4.24.2012

ĐỌC SÁCH - MỘT NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA THẦY VÀ TRÒ TRƯỜNG PTTH TRẦN PHÚ

ĐỌC SÁCH      
      - MỘT NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA THẦY VÀ TRÒ TRƯỜNG PTTH TRẦN PHÚ
                                                                                               
Cứ nghĩ trong thời buổi bùng nổ thông tin, các cô cậu học trò thời @ chỉ thích ôm máy vi tính sục sạo thế giới ảo, chơi game online, nghe nhạc máy di động hoặc fan của mấy bộ truyện tranh teen Nhật Bản, Trung Quốc... mà thờ ơ với các loại sách bồi bổ trí tuệ và tâm hồn khác. Nhưng tôi hoàn toàn bị bất ngờ và ngạc nhiên thú vị khi sáng 23-4/2012, cùng nhà văn Thu Loan và các cán bộ của công ty sách và thiết bị trường học Gia Lai xuống trường THPT Trần Phú (Chư Prông) dự chương trình khai mạc Ngày hội đọc sách năm 2012 của trường.
Ngạc nhiên đầu tiên là một không gian mở với sân khấu chính được trang trí đẹp mắt cùng một chương trình văn nghệ đặc sắc nhất mà tôi từng được xem do tập thể thầy cô và các em học sinh của trường tự tập luyện trong vòng nửa tháng và biểu diễn với những tiết mục múa, hóa trang nhân vật văn học, tiểu phẩm, hát đơn. Tôi đặc biệt ấn tượng với phần hóa trang nhân vật văn học do các em học sinh khối 12 thể hiện, hai nhân vật truyện tranh Nhật nổi tiếng khắp Châu Á: Nôbita và mèo máy Đôrêmon làm dẫn chuyện, 2 nhân vật này đã đưa người xem vào thế giới những cuốn sách nổi tiếng gặp lại những nhân vật văn học quen thuộc như: Tấm – Cám, Rômêo – Juliet, Thị Nở - Chí Phéo và bà cô Nở, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn ngộ nghĩnh. Các em hóa trang và hóa thân vào nhân vật đạt đến nỗi tất cả  khán giả phía dưới từ các đại biểu, các nhà văn, thầy cô giáo và hơn 500 học sinh không ngớt vỗ tay thích thú, ngưỡng mộ. 
Thầy giáo dạy lý Nguyễn Thái Hạnh - Chủ tịch công đoàn trường khoe: “Năm học 2011-2012 thực chỉ thị nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức Ngày hội đọc sách trong các nhà trường phổ thông, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo tổ Văn -Sử - Địa – Thư viện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Và từ đầu năm đến nay liên tổ đã tổ chức được 4 kỳ, mỗi kỳ giới thiệu một cuốn sách đến các em học sinh toàn trường như: Cười lên đi cô ơi, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Tìm hiểu về phong tục lễ tết của một số nước trên thế giới, Xin hãy cho con thêm thời gian... và chương trình mỗi tháng một cuốn sách này đang thu hút được các em tham gia nhiệt tình, tạo chuyển biến tốt về nhận thức và hành vi ứng xử cho các em”. Giỏi ở chỗ chỉ trong vòng một tháng thầy cô và các em đã dàn dựng được một chương trình hấp dẫn có múa hát và kịch theo nội dung cuốn sách. Ví dụ để giới thiệu cuốn “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” các em đã xây dựng một đoạn kịch ngắn về nhân vật do chính các em đóng vai và dẫn dắt. Hay để giới thiệu cuốn “ Xin hãy cho con thêm thời gian” viết về nghị lực sống của cô gái mắc bệnh ung thư xương Lê Thanh Thúy công dân tiêu biểu của TP. HCM, thầy và trò nhà trường đã thực hiện một chuỗi tổ khúc hát múa phụ họa về tuổi trẻ, về những tấm gương thanh niên sống đẹp. Từ những hoạt động giới thiệu sách sinh động như thế đã tạo nên hiệu ứng tích cực, các em hồ hởi đón nhận sách, say mê tìm hiểu, viết bài cảm nhận về tác phẩm gửi đến BTC nhà trường và có thái độ sống tích cực hơn. Những bài viết tốt của các em BTC chọn đăng trên website của trường và cuối đợt trao giải. Chỉ 4 tháng sau khi phát động và thực hiện phong trào đọc sách, trung bình hàng tháng có từ 14-17 số lớp tham gia, số lớp tham gia viết bài tìm hiểu về cuốn sách là 17 và hàng tháng có gần 170 bài viết cảm nhận về các cuốn sách được giới thiệu. Đợt này nhà trường đã khen thưởng tập thể các lớp 12A, 10C, 10B, 11B,11A, 10D,12D và cá nhân em Đỗ Bá Ân, Đỗ Thị Thạnh, Hoàng Quang Vũ cùng thầy giáo Lê Anh Quốc đã có thành tích xuất sắc trong phong trào đọc sách của trường.
Ngạc nhiên thứ hai là tôi vẫn nghĩ học sinh bây giờ không yêu thích môn văn nói riêng và các môn học xã hội nói chung và cũng thường thưa thớt em chọn các ban, ngành học xã hội để thi tuyển vào các trường đại học bởi một lý do: những nghề thuộc ngành học đó sau này ra trường làm việc thu nhập thấp, xin việc khó... Thế nhưng tại ngày hội đọc sách này, khi giao lưu với nhà văn Thu Loan tác giả của hơn chục đầu sách cả thơ lẫn văn xuôi, “người đàn bà viết” của khu vực Tây Nguyên, tác giả của bài thơ “Những bà mẹ Tây Nguyên” được chọn giảng dạy trong chương trình văn học địa phương cấp THCS, các em đã ào ào giơ tay xin hỏi nhà văn về kinh nghiệm để có một bài văn hay, bố cục chặt chẽ, làm thế nào để chọn được cuốn sách hay khi mà hiện nay thị trường sách đang tràn lan các loại, làm thế nào để rèn bản thân thói quen đọc sách, và thú vị hơn khi có một em học sinh tên Lê Trọng Đạt đã xin nhà văn được đọc một bài thơ viết về mái trường và bạn bè thân yêu cho những ngày sắp chia tay mãi mãi. Em xin nhà thơ nhận xét chân tình để em tự tin nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp trong tương lai. Nhà văn đã dành khá nhiều thời gian để nói về giá trị của sách mang lại cho mỗi người đọc và chia xẻ kinh nghiệm viết lách hơn 30 năm với các em. Đặc biệt chị đã tặng thư viện nhà trường một số tác phẩm của chị và tặng riêng em Lê Trọng Đạt tập thơ Sứ giả - tập thơ đạt giải B (không có giải A) của Hội VHNT các DTTS VN năm 2007 với lời chúc em nuôi dưỡng đam mê và trau dồi việc viết để sớm trở thành nhà thơ như em mơ ước.
Ngạc nhiên thứ ba là ngay tại hai bên khu vực sân khấu khai mạc ngày hội sách, tôi không ngừng thích thú và yêu quý các em khi thấy những mô hình sách được sắp đặt và trưng bày với những ý tưởng vô cùng độc đáo của các em học sinhh của cả 3 khối lớp. Những căn nhà sách, tháp sách, con đường sách... được dựng, cuộn, xếp, ráp rất công phu. Lớp nào cũng muốn mô hình trưng bày của lớp mình đạt giải cao trong đợt thi đua này. Những câu nói nổi tiếng về giá trị sách như “Sách là cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời” ( A. Upit) hay “Chỉ có sách va người thầy mới làm nên trường học” (Xukhômlinxky) được viết thật đẹp trên giấy cứng treo khắp các góc rạp, cành cây xung quanh khuôn viên lễ khai mạc khiến người dự có cảm nhận rất đẹp thầy và trò trường THPT Trần Phú trong tinh thần quý sách và ham đọc sách.
Bây giờ đọc sách đã trở thành thói quen và là một nét đẹp văn hóa lĩnh hội tri thức của thầy trò nhà trường, và chuỗi các hoạt động xoay quanh chủ đề “Sách niềm vui và trí tuệ” được tổ chức hàng tháng từ đầu năm học đến nay đã thực sự tạo sân chơi bổ ích và tôn vinh giá trị của sách cũng như văn hóa đọc của thầy cô và học sinh trường Trần Phú. Đây là một mô hình hoạt động ý nghĩa và thiết thực cần được triển khai nhân rộng trong các trường PTTH toàn tỉnh khi mà hôm nay đọc sách là một hoạt động không còn nhiều của các bạn trẻ. Bởi vì luôn luôn và mãi mãi những cuốn sách hay sẽ nuôi dưỡng tâm hồn con người. Để mỗi người biết sống yêu thương, chia xẻ và vươn lên vì một ngày mai tươi xanh hy vọng.
Một trong số rất nhiều các mô hình trưng bày sách của học sinh trường THPT Trần Phú


Nhà văn Thu Loan giao lưu với thầy trò trường THPT Trần Phú (H. Chư Prông)

Hiệu trưởng Nguyễn Đình Trung và nhà văn Thu Loan tặng quà 
cho các em đạt giải trong phong trào đọc sách năm 2012

6 nhận xét:

  1. Hay quá! Cả việc làm của trường và bài viết của em! Hoan hô. Rất trân trọng những tấm lòng yêu sách đó phải không em? Nói nhỏ tí nha, nại bị nỗi trính tả, chỉ cần một chữ Trung thôi ko cần Trung Trung Quốc đâu. Hi hì. Nhà thơ, nhà báo, nhà văn hoá kịp thời quá. Chúc mừng nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. vang dung la bi mot loi chinh ta. Em sua ngay roi anh a. Anh biet khong hom do di ve em vui lam vi bay gio ma cac chau con me sach nhu vay thi mung that mung.

      Xóa
  2. CHÀ! THÚ VỊ THẬT! CHỊ VÀ NHỮNG AI ĐI GIAO LƯU VẬY CHỊ?! CÔNG NHẬN CÀNG NGÀY, CÁC TRƯỜNG CÀNG BIẾT TỔ CHỨC NGOẠI KHÓA THẬT BỔ ÍCH VÀ LÝ THÚ. HÔNG NHƯ HỒI TỤI EM CÒN ĐI HỌC!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nha van Thu Loan thoi em a, chi di viet bao, khong tu cach nha tho. Cac em truong TP doc thuc su va viet cam nhan ve cac tac pham rat tuyet voi. Gia truong nao thay co cung huong cho cac em nhung hoat dong tot nhu the nay em nhi.

      Xóa
  3. Về Chư Prông mà im hơi lặng tiếng hè?

    Trả lờiXóa
  4. Em về tí buổi sáng, lại bận việc nên im hơi lặng tiếng, hơn nữa ngày đầu tuần e là anh bận rộn nên không alô.

    Trả lờiXóa