11.04.2013

Cây bút trẻ với văn hoá truyền thống:  Có hiểu mới tìm ra sự mới mẻ trong sáng tác

Với nhiều cây bút trẻ, văn hoá truyền thống góp phần nuôi dưỡng cảm hứng, khơi mở ý tưởng và cung cấp dữ liệu cho sáng tác. Đáng chú ý khi họ không nhìn nhận văn hoá truyền thống như những gì đã qua đi, cũ kỹ, mà vẫn lấp lánh, sinh động trong cuộc song hành cùng đời sống thực tại, làm cho thực tại thêm phong phú. Đồng thời, cần phải có nhiều cánh cửa khác nhau để khai thác “lãnh địa” rộng lớn, bền lâu này. Chúng tôi đã có nhận được những sẻ chia của ba cây bút trẻ.

* Các anh chị nghĩ sao nếu có những ý kiến cho rằng trong đời sống hôm nay, sáng tác về văn hoá truyền thống hoặc sử dụng nhiều yếu tố văn hoá truyền thống là nặng tính hoài niệm, phụ thuộc quá khứ, hay không hợp thời…?


Nhà văn – nhà thơ Hoàng Thanh Hương - Trung tâm văn hoá, điện ảnh và du lịch tỉnh Gia Lai (HTH): Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy! Theo từng giai đoạn phát triển, văn hóa sẽ có sự biến đổi để phù hợp với tư duy và sinh hoạt của con người, dựa trên nền văn hóa gốc. Người viết trẻ như tôi khi viết vẫn có thể sử dụng các yếu tố văn hóa của hồi tưởng, hoài niệm chứ!


Nhà thơ Hoàng Chiến Thắng - Tạp chí Ba Bể - Hội VHNT Bắc Kạn (HCT): Tôi cho rằng mới hay cũ không thực sự quan trọng. Vấn đề là mình có làm hay được hay không thôi. Nếu anh muốn mới thì anh tư duy phải mới, hình thức mới song vẫn cứ phải có chất liệu và chất liệu ấy phải là thứ anh am hiểu hơn cả, trải nghiệm nhiều hơn cả mới có thể làm nên. Vậy thì có sao đâu nếu anh hiểu về văn hóa tộc người mình và đưa văn hóa cộng đồng đến được với mọi người!
* Lại đã có không ít lo lắng cho rằng sáng tác của nhiều người trẻ không bắt rễ với văn hoá truyền thống!

Nhà văn - nhà thơ Nguyễn Anh Vũ - Hoạ sĩ, KTS tự do – Hà Nội (NAV): Đã có lúc chúng ta lo lắng về việc những người trẻ đang quay lưng dần với văn hóa truyền thống. Nhưng đừng hốt hoảng! Họ vẫn là người Việt. Họ chỉ đi tìm và xây dựng những giá trị cho thế hệ của mình. Có người tìm về truyền thống như tìm sự bình yên chắc chắn dưới vòm tay mẹ. Hay có người “ngỗ ngược” lao ra ngoài, khao khát tìm những mới mẻ tiên phong. Cũng cũng có người vô tình hay cố ý đập vỡ cái bình cổ và loay hoay thêm bớt, lắp ghép thành cái gì đó có vẻ cũng thú vị… Nhưng làm gì cũng được, xin đừng làm nghèo nàn và hạ sát văn hóa truyền thống bằng cách làm giống truyền thống, cũng đừng bóp méo tô vẽ bằng bảng màu giả cổ, giả vờ truyền thống.

* Bản thân các anh chị tự nhận thấy việc khai thác các yếu tố văn hoá truyền thống trong sáng tác của mình như thế nào?

NAV: Tôi không chủ ý khai thác, sử dụng các yếu tố văn hóa truyền thống khi sáng tác, mà thường để những điều đó chảy vào sáng tác của mình một cách tự nhiên, không gò ép. Nên tôi thấy việc làm sao cho các tác phẩm của mình mang tính dân tộc hay có màu sắc truyền thống không còn quá quan trọng nữa.

HCT: Tôi được sinh ra trong cái nôi văn hóa bản địa, nên cách nghĩ, hình ảnh đến các chất liệu trong thơ đều gắn liền với văn hóa cộng đồng Tày của tôi. Có thể mộc, có thể không mềm mại, mượt mà nhưng đó lại chính là những yếu tố tạo nên sự khác biệt của văn học đồng bào dân tộc thiểu số.


HTH: Tôi viết từ những điều mình được trải nghiệm, đấy là những vẻ đẹp văn hóa trong lòng xã hội hiện đại đang còn được bảo tồn lưu giữ. Nếu thấy chưa đủ thì thêm vào những yếu tố văn hóa của ngày hôm qua để người đọc có thể nhận diện rõ hơn và thêm đồng cảm.

* Gắn bó và đã có những tác phẩm được ghi nhận khi tìm về và lại đi tiếp cùng văn hoá truyền thống, các anh chị có thể chia sẻ vài trải nghiệm về hành trình này?

HCT: Để tạo được sự cuốn hút trong những tác phẩm như thế, tôi nghĩ cũng giống như người thợ săn, khi nhập cuộc anh phải hiểu từng đặc tính của rừng, từng loài muông thú đến từng gốc cây bụi cỏ. Đó là khám phá, mà đã là khám phá thì khó mà cưỡng lại được bước chân và sự đam mê có chút gì hiếu thắng. Còn nếu chỉ là cưỡi ngựa vãn cảnh thì chỉ cần biết đẹp hay không thế thôi.

HTH: Nhiều nét văn hóa truyền thống của ta bây giờ đã mai một, biến mất rồi. Chỉ còn nghe người già kể, chỉ còn biết chút ít qua các tài liệu thì thật khó mà trải nghiệm. Chỉ là cảm nhận, hồi tưởng mà viết. Và như thế thì có thể sản phẩm khi được viết ra bằng sự hoài niệm, hồi tưởng ấy sẽ “hên” hoặc “xui” về chất lượng. Tôi nghĩ khó mà quyến rũ được người đọc khi chỉ viết bằng tưởng tưởng hoàn toàn. Nếu anh được dự một đám cưới truyền thống người Bahnar, cùng hòa vào cuộc vui với họ với rất nhiều các nghi lễ, với ẩm thực, trang phục, trang trí, nghệ thuật trình diễn, không gian lễ cưới..., anh mới thấm thía, mới “phê” và viết mới “ngọt”.


NAV: Theo tôi, người sáng tác cứ sống thật, cảm xúc thật với bản thân mình, đất nước mình, với thời đại của mình, thì dù cái “hôm qua” hay chính cái “ngày hôm nay” trong trang viết, vẫn mang lại sự mới mẻ đáng quý. Bởi vì những điều chúng ta làm hôm nay, sẽ có thể trở thành “truyền thống của ngày mai”. Tự điều đó đã đóng góp, vun đắp cho những giá trị truyền thống.
* Và những dự định mới cho việc dấn thân vào truyền thống?
HTH: Tôi mang nửa dòng máu Mường, từ nhỏ sống với gia đình ở vùng Mường Đồng Cỏ - Phú Thọ. Đến năm 1990 tôi theo gia đình vào Gia Lai, thế là tôi từ nhỏ đã gần gũi, đã sống và lớn dần dần trong một nền văn hóa nữa. Đây là một thuận lợi trời ban để tôi có thể viết sau này. Thế nên là người miền Bắc, hồ sơ ghi dân tộc Mường, nói giọng nửa Nam nửa Bắc, nhưng thơ văn tôi lại mang màu sắc bazan Tây Nguyên. Tôi chắc chắn sẽ đưa vào tác phẩm vốn liếng văn hoá của quê hương Phú Thọ, nhưng tôi cần nhiều chuyến trở về quê mẹ, cần nhiều thêm sự truyền lại cảm hứng từ mẹ và các dì. Cũng phải đọc thêm các tài liệu văn hóa về người Mường vùng quê tôi và các vùng Mường khác trong nước nữa. Đến khi đủ “thấm” tôi mới dám viết.
NAV: Tôi đang suy nghĩ nhiều về không khí bốn mùa Việt Nam lúc nào cũng ăm ắp dáng dấp truyền thống. Luôn có nhiều điều cuốn hút và thách thức không ngừng trong những hình dung về từng khuôn mặt mũi tẹt da vàng, ruộng đồng sông núi, đình chùa í a câu hát hội làng... Nhưng, một ví dụ: Làm thơ lục bát mà giống hệt ca dao hay thậm chí giống Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Nguyễn Duy… dù hay thì cũng thật kinh hoàng. Tôi không có ý định làm mới những gì đã có giá trị ở quá khứ.

* Chân thành cảm ơn và đón chờ những sáng tác mới!

                                                                                                            Nguyễn Quang Hưng thực hiện






Ảnh:

- Hoàng Thanh Hương

- Hoàng Chiến Thắng

- Nguyễn Anh Vũ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét