Chuyện nhỏ
nhặt
Truyện ngắn Hoàng Thanh Hương
Ả đụng tôi ngay cửa lớn WC của Rose hotel, ả mải kéo
khóa cái váy đăng ten lòe xòe, cái khóa kẹt mép vải sít cứng, chỗ khoảng trống
hở hoác chiếc quần lót viền đăng ten đỏ óng ánh, tôi thích những người đàn bà
biết mặc nội y đẹp, càng sặc sỡ càng gợi cảm. Thật chán, vợ chẳng quan tâm đến
những món áo quần xinh xắn gợi cảm ấy, nàng mặc những thứ quá đơn giản, màu sắc
nhạt nhẽo, nàng tiếc rẻ khâu lại những chiếc tuột chỉ và sai tôi lấy kéo cắt
chỉ giúp. Tôi từng bảo nàng không dưới chục lần vứt chúng đi mai tôi dẫn đến
shop đồ lót Mỹ Hồng mua lấy vài bộ. Nàng bĩu môi, nguýt dài ngoẵng xiên xỏ hở
tí là vứt thì mau giàu lắm đấy. Ôi vợ tôi, nếu tiết kiệm kiểu như nàng mà giàu
được thì... tôi chẳng nên nói tiếp về nàng và kiểu tư duy ăn mặc ngố nghế kia
kẻo không tôi mang tiếng nói xấu vợ. Bệnh nhiều đàn ông mắc nghiêm trọng sau
ngày cưới 5 năm trở lên. Tôi trở lại việc đụng ả váy đăng ten tại Rose hotel. Ả
chẳng tỏ ra lúng túng khi va phải tôi vì mải chữa cái khóa váy, giựt mãi không
được ả thở dài đánh sượt nhìn tôi. Giúp được không? Tôi ghét kiểu phụ nữ nói
trống không. Tôi là thầy giáo. Tôi nhìn trước nhìn sau, cầm cái khóa lắc, giựt,
kéo nhẹ lên xuống, mép khóa rời những mắc vải kẹt ngược lên cái réc. Ả rũ váy
cười thành tiếng cám ơn và ngoắt mông đi. Công nhận khi cười mặt ả sáng bừng,
lộng lẫy như một công nương. Tôi trở vào phòng cưới Sang, không tin vào mắt
mình, ả ngồi ngay cạnh ghế tôi. Ả lại cười. Ủa, ngồi đi. Người tôi có luồng
sóng chạy qua, lạ lắm. Cả buổi cưới hôm ấy tôi chỉ nhớ một điều ả nói đang làm
nhân viên massage cho Viễn Châu hotel.
Tôi dường như chẳng còn nhớ gì về ả cho đến một lần
nhậu xong bọn bạn kéo vào hát ở Viễn Châu. Khách sạn hai sao, phòng hát đẹp,
giá thức nhắm và bia cắt cổ, cuộc nhậu uống đã tưng tưng, bây giờ thì giành
nhau hát và hát. Bọn bạn hồi đại học, 4 năm mài mông giảng đường thằng nào
thằng nấy gầy gỏng xanh bủng vì bốn mùa cơm căng tin cá nục hấp, thịt ba chỉ
kho dưa, canh rau cải. Giờ 9/10 phốp pháp tươi hồng, bụng 7/10 lùm lùm như đàn
bà chửa 3 tháng. Thằng chủ doanh nghiệp bảo: “Kêu mấy em lên bấm bài rót bia
coi!”. Thằng phó ban xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh bảo: “Múp
nhen mày!”. Thằng chuyên viên sở y tế bảo: “Chân dài, da trắng nhen mày”.
Dạ ba lần thằng phục vụ bảnh trai tóc vuốt keo kiểu “mái đình làng biển” biến
vút ra cửa. Các em tràn vào phòng, ào vào những chỗ trống và những cánh tay mở
rộng của những thằng béo bụng. Chẳng còn thằng nào giành hát, căn phòng toàn
tiếng các em như chim chèo bẻo. Tôi thèm hút thuốc. Tôi nhớ đến lời ả: “Em
làm nhân viên massage Viễn Châu, mỏi ghé em nhen”. Giọng ả ngọt rêm nghe
hiền hiền thương thương. Em váy hồng kéo tôi ép uống cạn ly. Tôi lắc đầu. Em
nũng nịu không chịu, ôm riết cổ nài tôi hết 100%. Nụ cười đẹp, chân đẹp, ngực
đẹp. Mùi phấn hăng hắc. Tôi cạn một hơi, lắc đá kêu rột rột xong thì lao vào WC.
Mùi phấn hăng hắc lôi tuột mớ thức ăn bổ dưỡng lúc chiều cùng mớ bia ra, ồng ộc
ọc ọe. Nhẹ người, nôn được là tỉnh queo ngay. Tôi súc miệng, soi gương sửa lại
mặt mày, rửa tay xà bông. Mùi xà bông hăng hắc. Bụng lại sôi sục. Mở cửa bước
ra em ập vào tôi: “Anh xìu quá hà, chừng đó mà đã out rồi. Bắt đền để
em ngồi đợi hoài nãy giờ”. Tiếng Sài Gòn ngọt rêm nghe hiền hiền thương thương.
Chân em gác lên đùi tôi trắng loang loáng dưới ánh điện đa màu. Dưới ánh sáng
này các em đẹp như diễn viên. Những thằng bạn nhảy nhót, hò hát, uốn éo như
xiếc. Các em múp, da trắng, chân dài, nóng bỏng riết xiết. Tôi bỗng nhớ ả, muốn
gặp ả - người đàn bà sặc sỡ gợi cảm nhờ tôi kéo giùm khóa váy hôm nào.
Tôi ngồi đối diện ả, chiếc áo thun ôm sít màu tím cổ
khoét sâu, chiếc quần jean lửng cạp trễ. Môi hồng cánh sen. Ả nói: “Ngạc
nhiên dữ ha? Lấy vé lên em massage nghen”. Tôi lắc đầu, khuấy nước cam đẩy
về phía ả. Mắt ả lúng liếng. Những câu chuyện linh tinh kiểu mới quen, những
câu trả lời trống không của ả, những liếc mắt sắc lẻm, những tò mò của tôi về tầng 8... ả bảo tôi ngố, ả hôn chụt vào má
tôi, nhét trả lại tiền ngoắt mông đi vào thang máy. Từ giờ đến 2h sáng ả không được
ngủ.
Cà phê Sê San, ả mặc váy dài đen chít eo, giày gót cao
15 phân, kính đen cài trên đầu. Ả bảo: “Tối qua làm cho khách sộp, lão boa
em 200 đô, lão biểu em xuống ngủ cùng. No. Em massage, không bán thân. Em còn
trinh. Nhìn lão bựa muốn ói”. Tôi suýt nghẹn ngụm cà phê đang đi xuống
họng. Tôi đứng dậy vào nhà vệ sinh, ả nhìn theo lưng tôi cười khích khích. Lúc
tôi quay ra, ả đã ngồi ghế bên cạnh. Cái ghế ả vừa ngồi lùm rùm một đống áo lạnh,
khăn, túi xách, mũ. Những câu chuyện linh tinh kiểu mới quen, những câu nói bớt
trống không. Ả bảo: “Nhìn là biết cưng thương em. Say rượu và yêu mà giấu
được em chết liền!”. Ả cười khích khích dụi mặt vào vai tôi. Mùi phấn thơm
thơm. Mùi giống mùi phấn baby vợ tôi hay xoa cho con gái bé bỏng. Ả bảo: “Muốn
biết em là ai không? Không. Vì sao? Em là em chứ là ai. Muốn nghe chuyện đời em
không? Không. Vì sao? Có thay đổi được gì đâu. Woh! vậy biết nói chuyện gì cho
anh thương bây giừ anh Hai. Khỏi, mà anh thứ Năm. Ừa, vậy rảnh lúc nào cà phê
với em nghen, cho vui nghen anh Năm. Ừ...”. Cà phê đắng, sánh sệt, nhạc
Trịnh Công Sơn bài “Diễm xưa”, ả cố tình ngả vào vai tôi, mùi phấn baby
thơm thơm.
Cà phê Sê San, sáng thứ 7, tôi ngồi giữa một đám đàn
bà con gái tầng 8 Viễn Châu hotel. Ban ngày, các em nền nã trong những áo quần
giản dị, mặt mộc, những cái miệng tranh nhau nói chuyện khách đêm qua, đứa khen,
đứa chê, đàn ông trong suy nghĩ của chúng chỉ có giá trị khi cái ví sau mông
quần dày. Chán chuyện đêm qua, chúng tranh nhau nói về quê nhà, về mẹ, những
đứa chị em trông chờ vào tiền chúng gửi về mỗi tháng, những thằng bồ cũ/mới.
Ban ngày, mặt mộc, chúng dễ thương. Giọng ba miền đủ cung nặng nhẹ, nhanh chậm,
ồn ã, ríu rít một góc quán. Ả chẳng nói gì, nhâm nhi cà phê sánh sệt, ngồi sát
bên tôi, thoăn thoắt đan với cuộn len nâu to đùng, mấy đứa kêu ả rảnh, shop bán
95.000/cái đẹp mê. Ả im lặng cười cười, mắt liếc sắc như dao. Ả hỏi: “Baby
nhiêu tuổi? 15 tháng. Vợ anh thích màu gì? Màu xanh da trời. Mẹ anh ốm/mập?
Mập. Vậy hả?”... Tôi chưa gặp ai có cách nói chuyện cà giựt như ả, cứ vài
câu rồi im, sau mỗi quãng im lại vài câu, có khi chẳng cần nghe tôi trả lời,
giữa mấy quãng im lặng tôi ngắm ả từ góc nghiêng, gò má cao, da trắng, loáng
thoáng vài chấm tàn nhang nhỏ nhỏ, môi nhỏ xíu chúm chúm hồng cánh sen. Nhìn
nghiêng ả rất đẹp. Đẹp rất hiền. Tôi sợ mình không kiềm chế được tình cảm nếu
cứ ngồi với ả những sáng cuối tuần như vầy. Nhạc Trịnh Công Sơn da diết giọng
Khánh Ly bản “ Tình nhớ”.
Tối thứ 7, thằng phó ban xây dựng công trình trọng
điểm tỉnh alo bảo: “Đi với tao, có mấy thằng bạn làm ăn ngoài Thanh Hóa vô”.
Tôi chần chừ, cả ngày dạy, nhừ óc khan họng, giờ chỉ muốn húp quấy quá chén
cháo sườn rồi ôm vợ ngủ. Nó gọi lần thứ 3, ỉ ôi đánh vào tình bạn chung lớp,
một mình nó đuối khi tiếp bọn kia, nó muốn khoe thằng bạn dạy giỏi nhất tỉnh,
đẹp trai như tài tử xinê, hát hay hơn ca sĩ Quang Dũng... tôi uể oải dậy mặc
đồ. Mặt nhàu nhàu, vợ tôi ỏn ẻn: “Thôi, anh ấy nhờ thì ba bé đi cùng chút
xíu. Uống chừng chừng thôi, mai còn dạy cả ngày đó”. Tôi gục gục, hôn baby,
hôn vợ. Xe nó bóp còi giục giã. Quán ăn hải sản Pleiku Biển, 7 thằng đàn ông và
đống vỏ lon lăn lóc lúc nhúc dưới chân. Thằng phó ban đếm tiền roàn roạt. Nó
boa sộp cho cô bé phục vụ. Con bé dính vào nó đến tận cửa, mắt lúng liếng, má
đỏ lựng vì rét và vì sung sướng. Khách dồn cả lên xe nó, thẳng tiến Viễn Châu
hotel. Bia óc ách trong khoang bụng chật chội. Tôi thấy quá vô lý khi người ta
cứ phải nốc bia rượu trong những cuộc nhậu bàn tính chuyện làm ăn, gặp gỡ bù
khú hay gì gì đó liên quan đến việc ăn. Uống và ép nhau, khích nhau uống để
chứng tỏ đẳng cấp bản thân. Một cách chứng tỏ vô nghĩa lý và tốn kém, hại sức.
Mấy thằng Thanh Hóa lúc nãy làm tôi lộn ruột khi cố tình uống ép thằng phó ban,
năm thằng năm vòng cứ thế xoay mời, thằng phó ban hầu như chẳng kịp nhai món
gì, đứng lên tu ừng ực, bóp lon cái rốp, bắt tay giật giật, ngồi xuống và cứ
thế đến khi tính tiền. Cuộc nhậu của nó tối nay bằng tháng rưỡi lương vợ tôi. Giờ
là tăng hai karaoke. Tôi bỏ phòng hát nửa chừng, em váy hồng dẫn tôi lên tầng
8, em bảo tôi ngồi bên phòng đợi. Cái phòng đợi này là sản phẩm hài hước của
tên kiến trúc sư đồng bóng nào đó. Nó nửa như một văn phòng, nửa như một nhà
trẻ mẫu giáo với đủ thứ dây dợ cây hoa quả bằng nhựa treo ngoắc, giăng rủ lằng
nhằng. Nó bí bức và nhạt nhẽo. Tôi ngồi ngáp vặt. Em áo hồng quay lại hôn gió chào
nháy mắt tinh nghịch rồi ngoảy mông xuống lầu. Tôi ngồi ngáp thêm ba cái nữa
thì ả vào. Ả sà vào lòng tôi: “Em nhớ cưng quá chừng. Tính trốn em hả?”. Tôi
chẳng biết trả lời gì, tay chân thừa đơ, ả vắt cánh tay tôi lên vai ả, ả mặc đồ
ngắn câng, đùi ngực mướt mọng mời gọi. Tôi bế ả hời hợt như sợ chỉ thêm chút
miên siết nữa là tôi sẽ xâm phạm ả quyết liệt. Khuôn mặt ả đây, nhiều đêm tôi
mơ thấy khuôn mặt này, ngực ả trắng phập phồng trước mắt đây, khuôn ngực tôi
căng người thèm khát nhiều đêm. Môi ả đây, bờ môi nhỏ chúm chím hồng cánh sen,
nhiều đêm tôi mơ hôn nghiến nuốt. Tôi đang có men, người tôi nóng râm ran, mông
ả mềm ấm chèn nặng một bên đùi. Tôi ôm ả hời hợt như chỉ sợ xiết thêm chút nữa
là tôi sẽ nuốt gọn ả. Giữa quãng lặng im ngột ngạt, ả hôn tôi, luồn tay vào
lưng tôi ve vuốt. Tôi hôn lại ả lừng chừng. Tôi cầm tay ả, quyết liệt lôi ra
khỏi lưng mình, cắt đứt những cảm giác êm ái vừa mới bắt đầu một cách dứt
khoát. Tôi gỡ ả xuống ghế, đứng dậy và đi uể oải xuống lầu. Tôi có thể cảm giác
được ả đang nhìn theo. Tim đập rối loạn. Tôi loạng choạng vài bước rồi ngừng
lại, dựa vào góc tường thở & thở. Gáy nóng râm ran. Còn 7 tầng nữa mới
xuống đến tiền sảnh. Tôi vin tường loạng choạng đi & đi...
Thứ 7, cà phê Sê San, tôi ngồi một mình đợi thằng phó
ban. Nó bị bệnh mào gà, một con điếm nào đó tặng nó lúc nó quá khích quên dùng
bao cao su. Đêm qua, nó alo hẹn sáng nay cà phê, tự nhiên nó thấy trống rỗng,
vợ nó xấu hổ khi mỗi ngày phải đến bệnh viện đốt đám mụn có mào có vẩy bẩn thỉu,
xấu xa. Vợ nó muốn xé xác nó cho hả giận mà không làm được. Vợ nó làm mặt lạnh,
mặt nguội cả tháng nay. Bụng nó xọp bớt, tóc xơ, da sạm. Nó bảo không có vợ bên
cạnh nó không ngủ được. Nó sợ tối và cô đơn. Tôi bảo cô chủ quán: “Mở nhạc
Phú Quang nhé, đừng Trịnh, không anh nhảy lầu mất”. Cô chủ quán tủm tỉm
cười, mắt liếc dao cau. Thằng phó ban trễ 15, tôi uống dè cà phê. “Dòng sông
lơ đãng” kéo lê cảm xúc tôi u uẩn nuối tiếc. 7 tuần rồi tôi không gặp ả.
Hôm qua, đưa vợ con đi siêu thị, thấy một cô váy đen chít eo, kính cài ngược
tóc mái, tôi giật mình, cô ta giống ả. Nỗi nhớ ả cồn lên. Tôi không lý giải
được sự rối rắm phức tạp của thằng tôi trong chuyện vợ & ả. Tôi yêu cả hai,
mỗi người một cách, mỗi người cho tôi một rung động. Tôi chỉ sợ với ả tôi làm
mất chính bản thân mình như xe mất phanh đang đà xuống dốc cao. Tôi sợ ngã, sợ
đau. Tôi cuối cùng vẫn là thằng đàn ông với bản chất tham lam nhưng yếu đuối.
Miên man lồng bồng với mớ ý nghĩ, cô phục vụ thẻ thọt:“Thầy ơi, có cô kia
gửi thầy gói này”. Tôi trở lại thực tại, nhạc Phú Quang vào những câu cuối
cùng: “một sớm mai xuôi theo dòng em đến/ cớ sao anh chẳng đứng chờ...”. Tôi
ngó đồng hồ, thằng phó ban vẫn chưa đến, tôi nhìn gói quà bọc giấy bóng vàng
thắt nơ đỏ, tôi không ngạc nhiên, tôi biết nó là của ả. Ả thích những thứ sặc
sỡ và hợp với kiểu đó. Thứ gì được khoác lên ả, phủ lên ả đều rực rỡ lạ kỳ, mắt
ả màu nhũ vàng lóng lánh quyến rũ như mắt nàng Liz Taylor. Những em khác bắt
chước quét nhũ vàng giống ả thì hệt mấy yêu nữ trong phim Tây Du Ký. Tôi mở gói
quà, nhặt từng thứ lên ngắm nghía. Bộ váy xanh da trời bằng len cho baby, kèm
mũ, tất, vớ tay, chiếc vòng cổ hạt nhựa tiệp màu. Chiếc áo len cổ lọ tay lửng,
ngực trái có bông hoa to bằng chiếc bát ăn cơm. Một chiếc áo len màu nâu cổ lộ
tay dài bo dây thun over size. Cái này chắc là tặng mẹ, màu nâu này tôi nhớ, ả
có cái giỏ da to đi đâu cũng khoác theo, trong ấy thường có cục len nâu to
đùng, mớ cây đan nhọn hoắt và đủ thứ hầm bà lằng của phụ nữ. Tôi từng nghĩ ả
đan gì đó cho tôi, hóa ra không phải vậy. Tôi bật cười thành tiếng, hóa ra tôi
vẫn luôn mong chờ ả, mong chờ một quan tâm riêng nhỏ nhỏ thôi cho riêng mình,
tôi cứ tưởng ả sẽ đan cho mình chiếc khăn len màu nâu, một kiểu quà tình lãng
mạn của các cặp yêu đương mùa lạnh. Tí nữa tôi ôm túi quà này về nhà, tất nhiên
vứt hết cái đống giấy gói, bông nơ thắt cột sặc sỡ vào thùng rác thì vợ tôi
cũng khó tin đó là những thứ tự tôi mua tặng nàng và con. 5 năm ở với nhau nàng
biết tỏng tôi là thứ vụng về trong chuyện lựa quà cho phụ nữ. Cầu trời nàng
đừng hỏi lòng vòng. Tôi là kẻ nói dối vụng. Tôi xem đồng hồ, thằng phó ban trễ
45 phút, điện thoại gù gù trong túi quần, nó nhắn tin “ tao ban khong toi
duoc, dang cho dot, hai vo chong tao toi di Sai Gon. Tuan sau ve gap may lam
vai ly ::)”. Tôi dốc cạn những giọt sánh sệt đắng lịm vào họng. Cô chủ quán
chìa cái túi nilon đen, cô bé phục vụ gom đống quà của ả bỏ vào gọn gàng, buộc
cẩn thận trao tôi. Đồng hồ boong bing boong mười tiếng rời rạc. Những bước chân
tôi rời rạc xuống lầu. Tự nhiên thấy trống rỗng, mỏi mệt.
Em váy hồng alo báo tin ả nghỉ việc tầng 8 Viễn Châu
hotel, ả lấy chồng Úc, người đẹp có nhiều lựa chọn nhưng không phải lựa chọn
nào của người đẹp cũng an toàn. Ả không biết tiếng Anh, ả 20 thằng Tây 43, ả
nhân viên massage, thằng Tây tiến sĩ hóa học... nghe chẳng môn đăng hộ đối chút
nào. Em váy hồng bảo thằng đó mê ả tít thò lò. 4 tuần nay đêm nào nó cũng tìm
ả, nó muốn cưới ả liền tay. Nó nghiền vẻ đẹp nhỏ xinh em gái miền quê của ả. Hẳn
rồi, ả vừa đẹp vừa hiền. Tôi chả từng bao lần ước ao còn không để được lấy ả đó
thôi. Ả sắp đưa nó về nhà ra mắt má dượng. Em cứ thao thao bất tuyệt về chuyện
ả sắp lấy chồng. Tôi nửa muốn nghe nửa chẳng thiết nghe. Nhớ ngày nào ả hỏi tôi
muốn nghe chuyện đời ả không? Tôi bảo để làm gì? Giờ em váy hồng rầu rầu kể tôi
nghe, em trách tôi thờ ơ, trách tôi cũng giống bao gã đàn ông ăn chơi hám gái
khác, cũng khinh thị những phụ nữ làm cái nghề này, cũng đánh đồng cá rô, cá
trê, cá mú... Tôi cúi đầu im ru, tôi cãi em tôi không thế, tôi thề tôi chưa bao
giờ khinh thị ả và các em tầng 8. Đàn ông nào chẳng hám gái đẹp nhưng giới hạn
của tôi được xác lập, tôi không muốn vượt qua để day dứt và tiếc nuối. Tôi
thích ả, như cách một người đàn ông yêu cái đẹp khác lạ nhưng tôi biết cái đẹp
đó không thể thuộc về mình, tôi cũng chẳng có quyền đòi hỏi. Giữa ả và bình yên
tôi chọn bình yên vì ả chỉ là hình ảnh đẹp tôi mơ mộng thôi. Đời ả, 4 tuổi cha
chết, má lấy chồng hai, đẻ thêm 3 em, ả học không hết cấp một ở nhà phụ má bán
bánh canh nuôi bầy em và hầu gã dượng sáng say tối xỉn. 16 tuổi, má tính gả ả
cho con trai bà Bông bán bún riêu cùng chợ. Ả giãy nảy, khóc vật nhịn vạ mấy
bữa má mới thôi. 16 tuổi, nhân ngày má đi ăn đám cưới xóm dưới về trễ, gã dượng
lôi ả ra gốc dừa sau vườn tụt quần ép ả, ả giãy dụa gào hét, ả nhổ nước miếng
vào mặt gã, ả với được cái gộc khô phang tới tấp, gã đau tối mắt buông hai chân
ả ra, ả chạy cắm đầu thoát ra ngõ, tồng ngồng chạy miết ra đồng. Ả rúc vào đám
cỏ rậm chờ tối, chui rào hàng xóm trộm quần áo che thân, ả gõ cửa chùa Ngọc Ngũ
ngủ nhờ, sáng ả quỳ trước sư cô Diệu Minh vừa kể vừa khóc, ả xin ở lại chùa. Má
ả lên chùa kêu ba lần bảy lượt ả không về. Má ả đứng trước cổng chùa chửi ả con
đĩ, con bất hiếu bất nhân, má nghe lời dượng. Má chỉ cần dượng, ả chỉ là công cụ
kiếm tiền nuôi lũ em. Một sáng ả theo Châu, Thi, Nhí lên Sài Gòn. Chị Châu xin
cả ba đứa vô khách sạn Ramana II làm nhân viên phục vụ bàn. Chị Châu dạy ba đứa
kỹ thuật massage, chị Châu cho ả mượn tiền đóng phí thi chứng chỉ massage. Cầm
cái chứng chỉ đóng dấu đỏ, tên ả chữ to in hoa, ả sướng điên. Ả bao bốn chị em
nhậu một chầu say mờ mắt. Chị Châu xin ả lên làm nhân viên massage. Ả nói: “Em
làm vầy thôi không làm linh tinh. Em giữ trinh lấy chồng”. Chị Châu bảo: “Mày
nghĩ cứ làm nghề này thì đĩ hết à? Rảnh!”. Nghề dạy nghề, ả trở thành nhân
viên VIP về kỹ thuật và nhan sắc. Ả chỉ phục vụ khách VIP, quản lý khách sạn
cưng ả như vàng. Giám đốc khách sạn quý ả như con.
Chị Châu theo người yêu về Viễn Châu hotel, ba đứa
theo chị. Phố núi cao nguyên làm ả thích thú, ả bảo tôi là người đầu tiên làm
trái tim ả tưng tưng. Ả bảo chắc ả lấy chồng sinh con đất này quá. Bây giờ ả
sắp lấy chồng, lấy thằng Tây già, chuẩn bị xuất cảnh làm bà vợ ông Martin gì gì
đó... Nỗi nhớ ả cồn lên. Cơn ghen cồn lên. Tôi thấy đàn bà thật khó tin. Đố ai
biết lòng dạ đàn bà. Chỉ biết không có họ đàn ông như mấy cái gộc khô. Và đàn ông
khi yêu kì cục, dầu đại tướng, quan chức, giáo sư hay xe thồ đều giống cậu bé 4
tuổi. Tôi thậm chí chỉ 2 tuổi thôi.
Bữa tối cuối tuần, vợ nấu món “canh bầm” tôi nghiền,
baby nhong ngong trên đùi, chặp chặp chu miệng thơm ba, vợ gắp đậu nhồi thịt cười
liếc nhắc ăn đi, tôi luôn là một ông hoàng trong những bữa tối cuối tuần. Bữa tối
duy nhất không phải lùa nuốt vội vàng để dạy và dạy. Điện thoại gù gù túi quần.
Tin nhắn của ả: “ em dang o san bay, cung ra tien em khong?”. Tôi liếc
trộm vợ, đặt baby xuống ghế e hèm: “Thằng phó ban nhắn anh ra sân bay đón nó”.
Tôi khoác áo lên taxi giục tài xế chạy hết ga. Ả chờ tôi ngay cửa, ả ập vào ngực
tôi khóc tu tu. Tôi dìu ả ngồi xuống ghế đá. 2 tiếng nữa ả bay. Tôi nhét vào túi
xách ả cục tiền. Tôi lấy khăn mùi xoa chấm nước mắt ả lã chã. Mặt mộc ả đẹp
xanh xao. Khóc chán ả kéo tôi đi. Sân bay tỉnh lẻ chuyến đêm muộn vắng thưa. Mấy
đôi tình nhân dính vào nhau chúi vào màn hình ipad. Ả kéo tôi vào WC. Ả bấm chốt
cửa. Ả bảo: “Sau đêm nay em chẳng thèm nhớ cưng nữa, đau đầu, nhức tim. Sau
đêm này em chẳng thèm về lại nơi này nữa, buồn muốn chết! Yêu em như mai là
chết đi, nghen!”.Tiếng ả run run, âm âm trong gian phòng chật chội thơm mùi
nước hoa xịt phòng. Sân bay tỉnh lẻ chuyến đêm muộn vắng thưa. WC chật chội thơm
mùi nước hoa xịt phòng. Ả cong cuốn bỏng cháy trong vòng tay tôi mơn xiết điên
cuồng yêu thương, hờn ghen, nuối tiếc, tuyệt vọng. Tôi cắn lằn vai ả, ả cào xước
hông tôi. Ngoài trời 12 độ C. Tóc ả bết mồ hôi, lưng tôi nhễ nhại mồ hôi. Tôi ước
gì những giờ phút này kéo dài mãi mãi. Tôi ghi vào đầu câu nói “Yêu em như
mai là chết đi!”. Lần đầu tiên trong đời từ khi làm thằng đàn ông trưởng thành
tôi khóc tu tu. Ngực ả nhoen nhoét nước mắt tôi, ả hôn nựng tôi cười cười, khi cười
mặt ả sáng bừng, lộng lẫy như một công nương.
Sân bay tỉnh lẻ chuyến đêm muộn vắng thưa. Tôi ngước
nhìn chấm sáng chớp nháy hun hút vào bầu trời đêm. Tay
vẫy vẫy, vẫy vẫy. Trên kia, ả chắc cũng đang nhìn xuống. Tôi bước những bước rã
rời. Nỗi nhớ ả cồn lên. Trong đời này, có những điều tưởng nhỏ nhặt những lại vô
cùng lớn lao.
Pleiku,
10-1-2014
H.T.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét