6.19.2012

họa sĩ Xu Man

 Bài này mình viết theo "lệnh" của thư ký tòa soạn báo Gia Lai, viết một đêm sáng hôm sau nộp liền, mình không nhiều kí ức về bác Xu Man vì lúc mình về làm BTV Tạp chí Văn nghệ Gia Lai thì bác đã về hưu. Thôi một chút này trên số đặc biệt kỉ niệm 87 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam ra ngày 15-6/2012 nhân dịp bác được truy tặng Giải thưởng Nhà nước, mong bác vui lòng nơi cõi Yang.










                        Người họa sĩ tài hoa cả đời dành trọn cho hội họa
                                                                 Hoàng Thanh Hương


Tôi không có nhiều kí ức về họa sĩ Xu Man – cánh chim đầu đàn của mỹ thuật Tây Nguyên. Vì khi tôi về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Gia Lai - Hội VHNT tỉnh thì họa sĩ đã về hưu lâu rồi và đang vừa làm rẫy vừa vẽ ở làng Bông, xã A Yun huyện Mang Yang. Tôi chỉ biết ông là một họa sĩ tài hoa nhất Tây Nguyên và hầu như Tạp chí số tháng 5 nào mỗi năm tôi đều lựa tranh của ông trong tủ tranh ảnh lưu trữ để thiết kế bìa hoặc dàn vào trang ruột khi có bài viết về Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Những câu chuyện về ông cũng chỉ được nghe kể lại trong những cuộc rượu, trà của anh em văn nghệ sĩ và báo chí mỗi khi nhắc về mỹ thuật, về đội ngũ người vẽ của Gia Lai sau 1975. Những câu chuyện về ông là những giai thoại về một “người con tiêu biểu của dân tộc Tây Nguyên, người hoạ sĩ tài hoa của đất nước Việt Nam” như nhà thơ Văn Công Hùng từng viết trong bài
“ Họa sĩ Xu Man đã về cõi Yang” đăng trên http://vanconghung.vnweblogs.com. Tôi còn nhớ có lần nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha về Pleiku công tác, xong việc anh nhờ mấy người bạn đồng nghiệp ở phố núi đưa về Plei Bông thăm gia đình và viếng mộ họa sĩ Xu Man, trở về anh có cuộc nói chuyện dài với nhạc sĩ, thạc sĩ Lê Xuân Hoan - Chủ tịch Hội VHNT Gia Lai trong đó có nhắc tới tranh của ông, nhắc tới hồi ông công tác tại Ty Văn hoá Thông tin Gia Lai - Kon Tum, cả việc 2 hai khoá liên tiếp ông được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam và là Uỷ viên Ban Chấp hành rồi Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai khoá đầu tiên... câu chuyện kéo về những ngày tháng ông ốm đau, mất hụt mấy lần và mất thật vào ngày 28 tết năm 2007 tại làng. Anh Kha đề nghị lập một quỹ nhỏ để xây mộ cho ông ở tại nơi ông sinh ra và về với Yang. Anh Kha còn cùng một người bạn đã góp những đồng quỹ đầu tiên và số tiền đó giờ văn phòng Hội vẫn giữ, chờ thu được kha khá sẽ chuyển về cho con cháu ông. Cách đây nửa tháng tôi có nghe chánh văn phòng Hội báo ông Xu Man được truy tặng giải thưởng nhà nước về VHNT năm nay sau hai lần xét đề nghị với cụm ba tác phẩm, trong đó có bức tranh sơn dầu nổi tiếng “Bác Hồ với Tây Nguyên”. Cánh chim đầu đàn của Mỹ thuật Gia Lai – Tây Nguyên không còn trên cõi đời để đến Nhà hát lớn Hà Nội nhận danh hiệu cao quý này nhưng tin là ở nơi xa xôi tiên tổ ông cũng vui lòng vì thấy được sự tri ân, ghi nhận này của Đảng và Nhà nước cho những công lao cống hiến của ông cho cách mạng cho nền mỹ thuật hiện đại nước nhà. Số tiền thưởng 120 triệu đồng, Hội VHNT đang phối hợp với xã Ayun huyện Mang Yang giúp làm các thủ tục cần thiết để người thân ông được thừa hưởng số tiền này. Các văn nghệ sĩ, nhà báo tiền bối ở Gia Lai, không ai là không có vài kỉ niệm với ông, người có đôi tay vàng và trái tim biết hát. Hồi ông mất nhà thơ Văn Công Hùng đã viết những dòng đầy thương tiếc và kính phục: “Chúng tôi luôn đánh giá ông là một trong những tài năng quý hiếm của Tây Nguyên. Giờ ông ra đi, giới mỹ thuật Việt Nam khuyết đi một chân dung, một nhân cách, một tài hoa, một độc đáo, một bản sắc, một mảng màu rực rỡ mà sâu lắng mang tên Xu Man. Nhưng bù lại, những tác phẩm của ông vẫn còn lại mãi với thời gian, với tấm lòng những người yêu hội hoạ...”. Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ trong bài viết “Thêm những hiểu biết về cuộc đời họa sĩ Xu Man” trên http://baogialai.com.vn cũng yêu mến viết về ông: “Ông vẽ nhiều nhưng tuyệt nhiên không giữ lại làm của riêng cho mình một tác phẩm nào. Tranh của Xu Man có trong Bảo tàng Mỹ thuật và lưu lạc ở nhiều nơi; bạn bè cũng từng tổ chức cho ông một triển lãm cá nhân. Với ông, hình như điều đó không phải là việc quan trọng lắm. Xu Man về hưu, lại tiếp tục làm rẫy và tranh thủ vẽ. Bởi đó là hai công việc mà theo ông, không được làm thì sẽ “chết ngay”. Tôi cũng có lần được xem tập tranh của ông từ tủ sách quý của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, cảm nhận đầu tiên là ông vẽ nhiều về Bác Hồ. Bác Hồ trong tranh ông tươi tắn, hiền hậu, chan hòa tình cảm thân thương với đồng bào Tây Nguyên và đẹp theo kiểu Bahnar. Đa số những tác phẩm này ông vẽ trong bối cảnh không gian rộng lớn giữa buôn làng, trước nhà rông, ở những nơi trang trọng nhất. Ông vẽ gần 100 bức tranh về Bác Hồ như “Bác Hồ với nhân dân Tây Nguyên”, “Nhân dân Tây Nguyên với Bác Hồ”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Đón Bác về Tây Nguyên”, “Mừng chiến thắng”... Bức nào cũng vô cùng sinh động, rực rỡ sắc màu và lôi cuốn người xem một cách “đi thẳng vào lòng người”. Vẽ về Bác Hồ là đề tài mà ông tâm đắc trong cả cuộc đời sáng tác. Ông từng nói: “Tôi yêu nhất Bác Hồ, không có Bác, có Đảng thì đâu có đời tôi hôm nay”. Bác luôn ở trong trái tim ông và ông lúc nào cũng nhớ đến Bác cũng như tấm lòng của đồng bào Tây Nguyên đối với Bác và Bác với đồng bào Tây Nguyên. Là họa sĩ rất giỏi vẽ phong cảnh, giỏi vẽ đám đông, giỏi trang trí và sử dụng màu... song ông lại non về khắc họa chân dung nhân vật. Ông từng tâm sự “dù xấu hay đẹp mình cũng phải vẽ Bác Hồ thôi, không ai chê Bác Hồ, vì Bác Hồ đây là Bác Hồ của Xu Man mà!”. Riêng với họa sĩ Xu Man mỗi khi cầm cọ lên hai hình ảnh đầu tiên tràn đầy trong đầu ông đó là quê hương ông và Bác Hồ. Ông đã tới nhiều nơi trên đất nước, nhưng ông không vẽ gì khác ngoài đề tài Tây Nguyên và Bác Hồ. Đó là nguồn cảm hứng và cũng là đề tài sáng tác vô tận của Xu Man.


Chuyện về cuộc đời và sự nghiệp phục vụ cách mạng, lao động nghệ thuật của ông kể hoài không cạn, nhưng việc ông được truy tặng giải thưởng nhà nước đợt này khiến bao người yêu mến, kính trọng ông từ xưa đến nay vui mừng vô cùng. Vẫn biết giải thưởng không phải là tất cả và đền đáp hết được những cống hiến suốt một đời của người con ưu tú Siu Yơng tên thật của hoạ sĩ Xu Man, người thầy đáng kính của mỹ thuật Tây Nguyên nhưng nó là sự ghi nhận và đánh giá xứng đáng dành cho một họa sĩ tài hoa cả đời dành trọn cho nghệ thuật hội họa, dành trọn cho quê hương Gia Lai. Tây Nguyên tự hào về ông, người Bahnar tự hào về ông cũng như ông tự hào về dân tộc mình. Nền Mỹ thuật Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng sẽ luôn tự hào và trân trọng những cống hiến về mỹ thuật của ông.

1 nhận xét:

  1. Bài viết về hoạ sĩ Xu-man tuy ngắn gọn nhưng chất chứa ăm ắp cái tình, cái ân nghĩa của em với hoạ sĩ. Bác Hồ với Tây Nguyên là cảm hứng vô tận cho anh chị em VNS, và người thành công đó là hoạ sĩ Xu-man. Chúc mừng em nhân ngày 21-6 nha.
    À, cái thằng blogspot dạo này quá chán. Đến nhà mình mà nó cũng không cho vào. Tức lắm, em ạ. Em sửa lại đường dẫn HOA NHÃ MY giúp anh nhé cho nó cập nhật hển thị bài kịp thời. Http://phidongha.blogspot.com. Cảm ơn em.

    Trả lờiXóa