Đó là một thực tế buồn, học trò không thích học văn, không thích chọn các ngành học xã hội để thi đại học, chúng ít quan quan đến sách văn học. Tôi có từng hỏi các cháu lý do và các cháu chẳng ngại ngần trả lời rằng vì một số thầy cô dạy “chán xừ”, chọn ngành học xã hội ra trường khó xin việc, khó giàu như các ngành viễn thông, ngân hàng, kinh tế... còn sách văn thì thì thời gian đâu mà đọc khi lịch học thêm dày sít, rảnh thì đã có điện thoại, facebook, các kiểu giải trí trên internet, nếu đọc tranh thủ đọc truyện tranh nước ngoài hình ảnh đẹp, lời thoại teen... Thực tế là nhận thức của thế hệ đã thay đổi theo sự phát triển bùng nổ thông tin của thời đại @, khi thời gian là vàng bạc đối với từng người để phấn đấu cho lợi ích cá nhân, khi sự kết nối giữa con người rời rạc hơn vì vô vàn những lo toan & hưởng thụ khác, không phải người viết hôm nay không có tác phẩm hay đâu mà vấn đề sở thích, tâm lý đọc của độc giả đã bị thay đổi bị chi phối bởi quá nhiều điều mà tôi đã nói trên.


PV:Tôi nhớ có ai đó đã từng khuyên là nếu anh muốn làm nhà văn, ít nhất anh phải biết được một ngọai ngữ, nhưng cũng có người lại nói, tôi viết tiếng dân tộc tôi và cho nhân dân tôi đọc, tôi đến tận cùng dân tộc thì sẽ gặp nhân loại, tôi chả cần gì ngoại ngữ cả. Chị có biết tiếng Anh và là một nhà văn quan điểm của chị về vấn đề trên thế nào?


HTH: Biết và rành thêm một ngoại ngữ là biết thêm một nền văn hóa, văn hóa là nền tảng của mọi vấn đề. Người viết có văn hóa sẽ sáng tạo những tác phẩm chất hơn, đáng đọc hơn. Tôi nghĩ, việc học thêm ngoại ngữ là ý thức của riêng từng cá nhân, nếu có thêm một ngoại ngữ sẽ có thể mở rộng tầm nhìn hơn ra thế giới văn chương quốc tế, cơ hội giao lưu tiếp xúc và tự quảng bá tác phẩm của mình, của đồng nghiệp đến độc giả thế giới nhanh, hiệu quả hơn. Nhưng nói gì thì nói sự am tường văn hóa dân tộc bao lâu nay đã làm nên những tác phẩm hay và những tác giả đáng kính của nền văn học Việt Nam đấy thôi. Nhiều trong số họ có biết chút ngoại ngữ nào đâu. So sánh thế thì thì khập khễnh quá, theo tôi người viết hiện đại nên có cả hai để nâng tầm sáng tạo và nâng cao chất lượng sống hơn.


PV: Là người hoạt động VHNT ở địa phương, gần đây không ít ý kiến cho rằng các hội địa phương hoạt động không hiệu quả, nên giải tán, chị thấy thế nào? (vấn đề đạo văn của BTV, gác cửa không chuẩn...)


HTH: Nhiều hội địa phương trên đất nước ta hoạt động không hiệu quả, tồn tại chỉ để tồn tại, không kết nối được hội viên, nội bộ mất đoàn kết, nhiều văn nghệ sĩ thái quá trong lối sống khiến nhân dân có cái nhìn thiếu thiện cảm với những người làm văn học nghệ thuật, nhà cầm quyền địa phương thì không tin cậy giao những chức vụ quan trọng cho người có liên quan đến văn nghệ dù họ thực tài và có tâm... Giải tán thì không nên nhưng củng cố bộ máy lãnh đạo và quy định chặt chẽ về các hoạt động của Hội để Hội là nơi uy tín thực sự trong việc tập hợp và đỡ đầu cho người viết địa phương.


NTH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét