“Mùa
gió hát”- một tập thơ đẹp & giàu tính nữ
( Nhân đọc tập thơ “Mùa gió hát” của Hoàng Thanh Hương- NXB Văn hóa Dân tộc, 2013)
Lê Thị Kim Sơn
Có mảnh đất nào bất chợt một mùa gió dậy
lên trong tâm thức, rồi lớn lên thành hiện thực với những bụi đỏ đường, với tóc
rối, với bát ngát dã quỳ, với thênh thang dấu chân đi cõng nước ríu ran, rồi
hiện lên thành nỗi nhớ, hiện lên trong thơ thành một mùa thơ mộng " Mùa
gió hát". Đây là tập thơ thứ ba của nhà thơ trẻ Hoàng Thanh Hương,
và cũng là đầu sách thứ tư của chị. "Mùa gió hát" hát cho
người con không sinh ra trên mảnh đất Tây Nguyên, nhưng lại chọn Tây Nguyên làm
nơi tạo dựng sự nghiệp và nhận ra mình yêu thương mảnh đất Bazan này kì lạ, bắt
vào từng nhịp thở, từng tiếng ngân dài của cồng chiêng, của ché rượu cần say
nức đêm xoang.
Không mang nặng dấu ấn của chính những
người dân bản địa, "Mùa gió hát" là những
bước chậm rãi yêu thương của người đàn bà đến từ núi đồi xứ Mường với chính con
người, mảnh đất và tập tục nơi đây – nơi chị chọn làm nơi an cư lạc nghiệp. Nó
có sự bâng khuâng, ngưng đọng trong những khoảng khắc xưa cũ của “tình yêu
bazan”, của “mùa ning nơng” để người đọc cảm nhận được những câu từ gợi hình về mảnh
đất này qua các hình tượng nữ xuyên suốt tập thơ, bắt đầu từ cô gái Jrai “ Khi rét làm môi em căng tươi như trái
chăm noi/ Khi nắng vàng hơn mật ong/ Và khi ngực em căng nhưc bởi tiếng chiêng
anh/ Là mùa khô gõ cửa”. Còn gì bất ngờ hơn cho một mùa ùa về mảnh đất
bazan gió lộng này, bài thơ mở đầu tập thơ đã rất thành công trong việc dẫn dắt
người đọc tìm về hình ảnh nguyên sơ của Cao nguyên, những tập tục ngày mùa của
vùng đất khi “mùa khô gõ cửa” nơi này
“em cùng mí giã gạo sẩy sàng/ Cùng chị
cõng nước gom củi/ Cũng bà xếp bầu bí chật góc nhà/ Cùng ama gác thịt lên giá
bếp/ Chuẩn bị cho mùa ning nơng buôn mình”(Tình yêu bazan). Độc giả hẳn sẽ bồi hồi khi biết, người con gái Jrai
được amí dặn dò cẩn thận thế nào qua bài thơ Amí “ amí dặn/ con gái ngủ nghiêng về bếp lửa/ tay vòng ôm ngực/ tiếng thở
như tiếng gió chạm lá/ tiếng cựa mình như tiếng chân hưu nai ra suối”, rất
ân cần, mà cũng rất nhịp điệu không ngừng của những người đàn bà Jrai dội đều trong
phần đầu tập thơ như một âm hưởng của tiếng chiêng dài qua đại ngàn để thấy một
mùa gió hát thực sự “Nắng và gió/ rần rật
thốc qua miệng gùi của mí/ lưng thon của chị/ thoăn thắt chân trần triền sông/
ăm ắp hàng dài ché rượu”. Đi qua những tiết tấu vui, tiết tấu buồn của
những đêm xoang, của rượu cần sóng sánh, của những đêm Pơthi để “Rượu ba năm thương đủ ba năm/ Mai tiễn hồn
sang Mang lung”(Viết ở khu nhà mồ) mà tưởng chừng như tác giả chính là con
người nơi đây, hiện hữu nơi đây, gắn với nơi đây, để cất lên tiếng nói của của
con người nơi đây. Nhưng rồi lại nhận ra “Bazan/
bazan/ bazan/ nơi tôi không sinh ra nhưng lớn lên phổng phao quyến rũ”(Bazan),
tác giả là người mượn thơ để hòa nhập với nơi này, để cảm nhận nơi này, để yêu
nơi này, để chung niềm đau xót nơi này khi nhìn thấy sự đổi thay không cưỡng
lại của nơi này, để “thắt tim ngày bất lực/
nỗi buồn dài như con đường gai xấu hổ/ cột thắt tim tiếng đàn goong day dứt”.
Thấy được sự hồn hậu của người dân Tây Nguyên vẫn chưa bao giờ thay đổi như
chính nơi đây, họ vẫn ân cần đến lạ khi tiếp những vị khách lạ “Có những đem nằm lại một làng xa/ chiếc chăn
lành mí nhường tôi/ bắp ngô non mí nhường tôi/ rượu cần ủ đợi lễ cúng nhà rông/
ama bảo cứ uống đi mai làm ché khác”(Buổi chiều & nỗi nhớ), lời thơ
tuôn một cách tự nhiên như lời kể khan của các già, mộc mạc và âu yếm như chính
lời của những người con của vùng đất nắng gió này.
Tình yêu của người phụ nữ nơi này cũng
là một phần tạo nên âm hưởng của tập thơ, người đọc sẽ thấy được tình yêu của
người phụ nữ Jrai cũng mạnh mẽ, thẳng thắn và giản dị như chính nụ cười “hoa
chăm noi” của họ, sẽ thấy “ Em cuốn lại
yêng/ chúng mình đốt lửa/ Hát ca và say ngất/ đêm nay mùa sinh nở/ chúng mình
tràn thác đổ”, rồi hòa cùng vũ điệu của “Điệu xoang đêm nay, điệu xoang mời gọi/ lời tỏ tình nồng thơm vị mật/
Bầu khô rượu cạn lại đầy”. Và những người đàn bà nơi đây cũng thắt thiu
những nỗi đau, những nỗi lo triền miên cho gia đình, cho chồng con, dù “đàn bà Jrai sinh ra từ rừng/ trái tim như rễ
kơnia/ như lòng sông lòng suối/ suốt đời yêu thương che chở mái nhà/ chỉ quen
rẫy nương/ chỉ quen bếp lửa/ về với Yang còn thương chồng con đứt ruột”(Amí).
Không biết những tình yêu này chống chọi với thời gian bao lâu nữa khi mà cơn
lốc hiện đại hóa đang tràn về làng, che lấp đi phần nào dấu vết của những nếp
nhà rông, những buổi khan của người già, những vòng xoang như đang dần hẹp lại
khi chính những người con của núi rừng, của bản làng thay vì quay lại làng, lại
hướng ra phố để “một ngày mùa mưa em về/
giày cao gót lên cầu thang chới với/ tóc thôi thơm mùi trời” mặc cho “lũ em thập thò nghạch cửa/ lắc đầu nụ cười
em vẫy gọi/ mẹ cha trố mắt nhìn/ anh như
cây vông bị mối gặm” (Viết giữa mùa khô). Những hình tượng em, cha, mẹ
trong bài thơ này được nhắc tới nhưng vẫn không đủ sức thuyết phục bằng nhân
vật “anh” cách tả gợi hình đơn giản và chân chất như cách nói, cách ví von của
người Tây Nguyên được thể hiện rất rõ, nỗi thất vọng quá lớn, khiến nhân vật
“anh” bị đốn ngã, nhưng không phải chỉ đốn ngã một cách đơn giản bằng một nhát
cưa, hay nhiều nhát rựa mà “như cây vông
bị mối gặm” khi thấy sự thay đổi của nhân vật em, cách tả rất gợi hình được
lặp đi, lặp lại rất nhiều lần trong các bài thơ về Tây Nguyên, khiến cho độc
giả sẽ bất giác phải chiêm nghiệm lại toàn bài thơ để thấy hơi thở của Tây
Nguyên được tác giả khéo léo thổi vào.
Mặc dù có rất nhiều điều để bàn về tập
thơ, nhưng chính mỗi độc giả sẽ có một cách cảm, cách tiếp nhận riêng. Riêng tôi
thấy, tập thơ vẫn chưa thực sự hoàn mỹ, chưa thật sự “đã”, chưa đẩy hết mình
với Tây Nguyên, với mảnh đất bazan bắt lửa, với sâu sắc cội rễ bản làng bởi
xuyên suốt tập thơ không chỉ riêng phần về Tây Nguyên mà là về người phụ nữ.
Tập thơ càng về cuối càng như một bản tự sự của nhà thơ về tính nữ, về người
đàn bà tuổi ba mươi đầy mộng mị và ám ảnh chứ không trong trẻo như đôi mươi. Chính
điều này dường như tách ý tưởng thơ trong tập ra làm đôi, riêng rẽ và độc lập
giữa một bên là những người phụ nữ Jarai, người đàn bà sống trong lòng Tây
Nguyên, để yêu thứ đất “bazan/ bazan/ bazan” và một bên là người đàn bà của phù
sa sông Hồng, người đàn bà của tuổi ba mươi ám ảnh. Nên tôi cho rằng đây là một
tập thơ nhà thơ Hoàng Thanh Hương viết cho tuổi ba mươi đằm thắm của chính
mình, cũng như chính tác giả đang cất lời cho rất nhiều ba mươi nữ tính khác,
đang là “táo thơm chin đằm mùa trẩy”
là “xúng xính trang sức nụ cười/ Em – mùa
quyến rũ”. Đây chính tuổi đẹp nhất, chín nhất và đằm nhất của một người đàn
bà, nhưng đối với những người đàn bà theo nghiệp văn chương, coi “những con chữ thơm ngọc lan/ chắc nợ tự tiền
kiếp”, để rồi lại tự “thương quá bàn tay/ ngón hoài vọng ngón ước ao”, để
rồi lại tự là “Em người khép cửa nỗi
buồn/ cài then nỗi sợ ngày anh thất vọng”. Sự chia sẻ rất nhẹ nhàng và trữ
tình của một tâm hồn đầy rung cảm và dễ rung cảm của người đàn bà ba mươi đẹp
lạ lùng. Không đẹp sao được, khi một ngày người đàn bà chợt nhận ra bàn tay
mình vừa khít một bàn tay ai… rất lạ, bàn tay của mình bỗng “hoài vọng” một bàn
tay rất khác bàn tay của người đang bên mình tháng ngày. Rất thơ và rất thực,
nhưng rồi lại cũng rất lí trí, tỉnh táo khi nhìn lại người cùng mình “tháng năm cộng cảm” mà tự mình là người
“khép cửa nỗi buồn” bởi “nỗi sợ ngày anh thất vọng”(Viết cho tuổi ba mươi).
Tập thơ “Mùa gió hát” của nhà thơ Hoàng
Thanh Hương đủ mùi chín của một người đàn bà ba mươi tuổi đa sầu, đa cảm, đa
ngôn, đa chiều suy nghiệm. Trút lòng mình ra cho một mùa gió hát để chiêm cảm
nỗi cô đơn bất chợt, nỗi buồn thấp thoáng, rồi lại vu vơ một nụ cười rất tình,
rất tỉnh, rất mông lung… Bỏ qua sự bất hợp lý về cách chọn bài cũng như chọn
hình ảnh Tây Nguyên cho toàn tập thơ, thì đây là một tập thơ đẹp và nữ tính dành
riêng cho những người đàn bà và cả những ai đã từng bén màu đất bazan, bén mùi
người Tây Nguyên, bén mùi gió bụi Cao nguyên lồng lộng này. Và tập thơ dường
như gợi cho tôi nhớ về một câu hát "ngày
chị sinh trời cho làm thơ/ cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở/ cho làm câu hát
để người lý lơi”. Có lẽ người viết tập thơ này cũng mang tâm trạng như vậy
khi trút vào tập thơ tiếng thở của mình, chỉ như một “mùa gió hát” bên trời.
Lê Thị Kim Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét