Thơ trẻ và mùa Xuân
Vũ Thu Huế
Trong vài năm trở lại đây, trong đội ngũ các tác giả văn chương tỉnh nhà, những cây bút trẻ như Hoàng Thanh Hương, Ngô Thị Thanh Vân, miên di, Lê Vi Thủy, Lê Thị Kim Sơn… đang từng bước khẳng định mình và dần có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Chỉ tính riêng năm 2012, tác giả trẻ Lê Thị Kim Sơn có truyện trong top 10 truyện ngắn hay trên Văn nghệ trẻ, được in thành tập phát hành kèm báo Tết Quý Tỵ; tác giả Lê Vi Thủy, cùng với việc xuất bản tập thơ đầu tay-tập Mắt vỡ không còn bóng, truyện ngắn Bến đợi của chị được Văn nghệ trẻ chọn in trong tuyển tập truyện ngắn Thị trấn xe bus màu xanh, bán ngoài thị trường rất chạy. Riêng tác giả miên di, trong chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11 này, anh là một trong chừng chục tác giả trẻ được mời ra Văn Miếu-Quốc Tử Giám đọc thơ.
Theo sự đánh giá của nhà thơ Văn Công Hùng-Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai, những người viết trẻ mỗi người một thiên hướng, một tính cách, một giọng điệu…đã và đang góp cho vườn văn chương Gia Lai thêm hương sắc. “Các tác giả Gia Lai xuất hiện trên báo chí Trung ương khá nhiều, đặc biệt là những người viết trẻ. Tác phẩm của họ được in trên các báo văn chương lớn như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ trẻ…; có người được in chùm, có người được in nhiều lần. Ở tỉnh lẻ nên cái sự được xuất hiện trên báo Trung ương nó như một sự khẳng định và cũng như một cái đích để vươn tới…”-nhà thơ Văn Công Hùng nhìn nhận.
Nói về những người viết trẻ, trong đó có cá nhân mình, tác giả Hoàng Thanh Hương khẳng định: “Thực ra cái khái niệm trẻ-già chỉ là sự phân giới về tuổi, vấn đề là ở chỗ người viết bắt đầu viết, theo đuổi nghề viết và nghiêm túc với nó như thế nào. Nhiều người cứ cho rằng lớp trẻ bây giờ viết toàn chuyện tình yêu, sống ích kỷ và không nhiều trách nhiệm với Tổ quốc. Nhưng đó chỉ là số ít. Tôi cho rằng, người viết trẻ ở mỗi vùng miền của đất nước vẫn đang âm thầm khai thác những nét văn hóa đặc biệt ở nơi họ sống đem khoe lên trang viết để quảng bá quê hương họ, họ viết về Trường Sa, Hoàng Sa dù chưa lần đến và luôn mơ ước giới văn trẻ được đi một lần để viết cho ra hồn hơn... Vì vậy, tôi chỉ có thể nói, những người viết trẻ hôm nay, ở lĩnh vực thơ hay văn xuôi họ tài năng và đầy trách nhiệm với thời cuộc, họ yêu Tổ quốc và muốn góp sức làm đẹp hình ảnh Tổ quốc bằng những con chữ "rút ruột" của mình”.
Thực ra, nếu chúng ta dành thời gian để đọc tác phẩm của họ-những tác giả trẻ thì sẽ thấy, cách nhìn nhận của Hoàng Thanh Hương là xác đáng. Những người viết trẻ ở Gia Lai cũng vậy, họ cũng đang miệt mài ươm mật trên từng con chữ với mong muốn đem đến cho bạn đọc những tác phẩm hay nhất, giàu xúc cảm nhất của mình. Đơn cử, cũng nói về đất nước và mùa Xuân ấy nhưng với mỗi người viết trẻ ở Gia Lai lại có một cách nhìn, một cung bậc cảm xúc khác nhau về một mảng đề tài muôn thuở này. Với Lê Thị Kim Sơn, mùa xuân là một mùa thật đẹp và lộng lẫy: “Mùa lộng lẫy trên giàn hoa sớm/ Nắng hanh hao hong sợi tơ vàng/ Phố trải lụa con đường ngấm nguýt/ Cây lặng cười phân phát lộc non/ Hoa bừng tỉnh hân hoan ngày trẻ/ Gửi tình xa ngút gió bung trời” (bài Mùa lộng lẫy). Đối với Hoàng Thanh Hương, khi đất nước vào xuân, chị đã thực sự cảm nhận được đến thẳm sâu vẻ đẹp vốn có của đất trời trong những rung động chân thành và tha thiết: “Gió thoảng mùi xuân/ Thơm hết ngày đêm ngong ngóng/ Qua ngõ mùa xuân lung linh hoa nắng/ Quên mình bụi bặm trần gian/ Qua ngõ mùa xuân tóc xòa trong gió/ Mỗi sợi tóc mang một niềm mơ nhỏ/ Phập phồng, bối rối/ Không phải là mình từng trải/ Tinh khôi như mới chào đời” (bài Qua ngõ mùa Xuân). Cũng vẫn với những rung động chân thành ấy, chị đón xuân theo cách riêng có của mình, trong vẻ duyên dáng của một người con yêu diết da những nét văn hóa riêng có của quê hương, xứ sở: “Em về mùa xuân/ học cách gói bánh chưng quê mình xanh dẻo/ học cách làm dưa kiệu/ dẻo tay thêu thùa khăn áo/ rủ nhau sắp lễ lên chùa/ cầu duyên lứa trăm năm/ cầu cho nước non mình bốn mùa no ấm” (bài Em về mùa xuân). Còn với tác giả trẻ Lê Vi Thủy, còn gì đẹp hơn mùa Xuân, khi mà cả đất trời đang ngập tràn hương sắc: “Pleiku gọi tiếng chào xuân mới/ nai rừng gọi suối/ mai ngập lối/ thảng thốt vàng/ Thác Lệ Kim tuôn dòng sữa mẹ/ Biển Hồ khúc xuân mộng du du/ Anh trai làng ngã lưng tiếng chiêng xa/ lưng đèo hối hả/ sơn nữ tóc vàng mắt núi/ gùi lưng đoá dã quỳ nở muộn”(bài Xuân tình yêu)...
Có thể khẳng định, Gia Lai hiện nay đang được xem là một miền văn học đầy tiềm năng-tiềm năng cả về lực lượng và mảng đề tài, đặc biệt là về văn hóa. Đây cũng được xem như một động lực thúc đẩy thế hệ những người cầm bút trẻ vươn tới để có những tác phẩm đích thực, đáp ứng phần nào sự trông đợi của bạn đọc. Còn nói như nhà thơ Văn Công Hùng thì: “Tôi cho rằng, văn chương là luôn luôn mới, và vì thế, với người viết văn, thời gian lúc nào cũng là năm mới. Theo đó, 2013 chắc chắn sẽ có nhiều trái ngọt. Tôi tin điều ấy, như tin mùa Xuân đang đồng hành cùng chúng ta, hôm nay…”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét